Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul
Rất nhiều người đến với Cha Piô khi cha còn ở trần thế, và còn rất nhiều người hơn nữa đến với cha sau khi cha lìa đời để xin cha cầu bàu với Chúa cho họ được sức khỏe.
Cha nói rõ, đôi khi rất uy quyền, rằng không phải cha chữa lành mà Chúa chữa lành. Tuy nhiên, khi Cha Piô cầu nguyện thì Chúa lại chữa lành cho họ.
Danh sách những người được lành quá dài để có thể có một danh sách đầy đủ. Chúng tôi chỉ giới hạn các vụ chữa lành đặc biệt để chúng ta thấy rõ ràng, làm thế nào mà theo kế hoạch của Chúa, Cha Piô đã mang lại sức khỏe cho họ.
Dù vậy, đã có lúc, Cha Piô tự hỏi: “Rất nhiều người bệnh được Chúa chữa lành một cách kỳ lạ. Nhưng những người không ở trong kế hoạch này, họ phải mang thánh giá cho bệnh của họ sao? Chúng ta có thể làm gì cho họ?”
Vì thế nảy sinh ra trong đầu cha ý định thực hiện một công trình đồ sộ có tên Nhà Xoa dịu Đau thương (Casa Sollievo della Sofferenza). Trong suy nghĩ của cha, nhà này không đơn giản chỉ là bệnh viện nhưng là nơi ở của người anh em có khuôn mặt của Chúa và chúng ta phải săn sóc họ như chính họ là Chúa. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: Sự gì anh em làm cho người nhỏ nhất trong các anh em, là anh em làm cho Ta.
Vì thế Căn Nhà này trở thành gương mẫu của tất cả các khía cạnh: nhân bản, tinh thần kitô, y khoa, khoa học, kỹ thuật… vv.
Nhưng chuyện kỳ thú là chuyện “viên đá tài chánh đầu tiên” được quyên như thế nào.
Khi tin Cha Piô sẽ xây Nhà Xoa dịu Đau thương loan ra, có một bà lớn tuổi đến tặng cha một đồng xu vàng nhỏ. Cha biết bà này cực kỳ nghèo, cha nói với bà: “Con giữ đồng tiền này cho con; con cần nó mà!
– Không thưa cha, xin cha giữ lấy! Cha năn nỉ:
– Không, chắc chắn con sẽ cần để mua bánh mì! Con nghe cha: con giữ cho con, con sẽ cần nó”.
Khi đó bà cụ ngại ngùng và bị nhục, bà nói: “Cha có lý, nó quá ít thưa cha”. Xúc động, Cha Piô nói: “Đưa hết đây cho cha và xin Chúa chúc lành cho con”.
Khi bắt đầu gây quỹ để xây dựng Nhà Xoa dịu Đau thương, Cha Piô nói với Hội đồng Quản trị: “Tôi đóng góp đầu tiên!” và ngài đưa ra đồng xu nhỏ bằng vàng.
Hương vị Phúc Âm đã có ở đây!
Em bé trong vali
Một em bé sáu tháng bị bệnh nặng, dù đã chữa chạy tận tình nhưng em khó sống sót. Bà mẹ quá đau khổ nhưng lòng tràn đầy đức tin, bà cố gắng cứu con nên đem em bé đến Cha Piô, để cha cầu bàu xin Chúa chữa lành con mình.
Chuyến đi thật dài… nhưng bà không nản chí, bà đi xe lửa. Trong chuyến đi, hoặc do tình trạng quá nặng, hoặc do di chuyển nhọc nhằn, em bé chết. Bà mẹ lấy áo quần bọc con lại và để trong vali.
Đến San Giovanni Rotondo, bà chạy ngay đến nhà thờ và đến chỗ các bà chờ xưng tội. Khi đến phiên bà, bà quỳ xuống trước mặt Cha Piô, mở chiếc vali ra và khóc tức tưởi.
Bác sĩ Sanguinetti, một người trở lại, bác sĩ là cánh tay mặt của Đức Phanxicô trong việc xây cất Nhà Xoa dịu Đau thương có mặt lúc đó. Ông thấy ngay, dù đứa bé chưa chết vì bệnh thì chắc chắn nó cũng chết ngộp nếu để trong vali lâu như vậy.
Trước cảnh này, Cha Piô xanh mặt và quá xúc động. Cha ngước mặt lên trời, cầu nguyện rất lung, rồi bỗng cha quay phắc về bà mẹ đang khóc sướt mướt, cha nói: “Vì sao con khóc dữ vậy? Con không thấy đứa con của con ngủ sao?”
Và đúng vậy: em bé yên lành ngủ. Người ta không thể mô tả hạnh phúc của bà mẹ cũng như tiếng reo mừng của bà và của những người chứng kiến cảnh này.
Nhìn không có con ngươi
Người ta có thể nhìn mà không có con ngươi không? Về mặt con người thì… không! Vậy mà trên quả đất này có một người, đó là bà Gemma Di Giorgi, từ ngày Cha Piô đặt tay lên mắt bà và làm dấu thánh giá thì bà thấy bình thường, dù khi sinh ra bà không có con ngươi và chưa bao giờ có!
Sự việc xảy ra như sau: bà Gemma Di Giorgi sinh vào đêm Noel năm 1939. Ngay lập tức, cha mẹ thấy con mình có cặp mắt kỳ lạ: như thiếu một cái gì. Bác sĩ trong làng hỏi ý kiến hai chuyên gia ở Palerme, họ cho biết cặp mắt của em bé không có con ngươi. Họ chẩn đoán em sẽ mù suốt đời vì không có con ngươi thì không thể thấy được.
Cha mẹ em rụng rời trước “bản án” này. Tuy nhiên họ vững tin vào Chúa Quan Phòng và thường đến nhà thờ cầu nguyện với Đức Mẹ.
Một ngày nọ, người dì của cha mẹ em là một nữ tu khuyên họ đến gặp Cha Piô. Bà ngoại thân chinh đưa em bé đi. Bà xin xơ viết thư gởi gắm em cho Cha Piô. Một đêm nọ, xơ mơ thấy Cha Piô; cha hỏi xơ: “Em bé Gemma đâu mà con làm đinh tai nhức óc cha với bao nhiêu lời cầu nguyện như vậy?” Cũng trong giấc mơ, xơ giới thiệu em Gemma với Cha Piô, cha làm dấu thánh giá trên mắt em.
Ngày hôm sau xơ nhận thư trả lời của Cha Piô với nội dung: “Con thân mến, cha cầu nguyện cho em bé. Cha chúc lành cho con”. Ngạc nhiên về sự trùng hợp giữa giấc mơ và thư trả lời, xơ giục bà ngoại Gemma đi San Giovanni Rotondo ngay, đừng chần chờ gì nữa. Không cần nhắc thêm, bà ngoại và em bé lên đường ngay. Trên xe lửa em Gemma nói với bà ngoại, em có cảm tưởng em thấy một cái gì. Nhưng bà không tin vì em không có con ngươi.
Khi đến San Giovanni Rotondo, hai bà cháu chạy vào nhà thờ để xưng tội với Cha Piô. Vì em Gemma chưa rước lễ lần đầu nên trong dịp này, bà mong em được chính tay Cha Piô cho em rước lễ. Bà ngoại nhắc em nhớ xin Cha Piô chữa lành mắt khi em đi xưng tội với cha, nhưng em quên. Khi em Gemma ở trước mặt Cha Piô, cha để tay lên mắt em và làm dấu thánh giá.
Sau khi xưng tội, bà ngoại hỏi em có xin cha chữa lành mắt không, em nói em đã quên. Bà ngoại quá hoảng, bà khóc; rồi chính bà đi gặp Cha Piô để xin cha chữa lành cho cháu. Cha trả lời: “Con hãy tin tưởng, con của cha. Em bé không được khóc và con không được lo. Gemma thấy và con sẽ biết!”
Em bé nhận bánh thánh đầu tiên từ tay Cha Piô, sau khi trao bánh thánh cho em, cha làm dấu thánh giá lần thứ nhì trên mắt em. Vào ngày dự trù, hai bà cháu lên đường về nhà. Trên xe lửa, em bé thấy mình thấy rõ dần dần cho tới khi thấy được bình thường.
Về Cosenza, bà ngoại bị bệnh phải vào bệnh viện vài ngày. Trước khi rời cháu, bà đưa Gemma đến bác sĩ mắt, ông này bàng hoàng khi thấy em thấy rõ hoàn toàn mà không có con ngươi!
Vài tháng sau, cha mẹ em đưa em đến một chuyên gia ở Pérouse. Ông này cũng xác nhận không thể nào giải thích được vì sao em nhìn được mà không có con ngươi.
Và Gemma tiếp tục nhìn trong tình trạng này. Bà Gemma luôn ở trong làng của mình, thỉnh thoảng bà đi ra ngoài để kể cho mọi người nghe câu chuyện tốt đẹp của mình.
Marta An Nguyễn dịch