Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Những tình mẹ con cảm động đất trời

Mẹ là chân, là tay cho con, là tất cả...

Chúng tôi gặp lại hai mẹ con em Nguyễn Chung Tú (tân sinh viên khoa công nghệ thông tin) sau khi Tú đến TP.HCM nhập học ở ĐH Khoa học tự nhiên hơn một tháng. Sáng nay, Tú đi khám lại cánh tay bị gãy do té xe trong ngày đầu tiên “lên Sài Gòn”.
 


Để hoàn thành giấc mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin của Tú,
con đường phía trước của mẹ Do còn rất dài, rất khó khăn.

 
Nắng gắt, chị Chung Thị Do tất tả đi từ phòng chụp phim sang quầy bán thuốc, cõng con trai ra ghế đá trước cổng bệnh viện rồi lại quày quả trở vào bãi giữ xe. Chiếc xe của chị cồng kềnh, lạ mắt với một chiếc ghế sắt có tựa hàn chặt ở vị trí yên sau, hai bàn để chân to bằng nhựa hai bên và mấy sợi dây cao su lòng thòng.

Dựng xe, chị cúi xuống, nhẹ nhàng và gọn gàng cầm hai chân con trai đặt vào hai bên hông mình, cõng Tú đặt lên ghế, dây cao su thay dây bảo hiểm giữ cậu ngồi vững trên xe. Chiếc xe của chị chạy chầm chậm qua những ngả đường đông đúc, khói bụi ngùn ngụt và tiếng xe ầm ào, gương mặt cả hai mẹ con ngập đầy sự căng thẳng.

Sân Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đầy nắng, sinh viên qua lại tấp nập. Tú lấy lịch học ra xem số phòng, chị Do đeo balô vào cánh tay, xốc con trai lên vai. Chị cắm cúi băng qua khoảng sân rộng, hành lang dài và bước lên cầu thang bằng những bước hơi nặng nề, thỉnh thoảng dừng lại thở dốc. Hôm nay lớp của Tú học trên lầu 3. Trên vai chị, gương mặt Tú se lại...
 
“ Tôi đã muốn buông tay, nhưng nhìn con lặng lẽ ôm chồng sách lại không cầm lòng được. Các thầy cô của Tú đến động viên, giúp đỡ, lại được nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ, thế là tôi liều đưa con lên làm thủ tục nhập học, cũng chưa biết tiếp theo sẽ như thế nào ”.

Năm nay Nguyễn Chung Tú đã 18 tuổi. Nếu rời khỏi vai mẹ và đứng được trên đôi chân mình, Tú sẽ là một chàng trai cao to, vạm vỡ. Nhưng căn bệnh nhược cơ bẩm sinh chưa cho Tú được một bước đi, bước chạy nào vững vàng trong đời. Bắt đầu từ những lần té ngã thường xuyên khi bắt đầu được mẹ dắt đi học và “ngày đi lãnh phần thưởng năm lớp 5, cô giáo phải đứng một bên đỡ cho con khỏi ngã. Từ đó, Tú không còn đi được nữa” - chị Do nhớ lại.
 
Hè, Tú ngồi lê la trước cửa nhà nhìn các bạn đá bóng, thả diều. Vào năm học, mẹ lấy đôi chân mình thay cho chân của con, cõng Tú trên lưng và miệt mài đi từ lớp này lên lớp khác, từ trường gần đến trường xa. Cậu con trai trên vai mẹ lớn dần, nặng dần nhưng bà mẹ trẻ ấy, lạ thay, vẫn vững bước.
 
“Sinh con ra mà lại không được như người ta thật rầu. Nó chỉ có một niềm vui là đi học nên mình cũng phải ráng đưa nó đi học. Niềm vui của mình là con học giỏi” - chị Do thầm thì kể. Không phụ lòng mẹ, 12 năm Tú đạt học sinh giỏi rồi thi đỗ hai trường ĐH.
 
Nhận giấy báo nhập học của con, chị Do thấy nỗi lo như trái núi dập tắt cả niềm vui. Đâu phải chỉ là chuyện tiền ăn, tiền học của con vốn đã quá sức so với mức thu nhập của người cha bệnh binh làm nghề cắt tóc tại nhà và những việc làm thuê lặt vặt chị nhận làm trong lúc con đến trường. Ngổn ngang trong tâm trí người mẹ là những câu hỏi chất chồng: làm sao để Tú xa nhà đi học?

Căn bệnh nhược cơ khiến tay Tú cũng yếu đến không thể dùng xe lăn, ca mổ thất bại hai năm trước khiến hai chân Tú liệt hẳn không còn khả năng nhúc nhích, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào mẹ. Và lại thêm một nhát cứa nữa vào trái tim chị khi Nguyễn Chung Thảo, em trai Tú, mới vào lớp 4 và cũng bắt đầu té ngã liên tục.

“Tôi đã muốn buông tay, nhưng nhìn con lặng lẽ ôm chồng sách lại không cầm lòng được. Các thầy cô của Tú đến động viên, giúp đỡ, lại được nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ, thế là tôi liều đưa con lên làm thủ tục nhập học, cũng chưa biết tiếp theo sẽ như thế nào”.
 
Thủ tục làm xong rồi, chị theo các sinh viên khác cõng con đến ký túc xá sinh viên. Một gáo nước lạnh tạt vào hai mẹ con khi ban quản lý ký túc xá nhất định từ chối không cho Tú vào ở. Trào nước mắt, chị Do cõng con về thẳng Tiền Giang với quyết tâm... cho Tú nghỉ học.

Ở nhà hai ngày, suy nghĩ hai ngày, rồi chị Do lại cõng con quay lên, lần này thì lỉnh kỉnh cả giường, chiếu, nồi cơm, rổ rá, quần áo. Chị đã quyết định ở lại để làm đôi chân đưa Tú đến giảng đường bốn năm nữa. Một căn phòng lợp lá giữa cánh đồng trống ở phường Long Thạnh Mỹ, Q.9 do một vị bác sĩ tốt bụng cho ở nhờ, ngày ngày chị chở Tú qua 12km đường đến trường, nhẫn nại cõng con lên phòng học.

Tú vào lớp, chị nhẩn nha đi xin giúp việc cho các quán cơm sinh viên, chờ giờ con tan học. “Đã có quán nhận cho tôi làm 20.000 đồng/giờ rồi, được vậy cũng đủ để lo tiền xăng, tiền gạo cho hai mẹ con” - chị Do kể, gương mặt giãn ra một chút. Nói vậy rồi chị lại lau nước mắt nhớ đến đứa con trai nhỏ ở nhà. Đời sinh viên của Tú mới được hơn một tháng...
 
Chuyện trong căn phòng hẹp
 
Địa chỉ của Kim Châu (tân sinh viên ĐH Sài Gòn) ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ, P.3, Q.3, khu vực hiếm người nghèo. Thế nhưng hóa ra nơi ở của hai mẹ con em lại là một phòng trọ nhỏ xíu chưa đầy 6m², vốn là đầu hè của một căn nhà. Trong 6m2 ấy là chỗ ăn, chỗ học, chỗ nấu cơm, chỗ để quần áo, sách vở...
 


Kim Châu và mẹ trong căn phòng hẹp
 
Kim Châu rướm nước mắt kể: “Những đêm em thức học thi, làm bài khuya, bàn kê dưới ngọn đèn, mẹ không có chỗ ngủ. Mẹ ngồi dựa vào mớ quần áo xếp trong bọc nilông mà gà gật, hay mẹ nằm co quắp cạnh chỗ để nồi cơm. Khi nào em dọn bàn, tắt đèn mới có chỗ trải chiếu để mẹ nằm duỗi chân”.

Khi xưa cô Phạm Phi Phụng, mẹ Châu, là một cô giáo, cũng có nhà cửa đàng hoàng. Rồi cô Phụng phải nghỉ dạy để chăm sóc mẹ bệnh nặng, đến lượt chồng bị bệnh ung thư. Khi cha mất, Kim Châu mới vừa vào lớp 6. Tiền thuốc là cả một khoản nợ khổng lồ khiến cô Phụng phải bán nhà trả nợ, hai mẹ con bắt đầu cuộc sống lênh đênh qua những căn phòng trọ ngày một nhỏ hơn, những công việc làm thuê, thủ công ngày một vất vả hơn... Cứ thế cho tới ngày Kim Châu đỗ đại học.

“Nghe con gái đỗ đại học tôi mừng quá, rồi nó sẽ thành cô giáo để tiếp nối sự nghiệp tôi đã đi dang dở. Tôi mua cho con cái bàn học mới, cũng chỉ là bàn nhựa xếp mà thôi. Mua cho con mấy cái ngăn tủ mới để đựng quần áo, kẻo để trong bọc lộn xộn nó tìm không ra. Rồi tôi vay trước hai tháng tiền lương để con đóng tiền học, mua xe đạp”... - cô Phụng kể.
 
Nghe tôi hỏi về những giọt nước mắt của Châu kể về giấc ngủ ngồi của mẹ, cô lúng túng khua tay: “Nhà chỉ có chừng đó. Con đã phải thiệt thòi nhiều, nó chỉ có sự học để bằng bạn bè, mình ngủ ngồi để nó học thì cũng có sao đâu...”. Có một người mẹ như thế làm sao Kim Châu không gắng học cho được.
 
Địa chỉ và số điện thoại của các nhân vật trong bài để bạn đọc thuận tiện trong việc liên lạc và giúp đỡ:

- Hai mẹ con chị Chung Thị Do và em Nguyễn Chung Tú: ấp Gò Công, xã Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM, ĐT: 0949686307
 
- Hai mẹ con chị Phạm Phi Phụng và em Nguyễn Thị Kim Châu: 501 Điện Biên Phủ, phường 3, Q.3, TP.HCM, ĐT: 0954430607.

 
Xin chân thành cám ơn sự quan tâm, giúp đỡ của quí bạn đọc.
 
Theo Tuổi trẻ Online

Lên đầu trang