Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Thủy điện - tác nhân gây lũ lớn


(Dân Việt) - Khi “lao” vào thủy điện, họ chưa nhìn thấy hệ quả và hậu quả kèm theo. Sự hấp dẫn nào đã khiến cho nhiều nhà đầu tư “phát cuồng” về thủy điện như vậy? Một chuyên gia kinh tế giải thích, việc đầu tư vào thủy điện là "ngon ăn" và ít rủi ro. Điện đang trở thành mặt hàng tạo ra siêu lợi nhuận...



>> Toàn cảnh trận lũ lịch sử tại miền Trung


Thủy điện - hướng đầu tư “ngon ăn”


Theo một báo cáo mới nhất của TS Nguyễn Lan Châu (Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ), các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang ào ạt “nhân bản” dự án thủy điện. Gia Lai quy hoạch cho thủy điện trên cả ba lưu vực sông Sê San, Sêrêpok, sông Ba với 113 thủy điện bậc thang.




Mỗi lần công trình thủy điện A Vương xả lũ, vùng hạ lưu lại lo ngay ngáy.


Chỉ riêng một huyện Vĩnh Thạnh của tỉnh Bình Định cũng có đến 11 dự án thủy điện. Nhưng thủy điện “dày” nhất, phải nói tới Quảng Nam, với 58 dự án. Chỉ riêng hệ thống sông Thu Bồn-Vu Gia đã có 10 dự án lớn đã được Bộ Công Thương phê duyệt, trong đó 2 dự án đã vận hành phát điện là Thủy điện A Vương (210 MW) và Sông Kôn (54 MW).


Điều đáng nói là các tổ chức, các cá nhân, cả cơ quan chức năng khi “lao” vào thủy điện chỉ mới nhìn thấy điện chứ chưa nhìn toàn cảnh về môi trường, sinh kế, thiên tai hay những hệ quả và hậu quả kèm theo.


Nhiều dự án có công suất nhỏ được thiết kế sơ sài theo kiểu xây đập dâng, không có hồ điều tiết lũ, không cửa xả đáy, vẫn được UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép. Nhiều dự án xâm hại trực tiếp đến rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia.


Thậm chí, có dự án như Pa Oi 2 thiết kế chồng lên cả đất quốc phòng và trung tâm hành chính xã La Êê (Nam Giang) vẫn được "bật đèn xanh" triển khai. Đặc biệt, nhiều đơn vị không liên quan gì đến điện cũng nhanh chân nhảy vào đầu tư thủy điện.


Sự hấp dẫn nào đã khiến cho nhiều nhà đầu tư “phát cuồng” về thủy điện như vậy? Một chuyên gia kinh tế giải thích, việc đầu tư vào thủy điện là "ngon ăn" và ít rủi ro. Trong bối cảnh nguồn năng lượng đang thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay, điện đang trở thành mặt hàng độc quyền bán chạy, bán đắt có thể tạo ra siêu lợi nhuận cho chủ đầu tư.


Với mức vốn đầu tư vào thủy điện khoảng từ 20-25 tỷ đồng/MW, trong 10 năm trở lại, chủ đầu tư sẽ thu hồi toàn bộ nguồn vốn bỏ ra, sau đó sẽ mặc nhiên hưởng lợi nhuận ròng trong hàng chục năm tiếp theo. Đơn cử như thủy điện A Vương (công suất 210MW) có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng và theo tính toán chỉ trong vòng 9 năm, đơn vị sẽ thu hồi đủ vốn đầu tư.


Lũ kinh hoàng một phần do thủy điện


Ngày 13-10-2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ban hành Quyết định 1880 về quy trình vận hành liên hồ thủy điện A Vương, ĐăkMin 4, Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Về quy trình này, một số ý kiến tỏ ra yên tâm (về khả năng phòng tránh lũ cho hạ du), một số thì không.


Có ý kiến cho rằng chưa đủ, cần phải bổ sung vào quy trình này một số hồ chứa có dung tích lớn và có khả năng giảm tải lũ cho hạ lưu ...


Trong khi chờ các thủy điện “sinh” điện thì việc xây dựng các thủy điện và công trình kèm theo đang gây hại. Minh chứng đau đớn nhất là trận lũ chưa từng có vừa xảy ra tại Quảng Nam hồi tháng 9-2009. Ngày 29-9-2009, khi đỉnh lũ vùng hạ du sông Vu Gia đạt mức báo động 3 thì cũng là lúc thủy điện A Vương xả lũ để bảo vệ hồ.


Lũ “nhân tạo” chồng lũ tự nhiên đã khiến mực nước lũ vượt hơn đỉnh lũ lịch sử trong vòng 100 năm qua. Cụ thể, từ 15 giờ ngày 29-9 đến 7 giờ ngày 1-10, Thủy điện A Vương xả xuống hạ lưu 149 triệu m3 nước, gấp 10 lần thông tin mà thủy điện này báo cáo với tỉnh.


Sau trận lũ ấy (có sự “góp sức” xả lũ của Thủy điện A Vương), 8 người chết, 380 người bị thương, 35.000 nhà dân bị ngập nước từ 1 - 4,5m, hơn 13.500 tấn lương thực bị trôi và ngập ướt hư hỏng...


Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho rằng, quy trình vận hành hồ thủy điện A Vương là một quy trình sai, chỉ chú trọng hai nhiệm vụ là an toàn công trình và an toàn phát điện mà không đả động gì đến tham gia cắt lũ và giảm lũ cho vùng hạ du.


“Nếu như A Vương xả lũ ở cao trình 363m trong ngày 28-9 và đóng cửa xả ngày 29-9, sẽ cắt đến 140 triệu m3 lũ cho hạ du. Đằng này, A Vương do quá chú trọng đến chức năng phát điện và chức năng bảo vệ an toàn hồ và đã làm điều ngược lại” - ông Thắng nói.


Chỉ mới thủy điện A Vương xả lũ mà đã gây ngập kinh hoàng như thế, nếu một ngày cả 58 thủy điện tại Quảng Nam, 113 thủy điện tại Gia Lai, vài chục thủy điện tại Bình Định, Phú Yên… cùng xả lũ thì tổng lượng nước đổ xuống sẽ còn kinh hoàng mức nào?


Các chuyên gia ngành thuỷ lợi cũng đưa ra giả thuyết, nếu có rủi ro do thiên tai gây vỡ một công trình thủy điện sẽ gây hiệu ứng đô-mi-nô đối với các hồ chứa và hậu quả không thể tính được.


---------------------


Kỳ 2: Nỗi sợ hãi mang tên Hố Hô


Lên đầu trang