Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài viết
Ban đêm, các nhà thờ ở Luân Đôn biến thành khách sạn cho người vô gia cư

cath.ch, Pierre Pistoletti, Luân Đôn, 2016-11-22 

1

Phòng của giáo xứ nhà thờ Đức Bà nước Pháp ở trung tâm của một trong các khu phố sầm uất nhất Luân Đôn, Quảng trường Leicester Square (Hình: Pierre Pistoletti)

 

Trong các tháng mùa đông, mười bốn nơi thờ phượng ở Luân Đôn cung cấp chỗ ở, chăn mền cho người vô gia cư ở thủ đô nước Anh. Từ tháng mười đến tháng năm, hàng đêm các thiện nguyện viên xông xáo làm việc để tránh cho người vô gia cư phải ngủ ngoài đường.

Phóng sự của Nhà thờ công giáo Đức Bà nước Pháp ở thủ đô nước Anh.

Có một vài cuối tuần, có cả 400’000 người đi qua trước cánh cửa màu xanh của “căn nhà Pierre Chanel”. Giữa một hộp đêm và một tiệm ăn Ý, căn phòng kín đáo của giáo xứ nhà thờ Đức Bà nước Pháp ở một trong những nơi trọng yếu dành cho người đi bộ ở Luân Đôn, Quảng trường Leicester. Nhưng ít ai để ý đến, nhất là các khách du lịch, họ đang còn ngắm hàng trăm bảng hiệu đèn màu nhấp nhánh ở đây. Một loại ‘khách du lịch’ khác để ý đến nơi này: những người vô gia cư của thủ đô.

2
Hình: Mỗi cuối tuần có cả 400’000 người đi qua nơi này, một nơi không bao giờ ngủ (Hình: Pierre Pistoletti)

Từ City đến nơi đón nhận người vô gia cư

Từ bảy năm nay, mỗi tối thứ tư trong các tháng mùa đông, các thiện nguyện viên xông xáo hoạt động để cho hơn mười lăm người vô gia cư có bữa ăn nóng, có chỗ ngủ qua đêm và có bữa ăn sáng. Tối thứ tư 16 tháng 11-2016, tám thiện nguyện viên âm thầm làm việc dưới sự hướng dẫn của bà Jutta, điều hợp viên đón tiếp của nhà thờ Đức Bà nước Pháp. Mỗi tuần một lần, bà mẹ gia đình này trút bỏ bộ vét lịch sự để mặc tạp dề phục vụ. “Tôi làm việc ở City, trong thế giới tài chánh. Mỗi ngày tôi thấy hàng tràng con số khổng lồ đi qua màn hình. Tôi nghĩ công việc dấn thân này giúp cho tôi giữ hai chân đạp đất”.

Việc tiếp nhận đúng thật là một công việc phải cụ thể. Bà Jutta giải thích, “phải tiếp xúc với từng thiện nguyện viên, giao cho họ từng công việc: chuẩn bị bữa ăn tối, bữa ăn sáng, đặt nệm bơm hơi, đặt màn chắn giữa hai phòng”. Nhưng công việc khó khăn hàng tuần là tìm cho ra hai người ngủ tại chỗ suốt đêm. Một công việc bắt buộc mà bà thường phải đảm trách.

 

3

Jutta làm việc ở City. Các tối thứ tư, bà điều hợp công việc việc đón nhận ở Chỗ trú ban đêm (Night Shelter) tại nhà thờ Đức Bà nước Pháp (Hình: Pierre Pistoletti)

Ở phía Đông Luân Đôn, có mười hai nhà thờ công giáo, anh giáo và một nguyện đường do thái cũng thay phiên nhau làm mỗi tuần một lần. Kết quả là có hàng chục người không phải ngủ người đường từ tháng mười đến tháng năm. “Chỗ trú ban đêm” là một chương trình được Trung tâm West London Day thành lập, một tổ chức xã hội có tinh thần kitô giáo để phục vụ cho những người có hoàn cảnh sống khó khăn. Việc đón nhận ban đêm này là một trong các sinh hoạt của Trung tâm, đặc biệt được sự cộng tác của nhiều thiện nguyện viên của nhiều tôn giáo khác nhau.

Những cuộc đời thăng trầm

Bà Jutta nhấn mạnh: “Chúng tôi không những chỉ giúp tạm thời nhưng chúng tôi cố gắng tạo bầu khí thân tình và chung sống”. Khi các vị khách đầu tiên đem đồ đạc đến nệm của họ, chúng tôi bắt đầu bắt bếp lên. Thực đơn chiều nay: xúp đậu, càri gà và rau trái cây. Có ba người chuẩn bị cho bữa ăn tối nay, trong đó có bà Anne người Pháp ngoài năm mươi, nhã nhặn vui vẻ của giáo xứ. Bà vừa cắt lê cho bữa ăn tráng miệng vừa giải thích: “Chúng tôi gặp những người có cuộc sống thăng trầm. Mỗi người có câu chuyện riêng của họ, những câu chuyện không bình thường chút nào. Họ chiến đấu để thoát ra khỏi tình trạng này và lời chứng của họ thì thật cảm động”.

 

4
“Lời chứng của họ thì thật cảm động”, theo bà Anne (Hình: Pierre Pistoletti)

Bàn ăn gọn gàng chu đáo, ngồi chung bàn vừa người Anh vừa người ngoại quốc. Nhất là đàn ông. Trong số họ có ông Mick, 57 tuổi. Ánh mắt nhìn sắc sảo, thông minh. Tinh nghịch. Đó là người nghiện chơi bài, dần dần dẫn ông ra… đường. Ông đã mất tất cả: công việc, gia đình, căn hộ. “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm chuyện này. Tôi không bao giờ thấy cái gì hứng thú cho bằng sòng bài. Nhưng tôi mất tất cả ở đó, tôi cố gắng thoát ra cảnh này”.

Trước mặt ông là anh Richard, 34 tuổi, người vạm vỡ. Cao nhưng hơi mập, tóc vàng dài, mắt xanh, râu rậm. Anh là một cựu nhân công, một vụ thất tình đã đẩy anh xuống vực thẳm. Anh rụt rè giải thích: “Một khi ở ngoài đường, chuyện gay go nhất là kiếm việc làm. Mọi hợp đồng làm việc đều bắt mình phải có một địa chỉ cố định, một nơi ở. Trong trường hợp của tôi, trả tiền nhà là một chuyện mà tôi không thể làm được”.

5

Mỗi chiều có hàng chục người vô gia cư được đón nhận ở mười bốn nơi thờ phượng khác nhau (Hình: Pierre Pistoletti)

 

Rời đường phố

Cô Amélie, một người Pháp ở Chỗ trú ban đêm (Night Shelter) của nhà thờ Đức Bà nước Pháp giải thích:  “Mục đích không phải chỉ là giải quyết vấn đề tạm thời. Với Trung tâm West London Day, chúng tôi tìm giải pháp giúp cho họ có cuộc sống bình thường”. Từ đào tạo trong nhiều lãnh vực đến trả tiền nhà để đảm bảo chỗ ở. Rất nhiều việc phải làm và chúng tôi đã làm được nhiều việc. Năm 2015, có 39 trong số 63 người vô gia cư của Chỗ trú ban đêm có được một mái nhà và 11 người có được việc làm.

Bà Jutta nhận xét: “Phải công nhận là khách chúng tôi có nhiều cơ hội để thoát cảnh này. Đường phố không phải là chặng cuối của họ. Luật lệ ở đây là không bạo lực, không rượu, không ma túy, không có vấn đề tâm lý quá nặng”. Quá khó để cho các thiện nguyện viên chịu đựng. Và mỗi người vô gia cư phải giữ chuyên cần. “Nếu hai lần liên tiếp họ không đến mà không báo trước, họ không được ở trong chương trình”. Đây cũng là một đòi hỏi để được hưởng chương trình này.

Một giờ sau khi người vô gia cư đến thì bữa ăn được dọn ra. Bầu khí dần dần thư giãn khi bụng đã no. Mọi người nói chuyện đá banh, chuyện thất bại của đội tuyển Anh, họ cũng nói đến các khó khăn hàng ngày. Một vài người nói nhiều hơn người khác. Bỗng nhiên bà Anne vào phòng với mũ kết xe đạp còn đội trên đầu làm cho bà giống lính La Mã. Ngạc nhiên, ai cũng nhìn bà. Bà hỏi với giọng nói tiếng Pháp the thé: “Nhưng vì sao quý vị nhìn tôi như vậy? Quý vị không thích cái mũ mới của tôi sao?”. Mọi người bật lên cười. Mọi hàng rào xã hội, văn hóa đều rơi xuống ở bàn ăn ô hợp này. Và đây là trọng tâm của việc đón nhận. Có một cái gì thân tình ở đàng sau cánh cửa màu xanh của quảng trường Leicester Place này. Ngoài giường nằm và bữa ăn, còn có tình bạn sưởi ấm tâm hồn. 

Giáo xứ Đức Bà nước Pháp

Giáo xứ Đức Bà nước Pháp ở quảng trường Leicester trong khu phố Soho có sinh hoạt đa dạng về mặt xã hội và văn hóa. Theo Linh mục Pascal Boidin, cha xứ của giáo xứ đặc biệt này thì có “hơn 30 quốc tịch chung quanh một ngôn ngữ chung. Khu phố này rất vui nhộn. Đó cũng là chuyện may và chuyện không may của nó”, cha giải thích. Có mặt tại nơi đa màu sắc này từ hơn 150 năm nay, giáo xứ vừa là nơi rao giảng Phúc Âm, vừa là nơi gặp của mọi người, nơi đón tiếp trong tinh thần bác ái đối với những người khốn cùng nhất. Ngoài “Chỗ trú ban đêm”, giáo xứ còn có một trung tâm dành cho người tị nạn, và mỗi thứ bảy đều có phát thức ăn. Theo Linh mục Boidin, chính trong việc phục vụ hợp lý này mà đã làm cho cộng đoàn này bẻ gãy được các hàng rào ngăn chận của xã hội.

 

6

Nhà thờ Đức Bà nước Pháp đón người vô gia cư các thứ tư hàng tuần (Hình: Pierre Pistoletti)

7

Từ ba năm nay, mỗi tối thứ tư Amélia làm thiện nguyện cho Chỗ trú ban đêm của giáo xứ mình (Hình: Pierre Pistoletti)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: