Ông cố tận tụy ở miền cực nam
10/26/2016 2:04:02 PM
Chiếc vỏ lãi, bến nước sông… từ lâu đã gắn liền trong hành trình
mục vụ của cha Phaolô Nguyễn Văn Vinh - chánh xứ Cà Mau, GP Cần Thơ.
Tròn 30 năm từ ngày lãnh tác vụ linh mục, những nơi cha từng đi qua, dấu
vết yêu thương vẫn còn ghi khắc…
Theo lý tưởng phục vụ
Nằm
ngay cửa ngõ dẫn lối vào thành phố Cà Mau, nhà thờ Cà Mau (còn gọi là
nhà thờ Bảo Lộc) đứng sừng sững như đón chào khách về thăm miền sông
nước. Gần một năm nay, nơi đây còn là địa chỉ quen thuộc của người
nghèo, người bán vé số, cánh xe ôm… mỗi trưa đến nhận suất cơm miễn phí
do Caritas giáo xứ phục vụ. Bên mâm cơm, ly trà đá, câu chuyện về ông cố
tốt bụng, hăng say… luôn được bà con nhắc tới.
Trong
30 năm làm người chăn chiên, cha đi qua ba họ đạo: Hòa Thành (từ năm
1986 - 2000), Quản Long (2000 - 2011), Cà Mau (2011 - nay). Trong đó,
ngài gắn bó với Hòa Thành lâu nhất khi vừa làm cha phó, cha sở và một
thời gian dài trước đó là thầy giúp xứ. Cha cho hay, tinh thần bác ái đã
được nung nấu từ ngày mình còn là chủng sinh: “Ngày đó cả nước còn
trong thời điểm khó khăn, đi đâu mình cũng gặp hoàn cảnh đáng thương,
thậm chí nhiều lần đến thăm nhà người dân, nhìn vào bên trong chẳng có
gì đáng giá ngoài cây đèn dầu và chiếc giường gỗ ọp ẹp. Có nơi chỉ hai
cụ già sống trong căn nhà trống trước hở sau, một người bị liệt nhưng
hằng ngày phải lết qua lại trên nền nhà trồi sụt ổ gà... Chứng kiến
những cảnh ấy, lòng tôi như thắt lại”. Mang nỗi trăn trở đó trình
bày với cha sở, sau khi bàn tính, hai cha con quyết định đào ao thả cá,
nuôi dê kiếm nguồn vốn làm việc từ thiện. Ngày ngày, buổi lo việc nhà
xứ, buổi khác cha đi kéo cá, vắt sữa dê để vừa mang cho, vừa đem bán lấy
tiền giúp người nghèo...
Sau
khi lãnh tác vụ linh mục, ngoài làm phó xứ Hòa Thành, cha còn nhận bài
sai phụ trách thêm 4 giáo điểm gồm U Minh, Sông Đốc, Khánh Hưng, Thời
Hưng và ba họ lẻ là Hòa Trung, Cây Bốm và Cái Cấm. Có nơi cách xa nhà xứ
tới trên 50 cây số. Cà Mau ngày đó ít đường đất, chằng chịt kênh rạch,
mỗi lần tới được điểm dâng lễ, ông cố có khi chèo xuồng, lúc đạp ghe cả
buổi. Gặp hôm “vấp” con nước chảy ngược phải đi hết ngày mới đến. “Có lần bị té sông, ướt cả đồ lễ, quần áo, phải tìm mọi cách hong khô rồi lại tiếp tục lên đường”,
cha rổn rảng cười nhớ lại. Dù khó khăn nhưng mỗi nơi đều đặn hằng tuần
có thánh lễ, cùng với đó, các cơ sở được gầy dựng khang trang. Cha đã
xây dựng lại các nhà thờ Hòa Thành, Hòa Trung, và mới nhất là nhà thờ Cà
Mau vừa khánh thành năm qua dịp mừng 90 năm họ đạo.
Ngôi trường Nhân Ái bề thế được cha Vinh xây xựng dành làm nơi dạy học cho những trẻ khiếm thính
Dành
nhiều thời giờ đi thăm hết nhà này qua nhà kia nên cha thấu hiểu đời
sống của bổn đạo, có dịp củng cố đức tin cho các giáo hữu tân tòng. Mỗi
chỗ ghé qua, có lúc cha gởi miếng thịt, chút tiền đi chợ hoặc ghi chép
lại hoàn cảnh nhằm giúp gạo hằng tháng. Nhiều hôm sân nhà thờ chật kín
những chiếc xe lăn, xe lắc, xe đạp, quần áo mới - cũ, là mấy thứ ông cố
xin đâu đó về rồi phân chia lại cho người cần trợ giúp… Những việc cha
làm giản dị là vậy nhưng đủ để sưởi ấm lòng người.
Để yêu thương chảy mãi
Ở
những nơi đi qua, có một điều cha hay quan tâm là làm giếng nước cho bà
con. Bởi lẽ, Cà Mau tuy lắm kênh rạch, nước tràn quanh năm nhưng lại là
vùng nước mặn, nhiễm phèn. Bao đời nay, người dân toàn dùng nước sông
cho mọi nhu cầu thường nhật. Nhưng ngặt nỗi, trên khúc sông đó, bao sinh
hoạt thường ngày vẫn diễn ra, trong đó tiềm ẩn nguy cơ thuốc trừ sâu từ
ruộng đồng đổ ra trôi theo dòng nước. Không thể chờ đợi thêm nữa, vị
mục tử cho đóng hàng trăm cây nước đưa về tận từng nhà. Có nước sạch về
đảm bảo vệ sinh, bệnh tật cũng nhờ thế thuyên giảm.
Một lớp học tại Trung tâm khuyết tật Nhân Ái
Tình
thân trong xứ ngày một bền chặt khi cha thường xuyên ghé thăm các gia
đình. Ngày ở Quản Long, những lần thăm viếng như vậy cha nghe nhiều
người giải bày cảnh vất vả chạy ăn từng bữa vì việc làm “bữa được bữa
không”, đêm về cha nằm suy nghĩ không yên. Sau nhiều trằn trọc tìm hướng
giải quyết, mang nỗi ưu tư trình bày và được vị chủ chăn giáo phận
khuyến khích, hôm sau cha “xách” về một lượt cả chục chiếc xe máy rồi
phát động phong trào “cho mượn xe chạy xe ôm”. Theo cách này, với mỗi
chiếc xe được mượn, anh em trả góp 20.000đ/ngày và chỉ sau hơn một năm,
họ trở thành chủ phương tiện. Nhờ đó, từ 10 chiếc ban đầu, sau 7 năm,
đến nay đội xe ôm đã lên tới trên 150 chiếc. “Trước đây, mỗi ngày tôi
cũng phải mất 20.000đ để mướn một chiếc xe bên ngoài, nhưng chỉ được
thuê xe cũ, cách tháng lại phải mang sửa nên phần tiền lời đã đổ vào đó.
Nhưng nhờ cách của cha, cánh xe ôm chúng tôi không những được chạy xe
mới mà còn sở hữu để lấy vốn làm ăn, từ đó yên tâm lo cho gia đình cùng
hai đứa nhỏ học hành đàng hoàng”, anh Hoàng Huỳnh Thái, người có
thâm niên hơn 10 năm trong nghề tại thành phố Cà Mau tâm sự. Hằng tháng,
cha còn quy tụ nhóm xe ôm lại để mọi người giao lưu, tăng thêm tình
đoàn kết, bỏ đi cảnh giành giựt khách hàng. Với các bà nội trợ, cha cũng
hỗ trợ tương tự bằng cách cho mượn số vốn ban đầu để bán buôn ngoài
chợ. Có nhiều người vì hoàn cảnh hay do một phút sa đà quá trớn lao vào
các loại tệ nạn nên phải vay nóng một khoản tiền để trả nợ, đi kèm với
đó là lãi vay “cắt cổ”. Biết chuyện cha giúp trả nợ, sau đó có những
giải pháp để họ tu chí làm ăn và trả lại lần hồi.
Ngoài
lo cho người nghèo, giáo dục cũng là việc được cha đầu tư không kém.
Thương lớp nhỏ vì hoàn cảnh khó khăn không được đến trường mà phải phụ
cha mẹ đi bán vé số dạo, có đứa vào đời sớm, lang thang, trộm cắp… Hiểu
sự thiệt thòi ấy, cha tập trung các em lại và mở lớp học tình thương.
Thế là trong những phòng học kiên cố, quạt máy chạy thoáng mát, đều đặn
vang lên tiếng trẻ ê a đánh vần con chữ. Cùng với kiến thức, các em còn
được dạy cách sống tốt, đạo làm người và có quyền ước mơ. “Con muốn học thật giỏi, sau này trở thành một giáo viên như các cô ở đây để dạy lại cho các bạn khác”,
em Hưng, 10 tuổi ở Cà Mau, ao ước thế. Riêng cha vẫn âm thầm lo lắng
giúp bọn trẻ có tờ giấy khai sanh để sau này tiếp tục học lên các lớp
tiểu học chính quy.
Nhiều hôm sân nhà thờ chật ních xe đạp khi ông cố xin về phát lại cho người cần trợ giúp
Năm
2007, cha cho xây dựng Trung tâm khuyết tật Nhân Ái, sau hai năm thì
khai giảng khóa học đầu tiên. 8 năm qua, với sự cộng tác từ các nữ tu
Tỉnh dòng Phaolô Mỹ Tho, nơi đây đã là mái nhà chung của hàng trăm em
khiếm thính. Sau khi các em ra trường, cha còn trở thành cầu nối để mỗi
em có cơ hội làm việc tại các cơ sở ngành nghề thủ công, từ đó giúp
người khuyết tật trẻ hòa nhập với đời và có thu nhập nuôi sống bản thân.
Chia
tay Cà Mau, chia tay ông cố “lấm mùi chiên” ở miền tận cùng Tổ quốc,
lòng ngập những niềm vui, và tin chắc, những vùng đất in dấu chân vị mục
tử ngoại lục tuần này sẽ trở mình, hứa hẹn…
(Đình Quý, cgvdt.vn 25.10.2016)