Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
"Nhân tai” đã quá rõ ràng!


Bão lũ miền Trung bao giờ cũng là một thách thức lớn đối với nước ta. Theo ghi nhận của các chuyên gia, lũ lụt miền Trung gần đây có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, xuất hiện với tần suất dày hơn, tính chất khốc liệt hơn, diện ngập rộng hơn và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn trước. Đáng quan ngại là, bên cạnh nguyên nhân về thời tiết, khí hậu, ngày càng lộ rõ hơn sự tác động của con người đối với môi trường khiến cho thiên tai ở miền Trung càng thêm trầm trọng.

 

Dãy Trường Sơn chạy dọc theo bờ biển nên đồng bằng ở miền Trung rất hẹp. Miền Trung lại có nhiều sông tương đối lớn, nhưng chiều dài của các sông lại ngắn và có độ dốc lớn, trong khi lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh dễ gây ngập lụt. Những năm gần đây, cửa sông hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho đồng bằng. Do địa hình đặc trưng như vậy, miền Trung muốn được an toàn trước mưa bão là phải nhờ vào rừng. Rừng giữ nước đầu nguồn, rừng chắn gió bão từ biển chống bồi lấp cửa sông, giảm bớt thiệt hại do thiên tai. Thế nhưng những năm gần đây rừng miền Trung đã bị thu hẹp đáng kể bởi nhiều lý do nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế và đô thị. Trong đó, nhiều diện tích rừng đầu nguồn bị tàn phá để trồng cây công nghiệp; nhiều khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị ven biển chiếm quá nhiều đất trồng phi lao, phá vỡ bức tường thành chắn gió bão một cách tự nhiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển thủy điện tràn lan, thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát ở miền Trung gần đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc tàn phá rừng và góp phần làm cho tình hình lũ lụt thêm nghiêm trọng mỗi khi các hồ cùng nhau xả lũ.

Theo ông Lê Huy Ngọ, nguyên Trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương, trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên gần đây đã phát triển tới 393 dự án thủy điện lớn nhỏ. Trong khi, một quan chức ngành tài nguyên môi trường Lâm Đồng cho biết, chỉ với 25 dự án thủy điện đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh này đã lấy đi mất 15.000 ha rừng. Thực trạng này cho thấy, có những ngành chức năng chỉ quan tâm lợi ích trước mắt, lợi ích của ngành mình mà không cần tính tới các yếu tố môi trường, phòng chống lụt bão phải nhờ vào rừng. Mặc dù khi duyệt các dự án thủy điện, thủy lợi, dự án nào cũng có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó nêu rõ hồ thủy điện, thủy lợi còn có chức năng tích nước, điều tiết lũ... Trên thực tế không hoàn toàn như vậy, hầu hết các hồ khi xây dựng, chủ yếu chỉ dừng lại ở dung tích vừa đủ để tích nước phát điện nhằm giảm giá thành đầu tư, nên không còn dung tích dành cho việc điều tiết lũ khi cần thiết. Việc làm này rất nguy hiểm, vì khi đến mùa lũ, nước về nhiều, nguy cơ vỡ đập, tràn hồ rất lớn nên cùng với lũ các hồ thủy điện lại xả thêm nước khiến cho cường độ lũ về ở khu vực hạ lưu càng thêm nghiêm trọng. Nguy cơ vỡ đập thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) mới đây là một minh chứng.

Việc xây dựng nhiều hồ thủy điện trên các vùng núi cao miền Trung, không chỉ làm mất hàng trăm ngàn hécta rừng do lòng hồ chiếm chỗ mà còn tạo ra một nguy cơ rất lớn là làm mất đi hàng chục ngàn hécta thung lũng là nơi tập trung và giữ nước mưa tạm thời, có tác dụng điều tiết và làm chậm lũ trên sông chính. Điều này làm tăng nhanh quá trình tập trung nước và tốc độ dòng chảy trên lưu vực, trên các con sông làm gia tăng cường độ lũ và làm đỉnh lũ cao hơn.

Năm ngoái, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân cho rằng để xảy ra tình trạng các nhà máy thủy điện miền Trung xả lũ vào lúc tình hình lũ lụt đang căng thẳngthì trách nhiệm trước hết là của Bộ Công Thương và đề nghị tạm dừng các dự án thuỷ điện miền Trung để chờ kết luận của các cơ quan chức năng.

Trong trận lũ quét năm 2002, ông Trần Đình Đàn (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Chính phủ phải có đợt tổng kiểm tra rà soát lại quy hoạch và Quốc hội sẽ phải tiếp tục giám sát. Ngoài ra, cần thiết phải mở khẩu độ một số cống của tuyến đường Hồ Chí Minh đi dọc theo triền núi từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và dọc theo các tỉnh liên quan, để làm cho dòng chảy được tự nhiên. Có những công trình đã làm dở hoặc có quyết định làm rồi nhưng nếu cần dừng thì phải dừng, không thể làm bằng mọi giá.

Trong một hội thảo bàn về kinh nghiệm mười năm phòng chống lụt bão miền Trung  (1999-2009), các nhà khoa học hầu như có cùng một kết luận cho rằng mười năm qua miền Trung biến đổi khí hậu chưa rõ nét nhưng “nhân tai” thì lại quá rõ ràng. Do đó, các nhà chức trách cần phải nhìn thấy những gì đã xảy ra đối với thủy điện, với quy hoạch phát triển khu vực là bài học cảnh tỉnh cần phải được nghiêm túc xem xét một cách cầu thị, khoa học và trách nhiệm trước nhân dân.

Hữu Nguyên
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1364&Style=1
Lên đầu trang