Damascus, Syria - Alejandro León là một tu sĩ người Venezuela,
thuộc dòng Salêdiêng Don Bosco. Khi gia nhập dòng, León đã biết là mình
muốn trao cho những người trẻ nền giáo dục và sự quảng đại mà mình đã
được đón nhận.
|
Vì
vậy, vào năm 2003, khi được 24 tuổi, thầy León đã xin đi “đến bất cứ
nơi nào có nhu cầu, cần sự phục vụ nhất.” Bề trên đã gửi thầy León đến
Trung đông và thầy đã truyền giáo 13 năm tại Trung đông và từ năm 2011,
nghĩa là khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu bùng nổ, cha León lúc đó
mới được chịu chức Linh mục, đã được sai đến phục vụ tại Syria. Được sai
đến Syria khi chiến tranh đang bắt đầu nhưng cha León đã chấp nhận vâng
theo ra đi. Theo Cha León, ở Syria trong thời chiến tranh là một dấu
hiệu của lòng thương xót và tình yêu của Chúa dù nó cũng có nghĩa là sẽ
gặp nguy hiểm cho mạng sống và thường ở gần cái chết. Đến một đất nước
nơi chiến tranh đang bùng nổ làm cho cha León lo sợ nhưng cha cũng nhớ
rằng khi cha ở đó cha đã nhận ra điều căn bản. Cha đã có một đời sống
hạnh phúc nhờ gia đình của cha và các tu sĩ Don Bosco.
Cha
León chia sẻ: “Nguy hiểm (mà tôi đối mặt) đáng giá (với những gì tôi có
thể làm). Nếu nguy hiểm xảy ra và điều không may xảy đến cho tôi, tôi
tin là tôi đã sống đủ lâu để tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và đó là
biết được tôi được Thiên Chúa yêu thương rất nhiều. Dù là các tu sĩ Don
Bosco chúng tôi đã hứa vâng phục các bề trên, các ngài đã cho chúng tôi
được tự do để chỉ những ai muốn ở lại Syria sẽ ở lại đó. Tôi tin là mỗi
người trong chúng tôi, 7 tu sĩ ở 3 cộng đoàn, đã trải qua những khoảnh
khắc mạnh mẽ bị bỏ rơi, những giây phút chúng tôi dứt khoát phó thác
chính mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, thưa với Người là dù cho điều gì
xảy ra, chúng tôi ở trong tay Người bao lâu Người muốn.”
Cha
León cho biết là ở Syria, có những khi các tu sĩ cần chăm sóc cho các
bệnh nhân, những người hấp hối hay chôn cất người chết giữa các cơn mưa
đạn và hỏa tiễn, nhưng trong những trường hợp này họ phải quyết định đi
trọn con đường hay chỉ đi nửa chừng. Vì theo cha, các tu sĩ ở lại Syria
không phải chỉ để giữ các tòa nhà nhưng là phục vụ và là một dấu hiệu
của lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa giữa dân chúng và điều
này có thể là tính mạng của họ sẽ gặp nguy hiểm. Thỉnh thoảng các tu sĩ
cũng gặp nguy hiểm dù họ cố gắng cẩn thận bao nhiêu có thể. Nhưng nếu họ
cố bảo vệ mình thì họ chỉ có thể phục vụ một nửa. Cha nói: “Chúng tôi ở
lại Syria là để phục vụ và chúng tôi quyết định bao lâu còn có các Kitô
hữu cần đến chúng tôi thì chúng tôi sẽ ở lại Syria với họ.”
Cha
León hoạt động với giới trẻ trên cương vị là giám đốc và điều phối viên
các hoạt động do tu sĩ Don Bosco phụ trách ở Syria. Cha cho biết thử
thách lớn nhất là huấn luyện người trẻ để học được chuẩn bị xây dựng lại
đất nước họ khi chiến tranh chấm dứt. Cha nói: “Có những công ty và
quốc gia sẵn sàng xây dựng lại các bức tường trong thành phố nhưng điều
cần là những con người, các người trẻ , được chuẩn bị tốt trái tim, linh
hồn và tinh thần xã hội … Đó là sứ vụ chính của người trẻ Syria.” Cha
cũng nói về ý tưởng văn hóa về sự trả thù ăn rễ sâu nơi họ. Sự trả thù
này không xuất phát từ sự oán thù nhưng từ tình yêu đối với những người
thân yêu đã chết và phải được báo thù bởi vì tình yêu đó. Cha cho biết
là ở Syria, mọi người đều có ai đó để báo thù và công việc của cha cũng
là khuyến khích hòa giải và không báo thù. Cha đã chứng kiến những phép
lạ khi những người trẻ quên oán thù và xây dựng tình yêu thương, chăm
sóc cho thân nhân của kẻ thù. Nhiều người trẻ Syria sống chúng với các
phụ nữ và trẻ em là vợ và con cái của những tên Hồi giáo cực đoan đã
tham gia tấn công giết hại thân nhân của họ. Tha thứ hòa giải đối với
nhiều người trong họ là điều không dễ, nhưng rồi cuối cùng họ cũng nhận
ra những đứa trẻ vô tội và chúng cũng là anh chị em của họ.
Chiến
tranh và mầu nhiệm của đau khổ làm cho nhiều thanh thiếu niên ở Syria
nghi ngờ về đức tin của họ. Cha León khẳng định: “Vấn đề sự dữ đã gây
nên khủng hoảng đức tin, nhưng nhờ chứng tá của chúng tôi và sự gần gũi
của chúng tôi, nhiều người trẻ đã vượt qua được khủng hoảng và sau đó có
thể có kinh nghiệm chân thật hơn về Chúa Kitô.”
(Hồng Thủy, RadioVaticana 23.11.2016/ CNA 18/11/2014)