Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
Chúa Nhật 3 Mùa Chay-Năm C
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC 1: Xh 3,1-8a.13-15

 1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp.2 Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi.3 Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?"4 Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Mô-sê! Mô-sê! " Ông thưa: "Dạ, tôi đây! "5 Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh."6 Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
 7 Đức Chúa phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.8 Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”


13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: "Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?" 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: "Ta là Đấng Hiện Hữu." Người phán: "Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: "Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em."15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: "Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia." 
 
ĐÁP CA: TV 102
 Đ. 8a  Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.          
1 Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! 2 Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
 
3 Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,thương chữa lành các bệnh tật ngươi.4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
 
6 Chúa phân xử công minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức, 7 mạc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,cho con cái nhà Ít-ra-en thấy những kỳ công Người thực hiện.
 
8 Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,Người chậm giận và giàu tình thương, 11 Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.  
 
BÀI ĐỌC 2: 1Cr 10,1-6.10-12

1 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ.2 Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê.3 Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng,4 tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô.5 Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.

6 Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.10 Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt.11 Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này.12 Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. 
 
BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt 4,17

Chúa nói: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.  

TIN MỪNG: Lc 13,1-9

1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." 
 6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ? 8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."  
 
BÀI GIẢNG
Như Con Dã Tràng

Như con dã tràng se cát biển  Đông
Sóng nước mênh mông xô dạt công trình…
Có Chúa trong con, hy vọng một đời.
Tình yêu đã lên, buồn đau sẽ quên.
 
Lời ca nguyện trên như  một lời nhắc nhở chúng ta về thân phận con người.  Thật là bất hạnh biết bao nếu chúng ta vật lộn với đau khổ trong cuộc sống nếu ta không biết ý nghĩa của nó.  Không chóng thì chầy, chúng ta cứ phải đương đầu với nó có khi như một lực sĩ tập quyền anh, cắm đầu đấm liên tục vào bao cát mà bao cát thì lúc nào cũng trơ trơ ra.  Hàng ngày.  Hàng giờ.  Xung quanh ta.  Trong lòng ta.  Ngoại cảnh.  Nội tại.  Lắm lúc chúng ta cố gắng lao lực quần quật tối ngày sáng đêm để đi tìm an bình và hạnh phúc, nhưng đau khổ luôn luôn hiện diện nhan nhản bên ta, hay có khi ngay trong lòng ta….


Như con dã tràng…. 


Tại sao có đau khổ trong cuộc đời? và ý nghĩa của đau khổ đối với người Kitô Hữu là gì? 
Thứ Sáu tuần trước tôi vào thăm viện dưỡng lão Country Villa cách Giáo xứ St. Nicholas tôi vài block đường.  Hàng tháng tôi được dịp dâng thánh lễ ở đó với khoảng 40 người già Công Giáo—đa số ngổi xe lăn vì già yếu và bệnh tật.  Họ là những người nhỏ bé và nghèo khổ nhất trong xã hội vì thiếu vắng tình thương.  Và bình thường, tôi ghé thăm vài người trước hoặc sau khi dâng thánh lễ. 

Lần này, ngay sau thánh lễ, tôi được làm quen với một người Phi và lắng nghe bà kể cuộc hành trình của bà trước khi bà vào trong viện dưỡng lão này.  Bà sinh trưởng tại Phi Luật Tân và khi còn là một cô gái đã được một gia đình Phi khác giới thiệu cho đi Mỹ để rồi bị họ thủ tiêu giấy tờ và nhốt trong nhà để hầu hạ phục dịch gia đình ấy suốt 25 năm ròng rã.  Không được cơ hội làm gì khác hoặc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, bà được đưa vào nơi dưỡng lão này sau khi bị một đợt tai biến mạch máu não khá nặng đến nỗi phải ngổi xe lăn… và rổi lại thêm bao nhiêu năm ròng rã, bà phải đối diện với một sự cô đơn đến kinh hoàng vì không có ai thân thuộc bên cạnh.  Niềm vui duy nhất của bà là được đến dự lễ hàng tháng trong hội trường viện dưỡng lão, và được những người trong giáo xứ đến thăm hỏi. 


Một cuộc đời bị đánh cắp…

Một cuộc đời bị đánh cắp trong bao nhiêu cuộc đời bị đánh cắp.  Câu chuyện của bà khiến tôi nhớ đến số phận của hàng ngàn cô dâu Việt Nam tại Đài Loan và bây giờ sang đến Trung Quốc: Được xuất cảnh một cách huy hoàng như một cô dâu chính thức, nhưng lại được “nhập cảnh” vào những gia đình ngoại bang như một nô lệ tình dục, hay một người ở đợ suốt quãng đời tươi trẻ của mình. 

Đó chỉ là một thí dụ của đau khổ trong muôn ngàn đau khổ của kiếp người.  Tôi tạm chia đau khổ ra làm hai loại: đau khổ do tội gây ra, và đau khổ do tự nhiên mà có. 
 
Đau khổ do tội có thể do tội của chính mình hay tội người khác. Thí dụ: khủng bố, chiến tranh, bạo lực, phạm pháp, bất công, bóc lột, nghiện ngập, tham lam, tranh chấp, ghen ghét, gian lận, bất cẩn v.v… 

Đau khổ do tự nhiên mà có: động đất, núi lửa, sóng thần, bão tố, hâm nóng địa cầu, tai nạn, khuyết tật, sinh, lão, bệnh, tử, v.v… 

Nói chung, không ai thoát khỏi đau khổ.  Đã làm người, không ai có thể thoát khỏi đau khổ, như một thi hào có nói:

Sự thành công trong đời có thể tách rời hoặc phân biệt chúng ta, nhưng sự đau khổ trong đời luôn luôn nhắc nhở chúng ta cùng một thân phận.


Vậy đối với người có niềm tin Kitô Giáo, ý nghĩa đau khổ là gì và thái độ chúng ta đối với đau khổ là gì? 

Trong bài Phúc Âm CN hôm nay, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho chúng ta câu hỏi này.  Chúa Giêsu cũng không mách cho chúng ta làm thế nào để hết khổ.  Khi con Thiên Chúa xuống thế làm người, một cách gián tiếp hay trực tiếp Ngài đã chấp nhận sự hiện hữu của đau khổ trong cuộc đời. Nhưng trước tiên Ngài muốn nói rõ cho các môn đệ rằng:

Nếu Thiên Chúa là cha giàu lòng yêu thương chúng ta là con cái Ngài, thì chắc chắn ngài không hề muốn chúng ta phải chịu đau khổ.

Nhưng đau khổ lắm khi lại do chúng ta tự chuốc lấy: (a) vì tội tổ tông của Adam và Eva, bất tuân luật Chúa; (b) vì tội của chúng ta hay của người khác gây nên cho chúng ta vì bất tuân luật Chúa.

Mặt khác, đau khổ không nhất thiết phải do tội gây ra: người có nhiều đau khổ không nhất thiết là có nhiều tội hay tội của họ nặng hơn người ít đau khổ.
 
Đây là bí mật của niềm tin Công Giáo: Chúng ta ý thức rằng đau khổ đối với người Kitô hữu có một giá trị trước mặt Chúa:
  1. Khi chúng ta cảm nghiệm đau khổ hoặc chứng kiến đau khổ xung quanh ta, thì  đau khổ nhắc nhở cho chúng ta thân phận làm người yếu đuối và luôn luôn cần đến ơn trợ lực của Chúa
  2. Đau khổ là cơ hội nhắc nhở chúng ta phải ăn năn thống hối và trở về với đường lối của Chúa, nếu không hình phạt của chúng ta còn khủng khiếp hơn điều chúng ta đang cảm nghiệm hay chứng kiến  >>> Ý Chúa Giêsu muốn nói đến hình phạt đời đời là xa Chúa vĩnh viễn
  3. Đau khổ thanh luyện chúng ta trở nên khôn ngoan, tốt lành, có lòng thương cảm với người khác, và nhất là làm cho chúng ta khiêm nhường hơn.
  4. Đau khổ sẽ cho chúng ta nhận ra sự thật và giả dối trong cuộc đời (minh chứng của các thánh tử đạo)
  5. Đau khổ mang lại cho chúng ta hy vọng vào sự sống mới và tinh thần mới.
  6. Đau khổ có giá trị cứu độ chính chúng ta nếu chúng ta biết kết hiệp đau khổ của mình với mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, vì chính Đức Kitô đã làm người để chia sẻ thân phận đau khổ của chúng ta.
  7. Chính trong việc kết hiệp và chia sẻ này, chúng ta sẽ nhận được sự an ủi và cảm thông của Chúa và của người khác, và khi đó sự đau khổ của chúng ta được thánh hoá, được thăng hoa và được nhiều ơn ích thiêng liêng.
Thưa quí vị và các bạn, chúng ta không ai muốn khổ, và chúng ta cố gắng hết sức để làm giảm thiểu đau khổ của mình và của người khác trong cuộc đời, miễn là những phương tiện để thực hiện việc đó không trái luật Chúa và Giáo Hội.  Thậm chí chúng ta làm với ý hướng ngay lành thì còn được Chúa chúc phúc và trợ lực.  Nhưng khi đau khổ đến trong cuộc đời, ước mong cho chúng ta chấp nhận với lòng can đảm, vững tin, cậy trông, chứ không cáu gắt, cay đắng, hay còn gây thêm đau khổ cho người khác và cho chính mình.  Có những vị thánh trong Giáo Hội đã xem đau khổ như là hồng ân để kết hiệp với Chúa Giê-su một cách sâu sa và bền chặt hơn như: Gioan Thánh Giá, Phanxicô, Mẹ Têrêsa. Và kết quả là họ được một hạnh phúc nội tâm mà không gì có thể đánh đổi được.  Khi đó cố gắng của chúng ta sẽ không còn là dã tràng se cát nhưng sẽ là amazing grace-hồng ân tuyệt vời       


Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đi vào cuộc đời làm người để ĐỒNG CẢM với những nỗi thống khổ của chúng con, nhưng loài người chúng con lắm lúc đã vô tình không biết và không đón nhận món quà hiến tế tuyệt vời của Chúa trên thập giá. 
Xin cho chúng con biết nhạy cảm và đồng cảm với những người anh chị em xung quanh chúng con, ngõ hầu chính những đau khổ chúng con đang có hoặc sẽ có cũng được Chúa thánh hoá và lảm cho đời sống chúng con được tháp nhập trọn vẹn nơi thập giá Chúa.  Xin cho cuộc đời chúng con được toả sáng vinh quang chiến thắng khổ đau của Chúa ngay ngày hôm nay.  Amen.
 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: