Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài viết
Dấu Thánh Giá là một dấu chỉ vinh quang, một chiến thắng!

Vào khoảng giữa năm 1598-1599, Đức Hồng Y Ottavio Bandini (1558-1629) cùng đoàn tùy tùng tiến về thành phố Ascoli ở miền Trung nước Ý thì ngài bị ngã ngựa và bị gãy một chân.

Ngài được đưa về nhà xứ của nhà thờ hai Thánh Cosma và Damiano gần đó. Một bác sĩ được mời tới để chữa trị, nhưng rồi tình trạng sức khoẻ của Đức Hồng Y tỏ dấu hiệu thật trầm trọng. Vị bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng Clemente VIII (1592-1605) từRoma, tức tốc lên đường tiến thẳng tới Ascoli. Trong khi đó, tình trạng sức khoẻ của Đức Hồng Y Ottavio Bandini cứ tiếp tục xuống dốc không phanh.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình, vị bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha đề nghị phải cưa bỏ cái chân bị gãy thì mới mong ra có thể cứu sống Đức Hồng Y. Tuy nhiên, vấn đề vẫn giữ nguyên mức độ trầm trọng, xét vì sức khoẻ của Đức Hồng Y quá xấu, không đủ sức chịu đựng một cuộc giải phẫu.

 

Làm thế nào bây giờ?

Thế rồi cái chân bị gãy, lại bị nhiễm trùng và sưng vù lên. Mọi người bó tay thất vọng.

Thấy tình trạng vô phương cứu chữa từ phía khoa học, vị thống đốc thành phố Ascoli lúc bấy giờ là Đức Ông Pompeo Costantini, liền đề nghị cho mời thầy Serafino đang ở thành phố Montegranaro đến. Vị tu sĩ này nổi tiếng thánh thiện trong vùng, ai cũng biết. Đức Hồng Y liền xin Cha Bề Trên Tu Viện Ascoli, lúc ấy là Cha Francesco Pergola, đi tìm thầy Serafino và đưa đến với Đức Hồng Y.

Vừa khi đến Venarotta, hai tu sĩ được bào huynh của Đức Hồng Y đích thân tiếp đón và đưa vào gặp Đức Hồng Y, lúc ấy như đang đi vào giai đoạn cuối cùng.

Với Đức Tin vững mạnh, Đức Hồng Y Ottavio Bandini truyền cho thầy Serafino vạch hình Thánh Giá trên cái chân bị đau của ngài.

Lệnh ban ra, nhưng không được tức tốc thi hành, bởi lẽ, với lòng khiêm tốn tột độ, thầy Serafino từ chối, lấy cớ mình chỉ là tu sĩ thường. Chính Cha Bề Trên mới có đủ tư cách để làm công việc này.

Thế là Cha Francesco buộc thầy Serafino phải vâng lời.

Thầy Serafino mau mắn vâng lời ngay. Thầy cho tay vào túi áo dòng, rút ra vài di tích thánh. Rồi cầm di tích thánh trong tay, thầy Serafino kính cẩn vạch hình Thánh Giá lên cái chân bị đau của Đức Hồng Ottavio Bandini. Chính ngay lúc ấy, từ chỗ sưng phù của chân bị gãy, vọt ra một đống mủ và máu bầm.

Sau đó các bác sĩ được mời đến. Các vị ngạc nhiên biết bao khi thấy rằng vết thương bị nhiễm trùng thì biến mất và vết gãy thì được gắn liền lại. Cái chân bị gãy trở về với trạng thái bình thường như trước.

Một lần nữa, Đức Hồng Y Ottavio Bandini mời Cha Bề Trên Francesco Pergola cùng với thầy Serafino đến Venarotta. Trước mặt Cha Bề Trên, Đức Hồng Y xác nhận mình đã được chữa lành nhờ thầy Serafino đã vạch hình Thánh Giá lên chân và bày tỏ lòng tri ân đối với hai vị.

Sau biến cố trên đây - vào khoảng tuổi 40-41 - Đức Hồng Y Ottavio Bandini còn sống thêm 30 năm nữa, cho đến khi qua đời vào năm 1629, hưởng thọ 71 tuổi.

Để mãi mãi ghi nhớ một biến cố kỳ diệu, gia đình họ Bandini cho vẽ hai bức tranh và đặt tại Venarotta. Một bức tranh vẽ hình Đức Hồng Y bị ngã ngựa và bị gãy chân. Bức tranh thứ hai vẽ hình thầy Serafino quỳ gối bên cạnh giường và vạch Dấu Thánh Giá chữa lành Đức Hồng Y.

o o O o o

... Sử liệu Giáo Hội Công Giáo ghi lại không biết bao nhiêu chứng tá của các vị thánh đã chữa lành nhiều tật bệnh, đã khử trừ quỷ dữ hoặc xua đuổi tà ma bằng chính Cây Thánh Giá có tượng Đức Chúa GIÊSU KITÔ chịu đóng đinh, hoặc chỉ nguyên sự kiện làm Dấu Thánh Giá mà thôi.

Thánh Antôn (251-356) - vị ẩn sĩ tu rừng - đã dùng Dấu Thánh Giá để chiến thắng ma quỷ, mỗi khi chúng xuất hiện để quấy phá hoặc để cám dỗ thánh nhân. Thánh Antôn thường nói với các đồ đệ của ngài rằng: “Các con hãy tin lời Cha, chỉ cần kính cẩn làm Dấu Thánh Giá, đủ để làm cho ma quỷ phải cao bay xa chạy. Chúng sẽ cảm thấy xấu hổ thẹn thùng vì bị thất trận ê chề!

Ma quỷ cũng thường hiện hình rõ rệt để quấy phá thánh nữ Têrêsa Avila (1515-1582), nữ Tiến Sĩ Hội Thánh. Một ngày kia, ma quỷ đặc biệt xuất hiện với hình thù ghê rợn, miệng phun ra đầy lửa. Nhìn thẳng vào thánh nữ, nó đe dọa: “Nếu trong quá khứ, nhà ngươi từng vuột khỏi tay ta, thì trong tương lai, ta sẽ biết cách nắm bắt được ngươi!” Mặc dầu cảm thấy ghê sợ khôn cùng, nhưng thánh nữ Têrêsa Avila vẫn điềm tĩnh giơ tay làm Dấu Thánh Giá, tức khắc tên quỷ thét lên một tiếng kinh hoàng, rồi biến mất!

... Nơi một bữa tiệc thịnh soạn với đủ loại khách mời danh dự quyền quý, một thiếu nữ Công Giáo diễm lệ, trước khi ngồi xuống ghế, đã đứng im trong giây lát, rồi trịnh trọng giơ tay ngà ngọc lên làm Dấu Thánh Giá, trước các cặp mắt vừa ngỡ ngàng, vừa thán phục của nhiều thực khách. Một người đàn ông ăn mặc thật lịch sự - ngồi đối diện với thiếu nữ Công Giáo - không dấu được nỗi ngạc nhiên, đã vội vàng cất tiếng hỏi: “Bộ cô không cảm thấy xấu hổ khi làm một cử chỉ có tính cách đầy mê tín dị đoan như thế trước mặt không biết bao nhiêu là thực khách sang trọng sao?” Vẫn giữ nguyên nét điềm tĩnh duyên dáng, cô thiếu nữ Công Giáo hãnh diện trả lời: “Chẳng lẽ ngài cảm thấy xấu hổ khi mang trước ngực cái huy hiệu thánh giá hiệp sĩ sao? Phần cháu, Dấu Thánh Giá là một dấu chỉ vinh quang, một chiến thắng!

o o O o o

... ”Thật thế, lời rao giảng về Thánh Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của THIÊN CHÚA. Vì có lời chép rằng: ”Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu?” Người lý sự của thời này đâu? THIÊN CHÚA lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết THIÊN CHÚA ở những nơi THIÊN CHÚA biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên THIÊN CHÚA đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng KITÔ bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được THIÊN CHÚA kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Chúa GIÊSU KITÔ, sức mạnh và sự khôn ngoan của THIÊN CHÚA. Vì cái điên rồ của THIÊN CHÚA còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của THIÊN CHÚA còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Côrintô 1,18-25).

(”La Mia Messa”, volume III, 1 Luglio 2011 - 30 Settembre 2011, Anno V/A, Casa Mariana Editrice, trang 426-428 // ”Il Settimanale di Padre Pio”, 7 giorni di formazione e di informazione, Anno X, 17 Luglio 2011, trang 16)

Nữ tu Jean Berchmans Minh Nguyệt
(Đài Vatican -13.9.2011)

 

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: