Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thứ 6 sau CN 24 TN năm Chẵn
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: 1 Cr 15, 12-20
 
12 Thưa anh em, nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?13 Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy.14 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.15 Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy.16 Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy.17 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.18 Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong.19 Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.
 
20 Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
 
ĐÁP CA: Tv 16
 
Đ.    Lạy Chúa, khi thức giấc,
       con được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan. (c 15b)
 
1 Lạy CHÚA, xin nghe con giãi bày lẽ phải, lời con than vãn, xin Ngài để ý; xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.
 
6 Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu. 7 Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa, Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài khỏi quân thù xông đánh.
 
8 Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở, 15 Về phần con, sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Mt 11,25
 
Hall-Hall: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Hall.
 
TIN MỪNG: Lc 8, 1-3
 
1 Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ,3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
 
BÀI GIẢNG
PHỤC SINH MỚI ĐỊNH GIÁ TRỊ ĐỜI NGƯỜI
Thánh Phao-lô xác tín cho chúng ta rằng: Không có tín đồ tôn giáo nào sống niềm tin của họ phải đau khổ bằng  người Công Giáo. Do đó, nếu Đức Giê-su không sống lại để bảo đảm sự sống lại của loài người, và để lãnh thành quả đời mình hoặc lành hoặc dữ, tùy theo việc đã làm khi còn sống trên đời, lúc đó mới biết rõ ai là kẻ bất hạnh, ai là người hạnh phúc, thì người Công Giáo là kẻ khốn nạn nhất trên đời (x 1Cr 15,12-20: Bài đọc).
Viễn tượng thế giới Phục Sinh, thánh Phao-lô cho biết: “Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,18-23).
Ta muốn được thông dự vào thế giới Phục Sinh như thế, thì ngay khi còn sống trên đời, ta phải :
-          Tập họp vạn vật vào việc truyền giáo.
-          Chấp nhận dị nghị, đàm tiếu.
-          Không lạm dụng quyền tự do.
I. TẬP HỌP VẠN VẬT VÀO VIỆC TRUYỀN GIÁO.
Tin Mừng hôm nay (Lc 8,1-3), ông Luca phác họa cuộc hành trình truyền giáo của Đức Giê-su từ thành thị về thôn quê: Tức là Tin Mừng được bung ra từ giới trí thức đến người bình dân, dẫn đầu là Đức Giê-su, tiếp sau là các môn đệ, và cuối cùng là một số phụ nữ. Hình ảnh này cho ta liên tưởng đến đoàn tàu xe lửa chạy, đầu tầu có máy kéo và cuối tầu có máy đẩy. Đức Giê-su là máy kéo, các phụ nữ là máy đẩy, bởi vì các chị này đã lấy tiền của trợ giúp cuộc truyền giáo.
Ở Việt Nam, sau năm 1954, nửa nước VN ở phía Bắc do đảng cộng sản cai trị, thời gian này các tôn giáo gặp nhiều khó khăn, cụ thể địa phận Bùi Chu không được tập họp các chủng sinh để huấn luyện làm Linh mục. Nhưng trong tòa Giám mục Bùi Chu vẫn lén thâu nhận nhiều thanh niên có ý chí dâng mình phục vụ Hội Thánh vào sống trong tòa Giám mục để được cha giáo Hân huấn  luyện. Như thế là trái với luật pháp của chính quyền cộng sản. Chính quyền nói tòa Giám mục không chịu nghe, nên các chủng sinh ở trong đó không ai được ra vào, cũng không cho ai lui tới. Trong hoàn cảnh như thế các bà lợi dụng lúc đi Lễ, đã gói sẵn lương thực quấn vào người để tiếp tay với tòa Giám mục nuôi các chủng sinh. Kết quả được 39 Linh mục.
Hình ảnh trên đây đã minh họa Lời Kinh Thánh: “Lời Chúa phán ra, cả một đoàn quân phụ nữ loan đi, vua quan đào tẩu, binh lính chạy dài” (Tv 68/67,12-13).
Những phụ nữ trong Tin Mừng lấy tiền của giúp Đức Giê-su và các Tông Đồ, cũng như các bà trong địa phận Bùi Chu giúp các thầy, dưới mắt nhìn của người đời, đó là những kẻ ngu dại, nhưng nhìn trong viễn tượng thế giới Phục Sinh, họ là những người khôn ngoan, chắc chắn Chúa thưởng công hơn lòng họ mong ước, như Lời Ngài nói: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10,42).
II. CHẤP NHẬN DỊ NGHỊ, ĐÀM TIẾU.
Đoạn Tin Mừng Luca hôm nay ghi lại một số phụ nữ đi chung đường truyền giáo với Đức Giê-su và các môn đệ, điều đó rất lạ trong thế giới miền Palestin. Thực vậy, có lần Đức Giê-su nói chuyện với một phụ nữ tại bờ giếng Giacob làm các môn đệ ngạc nhiên và thắc mắc: “Tại sao Thầy lại nói chuyện với phụ nữ, Thầy nói gì, Thầy muốn gì?” (x Ga 4,27). Bởi vì vào thời ấy không ai dạy đạo mà lại nói chuyện với phụ nữ ở nơi công cộng; ngay cả đi vào bên trong hội đường phụ nữ cũng không được phép, thế mà Đức Giê-su lại thâu nhận:
-          Giới phụ nữ bị coi rẻ như bà Susanna.
-          Cả đến phụ nữ ngoại giáo đáng khinh miệt như bà Gioanna.
-          Tệ nhất là bà Maria Madalena, một phụ nữ tội lỗi khét tiếng bị bảy quỷ nhập đã được Chúa cứu (x Lc 8,2b-3a: Tin Mừng).
Tất cả đã nhập đoàn truyền giáo với các môn đệ đi theo Đức Giê-su, như thế là cả đoàn bất chấp lời ra tiếng vào, và Đức Giê-su không hề bận tâm với những định kiến trong thiên hạ. Ở đây chúng ta có được một bằng chứng phi thường về sự tự do của Tin Mừng. Đức Giê-su đã không chấp nhận những thành kiến của người Do Thái thời ấy đối với phụ nữ, đối với người tội lỗi, và dân ngoại.
Thánh Phao-lô trong đời truyền giáo, ông cũng đem theo một tín nữ và bị người ta đàm tiếu, thì ông trả lời: “Không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kê-pha?” (1Cr 9,5). Bởi vì: “Trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam” (1Cr 11,11).
Cũng vì tinh thần đó mà ông nói: “Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. Còn những người kia thì loan báo Đức Ki-tô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng” (Pl 1,15-18).
III. KHÔNG LẠM DỤNG QUYỀN TỰ DO.
Trong đời sống mục vụ, không chắn gì lúc nào ta cũng tự đắc, tự tin cho mình sống giống Đức Giê-su, nên ta phải canh chừng về chính mình.
Thánh Phao-lô nói:
-          “Anh em đừng lạm dụng quyền tự do của anh em để nên dịp vấp ngã cho kẻ yếu đuối, vì như thế là anh em phạm đến Đức Ki-tô” (1Cr 8,9.12).
-          “Chúng tôi không hề làm cớ vấp phạm về một điều gì để việc phục vụ của chúng tôi khỏi bị đàm tiếu” (2Cr 6,3).
-          Chúng tôi quan tâm đến điều thiện, không những trước mặt Chúa mà còn cả trước mặt người ta” (2Cr 8,21).
-          “Tôi cố gắng làm hài lòng mọi người, không tìm  lợi ích riêng cho tôi, nhưng vì đa số để họ được cứu độ” (1Cr 10,33).
Ông Ê-lê-da-rô có thể giả vờ ăn thịt heo để thoát chết, giả vờ ăn thịt thì không lỗi Luật, nhưng làm thế gây cớ vấp phạm cho kẻ yếu đuối, bởi đó ông quyết định không ăn, và nói: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già. Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng.27 Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện” (2 Mcb 6,24-28).
Đức Giáo hoàng Phao-lô II trong bài giảng đầu Mùa Chay năm 1972, tại thánh đường Sabine ở Roma: “Tiếng nói bản năng là ưa tìm sống dễ dãi, ngay cả trong đời sống tôn giáo. Đây là một khuynh hướng đang phá Hội Thánh… “Chúng ta muốn một Ki-tô giáo hùng mạnh hay một Ki-tô dễ dãi?”… Sự dễ dãi đang len lỏi ngay cả trong giới tu sĩ nam nữ… bắt đầu bằng một cuộc tấn công không những chỉ những Lề Luật bên ngoài  như y phục, giờ giấc, kỷ luật, thinh lặng… mà còn tấn công cả nền tảng Ki-tô giáo. Sách vở người ta thường trình bày một Ki-tô giáo sao cho dễ chấp nhận hơn theo ý riêng của họ… nên đã dám chống lại chân lý nền tảng vượt cả trí khôn con người, nghĩa là loại bỏ tất cả những gì khó khăn để cho con người sống trọn vẹn hơn, tự phát hơn, tự lập hơn… . Làm như vậy làm phạm một lỗi lầm lớn, vì đã trình bày cho thanh thiếu niên một Ki-tô giáo dễ dàng không kỷ luật, không ràng buộc, không lo lắng”.
Bởi vậy giáo huấn của Công Đồng Vat.II dạy: “Tự do của con người vì tội lỗi làm tổn thương, nên không thể thực hiện cuộc trở về với Chúa cách hoàn toàn sống động, nếu không được ơn Chúa trợ lực” (G.E.S. số 17).
Vậy sống đạo trên đời ta gặp nhiều trăn trở, nhiều lúc không biết tiến thoái thế nào là khôn hay dại, cứ phải mò mẫm bước đi theo Chúa bằng ơn thánh thúc đẩy. bởi đó thánh Augustin đã cầu nguyện cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa và lòng chúng con vẫn khắc khoải bao lâu chưa nghỉ yên trong Chúa”. Chỉ trong thế giới Phục Sinh, ta mới có thể hiểu lời Kinh: “Khi thức giấc (Phục Sinh) con được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 17/16,15b: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người (1Cr 15,19)

 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: