SUY NIỆM 25
LOAN BÁO TIN MỪNG KHÔNG NHẤT
THIẾT PHẢI VỪA Ý NGƯỜI NGHE
F 1Tx 2,4 : Thiên Chúa đã giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, không phải để
làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Quả thật, không ai tài năng,
đức độ,thánh thiện, là Thầy dạy tuyệt vời bằng Chúa Giêsu, thế mà lời giảng của
Ngài đâu có phải lúc nào cũng làm hài lòng người nghe. Đan cử : Ngài giảng một
bài quan trọng về mầu nhiệm Thánh Thể, đã làm cho cả đoàn lũ người đông vô số
kể, trong đó có nhiều người đã từng muốn làm môn đệ Đức Giêsu, đều lên tiếng
chê trách : “Lời chi mà sống sượng thế,
ai nào có thể nghe nổi”. Thế là hết thảy những người đã theo Ngài được Ngài
cho ăn bánh no, nhất loạt đều quay gót đi. Vì thế thánh Phaolô nói : “Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì
tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô” (Gl 1,10).
Thật là buồn vì ngày nay hầu
hết các chủ chăn giảng chỉ lo làm vừa lòng người nghe. Cụ thể:
* Về nội dung :
+ Trong Thánh Lễ An
Táng, một số Linh Mục khi giảng thuyết thường ca tụng người qua đời mà không hề
khai triển mầu nhiệm Đức Tin và những Quy Tắc sống rút ra từ các Bài đọc. Bởi
vì giảng như thế mới vừa lòng nhà Hiếu!
+ Lại còn có nhiều vị
mượn Tòa Giảng để chửi xéo người này người kia, hoặc kể chuyện đời, trưng dẫn
những câu ca dao tục ngữ thật dí dỏm, làm cho người nghe thích thú, được giáo
dân khen là đa kiến thức, trong khi những lời giảng ấy chẳng hợp gì với các Bài
đọc. Khác hẳn với thánh Phaolô xác tín về sứ mệnh ngôn sứ : “Tôi giảng chẳng cần lời lẽ khôn khéo hấp
dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Lời Chúa và quyền năng Thiên
Chúa” (1Cr 2,4).
* Về thời gian :
Hầu hết các chủ chăn ngày
nay giảng không quá 10 hay 15 phút, vì cho rằng
khả năng trí tuệ của con người chỉ tập trung nghe về một vấn đề thấu đáo
trong khoảng thời gian ấy mà thôi. Thế thì đã quên lời thánh Phaolô nói về sức
mạnh thu phục lạ thường của Lời Chúa : “Lời
Thiên Chúa anh em đã đón nhận,không phải như Lời người phàm, nhưng như Lời
Thiên Chúa, đúng theo bản tính của Lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những
kẻ tin” (1Tx 2,13).Chính vì thế mà Đức Giêsu cũng như các Tông Đồ giảng rất
lâu dài, vì có nhiều điều phải dạy cho dân. Đan cử :
- Đức Giêsu thức suốt đêm
giảng cho ông Nicôđêmô (x Ga 3).
- Đức Giêsu chịu đói, nhịn khát giảng cho người phụ nữ xứ
Samari (x Ga 4).
- Đức Giêsu giảng liên tiếp ba ngày cho dân, dù biết họ đang
đói lả (x Mt 15,32).
- Trời đã tối, dân vẫn còn tuốn đến với Đức Giêsu xin được
chữa lành bệnh và có bánh ăn. Thế mà Ngài lại lên tiếng giảng NHIỀU ĐIỀU (x Mc
6,30-34).
- Tông Đồ Phaolô đến
Trôa, ông lưu lại đây cả một tuần lễ, vào đêm Chúa nhật ông dâng Lễ với giáo
đoàn, dân đến tham dự quá đông, họ ngồi chật nhà, từ trệt lên đến lầu ba, bài
giảng trong Lễ của ông Phaolô kéo dài quá nửa đêm, khiến anh Êutykhô ngủ gật,
lộn đầu từ lầu ba xuống đất, chết tại chỗ. Nhưng ông Phaolô bình thản đến ôm
lấy xác anh và nói với mọi người : “Đừng
xôn xao, hồn vẫn còn trong nó”, rồi ông lên tiếp tục dâng Lễ và giảng nhiều
điều cho tới sáng.Ông làm thế vì muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng : Cứ
nghe giảng nhiều điều, có chết cũng sống lại. Quả thật, khi Lễ xong, anh
Êutykhô cũng chỗi dậy vui vẻ ra về với mọi người (x Cv 20,7-12).
Chúa Thánh Thần thúc đẩy thánh Phaolô giảng lâu dài như thế,
đâu phải vì Ngài không biết gì về tâm lý, cũng như không biết gì về khả năng
đón nhận của khối óc con người có giới hạn ; còn ông Luca ghi lại thầy Phaolô giảng
lâu dài như thế cũng không phải để cho độc giả nhận ra thầy của mình là người
điên, mà là do Chúa Thánh Thần linh hứng cho ông viết, để các chủ chăn trong
Hội Thánh bắt chước Thầy Giêsu giảng nhiều điều. Thánh Tông Đồ đã bắt chước thầy Giêsu, nên ông có
quyền khuyên: “Anh em hãy bắt chước tôi,
như tôi đối với Chúa Kitô” (1Cr 11,1). Ta cứ đi tham dự một buổi giảng Lời
Chúa của mục sư Tin Lành, thì phải cảm phục rằng thời gian giảng rất lâu dài mà
lại được nhiều người đến nghe. Không lẽ Lời Chúa trong Hội Thánh kém hấp dẫn
hơn mục sư giảng ư?!