Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Tin tức
“Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu quý vị hãy dừng cuộc thảm sát này lại!” Đức Phanxicô van xin

Ngày chúa nhật 13 tháng 3, Đức Phanxicô có lời kêu gọi thống thiết cho hòa bình ở Ukraine. Ngài tố cáo những người “xúc phạm danh Chúa” khi họ bênh vực cho bạo lực, một cách ngài gián tiếp trả lời thượng phụ Kirill của Mátxcơva.

Từ vài tuần nay, hiếm khi Đức Phanxicô vừa xúc động vừa cứng rắn ở cửa sổ Quảng trường Thánh Phêrô như trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật hôm nay. Ngài thống thiết kêu gọi: “Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu quý vị hãy dừng cuộc thảm sát này lại!”.

Trước khi cùng giáo dân tập trung ở vương cung thánh đường cầu nguyện, ngài khẩn thiết “cầu xin chiến tranh kết thúc” và bày tỏ “nỗi đau” của ngài. Ngài gằn mạnh: “Đứng trước sự man rợ và việc sát hại trẻ em, người vô tội và người dân không có vũ khí, không một lý do chiến lược nào có thể chấp nhận. Chúng ta phải ngăn chặn cuộc tấn công vũ trang không thể chấp nhận này, trước khi nó biến các thành phố thành nghĩa trang”, sau khi nhắc đến tình hình ở Mariupol, nơi một bệnh viện nhi đồng bị quân đội Nga đánh ngày thứ tư 9 tháng 3 vừa qua. Ngài quá đau buồn: “Mariupol đã trở thành một thành phố tử đạo của cuộc chiến kinh hoàng đang tàn phá Ukraine.”

Ngài cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực vào “các cuộc đàm phán” và mở ra “các hành lang nhân đạo hiệu quả và an toàn”. Ngài cũng thúc giục tiếp nhận người tị nạn, những người mà Chúa Kitô hiện diện nơi họ.

Ai bênh vực bạo lực là người xúc phạm danh Chúa

Ngài cũng kêu gọi người tín hữu kitô có một đáp ứng thiêng liêng, xin các giáo xứ và cộng đồng tôn giáo cầu nguyện nhiều hơn “cho hòa bình”. “Thiên Chúa là Thiên Chúa của hòa bình, không phải là Thần chiến tranh. Ai ủng hộ bạo lực nhân danh Chúa, người đó xúc phạm danh Chúa”, sau đó ngài xin 25.000 tín hữu có mặt tại quảng trường cầu nguyện trong im lặng.

Những lời nói về Thiên Chúa hòa bình này được hiểu là phản ứng của Đức Phanxicô với những người về phía Nga đã bảo vệ cuộc xung đột này, xem đây như một thánh chiến. Trong bài giảng được chú ý nhiều ngày chúa nhật 6 tháng 3, thượng phụ Kyrill, giáo chủ Matxcơva đã đặt xung đột ở Ukraine lên mức “siêu hình” của cuộc đối đầu giữa “luật của Chúa” và “tội lỗi”. Chúa nhật 27 tháng 2, thượng phụ đã công kích những người chiến đấu – xem họ là “lực lượng của cái ác” – chống lại sự thống nhất lịch sử của Nga và Ukraine.

Bài đọc thêm: Thượng phụ Kyrill tố cáo việc chống lại Matxcơva là “thế lực của cái ác”

Thực tế, lời kêu gọi này của Đức Phanxicô là câu trả lời cho những chỉ trích được nêu ra trong những lúc này, cáo buộc ngài không nêu rõ trách nhiệm của Nga, hoặc không rõ ràng lên án việc thượng phụ Kirill ủng hộ Vladimir Putin. Đó là trường hợp của giám mục Stanislav Szyrokoradiuk, giám mục công giáo của Odessa, trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Ý TG7 ngày chúa nhật 13 tháng 3 đã mong muốn Đức Phanxicô đi xa hơn trong các tuyên bố của ngài.

Bài đọc thêm: Kyrill, vị thượng phụ không được yêu mến của Giáo hội Chính thống Nga

Nếu Đức Phanxicô khẳng định vào ngày chúa nhật 6 tháng 3, rằng đây là một “cuộc chiến tranh” chứ không phải là một “hoạt động quân sự đặc biệt”, ngược với luận điệu của Nga, nhưng ngài chưa bao giờ thực sự chỉ định Matxcơva là “kẻ xâm lược”. Vì thế có cảm giác có một hình thức “trung lập” nào đó của Tòa thánh trong cuộc xung đột.

Một cân bằng mong manh

Trên thực tế, chính sách ngoại giao của Vatican cố gắng giữ được một cân bằng dù mong manh. Các nhà ngoại giao Tòa Thánh xem việc lên án Nga một cách rõ ràng có thể gây nguy hiểm cho 350.000 người công giáo ở Nga. Một nguồn tin của Vatican cho biết: “Có bốn giám mục ở Nga, tất cả đều có quốc tịch Nga. Vì thế việc này làm cho giáo hoàng nghĩ đến hoàn cảnh của các giám mục này. Thêm nữa, hiển nhiên tính cách của ngài như vậy nên ngài luôn muốn để ngỏ cánh cửa để đối thoại. Đó là trường hợp của Đức Gioan-Phaolô II với nước Nga, chắc chắn rõ ràng hơn nhiều: nhưng đó là một thời điểm khác, và giáo hoàng khi đó là người Ba Lan.”

Bài đọc thêm: Chiến tranh Ukraine, Vatican muốn gì?

Trên thực tế, rất hiếm khi Tòa thánh ra mặt chống lại một kẻ hiếu chiến nào trong cuộc xung đột đang diễn ra. Một nhà ngoại giao khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ đối đầu với một quốc gia nào.” Một quan điểm dấy lên các chỉ trích lặp đi lặp lại thường xuyên: hôm nay là trường hợp với Nga, năm 2021 là trường hợp tế nhị về vấn đề giữa Trung Quốc và Hồng Kông.

Cầu nguyện, đàm phán và hành lang nhân đạo

Đối với Ukraine và Nga, đây là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất kể từ khi bắt đầu có xung đột giữa Nga và Ukraine ngày 24 tháng 2, bổ sung vào nhiều sáng kiến được Vatican thực hiện trong những ngày gần đây nhằm ủng hộ hòa bình.

Bài đọc thêm: Ở Vatican, Ukraine có mặt khắp nơi

Theo thời gian, lời kêu gọi cầu nguyện, thương thuyết giữa những kẻ hiếu chiến và lời kêu gọi mở các hành lang nhân đạo để người dân được trốn khỏi Ukraine đã trở thành ba trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Vatican. Đức Phanxicô, cũng như hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cũng đã nhiều lần đề cập đến việc Vatican muốn tham dự trong việc hòa giải giữa Ukraine và Nga.

Còn nhật báo L’Osservatore Romano, kể từ khi cuộc chiến  bắt đầu, tờ báo đã dành trang nhất đăng các hình ảnh cuộc chiến Ukraine. Nhà thờ tờ báo chính thức của Vatican đã nhận thấy rõ ràng hậu quả nghiêm trọng của các cuộc bắn phá và tấn công do quân đội Nga thực hiện. Một cách để Tòa thánh chỉ định kẻ xâm lược mà giáo hoàng không đề cập đến Nga. Một cân bằng tinh tế.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Lên đầu trang