Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài viết
Vận may hay vận rủi
Ta thường cầu chúc cho mọi người gặp được nhiều may mắn. Nhưng ít khi ta tự mình trầm tư suy nghĩ: thật ra, may mắn có nghĩa là gì? Hẳn đó là một mong ước cho người ta có được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, được thành tựu những gì mình khát khao. Cầu chúc người ta may mắn là chúc cho người ta được hưởng phúc lành từ trời, để thụ hưởng một cái gì đó vô cùng tuyệt vời nằm ngoài những phán đoán và tính toán của người ta. Nếu không, đó sẽ không còn là “may” nữa, nhưng chỉ là kết quả của một quá trình phấn đấu nỗ lực của người ta mà thôi.
 

6-ky-nang-lam-chu-ban-than.jpg

Sự may mắn làm cho người ta rất thích thú, vì nó là cái “bỗng dưng” xảy đến với mình, mang cho mình sự ngạc nhiên. Ta gọi mình may mắn hơn người khác khi ta có được cái mà người khác không có, dù người ta hơn mình mọi đàng. Ta như thể thấy mình được chọn lựa giữa nhiều người để thụ hưởng đặc ân này. Ta tự hào về mình, cho rằng chắc có lẽ mình “nhỉnh” hơn người ta một chút, hay mình “nhân đức” hơn người chút xíu mới được Trời thương, thưởng cho hồng phúc này. Từ đó, ta thấy được ý nghĩa sự hiện hữu của mình, thấy mình được bao phủ bởi hồng ân. Niềm hạnh phúc cũng từ đó mà bừng lên trong tim thật mạnh mẽ.

 

Nhưng cuộc đời có quy luật cân bằng vay trả. Đạo gia có nói về nguyên lý: trong dương có âm, trong âm có dương. Trong cái rủi có cái may, nhưng trong cái may cũng có cái rủi. Chẳng có gì từ trên trời rơi xuống cho ta cách không không. Nhận điều gì, ta cũng mang vào mình một sứ mạng, một lời mời gọi, nếu không, chính cái mà ta vừa lãnh nhận và cứ ngỡ là phần thưởng ấy, sẽ quay lại làm hại ta. Thậm chí, nhiều khi, chính cái vận may ấy lại điều báo trước cho cái không hay sắp xảy đến.

 

Có con chuột bị sa vào hũ gạo đầy ắp. Ban đầu, nó đau đớn khóc lóc vì bị té đau. Nhưng sau đó lại hết sức vui mừng vì phát hiện ra chung quanh mình toàn là gạo thơm. Nó thầm tạ ơn Trời rồi từ từ gặm lấy từng hạt gạo ngon. Nó tự nhủ từ đây nó sẽ không cần phải đi đâu để kiếm ăn, cũng không cần phải tranh giành với con chuột nào nữa. Nó tự thấy mình may mắn hơn biết bao nhiêu con chuột khác đang phải vất vả ngoài kia. Nghĩ thế, nó mỉm cười hạnh phúc! Rồi từng ngày trôi đi, hũ gạo vơi dần, chỉ còn lại vài hạt dưới đáy. Con chuột phát hiện ra rằng nó không thể nào ra khỏi cái hũ. Khi gạo còn nhiều, chạm tới miệng hũ, nó chỉ cần phóng một cái là có thể ra ngoài. Nhưng giờ đây, gạo đã nằm hết trong bụng nó, còn nó thì chẳng thể làm gì hơn ngoài việc nằm chờ chết trong chính cái hũ mà nó đã từng cho là “vận may” của nó.

 

Một câu chuyện khác. Có con gà kia vô tình chui vào trong một căn nhà kho đầy thóc. Cũng như con chuột trong câu chuyện trên, nó vô cùng hạnh phúc vì vô tình tìm thấy cái cần tìm. Nó ăn cho thoả thích, bù lại cho những ngày đói khát ngoài kia. Ăn nhiều đến nỗi mập ú lên, bụng căng tròn, không thể nào ăn được nữa. Thoả mãn, nó nghĩ đến việc ra ngoài để thong dong dạo mát và tận hưởng cuộc sống của mình. Nó tìm đến cái lỗ mà từ đó nó đã chui vào. Nhưng với thân mình mập mạp hiện nay, nó không thể nào chui lọt qua cái lỗ nữa. Nó không biết làm gì, chợt nhận thấy căn nhà kho đầy thóc lúa này hoá ra giống như ngục tù giam hãm nó. Không còn cách nào khác, nó đành phải nhịn ăn trong nhiều ngày, để thân hình trở nên ốm yếu nhỏ bé lại mà chui qua cái lỗ kia ra ngoài.

 

Hai câu chuyện trên làm tôi nghĩ đến những người vô tình trúng số độc đắc, hay bỗng dưng có được một khối tài sản khổng lồ trong tay mà không phải do công sức của mình. Họ sẽ dễ dàng bị ru ngủ trong những gì mà mình vừa nhận lãnh. Đó có thể là phúc nhưng cũng có thể là bắt đầu của cái hoạ. Cái may mắn mỏng manh đó hàm chứa bên trong một khối đen khổng lồ của “cái xui”. Ông Trời có thể giúp người ta bằng cách ban cho họ có một khởi điểm thuận lợi, nhưng nếu người đó không có tâm tình biết ơn, không biết cố gắng làm lời từ nó, họ như tự đào lỗ để chôn mình.

 

Ngược lại, nhiều cái rủi lại trở thành con đường dẫn ta đến cái may. Ta có thể buồn thì điểm kém, vì gia đình có trục trặc, vì sự ra đi của người thân, vì phải chia xa người ta yêu mến, vì mất sự nghiệp, vì đường tình dang dở, vì phải chịu một thiệt thòi. Nhưng ta được mời gọi để tin rằng cuối mùa đông sẽ là mùa xuân rạng rỡ, cuối đường hầm sẽ là con lộ ngợp ánh quang. Bởi thế, dù rủi hay may, dù xảy ra điều làm ta vui hay không ưng ý, điều quan trọng nhất là phải biết làm chủ chính mình, chính cuộc sống của mình. Đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng, đừng bao giờ từ bỏ một cái nhìn lạc quan, càng đừng chỉ trông chờ vào cái gì đó nằm ngoài tầm tay ta kiểm soát.

 

Ơn gọi cao quý của con người là trở thành người làm chủ: làm chủ muôn vật, làm chủ hoàn cảnh, và đặc biệt là làm chủ chính mình. Khi đã nắm trong tay quyền kiểm soát bản thân và mọi hoàn cảnh chung quanh rồi, ta sẽ thấy mọi sự xảy đến đều là cơ hội để ta xây đắp niềm vui và mọi sắc màu của cuộc sống đều được bàn tay nghệ sĩ của ta sử dụng để phác hoạ nên bức tranh cuộc sống thật lộng lẫy và huy hoàng.

 

(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net 15.12.2016)

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: