Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
'Lũ miền Trung có nguyên nhân do thủy điện'


 
Ông Trần Đình Đàn.
     Ảnh: T.Sơn



"Thiệt hại nặng nề ở miền Trung một mặt do mưa lớn, một mặt do các công trình thủy điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát ra biển", ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên bí thư Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm.


> Cận cảnh cuộc sống ở rốn lũ









- Cơ sở nào để ông nhận xét rằng có lỗi của công trình thủy điện, giao thông trong đợt lũ lịch sử tại Bắc Trung Bộ?


- Sau khi hình thành đường Hồ Chí Minh và một số tuyến đường dọc theo khu vực miền núi của Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, việc thoát nước từ trên rừng xuống mất tính tự nhiên. Hiện, quốc lộ 1 nằm giữa vùng giữa đồng bằng và biển được nâng cao, một số tuyến sông làm đê rất cao. Do đó, nước trên đại ngàn chảy xuống bị chặn và không đủ khẩu độ cho nước chảy ra biển.


Trong quá trình làm hồ đập thủy điện, chúng ta không có quy hoạch từ trước nên thấy chỗ nào có điều kiện là địa phương giao chủ đầu tư. Khi làm thủy điện, người ta lại chặt cây, mở đường rộng cả trăm mét... Có những nơi, tỉnh cho diện tích khoảng 200 ha gồm cả đường lẫn khu vực thi công nhưng doanh nghiệp chặt lên đến 300 ha. Trong trường hợp này, vùng đó sẽ mất đi các cây cổ thụ, cây lớn - điều kiện để bảo vệ khu rừng đó khỏi nước lũ.


- Theo như ông nói, có thể hiểu tuyến đường Hồ Chí Minh đang như con đê ngăn nước từ đại ngàn chảy ra biển?


- Trong trận lũ năm 2002, khi đang làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, tôi chứng kiến nhiều đoạn ngập là do đường Hồ Chí Minh. Khi đó, cơ sở hạ tầng của huyện Hương Sơn gần như bị xóa hết. Trường học, trạm y tế, nhà dân... bị thiệt hại lớn. Tôi đã đề nghị Bộ Giao thông và Chính phủ cho mở khẩu độ một số cống nhưng một số nơi mở rồi, lũ lụt sau đó vẫn tràn và xé luôn cống. Điều này chứng tỏ do quy hoạch giao thông.


- Trong kỳ họp trước, một số ý kiến cũng cho rằng lũ ở miền Trung là do thủy điện nhưng Chính phủ đã có quan điểm phản bác. Là người nhiều năm làm lãnh đạo Hà Tĩnh, ông nói gì?


- Tôi không phải là người chuyên về thủy điện và giao thông nhưng là người mắt thấy tai nghe. Khi nước không chảy được theo quy luật tự nhiên, tôi nghĩ rằng thủy điện là lý do.


Đập hồ Kẻ Gỗ có dung tích 320 triệu m3 nước, làm từ năm 1976 nhưng do nằm trên độ cao 32 mét so với mực nước biển nên nếu bị vỡ, cả thành phố Hà Tĩnh sẽ ngập trong biển nước... Nhà nước đã phải gia cố bằng việc làm thân đập tràn, làm thêm cánh cửa xả lũ. Vừa rồi, khi xả nước nhiều ngày liền, thành phố Hà Tĩnh chìm trong nước.


Đập Hố Hô nằm trên đất của Quảng Bình và huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Khi mưa lớn, nước tràn đập, cây ở trên ngàn đổ xuống cũng chặn luôn bờ đập nên bộ đội biên phòng vừa phải lấy kích mở cống vừa phải lấy bớt cây nằm trên mặt hồ. Ở công trình thủy điện này, lúc mất điện, cánh cổng xả lũ không mở nổi. Đó là có yếu tố về con người trong việc quy hoạch.


- Nhiều công trình thủy điện được xây dựng có sự đồng thuận của địa phương. Vậy trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương ở đâu khi xảy ra lũ lụt?


- Cá nhân tôi cũng có trách nhiệm vì lúc đó tôi đang là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó, tỉnh còn nghèo, người ta vào đầu tư để có nhà máy phát điện và có hồ chứa nước để có nước tưới, nước sinh hoạt. Thế nên ai cũng muốn làm. Bây giờ, cần phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, phải nghiên cứu cái gì nên làm và cái gì không nên làm.


- Theo ông, giải pháp nào để hạn chế thiệt hại bão lũ do công trình thủy điện, giao thông?

- Thiên tai vừa qua một mặt do mưa lớn, một mặt do việc làm thủy lợi, thủy điện, giao thông không lường hết được. Chính phủ cần có đợt tổng kiểm tra, ra soát lại quy hoạch hồ thủy điện và Quốc hội sẽ phải giám sát. Trong đó, phải xem xét lại giữa lợi ích của hồ đập khi có nguồn điện với việc an toàn cho người dân. Thứ hai, cần thiết phải mở khẩu độ của tuyến đường Hồ Chí Minh đi dọc theo triền núi từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và dọc theo các tỉnh liên quan, để làm cho dòng chảy được tự nhiên.


Những dự án như đập Hố Hô, thủy điện Hương Sơn nếu bị lở thì thiệt hại không thể lường trước được. Theo tôi, có những việc đã làm dở hoặc có quyết định làm rồi nhưng cần thiết thì phải dừng, không thể làm bằng mọi giá. Như đập Hố Hô, vừa rồi mà lở thì hàng chục xã của Hương Khê và một phần của Quảng Bình sẽ trôi hết. Nhưng may mắn là đã được mà bộ đội biên phòng ra ứng cứu kịp thời.


Việt Anh - Tiến Dũng ghi

  http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/10/3BA21E06/ 


Ý kiến bạn đọc ()

Lũ chồng lũ do đâu?

Khi thiết kế tính toán đầu tư hầu hết các công trình thủy lợi thủy điện đều nói đến việc điều tiết lũ cho phần hạ du là điều kiện tiên quyết, nhưng đó chẳng qua là để thuyết phục phê duyệt dự án thôi. Sự thật thì đã quá rõ ở các mùa lũ gần đây những địa phương có các dự án không riêng gì miền Trung. Hiện tượng "lũ chồng lũ" rõ ràng là do cơ chế, do quản lý của các cơ quan ban ngành liên quan mà ở đây chủ yếu là phục vụ lợi ích cho dự án không quan tâm đến nhân dân vùng hạ lưu. Việc xả lũ kiểu này còn gì là điều tiết.

(nv tho)


Ngập lụt miền Trung

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Trần Đình Đàn. Hiện tại nhu cầu về điện ngày càng cao, chúng ta cứ chạy lo làm thủy điện, đây là trách nhiệm của người làm tư vấn khảo sát không có tầm nhìn chiến lược. Theo tôi nghĩ không phải miền Trung bị như vậy mà bất kỳ khu vực nào của Việt Nam cũng đều như vậy vì hiện tượng làm thủy điện tràn lan, không có cái nhìn tổng quan về môi trường sinh thái.

(Nguyễn Tấn Thanh)


'Lũ miền Trung có nguyên nhân do thủy điện'

Tôi nhất trí hoàn toàn với ý kiến của ông Trần Đình Đàn vì tôi cũng là người miền Trung. Tôi ở Đà Nẵng, một thực tế mà tôi đã nhìn nhận qua các đợt lũ từ khi đường 14B qua QN-ĐN chưa nâng cấp thì mùa mưa lũ nước chảy đều hết trên toàn bộ mặt đất, lũ lớn băng qua đường nên thoát nhanh ra biển không gây ngập lụt lớn. Từ khi có QL 14 B nâng cấp, đường được tôn lên cao, mùa lũ xe vẫn chạy được nhưng một tai hoạ khác đến với người dân là lũ cao.

Trước đây nước lũ lớn từ trên nguồn xuống, giờ Đà Nẵng nước lũ lớn do nước chảy ngược từ biển lên. Quảng Nam hứng gần như toàn bộ lượng nước lũ đầu nguồn đổ về. Hơn nữa việc xây thuỷ điện không đúng quy trình cũng xảy ra lũ lớn, các hồ chứa thuỷ điện đều không có hồ chứa dự phòng nên khi lũ lớn đến mức báo động thì không có hồ chứa dự phòng để chứa, buộc phải xả nước thế là dân nghèo lãnh đủ. Có một điều trùng hợp là các chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công các công trình thuỷ điện ở Quảng Nam, Đà Nẵng đều là những đại gia gỗ...

(La Van Vo)


Cần lưu ý ý kiến này

Ý kiến của ông Đàn theo tôi là có lý. Nếu ai ở trong dải đất miền Trung qua các mùa thì mới hiểu được thực tế. Dải đất miền Trung có đỉnh là dãy núi Trường Sơn dốc mạnh ra biển, khi mùa mưa đến nước thoát tự nhiên rất nhanh, giờ đây bị con đường HCM chắn lại (mặc dù có cống nhưng không đủ) các con sông cũng dốc bị chặn bởi các con đập, cây cối thì chặt đi, tất cả dồn vào sẽ gây lũ ngày càng lớn là điều dễ hiểu. Các nhà hoạch định phải hiểu được cái tầm vĩ mô khi phê duyệt mới mong thoát khỏi hệ luỵ của quy luật tự nhiên có sức mạnh khủng khiếp?

(ngoc son)


Đập thủy điện và trách nhiệm về tính mạng của nhân dân

Tôi từng trao đổi về vấn đề này nhiều lần với bạn bè. Chúng tôi chưa nhìn thấy tác dụng lớn nào của các đập thủy điện khắp trên các con sông từ Bắc vào Nam, nhưng những tác hại của chúng thì đã có thể thấy rõ. Ruộng đồng khô cạn, nông nghiệp và thiên nhiên bị phá hỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Vào mùa lũ thì chúng làm tăng mức độ nghiêm trọng của lũ lụt, không chỉ đe dọa mà thực tế đã làm hàng chục người chết, nhiều người lâm cảnh đói khát, mất kế sinh nhai. Chuyện này lặp đi lặp lại mỗi năm.

(Hong Nga)


Rừng không còn

Việc xây dựng hế thống thủy điện trên các con sông dọc miền Trung và các công trình giao thông đã góp phần "tàn sát" nhanh chóng các cánh rừng nguyên sinh của miền Trung. Qua đó đã để lại hậu quả là lũ lụt ngày càng nghiêm trọng.

(Trần Văn Thụ)


Cùng quan điểm

Tôi đồng ý với ý kiến của ông Đàn. Mưa lớn chỉ là một phần. Chính phủ phải rà soát lại các công trình này và có giải pháp tối ưu, nếu không năm nào miền Trung chúng ta cũng phải chịu lũ.

(luongtam)


Đúng như dự đoán

Hằng ngày theo dõi về lũ miền Trung, thấy cảnh lũ lụt mà đau lòng. Tôi đã tự hỏi tại sao trước kia miền Trung hầu như không bị lũ lụt như bây giờ? Thế mà bây giờ, năm nào cũng lũ lụt. Và tôi đã rất nhiều lần nói đến vấn đề rừng đầu nguồn bị phá.

Tất cả nguyên nhân trên đều dẫn đến tàn phá thiên nhiên làm mất cân bằng sinh thái đã hình thành hàng trăm nghìn năm nên mới dẫn đến tai họa đau thương này. Trách nhiệm này thuộc về ai? Tôi thấy ý kiến của ông Trần Đình Đàn là hoàn toàn chính xác và các nhà lãnh đạo nên chú ý về vấn đề môi trường và vấn đề sinh thái.

(Quang Minh)


Lũ miền Trung, giây phút nhìn lại

Tôi cho nhận xét này có phần đúng. Chính phủ, Quốc hội và các cấp ban ngành liên quan phải là người có tầm, có tâm để có được quy hoạch tổng thể, toàn diện.

(Đoàn Thị Thu Huyền)


Bài học về sự thay đổi môi trường

Ôi nghe sao chua xót quá, khi còn nhỏ học địa lý giải thích miền Trung chỉ có những đồng bằng hẹp triền đất dốc lũ xuống nhanh, nay ta đã chống lại thiên nhiên. Chỉ trong mấy ngày bao nhiêu sức người tài sản bao đời bị xóa sạch. Ý kiến trên tôi thấy rất dũng cảm và có cơ sở, xin nhà nước những người có trách nhiệm cùng các nhà khoa học thậm chí mời cả nhà khoa học nước ngoài nhanh chóng đưa ra kết luận và bắt buộc phải trồng lại rừng.

(Pham Minh Hieu)

...


Lên đầu trang