Một
khi bị truất phế, bà Park bị mất hết quyền lợi dành cho các vị cựu tổng
thống. Trước quyết định này, nhiều người đã biểu tình ủng hộ bà Park,
phản đối quyết định của tòa án hiến pháp. Bạo loạn và xung đột đã khiến
ít nhất hai người chết, nhiều người bị thương. Đang ở đỉnh cao của quyền
lực, người phụ nữ này đã bị tước hết mọi bổng lộc và trở nên một tội
phạm. Việc một tổng thống bị truất phế cho thấy ở thế gian này chẳng có
gì là bền vững, kể cả địa vị của một người đứng đầu một quốc gia. Sự
kiện này nhắc chúng ta về ý nghĩa của quyền lực trong cuộc đời.
Trong
thời phong kiến, vua được coi như “thiên tử”, tức là “con trời”. Quyền
lực của vua được coi như “Thế thiên hành đạo”. Quan lại thời đó được coi
như “Dân chi phụ mẫu”. Trong xã hội hiện đại hôm nay, người cán bộ được
gọi là “công bộc của dân”. Khái niệm này đi ngược lại hoàn toàn với
thời phong kiến. Tuy nhiên trong thực tế thì không hẳn như vậy. Trong xã
hội Việt Nam của chúng ta, những người được gọi là “công bộc”, là “đầy
tớ” của dân thì bao giờ cũng khá giả hoặc có một cuộc sống dễ chịu hơn
những “ông chủ”. Xem ra khái niệm “công bộc” cũng chỉ dừng lại ở ngôn từ
văn chương, giống như “khách hàng là thượng đế” trong lãnh vực kinh
doanh thương mại. Đây đó có những “thượng đế” bị chửi bới lăng mạ. Không
thiếu những trường hợp “ông chủ” bị các “công bộc” hành hung tới mức
thương vong.
Để
duy trì trật tự, bất kỳ xã hội nào cũng cần có một cơ chế và hệ thống
hành chính. Khi dân Do Thái đến miền đất mà Thiên Chúa đã hứa với cha
ông họ, họ cần có người lãnh đạo, mặc dù họ vẫn biết rằng Thiên Chúa là
Đấng lãnh đạo tối cao. Bởi lẽ Ngài đã chọn dân tộc này làm dân riêng.
Trước lời đề nghị của dân, Chúa đã đặt các vị thẩm phán và sau này, Saul
được Samuen xức dầu làm vua, khởi đầu nền quân chủ của dân tộc Israen.
Các xã hội dù văn minh hay mọi rợ, đều cần có hệ thống lãnh đạo để cầm
cân nảy mực, bảo vệ quyền lợi của người dân và phát triển đất nước. Tuy
vậy, kinh nghiệm cho thấy, hễ có quyền lực là có lạm dụng, cũng như hễ
có tiền bạc là có tham ô. Đơn giản như những vụ việc liên quan đến một
số cán bộ địa phương táng tận lương tâm tới mức ăn chặn tiền cứu trợ cùa
nạn nhân lũ lụt, hay của những người nghèo vào dịp lễ tết. Quyền lực và
tiền bạc có một hấp lực mạnh mẽ khó cưỡng. Vì tối mắt trước cám dỗ này,
nhiều người đã vướng vòng lao lý. Những người phải trình diện trước
vành móng ngựa trong những vụ án lớn gần đây, hầu hết là những người có
quyền hành, với những chức danh quan trọng như tổng giám đốc, giám đốc,
trưởng phó phòng, thậm chí là những người giữ chức vụ quan trọng trong
guồng máy lãnh đạo. Họ đã lạm dụng quyền lực, coi quyền lực là phương
tiện để vinh thân phì gia và để trục lợi chứ không để phục vụ công ích.
Họ đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả, tranh thủ làm giàu theo kiểu
“hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Đã có biết bao phát ngôn được gọi là
“ấn tượng” của các vị lãnh đạo cao cấp về vấn đề này. Người ta lạm dụng
quyền lực để “chống lưng”, để “bảo kê” cho những hành động phi pháp. Ông
Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã tuyên bố trong cuộc
họp ngày 4-3-2017: “Tôi thống kê hơn 180 quán bia vỉa hè thì trên 150
quán bia có công an đứng đằng sau”. (nguồn: báo điện tử Người lao động,
4-3-2017). Lời tuyên bố của vị lãnh đạo thủ đô cho thấy tình trạng tham
nhũng đã trở nên nghiêm trọng trong xã hội chúng ta. Những người có
trách nhiệm bảo vệ an ninh công cộng (công an), vì quyền lợi cá nhân, đã
đi ngược với danh xưng và nhiệm vụ của mình.
Như
trên đã nói, quyền lực là một cám dỗ mang hấp lực rất mạnh. Nó tồn tại
ngay từ khi con người mới hiện hữu trên thế gian này. Ađam và Evà, ông
bà nguyên tổ, cũng đã ngã gục trước lời ngọt ngào của con rắn. Khi muốn
nên giống như Thiên Chúa, ông bà phủ nhận thân phận thụ tạo của mình. Vì
nghe theo lời dụ dỗ của con rắn, ông bà đã chuốc lấy tai họa khổ đau.
Nỗi đau lớn nhất là ông bà bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng, không còn mối
thân tình với Chúa.
Khi
cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa, ma quỷ cũng dùng miếng mồi quyền
lực. Nó đưa Người lên đỉnh núi cao, chỉ cho Người những vinh hoa phú quý
trần gian, hứa cho Người tất cả, miễn là Người thờ lạy nó. Chúa Giêsu
đã khước từ và xua đuổi tên cám dỗ (x. Mt 4,1-11). Người khẳng định, chỉ
có Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ. Chỉ có Ngài là lý tưởng cao cả và
là Đấng ban cho con người hạnh phúc đích thực.
Trong
đời sống cũng như trong giáo huấn, Chúa Giêsu cũng cho thấy quan điểm
rõ ràng của Người về quyền lực. Nhiều lần, Người đã tránh để người ta
tôn vinh làm vua. Người cũng cảnh báo các môn đệ, khi những người này có
quan niệm về sứ mạng của Người theo kiểu trần tục. Người mời gọi những
ai muốn làm lớn, thì phải phục vụ anh em như những người đầy tớ. Theo
giáo huấn của Chúa Giêsu, quyền lực không phải để thống trị, mà để phục
vụ, nhằm đem lại lợi ích cho mọi người. Chính Chúa đã làm gương cho
chúng ta, khi Người bưng chậu nước rửa chân cho các tông đồ trong bữa
tiệc ly. Đây là bài học không chỉ cho các môn đệ và cho các tín hữu, mà
còn cho tất cả những ai được trao phó quyền lực trong xã hội và Giáo
Hội.
Trước
tòa Philatô, khi ông này muốn coi quyền lực như sở hữu của riêng mình,
Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên
không ban xuống cho” (Ga 19,11). Như thế, mọi quyền lực là do ơn trên
ban, và phải sử dụng nó theo ý Trời, vì lợi ích của cộng đồng. Một khi
quên điều đó, quyền lực sẽ bị lạm dụng để phục vụ cho những lợi ích
riêng tư và không sớm thì muộn, quyền lực sẽ bị tước bỏ.
Người
ta nói: quyền lực giống như cát. Nếu cố tìm cách nắm chặt, nó sẽ chảy
qua khe ngón tay, nhưng nhẹ nhàng uyển chuyển, thì sẽ giữ được nó. Năm
2012, người dân Hàn Quốc vui mừng vì có một nữ tổng thống đầu tiên trong
lịch sử. Tuy vậy, niềm vui mừng ấy không được trọn vẹn. Niềm tin của họ
đã gửi nhầm địa chỉ. Bà Park đã phản bội lòng yêu mến và kỳ vọng của
đồng bào mình. Vụ việc xảy ra ở Hàn Quốc, cũng như những vụ án nghiêm
trọng trong xã hội chúng ta là những lời cảnh báo cho những ai đang sở
hữu quyền lực, hãy nhìn lại trách nhiệm của mình khi thi hành quyền hành
được trao phó.
Mùa
Chay mời gọi chúng ta hãy xét lại “cái tôi” trong mối tương quan với
Chúa và với anh chị em mình. Mỗi chúng ta đều được Chúa trao ban một
phần quyền lực. Có thể đó là người cha người mẹ trong gia đình. Có thể
đó là người đứng đầu một cộng đoàn, một tổ chức. Có thể đó là một linh
mục trông coi một giáo xứ, hay một tu sĩ đang làm việc tông đồ. Cám dỗ
về quyền lực dễ làm chúng ta quá tự tôn, quên vị trí của Chúa và của tha
nhân trong cuộc sống hằng ngày và trong khi thi hành sứ vụ tông đồ.
Quyền lực chỉ là công việc, bổn phận. Đừng coi nó là nấc thang thăng
tiến và đích điểm tối hậu của cuộc đời. Như người quản lý, mỗi chúng ta
cần trung thành, tỉnh thức khôn ngoan, không để quyền lực và tiền bạc
làm mờ ám lương tâm, che khuất danh dự. Vào lúc sau hết của cuộc đời,
Chúa xét xử chúng ta không dựa vào quyền lực và chức tước, nhưng về cách
thức chúng ta sử dụng quyền lực ấy như thế nào. Ước chi chúng ta được
nghe lời Chúa phán: “Hỡi đầy tớ
tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt
ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi” (Mt 25, 23).
13/03/2017
+ Giuse Vũ Văn Thiên