Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Vì sao Đức Phanxicô không đến Ukraine để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga?

Một chuyến đi của Đức Phanxicô đến Kyiv không có thỏa thuận của các bên, không những thiếu thận trọng mà còn là chuyện viễn vông.

Đức Phanxicô đã làm tất cả để ngăn chặn cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine chưa? Vì sao ngài không đi Ukraine, liều mạng để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine? Hoặc vì sao ngài có thiện cảm với Vladimir Putin? Khi chiến tranh lan rộng và cái chết ngày càng nhiều, càng có những câu hỏi chỉ trích ngài, cho rằng ngài không làm hoặc chưa làm đủ để ngăn chặn nỗi kinh hoàng đang làm rung chuyển thế giới những ngày này.

Dù những lời lên án mạnh mẽ và lặp đi lặp lại của ngài về con đường quân sự mà Putin đã chọn, dù ngài đã cho đó là vũ khí của “ma quỷ” vẫn có những người nghĩ rằng ngài phải nói đích danh đây là cuộc “xâm lược” và nêu đích danh tên họ tổng thống Nga. Vào thời đó, người ta cũng đòi ngài chỉ trích trực tiếp Tổng thống Nicolás Maduro về các vi phạm nhân quyền của ông ở Venezuela.

Việc lên án không phải là cách làm điển hình của bất kỳ giáo hoàng nào, nhưng là thái độ thuần tinh thần kitô giáo. Nhưng có một lý do khác: Vatican luôn xem mình là tác nhân cuối cùng để mang lại hòa bình, có nghĩa không làm nổ tung tất cả các cây cầu. Thêm nữa – và đây là then chốt -, mục đích của Vatican không phải là hành động kiểu leo thang bằng lời nói để làm hài lòng những người lời chỉ trích, nhưng là để góp phần tạo một giải pháp hiệu quả cho cuộc xung đột.

Đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đây không phải là cái gì mới trong việc Đức Phanxicô chú ý đến các vấn đề. Trong lần thứ nhì Putin đi gặp Đức Phanxicô năm 2015 – ông đi ba lần, lần thứ nhất năm 2013 và lần thứ ba năm 2019 – ngài cũng đề cập đến chuyện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đức Phanxicô cũng đề cập đến vấn đề này trong cuộc gặp lịch sử giữa ngài và thượng phụ Kyrill của Giáo hội chính thống Nga năm 2016 tại Havana.

Trong lần gặp này – lần đầu tiên giữa một giáo hoàng và một thượng phụ đứng đầu Giáo hội chính thống Nga kể từ cuộc ly khai giữa Phương Đông và phương Tây từ một ngàn năm trước – xung đột đã được đề cập trong bản tuyên bố chung, cả hai nhà lãnh đạo đều lấy làm tiếc về cuộc xung đột đã “gây ra cho nhiều nạn nhân, tạo đau khổ cho các công dân hòa bình của họ”, và hai bên kêu gọi “tất cả các bên thận trọng, đoàn kết xã hội và làm việc để xây dựng hòa bình.”

Câu chuyện bây giờ là việc Đức Phanxicô lên án con đường quân sự mà Putin áp dụng, một ngày trước đó ngài kêu gọi dành ngày thứ tư Lễ Tro là ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình trước “những tin đáng lo ngại chiến tranh sẽ xảy ra.” Và ngài tiếp tục lên tiếng cầu nguyện trong các giờ Kinh Truyền Tin, các buổi tiếp kiến chung.

Ngài cũng đã đến gặp đại sứ Nga Alexander Avdeev ở Vatican, gọi điện cho tổng thống Ukraine, Volodímir Zelensky. Và ngài cử hai hồng y đại diện đến Ukraine, hồng y Konrad Krajewski, trưởng ban Từ thiện giáo hoàng và hồng y Michel Czerny, Bộ trưởng lâm thời bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện để thể hiện sự gần gũi của ngài và kêu gọi hòa bình.

 Bài đọc thêm: Hồng y Czerny sẽ trở lại Ukraine để bày tỏ sự gần gũi của giáo hoàng

Ngài cũng đã tuyên bố, ngài “sẵn sàng làm bất cứ điều gì” miễn có được hòa bình. Hồng y Ngoại trưởng Pietro Parolin cũng đề nghị Tòa Thánh sẵn sàng làm trung gian hòa giải. Nhưng điều quan trọng nhất là kín đáo, tuân theo một nguyên tắc vàng của mọi đàm phán, không đưa ra ánh sáng bất cứ tin gì để tránh nguy cơ gây thiệt hại.

Có một yếu tố không nhỏ làm phức tạp thêm cho các cố gắng của Đức Phanxicô: Giáo hội chính thống Nga luôn xem thường Giáo hội công giáo Nga, cho rằng Giáo hội này chiêu dụ. Trên thực tế, cũng như Đức Gioan-Phaolô II, ngài là giáo hoàng muốn đến gần giáo dân, ngài không thể đến Mátxcơva. Dù ngài đã gặp thượng phụ Kyrill ở  Havana năm 2016 xem như đã phá vỡ được tảng băng.

Nhưng thượng phụ Kirill – người có ảnh hưởng lớn đối với Putin – không mệt mỏi khi biện minh cho cuộc xâm lược, rằng chính phủ Ukraine đang tiêu diệt những người thân Nga ở khu vực Donbas, được hỗ trợ bởi một phương Tây “ghét người Nga” họ còn nói một chuyện không thể tin được, là phương Tây đang áp đặt việc chấp nhận đồng tính lên trên tất cả các quốc gia.

Trong một phản ứng mạnh mẽ và bất thường trong đường lối ngoại giao của Vatican, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã chỉ trích những tuyên bố của Kirill vì “không làm thuận lợi cho sự thấu hiểu và mặt khác, chúng có thể góp phần tiêm nhiễm đầu óc con người”, vì thế việc Putin bất khuất trong thương thuyết là có sự chúc phúc ngầm của giáo chủ Nga.

Có những người nêu lên việc Đức Gioan-Phaolô II làm hòa giải cho Argentina và Chi-lê khi họ tranh chấp biên giới ở khu vực phía nam, nhưng tình hình lúc đó hoàn toàn khác. Đó là hai quốc gia có đa số giáo dân công giáo mà Hội đồng Giám mục đã yêu cầu giáo hoàng can thiệp. Đức Phanxicô ngày nay không có hậu thuẫn ở Nga.

Điều này cũng không thể so sánh với chuyến đi của giáo hoàng Ba Lan đến đất nước trong thời kỳ chiến tranh Falklands, trước đó không lâu ngài cũng đã có chuyến đi  Anh và không muốn tỏ ra thiên vị. Ngoài ra, đó là một cuộc xung đột chiến tranh bên ngoài lục địa mà Argentina sắp thua.

Một chuyến đi của Đức Phanxicô đến Kyiv mà không có thỏa thuận của các bên, ngoại trừ thiếu thận trọng, còn là chuyện viễn vông.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Lên đầu trang