Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Tưởng nhớ ĐHY Nguyễn văn Thuận: Chứng nhân và sứ mạng của người Kitô hữu trong thế gian




(Bài giảng cho Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Borsum vùng Bắc Đức
của Đức Cha Norbert Trelle, Giám mục GP Hildesheim, Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Người Di Dân của HĐGM Đức)
* Đức Cha Norbert Trelle đến thăm Cộng Đoàn Việt Nam tại vùng Bắc Đức ngày 11.9.2010 nhân dịp mừng với Giáo Hội VN trên con đường trưởng thành về đức tin: 350 năm thiết lập 2 Giáo Phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009) và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm VN (1960-2010). Và dịp Lễ giỗ thứ 8 của Đức Cố Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận (+16.9.2002).


Phúc Âm Gioan 17:6.11-19

Tôi đã hỏi các em thiếu niên trong nhóm học giáo lý sắp được đón nhận phép Thêm Sức: „Khi nhìn lại thời gian chuẩn bị Thêm Sức vừa qua, điều gì đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất nơi các con?“ Một em đã trả lời: „Cho con là sự gặp gỡ với các chứng nhân của niềm tin“.

„Chứng nhân của niềm tin“ – có lẽ ông bà và anh chị em nghĩ ngay đến các vị Thánh lớn thời xa xưa? Tôi cũng vậy – tôi nghĩ là các em sẽ kể tên các vị thánh quan thầy của mình hoặc các vị thánh lớn trong lịch sử giáo hội – nhưng không, các em không nói đến quá khứ, nhưng kể về hiện tại. Các em đã mời những con người của thời nay ở cùng nơi, cùng giáo xứ với các em đến kể cho các em nghe về những kinh nghiệm sống đức tin trong cuộc đời của họ.

Đúng vậy, vấn đề ở đây không phải là sự ngưỡng mộ các Thánh như người ta trầm trồ chiêm ngắm một món đồ cổ quý giá, nhưng là sự hiện diện của các chứng nhân, các vị tử đạo trong hiện tại và gương sống của các Ngài gây ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc sống của chúng ta ngay bây giờ và tại nơi đây.

Dĩ nhiên là chúng ta chiêm ngắm chứng tá đức tin của các Thánh, nhất là các vị Tử Đạo mà chúng ta đã được ban tặng trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của giáo hội với lòng biết ơn và hân hoan vô biên. Chúng ta khiêm nhượng đón nhận ánh sáng và hào quang thánh thiện của các Ngài, cầu mong chứng tá của các Ngài đánh động và khiến chúng ta cũng trở thành chứng nhân như các Ngài.

Anh chị em thuộc cộng đoàn công giáo Việt Nam thân mến!

Chúng ta rất vui mừng được tham dự thánh lễ kính nhớ Thánh Tử Đạo An-rê Dũng Lạc và 116 bạn đường của Ngài. Ngoài ra cũng là dịp đễ nhớ đến Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã qua đời cách đây 8 năm, và 350 năm thành lập giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài tại Việt Nam.

Dân tộc của các con có một truyền thống đức tin được đánh dấu bởi nhiều gương tử vì đạo và được thêm sức bởi các chứng nhân anh hùng. Những dấu chân mà chúng ta hôm nay được phép nối bước và sống theo. Thật là chí lý khi Giáo Hội tiên khởi đã khẳng định: “Máu các vị Tử Đạo là hạt giống nẩy sinh dòng giống Kitô hữu mới!“ Và chính các con là những người được chứng kiến sự nẩy mầm của các hạt giống này! Tôi luôn thán phục khi thấy nhiều thanh niên trong cộng đồng công giáo VN ở Đức đã đi theo ơn gọi làm linh mục. Các con bị tản mát mọi nơi trên thế giới, nhưng ở đâu các con cũng là hiện thân của một giáo hội hoàn vũ „từ mọi ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia.“ (Apk 5,9). Một Dân Chúa có sứ mạng rao truyền đức tin. Vì thế các con hãy hòa mình vào cuộc sống của tha nhân - những người có và không có đức tin. Các con hãy là nhân chứng đức tin cho những người nơi các con sinh sống. Với cuộc sống của mình các con cho người khác thấy được Kitô hữu là ai và cuộc sống của họ ra sao. Hãy là chứng nhân sống động cho người khác.

Ngày nay „hội nhập“ và „tiếp xúc“ là hai từ dẫn nhập cho các buổi thảo luận về sự chung sống của những người có nền văn hóa khác khau. Chúng cũng là những khái niệm căn bản cho chứng tá đức tin, điều mà tất cả chúng ta có nợ với nhau như lời Chúa Giê-su, và cũng là điều mà các vị Thánh đã bỏ mình chịu chết. Hội nhập, hòa hợp vào thân thể Chúa - chỉ có như vậy chúng ta mới là giáo hội. Và Giáo Hội này sống động. Giáo Hội sống vì Chúa Giê-su Kitô không chết và không ở xa chúng ta, nhưng Ngài là Chúa Phục Sinh sống động ở ngay giữa chúng ta trong thế giới này.

Khi chúng ta nghe Chúa Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài trong bài Phúc âm hôm nay thì không phải việc này xảy ra trong một quá khứ xa xôi, nhưng chính Chúa đang ở giữa chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta luôn tìm thấy chính mình trong Phúc Âm. Chúng ta dự phần trong đó, và nó có liên hệ đến chúng ta. Lời này làm cho đức tin của chúng ta hiện đại và có sức tồn tại trong tương lai với ba đường hướng sau:

„Không thuộc về thế gian“

Chúa Giê-su nói: “Thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian.“ Thế gian ở đây không có nghĩa là thiên nhiên vạn vật tốt đẹp, mà là danh từ dành cho những người đã chống đối Thiên Chúa và đóng đinh Chúa Giê-su trên thánh giá. Kitô hữu ngày nay cũng sống trong một thế gian như thế. Nếu chúng ta được vỗ vai khen ngợi và hâm mộ ở khắp nơi thì chúng ta phải tự hỏi, mình sống có đúng không. Chúa Giê-su nói với các môn đệ: „Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng“ (Lc 6,26). Ngày nay cũng vậy, những ai chọn chỗ đứng bên Chúa Kitô phải biết rằng mình sẽ gặp sự chống đối của thế gian. Ở đây không ám chỉ người quá khích hay một kẻ ngoại lệ, nhưng là người tin vào sự hiện diện của Chúa trong hiện tại và để cho Ngài hướng dẫn mình. „Thế gian đã ghét họ vì họ không thuộc về thế gian.“

Chỗ đứng của môn đệ Chúa Giê-su ngày nay vẫn là bên cạnh người Thầy bị thế gian chối từ và đóng đinh. Có lẽ một số người cảm thấy bất bình, khó chịu với một chỗ đứng như vậy, trong khi họ ước ao một tôn giáo hiện đại, hợp thời và đồng hóa. Nhưng Chúa Giê-su không lấy lại lời Ngài, cùng lắm chắc Ngài sẽ hỏi chúng ta như các môn đệ của Ngài trước kia: „Các con cũng muốn bỏ Thầy sao?“

„Sai đến thế gian“

Chúa Giê-su cầu nguyện: „Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.“ Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su đến thế gian, không phải chỉ để giảng dạy và rao giảng. Sứ mạng chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn: Ngài được sai đi để ban sự sống cho nhân loại với một tình yêu thương đến tận cùng. Sự tận hiến của Chúa Giê-su đi về hai hướng như hình thánh giá: Chiều đi lên là tình yêu thương vâng lời đối với Chúa Cha, và chiều dọc là sự hiến mình của Ngài cho nhân loại.

Thánh giá là dấu chỉ một tình yêu thương đi đến tận cùng và đồng thời cũng cho thấy hai chiều mà tình yêu thương này hướng đến. Chúa Giê-su sai môn đệ của Ngài đến thế gian và cũng cho họ thấy hai chiều của sự tận hiến. Chúng ta, những môn đệ của Chúa ngày hôm nay cũng biết rằng, sứ mạng này có nghĩa là Thánh Giá.

Các con sẽ thắc mắc, vậy điều này là tin mừng sao. Nếu chỉ có thánh giá và đau khổ thì không phải tin mừng. Nhưng thánh giá và đau khổ là dấu hiệu của một tình yêu thương vô biên, một tình yêu đi đến tận cùng, đến giọt máu cuối cùng. Chỉ có người nào sống được sự liên hệ cuối cùng và sâu đậm của thứ sáu tuần thánh và Phục sinh, của cái chết và sự sống lại, của đời này và đời sau thì mới có thể liên kết được với tha nhân trong tất cả những sự khốn cùng của họ. Ngược lại mọi sự cố gắng thuần thục của thế gian không đem đến sự liên kết.

„Gìn giữ họ“

Chính Chúa đã cầu nguyện cho các mộn đệ của Ngài: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự dữ.“ Ngày nay Chúa Giê-su vẫn cầu nguyện với Chúa Cha những lời này. Chúng ta, những môn đệ và chứng nhân của Ngài trong hiện tại cũng sống giữa thế gian. Chúng ta cảm nhận sự thù ghét và chối từ của họ nhưng lại được sai đến với họ, để họ đóng đinh chúng ta trên thánh giá hiến mình.

Chúng ta hãy giữ vững niềm tin một cách trọn vẹn vì Chúa cầu nguyện cho chúng ta: „Xin gìn giữ họ khỏi sự dữ“. Hãy củng cố niềm tin của chúng và đừng để chúng bị lôi kéo vào sự dữ hiện diện đầy dẫy trong thế gian. - Chúa Giê-su cầu nguyện cho chúng ta và thánh hiến chính mình Ngài. Sự thánh hiến chính mình được hiểu là biến mình thành vật hiến tế dâng cho Chúa Cha. Khi hiến tế mình trên Thánh Giá Ngài là lúc Ngài hoàn tất sứ mạng, để chúng ta cũng được „thánh hiến nhờ sự thật“.

Có thể đối với một số người những điều Chúa Giê-su loan báo về chổ đứng của chúng ta trong thế gian và sứ mạng tận hiến có vẻ nặng nề quá. Họ thích có một Kitô giáo theo ý mình, nhẹ nhàng không cần sự can trường và hy sinh. Nhưng chính thực tại sâu rộng này của Kitô giáo mới mang lại niềm hân hoan đích thực: Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại trong Đức Kitô và Ngưòi đã thực hiện điều này đến cùng đích. Chắc chắn sẽ có người theo bước Ngài cho đến tận cùng không gian và thời gian. Hàng trăm ngàn các Vị Tử Đạo Việt Nam đứng vào hàng ngũ những người trung thành và xác tín điều này. Đức Cố Hồng Y Văn Thuận đã nhắc nhở chúng ta gìn giữ gia sản này trong những bài giảng cấm phòng cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và những cộng sự viên của Ngài vào Năm Thánh 2000.

Tôi nhắc lại lời của ĐHY Thuận: „Gia sản của các vị Tử Đạo không phải là chỉ là tính anh hùng mà còn là lòng trung tín. Gia tài này đã được chín mùi bằng cách hướng nhìn lên Chúa Giêsu, mẫu gương của cuộc sống Kitô hữu, mẫu gương của mọi nhân chứng, mẫu gương của tất cả các Vị Thánh Tử Đạo… Đó là gia sản cho chúng ta, Kitô hữu của thế kỷ 21 này: để ôm ấp và lựa chọn. Đúng vậy chúng ta phải ôm lấy gia sản quý báu này trong cuộc sống mỗi ngày, trong các khó khăn bé nhỏ cũng như lớn lao, trong sự lột bỏ mọi gây hấn, thù hận và bạo lực. Gia sản của các Vị Tử Đạo phải được tiếp nhận mỗi ngày qua một cuộc sống đầy yêu thương, hiền lành và trung tín.“ (1). Amen!

+ Đức Cha Norbert Trelle, Giám mục GP Hildesheim,
- Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Người Di Dân của HĐGM Đức -

(Chuyển ngữ: Anna Yến – Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo Borsum)
(1) Trích sách „Chứng nhân Hy Vọng“ ĐHY Phanxicô Xaviê NVThuận, Stuttgart 2001, trang 140/148 - Tiếng Đức: Van Thuan, Hoffnung, die uns trägt, Freiburg 2001, S. 109.115

GM Norbert Trelle

VietCatholic News (19 Oct 2010 10:16)

Lên đầu trang