Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài viết
Lễ cưới thật to! Trách nhiệm còn nhỏ!
Chủ đề Mục vụ ba năm (2016-2019)

damcuoi.jpg

 

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, gởi Cộng đồng Dân Chúa ngày 07 tháng 10 năm 2016, đã đưa ra chủ đề Mục vụ gia đình ba năm:

 

- Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;

- Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;

- Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

 

Năm 2016-2017, các Ngài đã nêu rõ tầm quan trọng, và một số điều đáng tiếc về hôn nhân đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại nơi một số người trẻ: “Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần phải được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với việc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào”.

 

Tại sao một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lẽ cưới thật lớn?

 

Đây là một vấn nạn phức tạp, gây nhức nhối cho các bậc làm cha, làm mẹ và những ai có trách nhiệm, khi nhìn thấy con cháu mình đang có nhiều sai lạc trong vấn đề hôn nhân, vấn đề hệ trọng cả một đời người: “Tậu trâu, dựng vợ làm nhà/Trong ba việc đó thật là khó thay”.

 

Thực trạng xã hội, nguyên nhân gần:

 

Thực trạng một số người trẻ chỉ quan tâm đến tổ chức đám cưới linh đình, trong khi họ chưa hiểu biết bao nhiêu về trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ do nhiều nguyên nhân. Trong thư chung của Hội Đồng Giám Mục cũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân đó là  xã hội hôm nay có nhiều tiêu cực, đặc biệt là sự suy thoái đạo đức: “Làm sao không có thể âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham những, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn, nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm”.

 

Vấn đề giáo dục, nguyên nhân xa:

 

Một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là vấn đề giáo dục. Hiện tại, tương lai của một dân tộc, một đất nước thịnh hay suy, mạnh hay yếu, chậm tiến hay phát triển tùy thuộc phần lớn vào nền giáo dục. Câu nói “xã hội nào giáo dục đó” đã trở thành quen thuộc với nhiều người.

 

Tìm hiểu ta thấy: Mỗi đất nước có một nền giáo dục, đeo đuổi một triết lý giáo dục riêng biệt (Triết lý giáo dục là những tiêu chí chủ đạo, định hướng vận hành cho cả hệ thống giáo dục. Có thể hiểu nôm na triết lý giáo dục là giáo dục định tạo ra con người như thế nào. PGS. TS Nguyễn Văn Út Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Đại Học Bình Dương 30-07-2015).

 

Từ đó ta thấy: Nhật Bản từ năm 1904 đã theo đuổi một triết lý giáo dục là đào tạo những con người: Trung thực (Truth), sức mạnh (Health), vẻ đẹp (beauty) do ông Yoshio Takayama khởi xướng mà cốt lõi là “đạo đức”. Triết lý đó vẫn duy trì đến ngày nay. Kết quả người Nhật ít gian dối, đất nước phát triển…Nhật đứng thứ 3 thế giới về kinh tế. Triết lý giáo dục của Mỹ: Tự do và tôn trọng tự do của người khác, cùng tính hiệu quả. Kết quả người Mỹ rất sáng tạo, đất nước phát triển, đứng nhất thế giới về kinh tế. Triết lý giáo dục của Phần Lan là công bằng, miễn phí về giáo dục và tin tưởng vào người trẻ. Kết quả giáo dục Phần Lan đứng đầu thế giới. Triết lý giáo dục của miền Nam trước 1975 là: Nhân bản, dân tộc và khai phóng.

 

Còn triết lý giáo dục của Việt nam đã được báo Dân Trí ngày 21 tháng 09 năn 2014 giật tít lớn: “Triết lý giáo dục Việt Nam: Học để làm quan”. Giáo sư Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Tổ chức Chất lượng Giáo dục Quốc tế (Úc) đã trả lời cuộc phỏng vấn này (P/V: Dương Phi Anh)

 

Xem thế thì triết lý giáo dục của nước ta còn nhiều bất cập như nhận định của HĐGMVN trong thư chung năm 2007: “Trước hết phải kể đến những lệch lạc trong quan niệm về giáo dục. Do não trạng duy kinh tế, nền giáo dục gia đình đang bị khủng khoảng…Chủ nghĩa khoa bảng cũng đang gây ra nguy cơ cho gia đình vào thái độ háo danh…Học sinh đến trường đối phó với thi cử hơn là học làm người…”. Và một nhận định khác: “Phải đau đớn mà nói rằng vì chúng ta thiếu hẳn một triết ký giáo dục mang tính nền tảng và chiến lược lâu dài” (UB Công Lý& Hòa Bình/ HĐGMVN, 22-05-2012).

 

Vì thế, đã dẫn đến hệ quả là xã hội ta đang sống thường đề cao hình thức hơn là nội dung; chú tâm đến vật chất hơn tinh thần; đánh giá các biểu hiện bên ngoài hơn những giá trị nội tại, sự dối trá nhiều hơn sự trung thực.

 

Những công trình, những pho tượng ngàn tỉ lãng phí để khoa trương hơn là thể hiện lòng biết ơn đang diễn ra khắp nơi: “Xây tượng đài ngàn tỉ để làm gì. Nghe con số 1.400 tỉ để xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc ai cũng giật mình. Nhưng cái đáng quan tâm ở đây là xây để làm gì, xây trong thời điểm này có thích hợp, có hiệu quả hay không” (Báo Thanh Niên 07-08-2015).

 

Ta có thể nói, bản thân người trẻ dễ bị ảnh hưởng trước thực trạng đầy tiêu cực của xã hội như: chuộng hình thức hơn nội dung, háo danh, háo lợi, mua quan bán tước; cùng với sự giáo dục chưa đến nơi đến chốn. Xã hội nói nhiều đến triết lý bóng đá, hơn bàn đến triết lý giáo dục. Vì thế, đã tạo ra những biểu hiện sai trái trong vấn đề hôn nhân.

 

Người trẻ thiếu hiểu biết về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân, tại sao?

 

Công việc chiếm hết thời gian

 

Trong thư chung của HĐGMVN cũng đã cho chúng ta biết: “Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào”. Ngoài ra, chính một số người trẻ cũng lơ là, coi nhẹ việc tìm hiểu, học hỏi ý nghĩa, mục đích và trách nhiệm của đời sống hôn nhân qua sách vở, qua người có trách nhiệm và kinh nghiệm, cũng như các lớp giáo lý hôn nhân được mở bên đạo Công Giáo. Ngược lại, họ có thái độ háo danh, chỉ thích hình thức. Đây có thể coi là nguyên nhân trực tiếp tạo ra hiện tượng người trẻ thiếu hiểu biết về hôn nhân.

 

Không có trường đào tạo thành vợ thành chồng, nguyên nhân gián tiếp

 

Mặt khác, khi tìm hiểu về vấn đề hôn nhân, tôi rất ấn tượng với cách lý giải của Đức cố Hồng Y, vị Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng câu số 464 nói về hôn nhân: “Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bi làm cha mẹ có gi? Không có gì cả! Thật là một thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân, nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân do cuộc phiêu lưu của các con”.

 

Như thế, người trẻ thiếu hiểu biết về trách nhiêm trong đời sống hôn nhân, một phần do chính các bạn trẻ ít quan tâm tìm hiểu, học hỏi, trao đổi về vấn đề này; mặt khác là do chính xã hội chưa tạo điều kiện đầy đủ để các bạn trẻ có cơ hội tham khảo, học tập trước khi bước vào đời sống hôn nhân.

 

Làm sao để người trẻ hiểu được trách nhiệm và niềm vui trong hôn nhân

 

Tôi thiết nghĩ đây là một vấn đề lớn lao và phước tạp, không thể giải quyết một sớm một chiều. Xin góp một vài ý nhỏ trong vấn nạn này.

 

Người trẻ cần hiểu rõ trách nhiệm và niền vui khi làm vợ làm chồng…

 

Tôi nghĩ trước tiên, người trẻ cần trao đổi, tìm hiểu, học hỏi từ sách vở, bạn bè, người có kinh nghiêm để biết: “Gia đình là nền tảng của xã hội”. Từ tiền đề đó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa đích thực, mục đích chính yếu của hôn nhân, trách nhiệm của vợ, chồng làm sao biết được gia đình là niềm vui, là tổ ấm hạnh phúc. Đã có nhiều sách vở nói đến các đề tài này. Ngoài ra, đạo Công Giáo có lớp dự bị hôn nhân từ sáu tháng đến một năm… dành cho những người chuẩn bị lập gia đình. Qua thời gian học tập, nếu các bạn quan tâm đúng mức, các bạn có kiến thức tương đối đầy đủ về hôn nhân.

 

Người trẻ cần có cái nhìn sáng suốt và đúng đắn về giáo dục

 

Dù mỗi dân tộc, mỗi đất nước đều có một lịch sử, một nếp văn hóa và một nền giáo dục riêng biệt, song trong thời buổi hội nhập, nhân loại đã có những điểm chung. Bốn cột trụ của giáo dục được UNESCO công bố năm 1996 là: Học để biết; học để làm; học để sống chung; học để làm người. Đó là mục đích cốt lõi của việc họ, mà mọi người dù ở lứa tuổi nào trên thế giới cũng cần học hỏi và trau dồi liên tục.

 

Ngoài ra, người Việt Nam cần đặc biệt xây dựng đức tính Trung thực, mà xã hội ta đang thiếu. Trung thực được cả nhân loại mọi thời đều yêu quí và trân trọng. Có trung thực sẽ giúp đất nước và dân tộc ta ngẩng đầu, vững mạnh đi lên sánh vai với các nước tiên tiến.

 

Kết luận

 

Muốn biết được trách nhiệm và niềm vui của hôn nhân, tôi xin mời các bạn trẻ cùng đọc Tông Huấn “Niềm Vui Của Tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 08 tháng 04 năm 2016: “Vẻ đẹp của gia đình êm ấm thuận hòa”; và xem lại thư chung của HĐGMVN về giáo dục năm 2007, xin trích phần mục đích: “Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không những là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư các là con Thiên Chúa đẻ mai sau trở thành công dân Nước Trời. Sứ mạng đó khởi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nơi Chúa Thánh Thần”.

 

Ước mong các bạn trẻ có mái ấm gia đình bền vững, hạnh phúc

 

Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
 

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: