Ngày thứ hai 6 tháng 12, trên chuyến bay từ A-ten về Rôma sau chuyến tông du năm ngày đi đảo Sýp và Hy Lạp, Đức Phanxicô cho biết ngài sẵn sàng đi Matxcova để gặp Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga, trong bối cảnh xích lại gần nhau của hai giáo hội. Chuyến thăm nếu được này sẽ là chuyến thăm lịch sử vì cho đến nay chưa có giáo hoàng nào đến đây.
Trên máy bay, Đức Phanxicô nói với các nhà báo: “Tôi sẵn sàng đến Matxcova. Cuộc gặp của tôi với Thượng phụ Kirill sắp diễn ra […] Trưởng Giáo chủ Đông phương Hilarion sẽ đến gặp tôi để sắp xếp một cuộc gặp.”
Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga. Hình: SPOUTNIK, VIA REUTERS ARCHIVES
Thông tin này đã được chính Trưởng Giáo chủ Đông phương Hilarion, tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao của Giáo hội chính thống Nga, xác nhận trong một thông báo của Ban Đối ngoại Tòa Thượng phụ Matxcova.
Trưởng Giáo chủ Đông phương xác nhận: “Cuộc gặp của tôi với Đức Phanxicô được dự trù sau ngày 20 tháng 12. Tôi dự định thay mặt Đức Thánh Thượng Phụ Kirill chúc mừng sinh nhật 85 tuổi của ngài”, nhưng Giáo hoàng Phanxicô sẽ kỷ niệm sinh nhật của ngài ngày 17 tháng 12.
Ngài nói thêm: “Chương trình cuộc gặp của tôi sẽ bàn đến một cuộc gặp trong tương lai gần giữa Đức Phanxicô và Đức Thượng phụ. Tại thời điểm này, không có địa điểm hay ngày tháng nào được lên chương trình.”
Đức Phanxicô xác nhận: “Chúng ta là anh em và chúng ta nói chuyện với nhau như anh em […] Để đối thoại với người anh em thì không có nghi thức nào.”
Tháng 2 năm 2016, một cuộc gặp lịch sử giữa giáo hoàng và thượng phụ Kirill đã diễn ra ở Cuba, một bước quan trọng trong việc đưa Vatican đến gần hơn với chính thống giáo Nga, đại diện cho đại đa số người chính thống giáo.
Đức Phanxicô gặp Thượng phụ Kirill, tháng 2 năm 2016 ở Cuba
Trong lần gặp này, hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã ký một tuyên bố chung, Rôma đảm bảo đó là vấn đề khẳng định liên minh giữa chính thống giáo và công giáo đối diện với chủ nghĩa hồi giáo ở Trung Đông, vào một thời kỳ được đánh dấu bởi các cuộc xung đột mà giáo hoàng cho là “chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch