Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài viết
Ly dị tái hôn và việc đón nhận Thánh Thể
Thưa cha, con đã kết hôn theo nghi thức của Giáo Hội, rồi sau đó chúng con ly dị và con tái hôn theo luật dân sự. Con biết như vậy là sai luật Chúa, nhưng bây giờ không thể bỏ người vợ mới được. Con ước ao đón nhận Thánh Thể, có được không?
 

communion.jpg

A. Xét về mặt giáo lý bí tích

Tình trạng hai vợ chồng công giáo ly dị rồi sau đó kết hôn về mặt dân sự bắt đầu có tại Việt Nam. Ở đây chúng ta không phân tích những nguyên nhân gây nên tình trạng đỗ vỡ nầy. Một điều phải nhớ là Giáo Hội ý thức hiện tượng và hiểu rõ những phức tạp của đời sống gia đình, đồng thời luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những vợ chồng công giáo gặp khó khăn và đau buồn khi gia đình tan vỡ, vì thực tình mà nói, chẳng vợ chồng nào lại mong muốn bão tố vần vũ trên gia đình của mình. Chính vì thế mà Giáo Hội luôn nhắc nhủ các vị mục tử hãy luôn dành sự cảm thông, tình yêu thương của Đức Kitô và tình mẫu tử của Giáo Hội cho những đôi vợ chồng nầy và tiếp đón họ cách ân cần, với tình thương mục tử, với sự động viên khích lệ họ luôn tin cậy vào Thiên Chúa nhân từ, đồng thời tìm cách giúp họ trở về nối lại sự hiệp với thông với Giáo Hội. Do đó, các bạn đừng nghĩ rằng Giáo Hội đã khai trừ các bạn và như thế là vô phương cứu chữa (x.CDF. Lettre aux Évêques de l’Église catholique sur l’accès à la communion eucharistique de la part des fidèles divorcés remariés, số 8,9,10).

Tuy nhiên, vì Giáo Hội được Chúa thiết lập và phải vâng theo sự hướng dẫn của Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, nên sự cảm thông và lòng thương xót của Giáo Hội dành cho những người lầm lỡ, không được tách rời và phản lại sự thật của lề luật mà Chúa Kitô đã truyền dạy. Vì thế, các mục tử không được giải quyết theo ý riêng của mình, mà phải theo phương thức Giáo Hội hướng dẫn. Đây là điều mà bạn cần phải hiểu rõ để thông cảm với Giáo Hội và để đừng trách móc kêu ca các linh mục làm khó dễ, khi không đồng ý cho lãnh nhận Thánh Thể.

Theo nguyên tắc chung: Vợ chồng công giáo ly dị rồi tái hôn theo luật dân sự không được lãnh nhận Thánh Thể. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Kỷ Luật Bí Tích đã nhắc nhở về giáo huấn và kỷ luật phải giữ, như sau:

1/ Việc tái hôn không bao giờ được công nhận, bao lâu hôn phối trước đã cử hành hữu hiệu vẫn còn tồn tại. Những người công giáo ly dị tái kết hôn dân sự là tự đặt mình vào tình trạng đối nghịch với lề luật của Thiên Chúa về sự chung thủy vững bền của hôn nhân, và bao lâu họ còn ở trong tình trạng nầy, thì bấy lâu họ không có điều kiện để lãnh nhận Thánh Thể. Đây không phải là hình phạt hoặc là biện pháp có tính cách kỳ thị, nhưng là sự xác nhận công khai và chính thức rằng tình trạng nầy không phù hợp với việc lãnh nhận Thánh Thể, đồng thời tránh gương xấu cho người khác đặt nghi vấn về tích cách bất khả phân ly của bí tích hôn nhân.

2/ Những tín hữu sống chung với người khác phái như vợ chồng (more uxorio), thì không thể lãnh nhận Thánh Thể, cả khi họ cho rằng, theo lương tâm, họ có thể làm như vậy. Các mục tử có trách nhiệm nhắc nhở cho những người nầy biết rằng phán đoán như vậy của lương tâm là không phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội.

3/ Trong trường hợp ly dị tái hôn, không thể chấp nhận luật tối thượng của lương tâm cá nhân, để tự cho phép mình được lãnh nhận Thánh Thể hoặc tự quyết định về tính hữu hiệu của hôn nhân trước và về giá trị cũng như tính hợp pháp của việc sống chung sau nầy. Sự ưng thuận kết lập nên hôn nhân không phải là một quyết định riêng tư cá nhân, nhưng còn mang tính giáo hội và cộng đoàn. Do đó, không thể nói rằng chỉ mình chịu trách nhiệm với Chúa, để đơn phương chối bỏ vai trò trung gian của Giáo Hội. Chối bỏ điều nầy thì cũng đồng nghĩa với việc không công nhận hôn nhân là bí tích.

4/ Việc xem xét và quyết định hôn phối hữu hiệu hay không là thuộc thẩm quyền của Toà Án Giáo hội. Quy định nầy cần thiết để tránh những mâu thuẫn có thể có giữa sự thật có thể chứng minh ở Toà ngoài với sự thật phát xuất từ lương tâm ngay chính (FC 18). Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô, vì thế sống hiệp thông với Giáo hội, là sống trong thân thể Chúa Kitô và ngược lại, là tách lìa.

Trong thực tế, một vài trường hợp cụ thể sau đây có thể được cứu xét cho lãnh nhận Thánh Thể:

a/ Khi người phối ngẫu là nạn nhân của đổ vỡ do người kia gây ra, mặc dầu người nầy đã cố gắng tỏ thiện chí hòa giải để cứu vãn hôn nhân.

b/ Khi một người tự biết rằng hôn phối trước của mình không thành sự, nhưng không thể có cách nào để chứng minh ở Toà ngoài.

c/ Khi đương sự có lỗi đã nhiều năm suy xét, ý thức và hối hận về sai lỗi của mình.

d/ Khi, trong thực tế, không thể nào dứt bỏ việc sống chung với người bạn mới, vì những lý do thực tế chính đáng như việc nuôi dạy con cái chưa trưởng thành.

Để xác định đúng được trường hợp của mình, bạn phải trao đổi với một linh mục khôn ngoan và có trình độ chuyên môn về giáo luật. Vị linh mục nầy không có quyền cho phép, nhưng hướng dẫn để giúp bạn phán đoán cách đúng đắn sự việc theo lương tâm ngay thẳng của bạn trong việc xác định xem có được lãnh nhận Thánh Thể hay không. Khi xét thấy là chính đáng, thì chỉ được lãnh nhận Thánh Thể sau khi đã được thanh tẩy và hoà giải với Chúa trong bí tích giải tội đi kèm với điều kiện là bạn nhìn nhận và sám hối về sai lỗi của mình đối với giao ước hôn nhân và sự trung thành với Chúa Kitô trong giao ước nầy, đồng thời quyết tâm thu xếp giải quyết tình trạng sống chung bất hợp pháp cho phù hợp với giáo huấn của Chúa về tính bất khả phân ly của hôn nhân. Nếu trong thực tế, vì lý do nuôi dạy con cái mà bạn không thể tách lìa nhau ngay được, thì phải cam kết tiết dục không sinh hoạt vợ chồng.

B. Về mặt Giáo luật

Trong Tông Huấn về Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác định thẩm quyền chuyên biệt của các Toà án Giáo Hội trong việc xác định tính hữu hiệu của việc kết hôn khi có khiếu nại và giải quyết sự mâu thuẫn, nếu có, về sự thật có thể chứng minh được ở Tòa ngoài và sự thật do lương tâm phán quyết (Tòa trong).

Về vấn đề nầy, Giáo luật xác định những tiêu chuẩn sau đây:

1/ Hôn nhân Công giáo mang tính Giáo Hội

Mặc dầu hôn nhân là sự lựa chọn tự do, riêng tư của mỗi người, nhưng không thể phủ nhận giá trị và sự liên đới của nó đối với Cộng đoàn Giáo hội. Sự liên đới nầy được thể hiện trong suốt tiến trình tiến tới việc kết hôn: thủ tục tra vấn đầu tiên (GL đ.1066), sự chứng kiến của thừa tác viên và thể thức giáo luật khi cam kết (GL đ.1108), sự trợ giúp và đồng hành của Cộng đoàn giáo xứ với đôi tân hôn (GL đ.1063), nhất là tính bí tích của hôn nhân (GL. 1055.2). Tất cả những sự kiện nầy dẫn đôi bạn vào sự hiệp thông với Giáo Hội. Vì thế, Giáo hội có bổn phận bảo vệ sự thánh thiêng và bảo đảm cho việc kết hôn được thành tựu hợp pháp và tốt đẹp. Do đó, việc cứu xét các yếu tố làm cho hôn nhân không thành sự và việc quy định những điều kiện cần có cho việc tái hôn, là thuộc thẩm quyền của Giáo Hội (GL. 1085.2).

2/ Khi có sự tranh chấp giữa phán quyết của Toà ngoài và của Lương tâm

- Không thể lấy lương tâm làm trọng tài để giải quyết những nguyên tắc mà Giáo Hội đã quy định như là điều kiện để hôn nhân thành sự và hợp pháp, như: thể thức cử hành, sự tự do và ưng thuận của mỗi bên kết hôn, những ngăn trở cấm hôn hoặc tiêu hôn.

- Khi có sự tranh chấp giữa Lương tâm và phán quyết bên ngoài, thì phán quyết của Tòa án có giá trị ưu tiên.

3/ Khi không hội đủ những yếu tố bên ngoài để chứng minh cho sự việc, thì sự thú nhận của các đương sự cũng cần được Toà án thẩm định và xác minh trong mối tương quan với những yếu tố và tình huống khác nhau của vụ việc (x.GL 1536 và 1679). Sau khi xét thấy sự thú nhận của đương sự là chính đáng và phù hợp, thì sự thú nhận ấy được công nhận theo nguyên tắc: vì lợi ích thiêng liêng của linh hồn (GL. 1752).
 

Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
 

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: