Từ giới khoa học và giới kinh doanh trở thành linh mục
Tuần rồi, có hai bản tin làm người ta lưu ý tới chức linh mục.
Đó là tin về Jaime Maldonado-Aviles, một cựu khoa học gia của Đại Học
Yale, và Cha Roy Edward Campbell, một trong các cựu phó chủ tịch của
Ngân Hàng America.
|
Jaime
Maldonado-Aviles đêm ngày quan sát óc chuột trong phòng thí nghiệm để
tìm hiểu nguyên nhân gây ra nghiện ngập và trầm cảm, nhưng ông thấy đời
mình đầy những điều không chắc chắn.
Phải chăng đó là điều ông
phải làm suốt đời. Dù xuất sắc ở trường, chiếm được chức vụ hậu tiến sĩ ở
Yale, và học giả nghiên cứu nổi tiếng, Maldonado-Aviles lúc nào cũng tự
hỏi: phải chăng đây là điều Thiên Chúa muốn ông làm?
Cuối cùng,
lời kêu gọi ông cảm nhận được từ Thiên Chúa mạnh đến nỗi không thể nào
làm ngơ được. Nhà khoa học về thần kinh đầy hứa hẹn này rời bỏ phòng
nghiên cứu của Liên Đoàn Ưu Tú (Ivy League) để gia nhập chủng viện tại
Đại Học Công Giáo America ở Đông Bắc Washington D.C. để trở thành linh
mục.
Ông cho hay: “cái trực giác khôn nguôi, tôi gần như muốn nói
phiền hà kia, rằng tôi được kêu gọi phục vụ cách khác… nó cứ quanh quẩn
ở đó hòai. Vào nhiều thời điểm khác nhau, câu hỏi ấy lại tái xuất hiện:
nếu mình thấy mình 90 tuổi, gần đất xa trời, liệu mình còn nói với
mình: ‘tôi nên vào chủng viện’ hay không?”. Ông đã vào. Và nay,Ông hy
vọng sẽ giúp người Công Giáo hiểu các khoa học gia, và giúp các khoa học
gia hiểu người Công Giáo.
Xét chung, các khoa học gia là lớp
người duy tục. Theo một cuộc nghiên cứu của Pew năm 2009, trong khi 95 %
người Hoa Kỳ cho biết họ tin Thiên Chúa hay một quyền lực nào đó cao
hơn, thì chỉ có 51% các khoa học gia tin như thế. Nhưng phần đông tin
một cách âm thầm. Và một số nhỏ nhưng có ý nghĩa đang rời bỏ nghiên cứu
để làm linh mục, đem viễn kiến dựa trên khoa học vào Giáo Hội Công Giáo,
một điều mà nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội cho là đang rất cần.
Khi
Maldonado-Aviles bước chân vào Trường Cao Đẳng Thần Học, tức chủng viện
của Đại Học Công Giáo, nhiều người cùng lớp của ông là những thanh niên
trẻ mới rời cao đẳng. Nhưng trong số các bạn cùng học, ông tìm được một
chủng sinh có bằng Tiến Sĩ hóa học, một chủng sinh khác từng nghiên cứu
khoa học siêu vi (nanoscience), và một chủng sinh khác từng học y khoa.
Con
số các chủng sinh ở Washington từng học khoa học, ít nhất ở bậc cử
nhân, đông đủ để Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục của tổng giáo
phận, phải lưu ý.
Ken Watts là người phụ trách tuyển sinh cho
Chủng Viện Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một chủng viện độc đáo ở
Massachusetts, chuyên biệt mở cho các người trên 30 tuổi, đôi khi cao
hơn nữa, muốn trở thành linh mục. Ông cho biết nghề được nhiều người
thuộc loại này chọn nhiều nhất là giáo dục, sau đó là chăm sóc y tế,
phục vụ quân đội, nhân viên xã hội và các công tác tôn giáo khác. Tất cả
những nghề này dễ dẫn người ta tới chức linh mục. Tuy nhiên, ông đã
hướng dẫn nhiều nhà khoa học gia nhập chủng viện.
“Có thể nói
hình như họ hội nhập rất nhanh. Xem ra đem bối cảnh khoa học băng qua
ngưỡng cửa chủng viện không khó khăn gì đối với họ. Không ai yêu cầu họ
phải từ bỏ bối cảnh đó. Khi các vấn đề luân lý được đặt ra xoay quanh
các lãnh vực y khoa, khoa học, điều chắc chắn có ích là có được những
người thực sự hiểu biết thế giới này giúp tu chính và minh xác suy tư
của Giáo Hội về chúng”.
Suzanne Tanzi, một nữ phát ngôn viên của
Trường Cao Đẳng Thần Học, cho rằng các linh mục khoa học gia rất hữu
ích, vì một trong các ưu tiên hàng đầu của Đức Đương Kim Giáo Hoàng,
người trước đây vốn là một nhà hóa học, là môi trường. Trước tác quan
trọng đầu tiên của Đức Phanxicô, trong ngôi vị giáo hoàng, là thông điệp
có tính kỹ thuật cao, chuyên bàn về môi trường, và Giáo Hội vốn là
người càng ngày càng cổ vũ các chính sách khắp thế giới nhằm giảm thiểu
việc thay đổi khí hậu. Watts cho rằng: “các vị rất, rất có giá trị”.
Thực
ra, Maldonado-Aviles nghĩ tới chức linh mục rất sớm, lúc còn là một
thiếu niên ở Puerto Rico. Cậu có tham gia nhiều cuộc du hành truyền giáo
lúc còn học ở trung học, và bắt đầu thắc mắc có thế nào làm nhà truyền
giáo lúc lớn lên chăng. Nhưng thay vào đó, cậu đã học sinh vật học
tại Đại Học Puerto Rico, nơi cậu được học bổng nghiên cứu sinh ưu tú của
Các Viện Sức Khoẻ Quốc Gia. Sau khi đậu tiến sĩ tại Đại Học Pittsburgh,
Ông theo chương trình hậu tiến sĩ tại Đại Học Yale, nơi ông lưu lại 6
năm, chuyên nghiên cứu nguyên nhân phân tử tạo ra các bất ổn ăn uống.
Cách
nay gần 3 năm, ông được một công việc hết sức vừa lòng, đó là chức vụ
mãn đời nghiên cứu tại phân khoa dược học của Đại Học Puerto Rico. Công
việc này giúp ông dọn về gần gia đình, điều ông rất muốn xưa nay, lại là
công việc vững ổn, lương bổng cao và có cơ hội thực hiện các cuộc tìm
tòi thích thú, có ý nghĩa.
Nhưng sau một vòng thảo luận,
Maldonado-Aviles đã từ khước lời đề bạt, để bắt đầu cuộc huấn luyện trở
thành linh mục. Việc này đòi 2 năm học triết học, 4 năm thần học, vị chi
là 6 năm. Hiện nay, ông đang ở năm thứ ba, và đã 37 tuổi.
Cứ đà
này, ông sẽ ngoài 40 lúc trở thành linh mục. Như thế, theo thống kê của
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, ông sẽ già hơn 80 phần trăm các tân linh mục
trong mấy năm gần đây, nhưng không phải là người già nhất. Các linh mục
tu muộn luôn hiện diện trong các chủng viện. Trong năm 2016, các chủng
viện Hoa Kỳ phong chức linh mục cho 6 người trong cỡ tuổi 50 và 3 người
trong cỡ tuổi 60.
Dọn đến phòng ngủ chung, Maldonado-Aviles đã từ
bỏ nhiều thứ: ông không còn lãnh lương, thay vào đó, sống với các chủng
sinh khác và được Giáo Hội chăm sóc mọi nhu cầu. Ông không thể thường
xuyên thăm gia đình ở Puerto Rico.
Ông có thói quen hẹn hò và
từng được giả thuyết là sẽ cưới vợ. Nhưng nay, ông dự kiến một cuộc sống
độc thân, nếu trở thành linh mục. Ông cho rằng “Tôi khó có thể nói
tôi hy sinh nhiều hơn người có gia đình, vì họ cũng đòi phải hy sinh.
Nếu tôi đã tin Thiên Chúa kêu gọi tôi làm linh mục, thì tôi cũng tin
Người sẽ ban đặc sủng cho tôi để trợ giúp tôi”.
Maldonado-Aviles
thận trọng khi nói rằng ông chưa biết chắc mình sẽ làm linh mục hay
không. Thời gian sống trong chủng viện là một phần của diễn trình biện
phân của ông: đọc ra các dấu chỉ mà Thiên Chúa để lại cho ông, có thể
chỉ cho thấy con đường ông phải bước theo. Ông đã thấy một số các dấu
chỉ này trước khi vào chủng viện. Đó là những lúc ông nghe được các đoạn
Sách Thánh trong Thánh Lễ và cảm thấy đích thân được mời gọi triệt để
hiến đời mình cho Chúa Giêsu.
Ông tìm kiếm các dấu chỉ một cách
chăm chỉ và chính xác, điều mà ông vốn có lúc còn thực hành khoa học.
Ông cho rằng ông quen nghĩ mình là người duy nhất ở phòng thí nghiệm tin
vào Thiên Chúa, cho tới lúc ông bắt đầu thấy các giáo sư ở Yale ngồi
đầy cùng một hàng ghế với ông trong Thánh Lễ. Việc nghiên cứu thần kinh
giúp ông càng thán phục công trình của Thiên Chúa: “sự phức tạp nhưng
lại có trật tự qua đó sự việc vận hành trong cơ thể ta và trong bộ óc ta
làm cho bạn nghĩ hẳn phải có điều gì khác hơn là chuyện ngẫu nhiên”.
Nhưng
hòa giải đức tin của mình với công việc của mình không luôn dễ dàng như
thế. Ông nhớ nhân có lần đi dự cuộc nói chuyện về việc phát triển của
tân vỏ não (neocortex) mới hay cuộc nghiên cứu đang được đề cập đã được
tiến hành trên các phôi thai người đã bị trục thai ở Âu Châu.
Ông
hốt hoảng nghĩ rằng nghiệp khoa học của ông dám khiến ông phải tiếp cận
việc phá thai, một điều bị Giáo Hội coi là tội nặng. Ông tự hỏi: “mình
đang làm gì đây? Liệu mình có bao giờ làm hại đức tin vì áp lực thành
công hay không đây?”
Lúc này, ông cho hay: ông lưu tâm nhiều đến
khoa đạo đức sinh học. Được gợi hứng bởi một số ít các linh mục khoa học
gia tại Đại Học Công Giáo và một số các vĩ nhân trong lịch sử Công
Giáo, như Linh Mục Georges Lemaitre, người đầu tiên nghĩ ra thuyết Big
Bang, đan sĩ Gregor Mendel, người khai sinh khoa di truyền học, ông dự
kiến việc bắc cầu có thể có trong tương lai giữa hai lãnh vực này. Ông
muốn cố vấn cho các nhà khoa học về đạo đức học trong việc làm của họ.
Ông
cho rằng “thần học phải học hỏi từ các vấn kế của khoa học. Chúng ta
được thông tri về việc sự sống đã vận hành ra sao. Nhưng khoa học cũng
phải học hỏi từ thần học”.
Tân phụ tá giám mục Washignton D.C., cựu phó chủ tịch Ngân Hàng America
Cũng
trong tuần qua, và cũng tại tổng giáo phận Washington D.C., Đức
Phanxicô đã bổ nhiệm một người trước đây từng nắm giữ vai trò chấp hành
của Ngân Hàng America, làm giám mục phụ tá cho Đức Hồng Y Wuerl. Đó là
Cha Roy Edward Campbell Jr., nguyên phó chủ tịch Bank of America.
Trong
một bản tuyên bố đề ngày 8 tháng Ba, Đức Hồng Y Wuerl nói rằng “Tất cả
chúng ta trong tổng giáo phận hết lòng biết ơn Đức Thánh Cha, tức Đức
Giáo Hoàng Phanxicô, đã cử nhiệm Cha Roy Campbell làm giám mục phụ tá
trong Giáo Hội Washington của chúng ta”.
Cha Campbell, người sinh
ra, được dưỡng dục và từng làm việc và phục vụ trong tổng giáo phận,
“đem tài năng đã được công nhận và khả năng đã được chứng minh vào thừa
tác vụ mới của ngài. Ngài cũng làm chứng cho sự phong phú lớn lao về văn
hóa và sắc tộc của Giáo Hội Washington phản ảnh nơi mọi tín hữu, cả
giáo dân, tu sĩ lẫn giáo sĩ”.
Đức Hồng Y nói thêm rằng “Bản thân
tôi mong được tiếp tục làm việc mật thiết với Đức Giám Mục Phụ Tá của
chúng ta, người, trong nhiều năm qua, đã đóng góp đáng kể vào đời sống
mục vụ của tổng giáo phận này”.
Cha Campbell, 69 tuổi, đã có một
nghề nghiệp kéo dài 33 năm với Bank of America, bắt đầu làm thu ngân
viên (teller) rồi leo lên chức phó chủ tịch và “Giám Đốc Dự Án” trước
khi về hưu sớm vào năm 2002 để theo ơn gọi làm linh mục.
Sinh
ngày 10 tháng 11 năm 1947 ở Nam Maryland, Cha Campbell được dưỡng dục ở
Washington và từng lưu ý tới chức linh mục lúc còn nhỏ.
Sau trung
học, cha theo học và tốt nghiệp Trường Đại Học Howard năm 1969 và sau
đó lãnh bằng cao học về ngân hàng tại Trường Đại Học Virginia, làm việc
trong kỹ nghệ ngân hàng tại vùng Washington-Baltimore.
Cha là một
người Công Giáo hoạt động cả trong các giáo xứ lẫn trong cộng đồng rộng
lớn hơn là vùng Washington, làm người đọc sách và chỉ chỗ ngồi trong tư
cách thành viên của các hội đồng mục vụ và tài chánh của Đền Thánh Tâm.
Một
cuộc gặp gỡ với một người đàn ông vô gia cư vào tháng 12 năm 1995, đã
thôi thúc ngài nghĩ tới mối liên hệ của ngài với Chúa Giêsu, và kết quả
là ngài gia nhập chương trình phó tế vĩnh viễn của tổng giáo phận vào
năm 1999. Sau đó, ngài gia nhập chủng viện Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ỏ
Massachusetts, tháng Giêng năm 2002 và được thụ phong linh mục ngày 26
tháng Năm năm 2007.
Từ ngày thụ phong, Cha Campbell từng làm phó
xứ rồi chánh xứ tại nhiều giáo xứ. Trong một cuộc phỏng vấn ghi hình của
tổng giáo phận Washington, Đức Giám Mục tân cử nói rằng “Chính Chúa ban
ơn cho tôi qua Đức Thánh Cha”, một vinh dự lớn lao bởi việc bổ nhiệm
này.
Ngài nói tiếp: “Điều duy nhất tôi mong mỏi làm để đáp lại ơn
gọi của Chúa là làm một linh mục cho dân Người, yêu thương và phục vụ
những người mà Người đã mời gọi tôi phục vụ”.
“Và nếu Người đã
mời gọi tôi phục vụ trên một qui mô lớn hơn một giáo xứ, trong tư cách
một giám mục, thì tôi biết tôi sẽ được ơn thánh của Người, sự hướng dẫn
của Người và tình yêu của Người, giúp tôi phục vụ như thế. Cho nên,
ngoài điều đó ra, những gì sau đó, tôi sẽ tìm ra”.
Vũ Văn An
|