Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài viết
Ba lần tha thứ của Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận


Được Đức Phaolô VI bổ nhiệm làm giám mục, Đức Gioan-Phaolô II phong hồng y, hồng y François-Xavier Nguyễn Văn Thuận đã trải qua tất cả các cuộc bách hại. Đối với ngài, sự tha thứ là thử thách khó khăn nhất về sự thánh thiện mà ngài phải trải qua.

Ngày 16 tháng 9 năm 2002, hồng y François-Xavier Nguyễn Văn Thuận qua đời tại Rôma vì bệnh ung thư. Năm 2017, ngài được Đức Phanxicô phong là bậc đáng kính vì đã sống cuộc đời đặc biệt đau thương, một cách vượt quá sức chịu đựng của con người, ngài đã có thể tha thứ cho kẻ thù của mình, dù phải trả một giá quá  đắt.

Tên của ngài trong tiếng Việt mang một ý nghĩa đẹp, có nghĩa là “vâng lời”, ngài sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928 tại thành phố Huế trong một gia đình làm quan. Ông ngoại là Ngô Đình Khả điều hành các công việc triều đình trong một thời gian dài – dù theo đạo là một khuyết điểm dưới mắt nhiều người – trước khi bị lật đổ khỏi quyền lực do chủ nghĩa dân tộc làm mất lòng chính quyền Pháp.

Một gia đình của các người kháng chiến

Các chú bác bên ngoại của hồng y Thuận đều giữ chức vụ cao trong chính quyền Đông Dương lên thay. Hoạt động một cách bí mật hay công khai trong thời Nhật chiếm đóng, họ ủng hộ các đảng phái trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, họ thúc đẩy phản kháng, không chỉ với người Pháp mà còn với mối đe dọa ngày càng tăng của cộng sản. Vì thế khi những người ủng hộ  Hồ Chí Minh giành chính quyền năm 1945, gia đình Ngô Đình thầy mình ở tuyến đầu. Ngày 31 tháng 8, Cộng sản bắt Ngô Đình Khôi (người con đầu của cụ Ngô Đình Khả) cùng với con trai duy nhất là Huân 16 tuổi, người anh họ thân nhất của hồng y Thuận. Trong nhiều tuần, người thân trong gia đình không có tin tức của hai cha con. Cuối tháng 9, tin dữ dội kinh khủng nhưng có thể đoán trước: Ngô Đình Khôi và con trai bị tử hình; không bị bắn như tin tức loan lúc đầu, nhưng bị chôn sống.

Không thể tha thứ

Lúc đó chỉ còn mấy tháng là hồng y Thuận vào đại chủng viện, ngài nhận ra khát vọng sâu xa được làm linh mục của mình. Vụ sát hại Bác Khôi và con của bác là cú sốc khủng khiếp hồng y Thuận đã phải trải qua, với một bạo lực hiếm có, cú sốc này làm ngài đặt lại vấn đề ơn gọi tuổi trẻ của ngài, dù ơn gọi này đã ăn sâu và bắt nguồn từ năm 14 tuổi khi ngài vào tiểu chủng viện, tuổi thanh xuân đã hiểu thế nào là hy sinh. Giao động, nổi loạn, điên lên vì đau đớn, hồng y không muốn gì khác là trả thù. Ý thức không tha thứ là vi phạm luật Chúa, làm sao tha thứ cho chuyện không thể tha thứ, trong tuyệt vọng, ngài nghĩ ngài phải trở về thế gian vì không xứng đáng phục vụ Chúa nữa, thậm chí còn thua một giáo dân thường, vì một linh mục không được thù ghét.

“Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”: những lời này của Kinh Lạy Cha giờ đây với ngài là ngoài sức con người.

Bằng sức mạnh của ý chí

Dù ở hoàn cảnh nào, ngài cũng không bỏ giờ hương nguyện, trong nhà nguyện, ngài nghe tiếng nói, ngài nhận ra đó là tiếng Chúa Kitô: “Phanxicô, trong nhà của Ta, tha thứ không phải là một lựa chọn.” Xé lòng, cậu bé nương náu vào lời cầu nguyện, xin Đức Mẹ cứu giúp. Ngài được giúp đỡ khi đọc tiểu sử của cha Miguel Pro, người tử đạo của La Cristiada, bị bắn ở Mexico năm 1927. Tấm gương của tu sĩ Dòng Tên trẻ người Mexico, và những lời khuyên can của dì Hoa xin ngài tha thứ, cũng như chính dì đã tha thứ cho những kẻ giết chồng và đứa con trai duy nhất của dì đã kéo hồng y Thuận ra khỏi những suy nghĩ ma quỷ của mình. Nhờ sức mạnh ý chí, ngài vượt qua được thử thách. Ngài không nghĩ đến nó, nhưng câu hỏi về lòng thương xót này sẽ trở đi trở lại trong suốt cuộc đời ngài.

Ngày 2 tháng 11 năm 1963, khi đã là linh mục và bề trên tiểu chủng viện Huế, ngài bị đánh thức vì  một tin chấn động khác: một cuộc đảo chính đêm hôm trước đã lật đổ chế độ Sàigòn. Có tin Tổng thống Diệm và em là cố vấn Nhu, Bộ trưởng bộ Nội vụ Nhu tự sát để tránh rơi vào tay quân nổi dậy.

Ông Diệm, ông Nhu là bác ruột của hồng y Thuận, dù không phải lúc nào ngài cũng đồng ý với các quyết định chính trị của hai bác, nhưng ngài luôn nói với hai bác, ngài yêu thương họ vô cùng. Ngài khó chấp nhận cái chết của hai bác, nghĩ rằng những người ngài yêu mến và ngưỡng mộ chiều sâu đức tin, lòng tận tụy của họ với Giáo hội lại tự tử, và như thế là bị án phạt, đó là điều một linh mục như ngài không thể chịu đựng được.

Nhà nước nói dối

Trong nước mắt, ngài về nhà mẹ. Mẹ lấy từ ngăn kéo ra một tài liệu bí mật, một lá thư mà ngay cả những người thân của bà cũng không biết, cho biết Tổng thống Diệm, trong thời gian sống lưu vong, đã có thói quen vào tu viện sống và đã khấn dòng Bênêđictô của Thánh André de Bruges. Một tu viện mà sau đó ông phải rời để về Việt Nam cứu miền Nam khỏi đe dọa của cộng sản, ông không bao giờ bỏ lời khấn khiết tịnh và khó nghèo.

Với người cháu của ông, tài liệu này là bằng chứng không thể chối cãi, các bác của ông không tự bắn vào đầu như những người phản loạn tuyên bố. Hơn nữa, rất nhanh chóng, lời nói dối này của Nhà nước đã bị lộ và họ phải công nhận tân chính quyền đã thanh toán hai anh em ông Diệm với sự đồng lõa mạnh mẽ của nhà cầm quyền Mỹ. Sau này, dù có sự can thiệp cá nhân của Đức Phaolô VI, dù đã hứa, người Mỹ đã không can thiệp khi chính quyền Nam Việt Nam, sau một phiên tòa gian lận đã bắn ông Cẩn, người chú của hồng y Thuận.

Sự bám riết để chống gia đình ngài, sự từ chối của nhà cầm quyền không cho biết nơi chôn cất hai ông Diệm và Nhu đã làm cho hồng y Thuận có những suy nghĩ tiêu cực. Bị lương tâm đè nặng, mình là người hướng dẫn tâm linh, là cha giải tội nổi tiếng, lại không áp dụng được lời khuyên của mình cho người khác khi phải đối diện với thử thách cá nhân tàn khốc, những thử thách mà ngài có mọi khí cụ thiêng liêng cần thiết để chống đỡ. Ngài không thể tha thứ cho những kẻ nổi loạn cũng như cho nước Mỹ.

Thử thách trong bóng tối nội tâm

Trong nhiều tháng, ngài chìm trong bóng tối nội tâm mà ngài cố che giấu, nhưng điều này lại dẫn ngài đến bờ vực tuyệt vọng, thậm chí là điên loạn khi ngài bị ám ảnh bởi cảm nhận mình chịu bất công không thể chịu đựng được. Nhờ tấm gương của mẹ, bà Elisabeth Ngô Thị Hiệp, nhờ cuộc chiến đấu khủng khiếp và không ngừng, nhờ việc tìm được xác của hai bác, ngài vượt lên được cơn giận và đã tha thứ được. Thêm nữa, khi ngài là giám mục Nha Trang, với tất cả quyền lực và ảnh hưởng lớn lao của mình, ngài nỗ lực hết sức để chữa lành vết thương cho đất nước. Ngài làm việc để đưa thiểu số công giáo bị cáo buộc ủng hộ Tổng thống Diệm đến gần hơn với người phật tử, nối lại quan hệ với các tuyên úy Mỹ và tạo tình huynh đệ trong quan hệ với họ.

Mùa hè năm 1975, sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, hồng y Thuận bị bắt với lý do là “tay sai của quyền lực phương Tây và là đầy tớ của chủ nghĩa tư bản” – trên thực tế chính quyền cộng sản không chấp nhận việc ngài trở lại Sàigòn – ngài đã sẵn sàng đi trên con đường thánh mà Chúa sẽ dẫn ngài đi trong suốt mười ba năm bị giam cầm khủng khiếp, mà đối với ngài dường như vô tận.

Sống lưu vong, nhưng được tự do

Ngài được trả tự do ngày 21 tháng 11 năm 1988, chấm dứt những thử thách mà ngài nghĩ mình sẽ không chịu đựng được nếu không có ơn Chúa, mọi người xem ngài là chứng nhân cho một đức tin bị thử thách. Chỉ có ngài biết ngài còn những khiếm khuyết bên trong: những hận thù, những nhạy cảm, lòng kiêu hãnh. Vì vậy, ngài vẫn đổ lỗi cho người Mỹ về vai trò của họ trong cái chết của hai bác và sự sụp đổ của chế độ. Tương tự như vậy, ngài từ chối – vì những lý do mà ngài cho là tốt, và trước hết là nỗi sợ hãi, nếu ngài làm như vậy, ngài sẽ không bao giờ có thể trở lại Việt Nam nữa – ngài từ chức phó tổng giám mục Sàigòn mà ngài biết ngài không bao giờ có thể đảm nhiệm. Trong thời gian ngài ở Úc, mẹ của ngài lúc đó đã gần trăm tuổi, nhưng bà không mất một chút nào về tầm nhìn xa và những đòi hỏi đạo đức, bà đã nói cho ngài biết điều gì không phải. Hồng y Thuận vâng phục và từ bỏ những điểm yếu cuối cùng của mình.

Bị trục xuất khỏi đất nước ngài vô cùng yêu thương, ngài sống lưu vong nhưng được giải thoát, ngài dứt khoát loại mọi cảm giác hận thù, tự hào, oán hận và cuối cùng ngài hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa.

Bài đọc thêm: Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận: bài học cho đại dịch

Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, người sống một ngàn thập giá

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: