Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Sứ thần Kulbokas ở Ukraine, “cuộc chiến tranh này có một cái gì đó của Sự dữ”

Sứ thần Kulbokas ở Ukraine, “cuộc chiến tranh này có một cái gì đó của Sự dữ”

“Cùng nhau vượt qua cái ác”

Một người dân Irbin, ngoại ô phía bắc Kiev, buộc phải chạy trốn, ngày 10 tháng 3. AFP

fr.zenit.org, Ban biên tập, 2022-03-11

Ngày 10 tháng 3, bà Maria Lozano của cơ quan Giúp đỡ các Giáo hội gặp Khó khăn (AED) đã có buổi phỏng vấn sứ thần Visvaldas Kulbokas, nhà ngoại giao Litva, sứ thần Tòa thánh tại Kyiv từ năm 2021. Ngài nói về tình hình ở Kiev, tình đoàn kết của người dân và sự bi thảm của cuộc chiến.

Sứ thần Kulbokas xin khiêm nhường cầu nguyện thêm: “Chúng ta chỉ có thể cùng nhau chiến thắng sự dữ thế giới, bằng cách cùng nhau ăn chay, cầu nguyện, với tấm lòng khiêm nhường và yêu thương.”


Theo sứ thần Visvaldas Kulbokas ở Ukraine, “cuộc chiến tranh này có một cái gì đó của Sự dữ.”

Xin cha cho biết vai trò của Đức Phanxicô

Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas: Tôi không muốn rời nhiệm sở, tôi muốn ở lại nơi Đức Phanxicô đã cử tôi đi truyền giáo. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Đức Phanxicô, những gì ngài nói, ngài đang và sẽ làm, tất cả là để có thể chấm dứt cuộc chiến này. Đây không chỉ là những lời nói vì tôi biết ngài đang tìm mọi cách có thể, về mặt thiêng liêng và ngoại giao cho Giáo hội. Tất cả mọi thứ mà con người có thể có được để góp phần hòa bình. Chắc chắn, giáo hoàng – tôi biết rất rõ điều này qua các cộng tác viên của ngài mà tôi tiếp xúc nhiều lần trong ngày – đang đánh giá một số khả năng. Chúng tôi không ngừng suy nghĩ về những gì ngài có thể làm, trực tiếp hoặc thông qua các cộng tác viên của ngài. Ngài đã quyết định cử hai hồng y Konrad Krajewski và Michel Czerny đến Ukraine, ngày thứ ba, hồng y Krajewski đến Ukraine để hỗ trợ và xem viện trợ nhân đạo có thể đến bằng cách nào và cùng với công việc này là nói lên sự hiện diện của giáo hoàng.

Xin cha cho biết tình hình hiện tại ở Kyiv

Thành phố Kyiv bị bao vây, tình hình rất xấu ở Kyiv, kể từ ngày 24 tháng 2, ngày và đêm đều có các cuộc tấn công bằng tên lửa ở nhiều khu vực khác nhau trong thành phố. Tại tòa sứ thần, chúng tôi không ở trung tâm thành phố và từ trước đến nay chúng tôi cũng không gần các cuộc pháo kích. Trận chiến sáp lá cà chúng tôi thấy gần hơn, không phải gần đây, nhưng cách đây vài ngày. Nhưng mọi thứ có thể sẽ trở nên rất tồi tệ trong vài giờ tới. Ở các thành phố khác như Kharkiv, ngay cả các khu dân cư cũng bị ảnh hưởng nặng nề… Bây giờ, không ai ở Ukraine cảm thấy an toàn. Vài giờ tới, vài ngày tới sẽ như thế nào? Không ai biết trước được. Ở một khía cạnh nào đó, Kyiv vẫn có sự yên tĩnh nhất định so với các thành phố khác: Irpin, thuộc ngoại ô Kyiv, hay Kharkiv, Chernihiv hay Mariupol… Kyiv vẫn có mối liên hệ với thế giới bên ngoài, nhưng cuộc khủng hoảng nhân đạo diễn ra rất mạnh mẽ ở đây. và ở các thành phố khác ở Ukraine. Tôi mang trong lòng mối lo lắng này và không phải lúc nào tôi cũng có thể giúp đỡ đưọc. Đôi khi ngay cả các cơ quan như Caritas hoặc Hội Chữ Thập Đỏ, thậm chí cả các cơ quan chính phủ, họ không thể làm bất cứ điều gì họ mong muốn.

Có gì thay đổi ở Kiev kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột?

Khi chiến tranh bắt đầu, chúng tôi ít tổ chức hơn. Bây giờ đã có tiến bộ trong tổ chức từ hai tuần nay, có chuẩn bị tốt hơn nhiều. Có vẻ như lực lượng quân đội Nga đang đến gần trung tâm thành phố nên những ngày gần đây các tổ chức viện trợ hoạt động mạnh hơn. Caritas, Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức giáo xứ – không chỉ người công giáo mà cả người chính thống giáo, hồi giáo cũng đang làm như vậy – đang cố gắng xem ai là người gặp khó khăn nhất và đang phân phối lại thực phẩm, cố gắng sơ tán những ai ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, nhất là ở những nơi không có điện hoặc lò sưởi.

Xin cha cho biết nguồn cung cấp như thế nào? Cha có đủ thức ăn, nước uống không? Có vấn đề về nguồn cung cấp ở mọi nơi hay chỉ trong một số lĩnh vực nhất định?

Tòa sứ thần và người dân có những dự phòng, tại tòa sứ thần, chúng tôi đã chuẩn bị các khoản dự phòng trước khi bắt đầu chiến tranh vì chúng tôi thấy chiến tranh gần như sẽ xảy ra. Cá nhân tôi biết có một số gia đình không tin chuyện này và chiến tranh đã làm cho họ ngạc nhiên, họ không đủ thức ăn dự trữ cho hai hoặc ba ngày. Tạ ơn Chúa, trong những ngày vừa qua, một số trợ giúp đã đến được Kyiv. Ngoài ra, còn có các tổ chức như Caritas hoặc các nhóm tình nguyện mang thực phẩm từ các thị trấn lân cận đến, họ biết thành phố Kyiv sẽ bị tấn công nặng hơn. Luôn luôn miễn phí. Đoàn kết là hoàn toàn.  Thật khó để biết tất cả các gia đình đang ở trong hoàn cảnh nào và họ có thể chịu đựng được bao lâu, nhưng chắc chắn cuộc khủng hoảng nhân đạo là rất dữ dội.

Xin cha cho biết tinh thần của người dân, cảm xúc của họ và những người ở lại Kyiv có sợ lắm không?

Chắc chắn là họ rất sợ. Tôi không thể nói thay cho mọi người, nhưng tôi có thể nói về những người tôi gặp cá nhân: các linh mục, các tình nguyện viên hoặc các cộng tác viên của Tòa sứ thần. Tôi thấy nỗi lo âu và lòng can đảm ở các linh mục, các thiện nguyện viên, các cộng tác viên của tòa sứ thần, họ rất lo lắng, nhưng trên hết, họ dũng cảm. Chúng tôi cảm thấy phải cùng nhau đương đầu với thảm kịch này, phải giúp đỡ nhau và cầu nguyện nhiều cho nhau. Tôi thấy họ lạc quan. Dù trong thảm kịch lớn lao, tôi thấy nhiều người lạc quan, đặc biệt là các linh mục và tu sĩ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ các bệnh nhân cần chữa trị, các sản phụ lạc quan được.

Cha có nghĩ xung đột này có mang khía cạnh tôn giáo không?

Cuộc chiến này có một số động cơ thúc đẩy và một số người thấy có một số yếu tố tôn giáo nào đó ở đây. Đối với tôi điều này là hoàn toàn không chính xác. Ví dụ ở Ukraine, chúng tôi có Hội đồng các Giáo hội và các tổ chức tôn giáo hiện nay rất đoàn kết, gần gũi với người dân, các thành viên của họ hỗ trợ lẫn nhau. Điều này không có nghĩa là tất cả những khó khăn đã biến mất, bởi vì rõ ràng có một số hiểu lầm giữa các tôn giáo đã đóng một vai trò nào đó trong quá khứ. Chỉ có điều, theo tôi, không thể dùng lý lẽ tôn giáo để thúc đẩy cuộc chiến tranh, bởi vì khi có khó khăn trong quan hệ giữa các tôn giáo, chúng phải được giải quyết theo cách khác. Tôi ngạc nhiên thấy, những khó khăn tôi từng thấy trước đây ở Ukraine bây giờ đã giảm đi rất nhiều. Vì thế lúc xảy ra thảm kịch, người dân Ukraine đã đoàn kết. Nhưng không có nghĩa là nó sẽ vẫn đoàn kết sau đó, nhưng như thế đã là dấu hiệu rất tích cực.

Cơ quan Giúp đỡ các Giáo hội gặp Khó khăn cho biết đã viện trợ 1,3 triệu âu kim cho các giáo phận cần nhất, đặc biệt để hỗ trợ cho công việc của các linh mục và tu sĩ. Theo cha, sự giúp đỡ này quan trọng như thế nào?

Thật khó để lượng định được nhu cầu. Trong tương lai, rất khó để biết chính xác nhu cầu sẽ như thế nào, nhưng nhiều công trình đã bị hư hại. Vì vậy, ngay cả ở cấp độ cơ cấu tổ chức, sẽ có rất nhiều việc phải làm, chúng ta phải hoàn toàn phó thác vào Chúa trong khiêm nhường, đoàn kết và yêu thương. Vì dù sao, nếu chúng ta gần nhau, nếu chúng ta gần Chúa, nếu chúng ta trung thành, thì chính Ngài sẽ chăm sóc chúng ta. Đây là lý do vì sao, ngay cả trong cuộc chiến này – một cuộc chiến không hoàn toàn phát sinh do con người, mà có cái gì đó của Sự dữ, của ma quỷ, bởi vì trong tất cả bạo lực đều có sự dữ – chúng ta chỉ có thể cùng nhau, cùng cả thế giới đánh bại cái ác bằng ăn chay, cầu nguyện, với lòng khiêm tốn tối đa và với tình yêu.

Câu chuyện của một giấc mơ

Sứ thần chia sẻ lời chứng: “Tôi muốn chia sẻ chứng từ người ta vừa kể cho tôi cách đây vài giờ; đây chỉ là một trong nhiều lời chứng ở Kyiv. Tối hôm qua tôi nghe câu chuyện của một người có thị kiến này trong giấc mơ: trong một thành phố bị chiến tranh tàn phá, cô đi tìm gia đình mình. Chúa Giêsu đến gần cô và cô xin Ngài giúp cô một tay. Từ trên thập giá, Chúa Giêsu trả lời: “Con không thể làm hai chuyện cùng một lúc; con không thể đóng đinh Ta rồi xin Ta giúp đỡ. Con phải chọn: hoặc cái này, hoặc cái kia.” Khi người này thức dậy, sau giấc mơ đó, sau thị kiến đó, cô nói với mọi người cô quyết định thay đổi cuộc đời, cô sống một cuộc đời với Chúa. Câu chuyện làm tôi và mọi người xúc động. Như tiên tri I-sai-a nói, những lúc chiến tranh bi thảm đã thôi thúc chúng ta hãy nhìn Chúa của chúng ta với con mắt mới, con mắt tin cậy, khiêm nhường và hoán cải.”

Marta An Nguyễn dịch

Lên đầu trang