“Không còn có thể thờ ơ nữa: bóng ma của một giáo hội quốc gia ở Đức càng ngày càng tỏ tường” Đức Hồng Y viết. Ngài nhấn mạnh rằng “tình trạng cô lập trong phạm vi quốc gia của những người Công Giáo Đức còn sót lại, khi co cụm trong một thứ Đức Giáo, gần như không có bất kỳ mối quan hệ đến Rôma, chắc chắn sẽ là con đường diệt vong.”
Đức Hồng Y Brandmüller lưu ý rằng Chúa Giêsu đã “nói về Giáo Hội của Ngài ở dạng số ít” – “im Singular” [nguyên văn: Jesus Christus von seiner Kirche im Singular spricht. Nicht anders sein Apostel Paulus, der die Kirche den – natürlich nur einen – Leib Christi nennt. Chúa Giêsu Kitô nói về Giáo Hội của mình ở dạng số ít. Cũng thế Thánh Phaolô, người gọi Giáo Hội là thân thể - dĩ nhiên chỉ có một - của Chúa Kitô”.
Ngài nhận xét rằng thật là “ngỡ ngàng” khi thấy Giáo Hội Công Giáo ở Đức lại theo đuổi một con đường “tự hủy hoại, theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan.”
Cảnh báo của Đức Hồng Y tương tự như nhận xét của Đức Hồng Y Rainer Woelki, tổng Giám Mục Köln, vào đầu tháng Chín khi ngài cảnh báo về một “ly giáo trong Giáo Hội ở Đức” mà chung cuộc sẽ dẫn đến một thứ “Đức Giáo”.
Với các kiến thức uyên thâm của một vị từng là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết tiến trình công nghị ở Đức ngày nay bắt nguồn từ lịch sử tư tưởng Đức về một “giáo hội quốc gia” và tình cảm chống Rôma, là điều đã phát triển ngày càng tỏ tường từ hậu bán thế kỷ 20, khi các Giám Mục Đức càng ngày càng tỏ ra bất chấp các quyết định từ Rôma.
Đức Hồng Y Brandmüller giải thích: “Những gì đã tiếp tục âm ỉ kể từ cuộc khủng hoảng Chủ nghĩa Hiện đại chưa được giải quyết [vào đầu thế kỷ 20], giờ đây đã bùng phát rõ rệt, ồn ào, với một sự kịch liệt mới.”
Để minh họa, Đức Hồng Y Brandmüller nói rằng các Giám Mục Đức đã “tương đối hóa” lệnh cấm của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Humanae Vitae – Sự sống con người - về ngừa thai nhân tạo và cho đến tận ngày nay nhiều vị chưa bao giờ thay đổi quan điểm của họ.
Đức Hồng Y cho biết các Giám Mục Đức đã đưa ra “Tuyên bố Königstein”, trong đó cho phép các cặp vợ chồng được quyết định theo lương tâm của họ có nên sử dụng các phương tiện và các thực hành nhằm tránh thai hay không. Ngài nhận xét chua chát rằng cho đến nay “các Giám Mục Đức vẫn khăng khăng chống Huấn Quyền Hội Thánh. Không vị Giáo Hoàng nào kế vị Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thành công trong nỗ lực buộc các Giám Mục Đức xem xét lại tuyên bố này.”
Đức Hồng Y Brandmüller đặc biệt đề cập đến Thượng Hội Đồng Würzburg kéo dài từ 1971 đến 1975, vì theo ngài có một số điểm tương đồng với tiến trình công nghị hiện nay. Thượng Hội Đồng đó rõ ràng cũng “đã phá vỡ truyền thống Thượng Hội Đồng của Giáo Hội, cả về mặt quy chế lẫn các chương trình nghị sự khi cho người giáo dân có quyền biểu quyết và có số tham dự viên tương đương với con số các Giám Mục và linh mục tham dự Thượng Hội Đồng.” Những thành viên cũng được lựa chọn từ Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), là những người có một lịch sử lâu dài chống lại các giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ và các giáo huấn về đạo đức tính dục. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong tiến trình công nghị được bắt đầu vào đầu Mùa Vọng sắp đến.
Một tương đồng khác là mức độ chống đối Thượng Hội Đồng Würzburg vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết “Giáo sư Joseph Ratzinger [sau này là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI] và Đức Cha Karl Forster - lúc đó là thư ký của Hội đồng Giám mục – đã bỏ ngang Thượng Hội Đồng này để phản đối.” Ngày nay, điều đó cũng xảy ra tương tự. Giáo sư Marianne Schlosser - một thành viên trong diễn đàn thảo luận về phụ nữ tại tiến trình công nghị này - đã tuyên bố rời khỏi diễn đàn thảo luận, và Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg công bố rằng ngài có thể sẽ bỏ ngang tiến trình công nghị này tại bất cứ thời điểm nào.
Ngược dòng lịch sử, Đức Hồng Y Brandmüller, nhận xét rằng vị Giáo Hoàng bị các Giám Mục Đức chống đối mạnh nhất là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
“Đức Gioan Phaolô II đã vấp phải một sự phản kháng mạnh mẽ hơn các vị khác khi ngài cấm các trung tâm tư vấn của Giáo Hội tại Đức cấp ‘giấy chứng nhận tư vấn’ cho các phụ nữ mang thai. Luật ở Đức đòi các phụ nữ phải có ‘giấy chứng nhận tư vấn’ như một điều kiện tiên quyết để có thể phá thai hợp pháp.” Vị Giáo Hoàng Ba Lan lý luận rằng cái giấy đó “thực tế là án tử hình của những đứa trẻ chưa chào đời,” Đức Hồng Y giải thích. Ngài cho biết thêm: “Quyết định này phát sinh một sự kháng cự mạnh mẽ và dai dẳng nơi hầu hết các Giám Mục Đức, đặc biệt là Đức Hồng Y Lehmann và Đức Giám Mục Kamphaus.”
Đức Hồng Y cũng phàn nằn rằng nhiều Giám Mục Đức không có lòng khiêm nhường và có khuynh hướng muốn trở thành “bậc thầy” của Giáo Hội Hoàn Vũ khi muốn xuất cảng ý tưởng của mình sang các quốc gia khác.
Điều này thể hiện rõ trong bức thư gần đây của Đức Hồng Y Reinhard Marx trả lời cho Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục vào ngày 12 tháng 9 vừa qua. Vị tổng trưởng Bộ Giám Mục đã gởi cho Hội Đồng Giám Mục Đức bản đánh giá pháp lý của Hội đồng Tòa Thánh về giải thích các văn bản luật trong đó khẳng định rằng:
“Làm thế nào một Giáo Hội địa phương có thể thảo luận với hiệu quả ràng buộc khi các chủ đề thảo luận có liên quan đến toàn thể Giáo Hội? Hội Đồng Giám Mục không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề này, điều đó vượt quá khả năng của nó”.
Đức Hồng Y Marx trả lời Đức Hồng Y Ouellet một cách ngạo mạn rằng ngài hy vọng tiến trình công nghị ở Đức sẽ giúp Giáo Hội Hoàn Vũ: “Chúng tôi hy vọng rằng kết quả của việc hình thành một ý kiến cho những vấn đề này ở đất nước chúng tôi sẽ hữu ích cho Giáo Hội Hoàn Vũ trong việc hướng dẫn cho các Hội Đồng Giám Mục khác trên cơ sở từng trường hợp một. Dù thế nào đi nữa, tôi không thể hiểu tại sao mà những vấn đề đã được huấn quyền quyết định chung cuộc lại không thể được đưa ra thảo luận trong bất kỳ cuộc tranh luận nào, như các bài viết của ngài đề xuất.”
Đức Hồng Y đã đề cập đến các nỗ lực của các Giám Mục Đức muốn “ảnh hưởng” đến Giáo Hội Hoàn Vũ từ “nguồn tiền dồi dào chảy từ tiền thuế đóng cho Giáo Hội Đức sang các vùng nghèo hơn trên thế giới, qua đó tăng cường ảnh hưởng của Đức trên trường quốc tế. Chẳng hạn, ảnh hưởng của Đức đối với Thượng Hội Đồng Amazon.
Nhưng trong bối cảnh thực tế là số người Công Giáo ở Đức chính thức làm đơn lên tòa án xin bỏ đạo, Đức Hồng Y Brandmüller gọi sự tự phụ của các Giám Mục đồng hương là một sự “ngạo mạn đáng xấu hổ”.
Đặng Tự Do
(WHĐ 02.10.2019/ Kath.net)