CHỦ ĐỀ II - Suy Niệm 6: CHIA SẺ CHÚA CHO ĐỒNG LOẠI LÀ QUÀ TẶNG CAO QUÝ NHẤT
SUY NIỆM 6
CHIA SẺ CHÚA CHO ĐỒNG
LOẠI LÀ QUÀ
TẶNG CAO QUÝ NHẤT
Đức
Ái Kitô giáo không phải chỉ nhằm giải quyết nhu cầu thân xác cho kẻ nghèo đói,
vì Hội Thánh không phải là một tổ chức từ thiện xã hội. Việc chăm sóc các kẻ
nghèo đói chỉ là một phần nhỏ trách nhiệm của người Công Giáo, mà phải nhắm đặt Chúa vào lòng hết mọi loại
người!
Để
hiểu chia sẻ ưu tiên đặt Chúa vào lòng mọi người, ta hãy bắt chước hai Tông Đồ
Phêrô và Gioan “lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ
chín. Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày
họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí.
Vừa thấy ông Phêrô và ông Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Hai ông
nhìn thẳng vào anh, và ông Phêrô nói : “Anh nhìn chúng tôi đây !” Anh ta
chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. Bấy giờ ông Phêrô nói : “Vàng bạc thì tôi không có ; nhưng cái tôi
có, tôi cho anh đây : nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadareth, anh đứng dậy mà
đi !” (Cv 3,6). Anh đứng phắt
dậy, đi lại được ; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót
và ca tụng Thiên Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng
Thiên Chúa” (Cv 3,1-6.8-9).
Thời bấy giờ ai cũng biết giáo
dân rất quảng đại trong việc chia sẻ của cải. “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ,
mọi sự đều là của chung.Nhờ quyền năng mạnh
mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa
ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu
thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt
dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu”
(Cv 4,32-35).
Thế thì hai ông Phêrô và Gioan
nói với anh què “vàng bạc tôi không có”
chỉ vì các ông muốn nhấn mạnh : Mục đích
chia sẻ của cải vật chất không phải nhằm giải quyết nhu cầu thân xác người anh
em, mà phải dùng tiền bạc làm phương tiện đặt Chúa vào tâm hồn đồng loại.
Để cụ thể vấn đề này ta hãy dùng tiền của làm cho người anh em được đón nhận và
hiểu biết Lời Chúa. Ai càng giàu Lời Chúa, người ấy càng nhiều phúc lộc nơi
“Cây Sự Sống” là Chúa Giêsu (x Kh 22,19). Do đó phải hiểu Lời Chúa là của quý
báu nhất ta phải chia sẻ để làm cho người anh em được giàu có Lời Chúa. Vì ai
nghèo Lời Chúa là bất hạnh nhất, và kẻ ấy còn làm cho nhiều người đau khổ vì lối sống của nó! Chẳng
thế mà thánh Tông Đồ nói : “Tôi đưa Tin Mừng biếu không, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1Cr 9,18). Ông
Phaolô làm như thế vì muốn bắt chước Chúa Giêsu Phục Sinh lúc Ngài đi chung
đường với hai môn đệ về làng Emmau, một chặng đường dài khoảng 30 km. Chắc chắn
lúc đó ai cũng mệt mỏi, cơ thể cần được bồi dưỡng, thế mà Chúa Giêsu không cho
các ông bánh, nước hay của gì, Ngài chỉ chia sẻ Lời Chúa, cắt nghĩa cho họ hiểu
về Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh từ Cựu Ước đến Tân Ước (x Lc 24,13-25).
Đến
đây ta mới hiểu lời thánh Phaolô nói : “Giả
như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà chia sẻ, hay nộp cả thân xác tôi để
chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr
13,3). Vì việc làm lớn lao ấy mà không bởi “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8) thúc
bách, không được Chúa ở cùng, thì thật là vô ích!
|