SUY NIỆM 16
NGÔN SỨ THẬT LÀM RỒI MỚI DẠY
Người giảng cũng không chỉ dùng Lời Chúa nói với dân, mà phải
sống điều mình giảng. Nói cách khác, phải làm cho Lời Chúa ứng nghiệm nơi người
giảng, ít là biết sám hối khi chưa thực
hành được Lời Chúa mình công bố. Vì thế Thánh Kinh đã nhắc nhở : “Nếu
điều ngôn sứ giảng nhân danh Chúa mà không ứng nghiệm, không xảy ra, thì không
thể là Lời Chúa phán, ngôn sứ đã nói càn, đừng ai sợ nó” (Dnl 18,22). Nói
tóm lại để làm cho lời giảng cho uy
quyền và thuyết phục người nghe, thì hãy bắt chước Chúa Giêsu “làm rồi mới dạy” (Cv 1,1).
Bởi đó thánh Phaolô cũng phải tự xét mình khắc phục bản thân
để có thể chu toàn sứ mệnh ngôn sứ Chúa
đã trao. Ông nói : “Tôi nhắm con ngươi đồng tử mà thụi vào chính thân tôi, và bắt nó quỵ
lụy phục tùng, kẻo nhỡ ra đã làm thầy dạy người khác mà chính tôi lại bị thải”
(1Cr 9,27 – Bản dịch NTT). Và ông cũng còn có bổn phận lên tiếng nhắc nhở
cho các bậc thầy : “Bạn dạy người khác, sao lại không dạy chính mình? Bạn tự hào vì có Lề
Luật sao bạn lại vi phạm Lề Luật mà làm nhục Thiên Chúa” (Rm 2,21-23).
Bởi đó người ngôn sứ của Đức Kitô phải thành thật và khiêm tốn thú nhận sự bất
toàn thiếu sót của mình. Đan cử :
- Ông Matthêu viết : Đức Giêsu
chọn Mười Hai môn đệ để sai đi đến muôn dân tập họp thêm môn đệ cho Ngài. Trong
Nhóm Mười Hai có Giuđa bất trung, chỉ còn mười một người (thiếu về lượng).
Trong số đó có kẻ còn hoài nghi (thiếu về phẩm) [x Mt 28,16-17].
- Cả đến ông Phêrô cũng bị Đức
Giêsu trách mắng là satan, bởi lẽ ông khuyên Thầy đừng nộp mạng cho kẻ ác, vì
ai khổ là dấu Chúa không thương! (x Mt 16,21-23).
- Ông Phaolô tự hào trong Chúa
mà khoe với giáo đoàn Côrinthô : “Thiết tưởng nào tôi có thua gì những Tông Đồ
thượng đẳng” (2Cr 11,5).
“Tông
Đồ thượng đẳng” là Nhóm Mười Hai, thế mà nhiều lần ông thú nhận với giáo dân sự
yếu đuối bất lực của mình trước đòi hỏi của Tin Mừng. Ông nói : “Sự
thiện tôi muốn, tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”
(Rm 7,19).
Nên “đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi
khổ này, nhưng Người quả quyết với tôi : “Ơn
của Thầy đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu
đuối” (2Cr 12,8-9).
- Có
lần ông Phaolô xác tín với giáo đoàn Galat : “Nếu tôi không tùng phục, không
hiệp thông với các thủ lãnh trong Hội Thánh, thì sự vất vả phục vụ Tin Mừng của
tôi trở nên vô ích” (Gl 2,2). Nhưng khi ông thấy thủ lãnh Phêrô có lối
sống giả hình : Một ngày kia, ông Phêrô đang dùng bữa với dân ngoại mới trở
lại, thế mà khi thấy ông Phaolô đến ông tránh né và tự tách mình ra vì sợ những
người cắt bì thấy. Thấy thế ông Phaolô liền lên trách thủ lãnh Phêrô trước mặt
mọi người : “Nếu ông là người Do Thái mà
còn sống như dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép
người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái” (Gl 2,11-14). Ông Phaolô dám
thẳng thắn trách thủ lãnh mình như thế, vì chính ông Phêrô đã quyết định bỏ cắt
bì cho dân ngoại, chỉ cần họ tin vào Chúa Giêsu là được lãnh Bí tích Thánh Tẩy,
những người này phải được tôn trọng như những người Do Thái khác đã thuộc về
Hội Thánh
Thánh
Tông Đồ có thành thật với chính mình và can đảm chân thành sửa lỗi thủ lãnh Hội
Thánh, cũng chỉ nhằm mục đích nhắc nhở các chủ chăn phải hoàn thành sứ mệnh
ngôn sứ cách tốt đẹp, để “những ai giỏi giang và vất vả giảng Lời
Chúa, thì đáng được đãi ngộ gấp đôi” (1Tm 5,17).
Thực
vậy “Chủ
chăn hết lòng với Hội Thánh, giáo dân sẵn sàng móc mắt hiến chủ chăn” (Gl
4,15). Chính Chúa cũng ưu đãi những ai chu toàn sứ mệnh tư tế và ngôn sứ,
như Ngài nói : “Thức ăn ngon Ta đãi hàng tư tế” (Gr 31,14).