Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
“Thành công khi tất cả đều thất bại”, Đức Phanxicô mơ được làm trung gian cho Putin

“Thành công khi tất cả đều thất bại”, Đức Phanxicô mơ được làm trung gian cho Putin

marianne.net, Ariel F. Dumont, 2022-03-07

Sau cuộc gặp với đại sứ Nga tại Tòa thánh tuần trước, giáo hoàng đã đề nghị làm trung gian với Vladimir Putin trong nỗ lực nhằm chấm dứt các hành vi thù địch.

Thành công khi tất cả đều thất bại, bằng cách không phải ngừng bắn mà là ngừng ném bom hoàn toàn và được Vladimir Putin cam kết cho một nền hòa bình lâu dài. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, Đức Phanxicô đã quyết định làm mọi thứ để có thể đạt được mục tiêu này. Jose Mario Bergoglio đã quen với các cuộc hòa giải vì ngài là người khởi nguồn cho thỏa thuận được ký kết năm 2014 giữa Mỹ và Cuba, hai bên mà ngài đã tập trung xung quanh một bàn ở Vatican để nói về hòa bình và trao đổi ngoại giao. Liệu có làm được như vậy trong thời gian này không? Các thách thức cao hơn nhiều, vì thế một thành công sẽ càng có ý nghĩa với Đức Phanxicô hơn, đặc biệt trên bình diện chính trị. Điều mà có lẽ ngài mong muốn nhất, đó là ở trong danh sách với các giáo hoàng chính trị như Đức Gioan-Phaolô II, trước đó là Đức Alexander VI và Đức Julius II.

Thương thuyết trong mọi hướng

Cũng như năm 2014, giáo hoàng đã bắt đầu chuẩn bị địa bàn trước với người Ý, họ cũng muốn đóng một vai trò trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Vì vậy, trước hết, Đức Phanxicô gởi thông điệp đến quốc hội thông qua các đảng ở Ý: “Tôi sẵn sàng làm tất cả, dùng ảnh hưởng cũng như uy tín của tôi để can thiệp với Vladimir Putin và cố gắng thành công nơi mà mọi người đã thất bại”. Đối với Rôma, khía cạnh hiển hiện hơi thiếu trong các cuộc thảo luận hiện tại, nhưng sự can thiệp của giáo hoàng đã được nhìn thấy khá rõ ràng. Do đó, quốc hội đã chấp nhận sự giúp đỡ của một giáo hoàng có chủ quyền và yêu cầu chính phủ Mario Draghi giúp đỡ Đức Phanxicô.

Song song đó, ngài cũng thử nghiệm địa bàn với người Nga khi ngài đến tòa đại sứ Nga tại Tòa thánh. Đó là ngày thứ sáu 25 tháng 2. Sáng hôm đó, “papa Francesco” theo cách gọi của người Ý, đã xin thư ký của ngài hủy mọi cuộc hẹn vì ngài muốn đến nói chuyện với đại sứ Nga Alexander Avdeev, người mà ngài xem như người bạn. Một cử chỉ khác thường, thông lệ Vatican là các cuộc họp được phủ Quốc vụ khanh tổ chức và được các đại diện Quốc gia yêu cầu, chứ không phải từ giáo hoàng. Nhưng với Đức Phanxicô, mức độ nghiêm trọng của tình hình biện minh cho sự xáo trộn nghi thức này.

Theo báo chí Ý, cuộc gặp kéo dài khoảng bốn mươi phút. Trong cuộc gặp, vị giáo hoàng có chủ quyền bày tỏ mối quan tâm của ngài với người đối thoại, đặc biệt là về số phận của thường dân, nhất là của trẻ em. Ngài cũng nhân cơ hội này để nói vài lời với đại sứ về khả năng có thể có sự can thiệp của Tòa thánh với tư cách là người hòa giải để cố gắng tìm giải pháp. Theo một vài tin đồn, ngài cũng nói đến một tương lai không có năng lượng hạt nhân, nhưng về điểm này, vị đại sứ có thể đã bỏ qua. Thực sự cho đến bây giờ, không ai biết đại sứ đã trả lời gì cho ngài, nhưng trên thực tế, sau cuộc gặp đầu tiên này, ngài đã có nhiều cử chỉ quan trọng. Trước hết ngài gởi thiết bị y tế đến Ukraine và cùng với chính phủ Ý, tổ chức việc tiếp nhận những người tị nạn đầu tiên. Ngài đã đăng nhiều câu tweet trên mạng xã hội. Đầu tiên là câu tweet  tiếng Nga để xin hai nước hòa giải, vài ngày sau một câu tweet khác cũng bằng tiếng Nga. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các triều giáo hoàng, vì các giáo hoàng thường dùng truyền hình hoặc báo viết để gởi sứ điệp. Nhưng Đức Phanxicô là người luôn đi cùng thời đại và trên hết, ngài là người giao tiếp xuất sắc, người biết điều gì hiệu quả nhất và trên hết là nhanh nhất.

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô gởi dụng cụ y tế khẩn cấp đến Ukraine

Cuộc gặp được hy vọng với thượng phụ Mátxcơva

Đồng thời, các hiệp hội thân cận với Vatican đã bắt đầu hoạt động. Chẳng hạn vào tuần trước, Cộng đồng Sant’Egidio đã tổ chức cuộc biểu tình lớn ở Rôma gồm khoảng 50 hiệp hội công giáo, do thái, hồi giáo, chính thống giáo và phật giáo, cũng như các thành viên của tổ chức nhân đạo như ONG Emergency. Đức Phanxicô cũng liên lạc tổng giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk ở Kiev và Galicia, tổng giám mục là nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo hy-lạp để cám ơn ngài đã mở cửa nhà thờ chính tòa Kiev cho người dân vào trú ẩn, giúp họ thoát các cuộc bắn phá. Cuối cùng, ngài đã điện thoại cho tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi, để bày tỏ nỗi đau và sự gần gũi vô cùng của ngài với ông.

Bước tiếp theo là gì? Như năm 2014 với Cuba, ngài sẽ sẵn sàng chào đón các phái đoàn Nga và Ukraine đến Vatican, tham dự các cuộc đàm phán với tư cách là một nhà hòa bình. Câu hỏi đặt ra là: liệu thượng phụ Kyrill của Mátxcơva, người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga, người ủng hộ Vladimir Putin ngoan cố, có dễ dàng chấp nhận sự can thiệp của Đức Phanxicô không? Không có gì chắc chắn. Nhưng đường lối của Chúa thì không dò lường được…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Lên đầu trang