Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài viết
40 năm chăm sóc bệnh nhân lao phổi nghèo ở Ấn độ của Cha Antonio Grugni
Cha Antonio Grugni sinh tại Legnano, Italia, là một thừa sai thuộc Hội truyền giáo Giáo hoàng hải ngoại, gọi tắt là Pime. Cha năm nay 75 tuổi nhưng đã phục vụ các bệnh nhân và người nghèo ở Ấn độ từ 40 năm qua.
 

AntonioGrugni.jpg

Ngay từ khi còn là một trẻ nhỏ, cậu bé Grugni đã luôn quan tâm đến việc chăm sóc bệnh nhân. Dần dần cậu nhận ra đời sống Kitô hữu của mình ngày càng hướng đến ước mơ dâng hiến toàn đời mình để phục vụ. Sau khi hành nghề bác sĩ tim mạch 8 năm tại bệnh viện ở quê nhà Legnano, gần Milano, bác sĩ Grugni cảm thấy mình không thể tiếp tục cuộc sống như hiện tại dù có một cuộc sống tiện nghi với công việc ổn định và được trả lương cao. Khi được yêu cầu đến Ấn độ lam việc, bác sĩ Grugni cảm thấy như nghe một tiếng chuông, một tiếng gọi và đồng ý ngay lập tức. Năm 1976, bác sĩ Grugni đến Ấn độ và vào năm 1989, sau khi trải qua thời gian phân định ơn gọi, bác sĩ được thụ phong Linh mục trong Hội truyền giáo Pime.

 

Hiện nay cha Grugni sống ở Warangal, Telangana. Năm 2005, cha đã thành lập tại Warangal một hiệp hội chăm sóc các bệnh nhân lao phổi, phong cùi và bệnh nhân nhiễm virus HIV, được gọi là “Hội tình yêu phổ quát”. Hiệp hội có 13 nhân viên: gồm 2 bác sĩ, 7 y tá, một chuyên gia y tế, một thợ giày chuyên làm giày dép đặc biệt cho bệnh nhân cùi, một tài xế và một người giúp việc. Chính quyền cũng như dân chúng đa phần theo Ấn độ giáo nhìn nhận giá trị công việc của cha Grugni và đội ngũ của cha. Ở một đất nước mà việc cải đạo không những là không tốt mà còn không thể chấp nhận, thì cách thế tốt nhất là làm chứng bằng tình yêu, giúp đỡ người nghèo, những người đau khổ, những người thấp bé nhất trong xã hội. Cha Grugni chia sẻ: “Các bệnh nhân bị đánh động khi chúng tôi đến thăm, giúp đỡ họ, cho họ thức ăn, trong khi xã hội gạt họ ra bên lề. Chính họ hỏi chúng tôi: ‘Tại sao các bạn làm tất cả những điều này cho chúng tôi?’ Họ ngưỡng mộ công việc mà chúng tôi làm với tinh yêu vô vị lợi. Họ nhận ra có điều đặc biệt trong cách chúng tôi tiếp cận họ. Đó là chứng tá Kitô giáo. Nhiệm vụ của chúng tôi là gieo những hạt giống rồi chính Chúa  sẽ làm cho hạt giống mọc lên trong tâm hồn họ. Chúng tôi giống như những người thợ gieo hạt giống trên đất và đất sẽ sinh hoa trái.”

 

Cha Grugni nhớ lại điều Mahatma Gandhi đã nói về vai trò của Kitô hữu ở Ấn độ. “Tôi cầu chúc cuộc sống của các bạn như hoa hồng. Hoa hồng không cần những lời nói nhưng chỉ cần tỏa hương thơm. Ngay cả một người mù cũng cảm nhận được sự hiện diện của hoa hồng bởi vì anh ta có thể ngửi được mùi hương. Đó là điều tôi mong ước nơi các bạn: tỏa hương thơm sứ điệp của Kitô giáo, sứ điệp tôn trọng tự do.” Cha Grugni tin là nếu Chúa Kitô ở Ấn độ thì Người cũng làm như vậy. Người sẽ chăm sóc bệnh nhân, ở với dân chúng. Cha nói: “Chúng tôi cố gắng làm cách tốt nhất có thể những gì mà Chúa Giêsu làm.” Nói về vai trò của các thừa sai ở Á châu, cha Grugni nhận xét rằng: “một nửa nhân loại sống ở Ấn độ và Trung quốc và phần lớn họ không phải là Kitô hữu. Công việc của chúng tôi là ở giữa dân chúng với tình yêu và lòng thương xót. Tình yêu thì tự do; nó được trao ban cách nhưng không, không có động cơ hay mục đích riêng.”

 

Hội tình yêu của cha Grugni cộng tác với cơ quan y tế của chính phủ và chính phủ tin tưởng là các nhà nhân viên của hội sẽ làm việc cho đến cùng. Các nhân viên thăm viếng các trung tâm sức khỏe và gia đình các bệnh nhân để bảo đảm các bệnh nhân sẽ uống thuốc đều đặn. Nhờ sự chăm sóc và dấn thân của các nhân viên, tỉ lệ bệnh nhân bị lao được lành bệnh lên đến hơn 90%. Trong trường hợp các bệnh nhân bị cùi, các nhân viên ý tế thăm các bệnh viện về da, rồi kiểm tra thân thể của bệnh nhân để có thể khám phá các trường hợp bị cùi, một căn bệnh vẫn còn bị kỳ thị ghê sợ. Bên cạnh việc chăm sóc cho các bệnh nhân, Hội tình yêu còn quan tâm đến gia đình các bệnh nhân như, giúp tiền để con cái họ có thể đến trường và một số tiền hưu nho nhỏ cho người già. Hội xây nhà, cung cấp thực phẩm trong vài tháng đầu trị liệu để giúp các bệnh nhân lấy lại sức khỏe. Người dân ở đây toàn là những người nghèo, những lao động bình dân cần được giúp đỡ. Cha Grugni chia sẻ: “Khi các bệnh nhân thấy chúng tôi đến, họ chạy đến với chúng tôi, vui mừng vì biết là chúng tôi sẽ giúp đỡ họ, biết là chúng tôi ở đó là vì họ.”

 

(Hồng Thủy, RadioVaticana 08.12.2016/ Asia News 17/11/2014)
 

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: