Niềm vui đàng sau cánh cửa nhà tù (AFP or licensors)
|
Korhogo, thủ phủ phía bắc của Bờ Biển Ngà, nằm cách Abidjan hơn 600 km, là thành phố có 250 ngàn cư dân, được phục hồi sau chiến tranh từ những năm 2002 đến 2011. Mỗi tuần, sơ Monique Lorrain, 70 tuổi, đi đến nhà tù của thành phố. Vào thứ năm, sơ thăm các tù nhân nam. Thứ sáu, sơ thăm các tù nhân phụ nữ và trẻ vị thành niên.
Nhà truyền giáo bị “virus châu Phi”
Vào năm 18 tuổi, cô gái trẻ Monique Lorrain đã lên đường đến Côte d'Ivoire như một thừ sai giáo dân và cô đã truyền giáo ở đó một năm. Kết quả là Monique đã bị châu Phi chinh phục, cô đã bị virus Phi châu! Monique xúc động bởi nền văn hóa châu Phi, nơi các mối quan hệ có một vai trò quan trọng và nơi mà "gương mặt của Chúa Kitô được phản ánh theo những cách thế khác nhau tùy theo các nền văn hóa".
Sơ Monique kể: "Từ khi còn bé, tôi biết rằng cuộc sống của tôi sẽ được dâng cho Thiên Chúa. Đối với tôi, đó là mầu nhiệm của tiếng gọi nhưng không của Thiên Chúa.” Sau đó, cô gái trẻ này rất quan tâm đến những người không biết Giáo Hội. Cô ấy bị ấn tượng bởi câu nói của Claire Monestès, người sáng lập cộng đồng truyền giáo này: "Chúng ta hãy lo lắng nghĩ về những người [...] ở xa Giáo hội". Trong khi không xuất thân từ một gia đình đặc biệt sùng đạo, ở tuổi hai mươi, Monique đã gia nhập dòng truyền giáo Xaviê. Sau đó sơ được gửi đến cộng hòa Chad, đến Camerun, rồi Burkina Faso, và cuối cùng đến Bờ Biển Ngà, nơi sơ cư ngụ từ năm 2009. Và vị thiên thần bản mệnh của các tù nhân nhẹ nhàng kết luận: "Nhà tù là một nơi đau khổ. Nhưng chính ở nơi đau khổ nhất thì sau đó sẽ có sự phục sinh.”
Một phép lạ thường hằng
Sơ Monique kể về hoạt động của mình tại nhà tù: “Khi chúng tôi đến nơi, chúng tôi bị nhốt trong phòng giam với các tù nhân. Chúng tôi dọn dẹp một khoảng trống, rồi chúng tôi đặt một tấm thảm trên sàn cho những ai muốn tham gia cầu nguyện. Chúng tôi hát với trống tam-tams, chúng tôi cầu nguyện, rồi đến giờ giáo lý. Một số nhân vật trong Kinh Thánh nói trực tiếp với các tù nhân cách mạnh mẽ, ví dụ như Giuse, hay thánh Phaolô, hay thánh Gioan Tẩy Giả, họ cũng đã từng bị giam tù. Chúng tôi cố gắng gợi lên một từ cho từng cá nhân để họ có thể sống dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, dù cho trong hoàn cảnh lộn xộn này. Đối với tôi, đó là một cộng đoàn Tin mừng đẹp ... Một số người đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội. Nhà tù này là một phép lạ thường hằng.”
Sơ Monique, người có trái tim vĩ đại, khẳng định: “Những tù nhân này thực sự là những nhà truyền giáo cho nhau. Họ rất hiếu khách đến nỗi các tù nhân khác khi gặp họ, bắt đầu cũng tham gia cầu nguyện." Sơ nhớ lại với lòng biết ơn, ngày thứ năm sau lễ Phục Sinh: "Trong khi chúng tôi đang ngồi, một người đàn ông đứng dậy và đưa cho tôi một phong bì. Trong đó có khoảng 30 euro. Đó là dâng cúng Mùa Chay của những người đàn ông trong nhóm. Họ đã kiếm được tiền và để dành. Tôi đã rơi nước mắt. Với số tiền này, tôi có thể mua dầu và gạo cho những phụ nữ trong bệnh viện. Nước Trời là ở đó, ở trái tim của tất cả. Ở đây tôi làm chứng về hoạt động của Thiên Chúa. Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người, thậm chí là nhà tù.”
Các tù nhân là những nhà truyền giáo
Hàng tuần sơ Monique cùng với Joséphine, một phụ nữ người Côte d’Ivoire đến thăm nhà tù. Thực tế là các tù nhân nói nhiều thứ tiếng sơ không biết. Các tù nhân ở đó vì nhiều lý do, từ việc ăn cắp điện thoại đến việc lợi dụng sự tin tưởng để chiếm đoạt tiền của hoặc giết người. Phần lớn họ ở trong hoàn cảnh nghèo đói hoặc nghèo khổ cùng cực. Trong mỗi phòng lớn có 160 người nam. Phụ nữ và trẻ vị thành niên bị nhốt trong các phòng riêng biệt. Theo sơ Monique, số lượng tù nhân tăng lên mỗi tuần. Nó đã lên đến 500 tù nhân… Đó là một thế giới toàn bê tông, không có cây cối. Ở đó họ rất thụ động: hầu hết các tù nhân ngồi trong sân từ sáng đến tối. Đôi khi, vì không có nước, họ không thể giặt quần áo của họ hoặc tắm rửa.
Khalifa là tù nhân lâu năm nhất của nhà tù. Ông là cha của sáu đứa con và đã bị ở tù từ 6 năm vì một vụ giết người trong gia đình. Ông đã được xác nhận là vô tội, nhưng vẫn đang chờ phán quyết vào năm sau. Tuy nhiên, người đàn ông này tin tưởng phó thác cả mọi sự trong tay Thiên Chúa. Ông hướng dẫn cộng đồng Kitô hữu của nhà tù. Nhờ ông, nhiều người đã khám phá được đức tin. Đối với sơ Monique, ông là một trong những "vị thánh của ngày nay". "Thật bất công! sơ kêu lên, trước khi nói thêm: "Đồng thời, Thiên Chúa sử dụng tất cả".
Theo sơ Monique, nhà tù Korhogo là một nơi giam giữ nhân đạo. Sơ kể: "Khi tôi đến nhà tù Yaoundé ở Camerun, nơi giam giữ 5.000 tù nhân, tôi đã chứng kiến rất nhiều bạo lực. Còn ở đây, người quản lý và nhân viên làm mọi thứ để cải thiện số phận các tù nhân. Các nhân viên được đào tạo tốt và mọi người đều được đối xử tôn trọng. Cơ sở cũng đón từ mười đến hai mươi trẻ vị thành niên, từ 15 đến 18 tuổi. Vì chúng tôi là những người phụ nữ duy nhất họ nhìn thấy, phần nào đó chúng tôi giữ vai trò người mẹ đối với họ. Sự tin tưởng tuyệt vời đã được thiết lập giữa chúng tôi. Hầu hết họ không được giáo dục. Họ khiến tôi rất xúc động vì họ háo hức muốn thay đổi. Họ yêu cầu tôi nói cho họ biết về các giới răn của Chúa. Nhà tù là nơi bạo lực, nhưng người ta cũng tìm thấy sự ngọt ngào ở đó.”
Niềm vui liên đới tương trợ trong nhà tù
Ở đó, có khoảng hai mươi phụ nữ. Nhiều người ở đó vì giết người, đôi khi vì tham ô hối lộ. Sơ Monique kể: "Họ đến từ những chân trời rất khác nhau. Với họ, chúng tôi nhảy qua nhảy lại giữa năm sáu thứ ngôn ngữ. Đó là một Lễ Hiện Xuống thực sự! Một số không bao giờ có ai thăm hoặc không có gia đình. Những người phụ nữ khác cho họ những gì họ cần. Ở đây, có một nền văn hóa thực sự của việc chia sẻ. Hành trình của chúng tôi là một thời điểm rất quan trọng. Nó rất khó bởi vì chúng ta đang chứng kiến một sự đổ vỡ về đạo đức nhưng đồng thời, sự tương trợ vĩ đại này là một nguồn niềm vui lớn lao. Tôi tin rằng Thiên Chúa ban cho họ niềm vui nội tâm này."
Hồng Thủy
(VaticanNews 03.12.2018)