Năm Sarika Dhamke lên 10 tuổi, mẹ cô, một lao động chính trong
gia đình ngã bệnh; còn cha cô là một kẻ nghiện rượu, không làm công việc
gì, chỉ bám vào mẹ cô như một con đỉa hút máu. Thế là cô bé Dhamke phải
lãnh trách nhiệm chăm sóc gia đình 7 thành viên của mình.
những người nhặt rác - AFP
|
Chọn
lựa rõ ràng duy nhất cho một bé gái thất học, không được huấn luyện
nghề nghiệp là gia nhập đội quân các trẻ em ở khu phố ổ chuột, đi nhặt
rác ở các đường phố và bãi rác của thành phố. Nhưng bây giờ, sau 12 năm,
Dhamke đã có được một căn nhà ba phòng ở tại khu ô chuột nơi cô đã lớn
lên. Một em gái của cô đã lập gia đình, còn đứa em út thì được đến
trường học. Dhamke chia sẻ: “Những gì tôi có ngày hôm nay là nhờ các nữ
tu. Họ đã giúp tôi tiết kiệm tiền bạc và bán các vật liệu tôi lượm được
giá hơn. Họ cũng huấn luyên tôi cách để có cuộc sống tốt hơn.”
Dhamke
là một trong khoảng 2000 phụ nữ ở khu ổ chuột Indore đã được các nữ tu
giúp thay đổi cuộc sống. Các nữ tu làm việc tại trung tâm phục vụ xã hội
của giáo xứ. Trung tâm này được cha George Payattikattu dòng Ngôi lời
thành lập vào năm 2001, là một phần của mong ước phục vụ những người
nghèo ở các vùng thôn quê của cha. Cha Payattikattu biết là phần lớn các
phụ nữ làm nghề nhặt rác bị bóc lột dưới nhiều hình thức. Họ bị đối xử
như những người bị ruồng bỏ hay các tiện dân. Để cho việc giúp đỡ các
phụ nữ được thuân tiện, cha đã mời nữ tu Julia Thundathil, dòng thánh
Augustino cộng tác với cha. Năm 2002, sơ Thundathil bắt đầu tiếp xúc với
các người nhặt rác. Ban đầu, họ ngần ngại tiếp xúc với sơ vì họ nghi
ngờ sơ muốn cải họ theo đạo Công giáo. Tại bang Madhya Pradesh này, việc
cải đạo bị coi là một tội nặng. Khi không thể đến với họ bằng cách nói
chuyện dạy dỗ như thường làm, sơ đã quyết định chọn cách trở nên như họ,
một người nhặt rác. Sơ biết họ
rời nhà mỗi ngày lúc 4 giờ sáng, rồi nhặt rác cho đến trưa, sau đó mang
đến các nơi thu mua để bán. Sơ cũng theo thời gian của họ. Được hỏi làm
thế nào sơ có thể chịu đựng được mùi tanh tưởi dơ bẩn của rác rưởi, sơ
nói: “Khi bạn làm việc cho Chúa Kitô, không có khó khăn nào ngăn cản bạn
để đạt được mục đích. Tôi trở thành một người nhặt rác vì Chúa Giêsu và
để giúp đỡ dân chúng.”
Kinh
nghiệm của một người nhặt rác giúp sơ có được hiểu biết sâu sắc về đời
sống của phụ nữ. Vấn đề chính của các phụ nữ là những người chồng nghiện
rượu, hành hạ họ. Sơ nghe biết những câu chuyện khủng khiếp và đau đớn
của họ. Các phụ nữ mới bắt đầu nghề nhặt rác, kiếm được khoảng một đô la
một ngày, thì các ông chồng cướp một nửa để uống rượu. Nếu chống đối
thì các bà sẽ lãnh một trận đòn. Hơn nữa, những người thu mua rác trả
giá rẻ cho các phụ nữ thất học. Năm 2004 cha Payattikattu và sơ
Thundathil đã đề ra chương trình lập nhóm trợ giúp tài chính và hợp tác
xã hội cho phụ nữ, thành viên gồm các người nhặt rác và những người lao
động sống trong các khu ổ chuột. Chương trình này nhắm mang lại những
giá trị cho cuộc sống của họ, mang lại những thay đổi về chất lượng
trong cuộc sống của họ. Với sự giúp đỡ của sơ Thundathil, trung tâm dạy
các phụ nữ phân loại rác theo giá trị thương mại của chúng. Điều này
giúp họ thu nhập khá hơn. Chương trình trợ giúp tài chính và hợp tác xã
hội giúp các phụ nữ để dành tiền và cũng giúp họ tránh được các nhà cho
vay ăn lời cắt cổ khi họ cần mượn tiền. Những giúp đỡ này làm cho các
nghi ngờ của dân chúng đối với các Linh mục và nữ tu Công giáo giảm đi.
Họ bắt đầu tin là các tu sĩ ở đó để giúp đỡ họ chứ không phải để làm họ
cải sang Công giáo. Cha Payattikattu cũng mở hai tiệm mua lại rác thu
gom của các phụ nữ để họ không bị các nhà thu mua lường gạt, nhưng sau
đó những nhà thu mua đã phàn nàn nên hai tiệm này phải đóng cửa. Tuy
thế, sáng kiến huấn luyện các nữ tu đã khiến các nhà thu mua phải thay
đổi và trả cho các người thu lượm rác giá cao gấp 3 hay 4 lần.
Sau
khi đã bảo đảm kinh tế ổn định cho các phụ nữ nhặt rác, trung tâm bắt
đầu huấn luyện họ về vấn đề vệ sinh sức khỏe và ý thức về việc nhiễm
sida. Trung tâm còn tổ chức các lớp tiếng Anh cho người trẻ, dạy vi
tính, cắt may thêu thùa và một vài môn khác. Sơ Sushila Toppo, dòng Đức
Bà cũng họa động với các phụ nữ tại bãi rác từ một năm nay. Thỉnh thoàng
sơ tổ chức những buổi khám sức khỏe cho họ. Phần đông những người nhặt
rác không cho con cái đi học vì chính họ là người mù chữ. Mục tiêu chính
của họ là kiếm sống cho gia đình của họ. Tuy nhiên các nữ tu muốn các
phụ nữ và con cái họ tham gia vào chương trình huấn luyện các kỹ năng
phát triển và ý thức để làm cho cuộc sống họ tốt đẹp hơn. Người dân nhận
ra lòng thương cảm của các nữ tu. Dù cho rác rưởi tanh tưởi nhưng vẫn
đến thăm họ cách than thiện, trong khi người khác gặp họ đều tránh né.
Trước khi các nữ tu đến, thế giới của họ chỉ quanh quẩn với những thùng
rác, nhưng nay nhiều thứ thay đổi.
(Hồng Thủy, RadioVaticana 06.12.2016/
Global Sister Report 27/06/2016)