Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài viết
Ngày Lễ Giáng Sinh không có nguồn gốc ngoại giáo
Nói chung, người ta vẫn cho rằng các Kitô hữu tiên khởi nhận ngày 25 tháng Mười Hai làm ngày Chúa Giêsu sinh ra để kết nạp việc người ngoại giáo mừng ngày đông chí. Nhưng theo Giáo Sư William Tighe, Giáo Sư Sử Học tại Cao Đẳng Muhlenberberg ở Allentown, Pensylvannia, suy nghĩ như thế không hẳn đúng.
 

nativity.jpg  

Dựa vào các nghiên cứu sâu rộng của ông, Giáo Sư Tighe cho rằng ngày 25 tháng Mười Hai “hoàn toàn phát xuất từ các cố gắng của các Kitô hữu La Tinh tiên khởi nhằm xác định ngày qua đời theo lịch sử của Chúa Giêsu”. Ông còn cho rằng việc Hoàng Đế Aurelian năm 247 lập ngày 25 tháng Mười Hai làm ngày mừng “việc hạ sinh của Mặt Trời Vạn Thắng… chắc chắn là một mưu toan tạo ra một ngày của người ngoại giáo nhằm thay thế cho ngày lễ lúc ấy đã trở thành quan trọng đối với các Kitô hữu Rôma”.

Tính ngày Lễ Giáng Sinh

Theo Giáo Sư Tighe, ý niệm cho rằng Ngày Lễ Giang Sinh bắt nguồn từ Ngày Mặt Trời của người ngoại giáo là ý niệm của hai học giả cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Paul Ernst Jablonski, một người Thệ Phản Đức, muốn chứng tỏ rằng việc mừng ngày sinh của Chúa Giêsu vào ngày 25 tháng Mươi Hai là một trong nhiều cố gắng nhằm “ngoại giáo hóa” Kitô Giáo, một việc được Giáo Hội vào thế kỷ thứ tư chủ trương, và là một trong nhiều “thoái hóa” nhằm biến Kitô Giáo tông truyền tinh tuyền thành Đạo Công Giáo. Còn Dom Jean Hardouin, một đan sĩ Biển Đức, thì cố gắng chứng minh rằng Giáo Hội Công Giáo tiếp nhận các ngày lễ của ngoại giáo để phục vụ các mục đích của Kitô Giáo mà không ngoại giáo hóa Tin Mừng.

 

Trong lịch Julian, được sáng chế năm 45 trước Công Nguyên, dưới thời Julius Caesar, ngày đông chí rơi vào ngày 25 tháng Mười Hai, và do đó, đối với Jablonski và Hardouin, điều hiển nhiên là nó có ý nghĩa ngoại giáo trước khi có ý nghĩa Kitô Giáo. Nhưng sự thực là ngày ấy không hề có ý nghĩa tôn giáo nào trong lịch lễ lạc của người Rôma ngoại giáo trước thời Aurelian, và việc thờ cúng mặt trời cũng không đóng một vai trò gì nổi bật ở Rôma trước thời hoàng đế này.

 

Có hai đền thờ mặt trời tại Rôma: một đền cử hành ngày cung hiến nó vào ngày 9 tháng Tám, còn đền kia cử hành ngày cung hiến nó vào ngày 28 tháng Tám. Nhưng, đến thế kỷ thứ hai, cả hai việc cúng tế này đều đã rơi vào quên lãng, khi các đạo thờ mặt trời của Đông Phương, như đạo thờ thần Mithra chẳng hạn, bắt đầu được người Rôma ưa chuộng. Và dù thế nào, không thứ đạo nào trong số này, dù cũ hay mới, có lễ lạc nào liên quan tới các ngày Đông/Hạ Chí hay các ngày Xuân/Thu Phân.

 

Chuyện xẩy ra là Hoàng Đế Aurelian, cai trị từ năm 270 cho tới ngày bị ám sát vào năm 275, vốn thù nghịch đối với Kitô Giáo và xem ra muốn cổ vũ việc lập ra ngày lễ “Sinh Nhật của Mặt Trời Vạn Thắng” như một phương thế hợp nhất các việc thờ cúng ngoại giáo khác nhau trong Đế Quốc quanh việc kỷ niệm “ngày tái sinh” hàng năm của thần Mặt Trời. Ông điều khiển một đế quốc lúc ấy xem ra đang bắt đầu sụp đổ trước bất ổn nội bộ, phản loạn tại các tỉnh, kinh tế xuống dốc, và những vụ tấn công liên tiếp của các bộ lạc Đức ở phía Bắc và của Đế Quốc Ba Tư ở phía Đông.

 

Tạo ra một ngày lễ mới, ông cố ý dùng sự khởi đầu của việc kéo dài hơn ánh sáng ban ngày và rút ngắn hơn bóng đêm vào ngày 25 tháng Mười Hai làm một biểu tượng cho việc “tái sinh” hay trẻ trung hóa mãi mãi Đế Quốc Rôma, phát sinh từ việc duy trì thờ cúng các thần minh mà sự phù trì của các vị đã đem lại cho Rôma sự vĩ đại và thống trị thế giới của nó. Nếu có thể kết nạp ngày lễ của Kitô Giáo thì càng tốt.

Một phó sản

Quả thực, chứng cớ thứ nhất cho thấy việc các Kitô hữu cử hành ngày 25 tháng Mười Hai như ngày sinh của Chúa Giêsu phát sinh từ Rôma, ít năm sau khi Aurelian, tức năm 336 công nguyên, nhưng có chứng cớ từ cả Đông Phương nói tiếng Hy Lạp lẫn Tây Phương nói tiếng La Tinh cho thấy các Kitô hữu đã tính toán ngày sinh của Chúa Giêsu trước khi họ cử hành ngày này trong phụng vụ, có khi từ các thế kỷ thứ hai và thứ ba. Thực vậy, chứng cớ này cho ta biết việc nhận ngày 25 tháng Mười Hai chỉ là phó sản của việc xác định ngày Chúa Giêsu chết và sống lại.

 

Việc trên xẩy ra thế nào? Có một sự mâu thuẫn biểu kiến giữa ngày Chúa Giêsu qua đời trong các Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Thánh Gioan. Các Tin Mừng Nhất Lãm đặt ngày đó vào Ngày Vượt Qua (sau khi Chúa cử hành Bữa Vượt Qua vào đêm hôm trước), còn Tin Mừng Thánh Gioan thì đặt nó vào hôm Vọng Vượt Qua, đúng lúc chiên Vượt Qua được sát tế trong Đền Thờ Giêrusalem để dùng cho ngày lễ, để bảo đảm nó phải diễn ra sau hoàng hôn ngày đó.

 

Giải quyết vấn nạn trên bao hàm việc trả lời câu hỏi liệu Bữa Tối Cuối Cùng của Chúa chính là Bữa Vượt Qua, hay một bữa được cử hành một ngày trước đó; câu hỏi này ta không bàn ở đây. Ta chỉ cần biết rằng Giáo Hội Sơ Khai theo Thánh Gioan hơn là theo các Tin Mừng Nhất Lãm, và do đó tin rằng cái chết của Chúa Giêsu xẩy ra ngày 14 Nisan, theo lịch mặt trăng của Do Thái. Tiện thể cũng nên biết các học giả hiện đại đồng ý rằng cái chết của Chúa Giêsu rất có thể chỉ xẩy ra trong các năm 30 hay 33 công nguyên mà thôi, vì hai năm này là hai năm duy nhất thời đó khi ngày vọng Vượt Qua rơi vào hôm thứ Sáu, có lẽ vào ngày 7 tháng Tư năm 30 hay ngày 3 tháng Tư năm 33.

 

Tuy nhiên, lúc buộc phải tách ra khỏi Do Thái Giáo, Giáo Hội Sơ Khai đã bước vào một thế giới với những thứ lịch khác hẳn, và phải tính thời gian riêng để cử hành Ngày Chúa Chịu Nạn, chứ không còn lệ thuộc cách tính ngày Vượt Qua của tư tế Do Thái nữa. Ngoài ra, vì lịch Do Thái là lịch mặt trăng gồm 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, mỗi ít năm, một tháng thứ 13 phải được thêm vào bằng sắc lệnh của Thượng Hội Đồng để giữ cho lịch ăn khớp với các ngày xuân/thu phân và hạ/đông chí, cũng như tránh cho các mùa khỏi rơi “lạc” vào các tháng không thích đáng.

 

Ngoài khó khăn phải theo dõi việc định ngày Vượt Qua cho một năm nhất định nào đó, việc các Kitô hữu theo lịch mặt trăng để tính ngày riêng của họ cũng rất có thể đăt họ vào thế khó xử với cả người Do Thái lẫn dân ngoại, và rất có thể gây tranh cãi nội bộ không thôi. Chứng cớ lịch sử cho thấy trong thế kỷ thứ hai, họ vốn tranh cãi gắt gao về việc ngày Vượt Qua có luôn phải xẩy ra vào Chúa Nhật hay vào bất cứ ngày nào trong tuần miễn là sau ngày 14 tháng Artemision/Nisan 2 ngày.

 

Các khó khăn trên đã được giải quyết cách khác nhau giữa các Kitô hữu Hy Lạp ở phía đông và các Kitô hữu La Tinh ở phía tây Đế Quốc. Các Kitô hữu Hy Lạp hình như muốn tìm một ngày tương đương với ngày 14 Nisan trong lịch mặt trời của họ, và vì tháng Nisan là tháng trong đó ngày xuân phân xẩy ra, nên họ chọn ngày 14 tháng Artemision, là tháng trong đó ngày xuân phân luôn luôn diễn ra trong lịch của họ. Khoảng năm 300 công nguyên, lịch Hy Lạp bị lịch Rôma thay thế và vì các ngày đầu và cuối tháng trong hai hệ thống này không trùng nhau, nên ngày 14 Artemision đã trở thành ngày 6 tháng Tư.

 

Ngược lại, Các Kitô hữu La Tinh thế kỷ thứ hai ở Rôma và Bắc Phi hình như muốn thiết lập ngày lịch sử trong đó Chúa Giêsu qua đời. Đến thời Tertullianô, họ đã kết luận rằng Người qua đời vào thứ Sáu, 25 tháng Ba năm 29.

Tuổi Toàn Diện (Integral Age)

Do đó, ở Đông Phương, ta có ngày 6 tháng Tư, ở Tây Phương, ta có ngày 25 tháng Ba. Đến đây, thiết nghĩ nên giới thiệu một niềm tin hình như rất phổ biến trong Do Thái Giáo thời Chúa Giêsu, nhưng, vì không được nói tới ở bất cứ chỗ nào trong Thánh Kinh, nên đã hoàn toàn bị Kitô hữu quên mất. Đó là ý niệm “tuổi toàn diện” của các tiên tri Do Thái vĩ đại: ý niệm này cho rằng các tiên tri của Israel chết cùng ngày với ngày sinh hay ngày họ được thụ thai.

 

Ý niệm trên là một nhân tố chủ yếu để hiểu được tại sao một số Kitô hữu tiên khởi lại tin rằng ngày 25 tháng Mười Hai là sinh nhật của Chúa Giêsu. Các Kitô hữu tiên khởi đã áp dụng ý niệm trên vào Chúa Giêsu, nên ngày 25 tháng Ba và 6 tháng Tư không những là ngày Chúa Giêsu được giả thiết qua đời, mà còn là ngày Người được thụ thai hay được sinh ra nữa. Cũng có một số chứng cớ thoáng qua cho thấy ít nhất một số người ở các thế kỷ thứ nhất và thứ hai nghĩ rằng 25 tháng Ba hay 6 tháng Tư là sinh nhật của Chúa Giêsu. Nhưng nói chung, ý kiến cho rằng ngày Người được thụ thai là ngày 25 tháng Ba đã thắng thế.

 

Cho tới nay, ngày trên vẫn được Giáo Hội hoàn vũ cử hành như là Lễ Truyền Tin, khi Tổng Thiên Thần Gabriel đem tin vui Chúa Cứu Thế tới cho Trinh Nữ Maria; và nhờ sự chấp nhận của Trinh Nữ mà Ngôi Lời Đời Đời của Thiên Chúa (“ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời”) đã nhập thể trong cung lòng ngài. Thai kỳ kéo dài bao lâu? Chín tháng. Cộng chín tháng này vào 25 tháng Ba, ta sẽ có ngày 25 tháng Mười Hai; cộng nó vào ngày 6 tháng Tư, ta sẽ có ngày 6 tháng Giêng. Ngày 25 tháng Mười Hai là Lễ Giáng Sinh, và ngày 6 tháng Giêng là Lễ Hiển Linh.

 

Lễ Giáng Sinh (25 tháng Mười Hai) là lễ có nguồn gốc Kitô giáo Tây Phương. Ở Constantinople, hình như nó đã được đưa vào năm 379 hay 380. Theo một bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu, lúc ấy là một nhà khổ tu và giảng thuyết nổi tiếng tại quê hương Antiôkia, hình như lễ này được cử hành tại đó ngày 25 tháng Mười Hai năm 386. Từ trung tâm này, nó được loan truyền khắp Đông Phương Kitô Giáo, được Alexandria chấp nhận khoảng năm 432, được Giêrusalem chấp nhận một thế kỷ sau. Người Ácmêni, duy nhất trong số các Giáo Hội Kitô Giáo cổ thời, không bao giờ chấp nhận nó và cho tới nay vẫn cử hành ngày Chúa ra đời, việc Người hiển linh cho ba nhà thông thái, và việc Người chịu phép rửa cùng ngày 6 tháng Giêng.

 

Đến lượt mình, các Giáo Hội Tây Phương dần dần chấp nhận lễ Hiển Linh ngày 6 tháng Giêng của Đông Phương, vào khoảng giữa các năm 366 và 394. Nhưng ở Tây Phương, lễ này thường được trình bầy như ngày tưởng niệm việc ba nhà thông thái tới kính viếng Hài Nhi Giêsu, và trong tư cách ấy, nó là một lễ quan trọng, nhưng không phải là một trong các ngày lễ quan trọng nhất, khác với Đông Phương nơi người ta coi nó chỉ thua có Lễ Phục Sinh mà thôi.

 

Tại Đông Phương, Lễ Hiển Linh vượt hẳn Lễ Giáng Sinh. Lý do là: lễ này cử hành việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại Sông Giócđăng và là dịp trong đó Tiếng Chúa Cha và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống đều đã tỏ lộ lần đầu tiên cho con người mau chết biết thần tính của Chúa Kitô Nhập Thể và Ba Ngôi trong Một Bản Tính Thiên Chúa.

Ngày lễ Kitô Giáo

Như thế, ngày 25 tháng Mười Hai như ngày giáng sinh của Chúa Giêsu rõ ràng không nợ nần bất cứ điều gì từ ảnh hưởng ngoại giáo trong thực hành của Giáo Hội từ thời hay sau thời Constantinô. Rất có thể nó không phải là ngày Chúa Giêsu sinh ra, nhưng nó hoàn toàn phát sinh từ các cố gắng của các Kitô hữu La Tinh sơ khai trong việc xác định ra ngày Chúa Kitô chết theo lịch sử.

 

Còn ngày lễ ngoại giáo do Hoàng Đế Aurelian thiết lập vào ngày đó năm 274 không những là một cố gắng dùng ngày đông chí làm lợi điểm chính trị, mà gần như cũng là một mưu toan đem ý nghĩa ngoại giáo đáng kể đến cho một ngày đến lúc đó đã rất quan trọng đối với các tín hữu Rôma. Sau này, đến lượt mình, nhân ngày Chúa Giêsu sinh ra, các Kitô hữu đã có thể dựa vào “Sinh Nhật của Mặt Trời Vạn Thắng” để nhắc tới việc mọc lên “ Mặt Trời Cứu Rỗi” hoặc “Mặt Trời Công Lý”.

 

Vũ Văn An

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: