Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài viết
Cảm hứng bởi gương sáng của Mẹ Têrêsa, Ann Pollak đã nhận nuôi bé khuyết tật
Cách đây 20 năm, Ann Pollak đã từ Hoa kỳ bay đến Calcutta với hy vọng làm tình nguyện viên cạnh Mẹ Têrêsa Calcutta. Chính kinh nghiệm sống và làm việc với Mẹ đã đưa Ann Pollak tiếp tục trở lại Calcutta để phục vụ và cuối cùng bà đã nhận một em bé khuyết tật đang được chăm sóc tại một trong những trung tâm của các Thừa sai bác ái làm con nuôi.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1995, khi Pollack đến Ấn độ để gặp Mẹ Têrêsa. Cô đã làm việc tình nguyện ở Calcutta 2 tuần lễ và đã bị ấn tượng bởi nụ cười thường trực trên môi của Mẹ và dù là mẹ là người đã được giải Nobel hòa bình và nổi tiếng khắp thế giới, nhưng rất dễ dàng đến gần và tiếp xúc với Mẹ. Trong những năm sau đó, Pollack còn trở lại Ấn độ nhiều lần để làm tình nguyện. Năm 1997, khoảng một tháng trước khi Mẹ Têrêsa qua đời, Pollack đang làm việc với các trẻ em khuyết tật và được giao chăm sóc một bé gái tên là Rekha, một bé gái bị mù, tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ. Dù thế, Pollack nhớ lại, bé Rekha có một nụ cười ngọt ngào đáng yêu trên gương mặt và Pollack đã cảm thấy yêu thương cô bé. Pollack cũng tin là nếu em bé được chăm sóc đàng hoàng và có sự quan tâm của một gia đình, em có khả năng phát triển và lớn lên.

Một năm sau, Pollack trở lại Ân độ để xem bé Rekha còn ở đó không, và em vẫn ở đó. Pollack muốn tìm cho bé gái này một gia đình, hoặc ít nhất một trường học, nơi có thể cho em sự chăm sóc thích hợp cho những người có nhu cầu đặc biệt như trường hợp của em. Nhưng ngày qua ngày, Pollạck cảm thấy thất vọng vì không thể tìm được bất cứ ai có thể chăm sóc bé Rekha. Cô bắt đầu cầu nguyện mỗi ngày, xin Chúa giúp cho mình tìm được giải pháp. Trước đó cô không nghĩ đến việc nhận con nuôi, nhưng cô bắt đầu cảm thấy có tiếng gọi nội tâm mời cô nhận bé Rekha. Pollak đã không tìm thấy được giải pháp nào khác và cô đã nhận nuôi bé Rekha. Bà Pollack mất gần một năm trời để chuẩn bị và sẵn sàng để nuôi nhận bé. Nhiều rắc rối  đã phát sinh và Pollack đã cầu nguyện, làm tuần “chín ngày nhỏ”, theo cách gọi của Mẹ Têrêsa, đó là một chuỗi 9 lời cầu nguyện ghi nhớ được cầu khẩn liên tục. Và rồi những khó khăn đã được giải quyết và tiến trình nhận con nuôi đã hoàn tất. Đối với Pollack, mọi việc được tốt đẹp là nhờ lời khẩn cầu của Mẹ Têrêsa và Rất thánh Trinh nữ Maria. Rekha được 7 tuổi rưỡi khi Pollack nhận em về nuôi. Bây giờ Rekha đã trở thành thiếu nữ 23 tuổi.

Bà Pollack cho biết con gái Rekha của bà đã đi một đoạn đường dài. Trong khi có những căn bệnh của Rekha không thể nào được chữa lành, ví dụ như Rekha sinh ra đã không có mắt, do đó em không bao giờ có thể nhìn thấy, nhưng em đã phát triển đáng kể về những phần khác. Dù cho bị chứng tự kỷ và phát triển chậm, Rekha đã có thể bắt đầu nói chuyện khi được 15 tuổi. Hiện nay em đã có một số vốn từ căn bản.

Tiến trình thay đổi của Rekha không dễ dàng chút nào. Nhiều năm sau khi rời khỏi Ân độ, Rekha thường có những phản ứng dữ tợn; em tự cắn mình, xé quần áo của mình, ném mình xuống sàn nhà và ngay cả làm cho bà Pollack bị thương. Bà Pollack tin là những phản ứng này là do em không thể nói được, không thể bày tỏ những điều mình cần, cộng với việc cảm thấy không an toàn khi bị đưa đến một cuộc sống mới lạ, cũng như những thay đổi của tuổi dậy thì. Ban đầu, nhiều bạn bè cũng như người thân của bà Pollack không ủng hộ quyết định nhận nuôi Rekha của bà. Họ cho là bà đã quyết định sai lầm và có người còn nói là bà đang hủy hoại cuộc sống của bà. Nhưng thời gian qua, bà Pollack thấy con gái của bà đã mang lại điều tốt nhất cho nhân loại như thế nào. Bà Pollack chia sẻ: “Hơn 16 năm Rekha ở với tôi, tôi đã chứng kiến sự nhân từ, lòng tốt và tình yêu của những người khác; từ những người mà chúng tôi gặp, có lẽ, chỉ trên một chuyến xe buýt, cho đến những người đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng tôi. Ở nơi công cộng, mọi người thường nhìn chằm chằm vào chúng tôi, bởi vì chúng tôi là 'cặp đôi kỳ lạ' và vì Rekha thường rất ồn ào, nhưng những ánh nhìn chằm chằm đó  thường đi kèm với những nụ cười”.

Ngày 4 tháng 9 vừa qua (2016), cả bà Pollack và Rekha đều có thể tham dự Thánh lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta. Bà Pollack tin là chính việc gặp và làm việc với Mẹ Têrêsa đã đưa bà đến với Rekha. Dù có nhiều yếu tố dẫn đến quyết định nhận nuôi Rekha, nhưng chính việc nhìn thấy những công việc của Mẹ Têrêsa đã làm cách đây hơn 20 năm là một nguồn linh hứng giúp bà quan tâm đến cuộc đời của Rekha và đi đến quyết định nhận nuôi em. Bà kết luận: “Những hoạt động của Mẹ Têrêsa ở Calcutta và khắp nơi trên thế giới có ảnh hưởng mạnh mẽ và có thể khiến một người quan sát bình thường thành một người hành động”.

(Hồng Thủy, RadioVaticana 19.09.2016/ CNA 05/09/2016

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: