Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Đức Phanxicô: "Thế chiến thứ ba đã được công bố"

Ngày thứ năm 19 tháng 5, trong buổi nói chuyện với các biên tập viên tạp chí Dòng Tên ở Âu châu, khi đề cập đến chiến tranh ở Ukraine, Đức Phanxicô nói: “Thế chiến thứ ba đã được công bố.” Buổi nói chuyện được tạp chí Dòng Tên Ý Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica và báo thế tục La Stampa đăng ngày 14 tháng 6 sẽ là đề tài cho nhiều cuộc thảo luận.

Đức Phanxicô nói chuyện với các giám đốc đứng đầu các tạp chí văn hóa Dòng Tên ở châu Âu ngày 19 tháng 5 – 2022 | © Vatican Media

Ngài nói: “Thế giới đang có chiến tranh. Theo tôi hôm nay Thế chiến thứ ba đã được công bố. Đó là điều chúng ta nên dừng lại để suy nghĩ. Điều gì đang xảy ra cho nhân loại mà ba thế chiến đã xảy ra trong một thế kỷ?”

Ngài nói về bối cảnh phức tạp của cuộc chiến ở Ukraine và những lợi ích liên quan, kể cả lợi ích của những người sản xuất vũ khí. Ngài tố cáo “sự tàn bạo và hung dữ” của quân đội Nga và ca ngợi lòng dũng cảm và anh hùng của người Ukraine. Ngài nói: “Chúng ta không thấy toàn bộ thảm kịch đằng sau cuộc chiến, mà có lẽ bằng cách nào đó hoặc đã bị kích động hoặc đã không được ngăn chặn.”

“Thế giới đang có chiến tranh. Theo tôi hôm nay Thế chiến thứ ba đã được công bố. Đó là điều chúng ta nên dừng lại để suy nghĩ. Điều gì đang xảy ra cho nhân loại mà ba thế chiến đã xảy ra trong một thế kỷ?”

Giáo hoàng đã phải đối diện với những chỉ trích vì không nêu đích danh tổng thống Nga và cho rằng “có lẽ” NATO có thể đã kích động chiến tranh “bằng cách sủa trước cửa” nhà Nga. Trong buổi nói chuyện này, ngài cho biết ngài trích dẫn lời của một nguyên thủ quốc gia đã nói với ngài. Tuy vậy, ngài phủ nhận ngài “ủng hộ Putin”.

Ngài nói: “Tôi chỉ đơn giản phản đối việc giảm bớt sự phức tạp theo kiểu phân biệt kẻ tốt kẻ xấu mà không tính đến gốc rễ và lợi ích vốn rất phức tạp. Khi chúng ta nhìn thấy sự hung hãn, tàn ác của quân đội Nga, chúng ta không được quên những vấn đề thực tế nếu chúng ta muốn chúng được giải quyết.”

Một biên tập viên Dòng Tên từ Đông Âu lưu ý, “chúng ta đang sống một cuộc chiến tiêu hao và viết về nó trong các tạp chí chúng ta”, ông hỏi Đức Phanxicô: “Cha có gợi ý nào để nói về tình hình chúng ta đang sống? Làm thế nào chúng ta có thể đóng góp cho một tương lai hòa bình?”

Ngài nói: “Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải rời khỏi khuôn mẫu bình thường của ‘Cô bé quàng khăn đỏ’: Cô bé quàng khăn đỏ là tốt và con chó sói là xấu. Ở đây không có kẻ tốt và kẻ xấu siêu hình, theo nghĩa trừu tượng. Một cái gì đó toàn cầu đang xuất hiện, với các yếu tố đan xen nhau rất nhiều”.

“Tôi chỉ đơn giản phản đối việc giảm bớt sự phức tạp theo kiểu phân biệt kẻ tốt kẻ xấu mà không tính đến gốc rễ và lợi ích vốn rất phức tạp”

Về những bình luận của ngài về vai trò của NATO trong việc thúc đẩy chiến tranh, giáo hoàng tiết lộ: “Một vài tháng trước khi chiến tranh bắt đầu, tôi gặp một nguyên thủ quốc gia, một nhà hiền triết rất ít nói, thực sự khôn ngoan. Sau khi chúng tôi nói về những điều ông muốn nói, ông nói với tôi ông rất quan tâm đến cách NATO hành động.

“Tôi hỏi ông tại sao, ông nói: ‘Họ đang sủa trước cổng nước Nga. Họ không hiểu rằng nước Nga là một đế quốc, người Nga sẽ không cho phép một thế lực nước ngoài nào can thiệp.” Ông kết luận, “tình hình có thể dẫn đến chiến tranh.” Đó là ý kiến của ông. Ngày 24 tháng 2, cuộc chiến bắt đầu. Vị nguyên thủ quốc gia này đã có thể đọc được những dấu hiệu về những gì đang xảy ra”.

Đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra, Đức Phanxicô nói, “Những gì chúng ta đang thấy là sự tàn khốc và ác liệt mà cuộc chiến này đang được thực hiện bởi một quân đội mà nói chung gồm những người lính đánh thuê của Chechnya và Syria, được người Nga chiêu mộ trong quân đội của họ.”

Ngài nói: “Điều nguy hiểm là chúng ta chỉ thấy những gì quỷ quái chứ không nhìn thảm kịch bên trong diễn ra trong hậu trường cuộc chiến, theo một cách nào đó, hoặc bị khiêu khích hoặc không bị ngăn cản. Tôi có thể nói đến việc thử nghiệm và bán vũ khí. Đó là điều đáng buồn nhưng cuối cùng thì đó là điều đang thành vấn đề.”

“Đúng là người Nga nghĩ rằng tất cả sẽ kết thúc trong một tuần, nhưng họ đã tính toán sai. Họ đã thấy một dân tộc dũng cảm, một dân tộc đang chiến đấu để tồn tại và một lịch sử đấu tranh”.

Ngài nói: “Đúng là người Nga nghĩ rằng tất cả sẽ kết thúc trong một tuần, nhưng họ đã tính toán sai. Họ đã thấy một dân tộc dũng cảm, một dân tộc đang chiến đấu để tồn tại và một lịch sử đấu tranh”.

Ngài tiếp tục nói về phản ứng ở châu Âu và các nơi khác trước sự đau khổ khủng khiếp của 44 triệu người dân Ukraine, hơn 25% người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa và trở thành những người tản cư hoặc tị nạn trong nước, ngài nói: “Mọi người đều mở lòng với người tị nạn, người lưu vong và thường đó là phụ nữ và trẻ em, đàn ông phải ở lại chiến đấu.”

Ngài nhắc lại trong buổi tiếp kiến chung tuần trước ở Quảng trường Thánh Phêrô, “có hai phụ nữ, vợ của những quân nhân Ukraine chiến đấu ở nhà máy luyện thép Azovstal đến xin tôi cứu chồng của họ. Họ là những phụ nữ xinh đẹp có con, chồng của họ đang chiến đấu ở đó”.

Đức Phanxicô nói: “Tất cả chúng ta đều rất nhạy cảm với những tình huống thương đau này. Nhưng tôi tự hỏi bản thân, điều gì sẽ xảy ra khi lòng nhiệt thành giúp đỡ người Ukraine nguội đi? Vì mọi thứ đang nguội dần, ai sẽ là người chăm sóc những phụ nữ này? Ở thời điểm này chúng ta phải nhìn xa hơn, xem chúng ta sẽ hỗ trợ cho họ như thế nào để họ không rơi vào cảnh buôn người, không bị lạm dụng, vì bầy kên kên đã lượn chung quanh họ rồi”.

“Điều gì sẽ xảy ra khi lòng nhiệt thành giúp đỡ nguội đi? Vì mọi thứ đang nguội dần, ai sẽ là người chăm sóc những phụ nữ này?”

Đức Phanxicô nói: “Như lịch sử cho thấy, Ukraine chuyên gánh chịu chế độ nô lệ và chiến tranh, một đất nước giàu có luôn bị chia cắt, xé nát bởi quyết tâm của những kẻ muốn chiếm đoạt và khai thác đất nước này. Như lịch sử đã tiền định Ukraine phải là một đất nước anh hùng. Nhìn thấy sự anh hùng này đã làm quả tim chúng ta xúc động.”

Ngài khen ngợi lòng dũng cảm của người Ukraine: “Những người phụ nữ anh hùng. Những người dũng cảm. Một dân tộc không sợ chiến đấu. Một dân tộc cần cù, một dân tộc tự hào về đất nước của mình. Chúng ta giữ trong đầu bản sắc của người Ukraine lúc này. Đó là điều làm chúng ta cảm động: nhìn thấy một tấm gương anh hùng như vậy.” Nhưng, “những gì chúng ta thấy trước mắt là chiến tranh thế giới, là lợi ích toàn cầu, là bán vũ khí và chiếm đoạt địa chính trị, những thứ đang giết chết một dân tộc anh hùng.”

Ngài nhắc nhở các biên tập viên Dòng Tên châu Âu rằng “sự nhạy cảm của chúng ta” được đánh động vì Ukraine ở gần chúng ta và chúng ta đang thấy những gì xảy ra ở đó, nhưng còn có các xung đột khác đang xảy ra trên thế giới như ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Myanmar và không ai quan tâm.

Ngài nhớ lại cách đây vài năm ngài đã nói, “chúng ta đang sống trong chiến tranh thế giới thứ ba từng phần.” Nhưng bây giờ ngài nói với các biên tập viên Dòng Tên, “thế giới đang có chiến tranh!”

Ngài nói: “Tôi muốn tạp chí của các bạn đề cập đến khía cạnh nhân bản của chiến tranh. Tôi muốn các bạn phải cho thấy thảm kịch nhân loại của chiến tranh. Đào sâu mọi chuyện, nghiên cứu đến địa chính trị là điều rất tốt. Các bạn phải làm như vậy vì đó là nhiệm vụ của các bạn.”

“Tôi muốn tạp chí của các bạn đề cập đến khía cạnh nhân bản của chiến tranh. Đào sâu mọi chuyện, nghiên cứu đến địa chính trị là điều rất tốt”

Ngài tiếp tục: “Suy ngẫm về điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho nhân loại và Giáo hội. Tuy nhiên các bạn đưa ra những phản ánh chính trị-xã hội của các bạn nhưng đừng bỏ qua những phản ánh nhân bản về chiến tranh”.

Ngài cũng kể cuộc trò chuyện kéo dài 40 phút với thượng phụ Kyrill của Nga ngày 16 tháng 3. Trong buổi nói chuyện, thượng phụ Kyrill “đọc cho tôi một tuyên bố trong đó ngài đưa ra các lý do để biện minh cho cuộc chiến. Khi thượng phụ nói xong, tôi can thiệp và nói: “Chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta là mục tử của giáo dân”, ngài cũng kể đã lên kế hoạch để gặp thượng phụ Kyrill ngày 14 tháng 6 tại Giêrusalem,” để nói về những vấn đề chung của chúng tôi”. Nhưng với cuộc chiến ở Ukraine, theo thỏa thuận chung, chúng tôi quyết định hoãn cuộc họp vào một ngày khác, để cuộc đối thoại của chúng tôi không bị hiểu lầm. Ngài hy vọng sẽ gặp lại thượng phụ Kyrill ở một đại hội gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới ở Kazakhstan vào tháng 9. “Tôi hy vọng có thể chào thượng phụ và nói chuyện trong tư cách là một mục tử.”

Cùng ngày cuộc phỏng vấn được công bố, 14 tháng 6, Đức Phanxicô đã đi một bước xa hơn khi phân tích về cuộc chiến của Nga chống Ukraine bước qua ngày thứ 110. Ngài đã làm như vậy trong thông điệp của “Ngày thế giới vì người nghèo” lần thứ sáu. Sau khi nói về đại dịch coronavirus, ngài nói “một thảm họa mới đã xuất hiện ở phía chân trời, được định sẵn để áp đặt cho thế giới chúng ta một viễn cảnh rất khác”.

“Cuộc chiến ở Ukraine bây giờ được thêm vào danh sách các cuộc chiến khu vực mà trong nhiều năm qua đã gây nhiều thiệt hại và chết chóc. Tuy nhiên, ở đây tình hình còn phức tạp hơn do có sự can thiệp trực tiếp của một ‘siêu cường’ nhằm áp đặt ý chí của mình, vi phạm nguyên tắc về quyền tự quyết của các dân tộc.

Đức Phanxicô nói: “Các kịch bản bi thảm đang tái xuất hiện và một lần nữa những cưỡng bức hỗ tương của một số người có thế lực đang bóp nghẹt tiếng nói của một nhân loại đang khao khát kêu gào hòa bình”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 15.06.2022/ americamagazine.org, Gerard O’Connell, thông tín viên của trang America tại Vatican và đã làm việc cho Vatican từ năm 1985.

Lên đầu trang