BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Cv 11,21b-26 ; 13,1-3
11 21b Hồi ấy, có một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa. 22 Tin ấy đến tai Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nên người ta cử ông Ba-na-ba đi An-ti-ô-khi-a.23 Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa,24 vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa.25 Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô.26Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu.
13 1 Trong Hội Thánh tại An-ti-ô-khi-a, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Ba-na-ba, Si-mê-ôn biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hê-rô-đê, và Sao-lô.2 Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm."3 Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.
ĐÁP CA : Tv 98/97
Đ. Chúa đã mạc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân. (c 2b)
1 Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,nhờ cánh tay chí thánh của Người.
2 CHÚA đã biểu dương ơn Người cứu độ, mạc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; 3ab Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.
3cd Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. 4 Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,mừng vui lên, reo hò đàn hát.
5 Đàn lên mừng CHÚA khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. 6 Kèn thổi vang xen tiếng tù và,tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!
BÀI GIẢNG
CHỈ THỊ CỦA CHÚA DÀNH CHO NGƯỜI TÔNG ĐỒ
1/ Cùng thống nhất lời giảng.
Chính vì thế mà ông Gioan Bt, cũng như các môn đệ đều phải mở đầu lời giảng giống Thầy : “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (x Mt 3,2 = Mt 4,17 = Mt 10,7: Tin Mừng).
Vì cả cuộc đời Chúa Giêsu chỉ muốn rao giảng về Nước Thiên Chúa, do chính Chúa Giêsu thiết lập (x Mt 10,1-4; Ga 10,16), và muốn mọi loại người phải mau mắn gia nhập, sinh hoa quả tốt lành xứng với lòng hối cải (x Mt 3,8), để trở thành những Kitô hữu thánh thiện, quảng đại, nhiệt thành giống mẫu gương thánh Barnaba mà Hội Thánh kính nhớ hôm nay:
Ông Barnaba, một “người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin”, nhờ đó “đã có thêm một đám rất đông theo Chúa” (x Cv 11,24 : Bài đọc).
Dù không phải là một trong Nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng thánh Barnaba, cũng được gọi là Tông Đồ, trước có tên là “Giô-xếp, đã được các Tông Đồ đặt tên là Barnaba, nghĩa là “người có tài yên ủi”, có một thửa đất. Ông là một thầy Lêvi quê quán ở đảo Sýp. Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37).
Thánh nhân còn được Chúa Thánh Thần chọn và sai đi cùng với thánh Phaolô để thực hiện sứ vụ quan trọng : “Hãy dành riêng Barnaba và Phaolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13,2 : Bài đọc).
2/ “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ” (Mt 10,8a).
Đó chính là những “chiên lạc nhà Israel” mà Đức Giêsu dạy các Tông Đồ phải chữa lành, không chỉ về phần xác khỏe mạnh, mà nhất là làm cho họ được thuộc về Chúa Kitô, được vào sống trong Vương Quốc của Thiên Chúa.
3/ “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8b)
Những gì ta có là do Chúa ban (x Ga 3,27), vì thế người làm Tông Đồ cho Chúa cũng phải quảng đại cho không như đã được nhận.
4/ Không tham tiền, nên “đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng” (Mt 10,9).
Làm việc Tông Đồ cho Đức Kitô không phải là chuyện thương mại kiếm lời vật chất, mà vì yêu Chúa, yêu đồng loại, làm cho họ biết “tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và sự công chính của Ngài, còn các điều khác Ngài sẽ ban thêm cho” (Mt 6,33).
5/ “Không bao bị”.
Vì người Tông Đồ chính là người quản lý trung trực của Thiên Chúa, bất cứ khi nào Chúa đến cũng gặp thấy nó đang chia sẻ đúng lúc và phải thời (Lc 12,42). Bởi thế không mang bao bị để thu tích của cải riêng cho mình.
6/ “Không mặc hai áo”.
Người rao giảng đã chia sẻ như ông Gioan Bt dạy : “Ai có hai áo hãy chia cho người không có và kẻ có của ăn cũng phải làm như thế”(Lc 3,11). Chỉ giữ lại cho mình của cải vừa đủ để có điều kiện phục vụ đạt hiệu quả cao, chớ tích trữ của để làm giàu, vì nó sẽ lấp mắt không nhận biết Thiên Chúa (x Cn 30,9).
7/ “Không mang giày dép”.
Khi thi hành sứ mệnh Chúa trao, nếu gặp nguy hiểm, đã có Ngài bảo vệ. Đó cũng là lý do khi Chúa gọi ông Môsê lãnh đạo dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, ông đến với Chúa, Ngài bảo ông phải bỏ dép ra (x Xh 3,5).
8/ “Không gậy gộc”.
Chính là không dùng quyền bính theo thói đời để đe nạt người khác, mà dùng Lời Chúa để giáo dục, nuôi dưỡng, bảo vệ họ. Vì “Lời Chúa phán ra là cây gậy đánh cường bạo” (Is 11,4b : bản dịch NTT). Người Tông Đồ của Đức Giêsu có trải nghiệm này như lời kinh đọc: “Cây gậy Ngài bảo vệ con vững dạ an tâm” (Tv 23/22,4).
9/ “Thợ đáng được của nuôi thân”, nên khi “vào bất cứ thành nào hay làng nào thì, hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng. (x Mt 10,9).
Người xứng đáng là người khao khát chân lý, môn đệ giảng Lời cho loại người này, thì chắc chắn được đãi ngộ. Vì chủ chăn nào hết lòng lo việc Nước Thiên Chúa, thì giáo dân sẵn sàng “móc mắt dâng” (x Gl 4,15). Chính Chúa cũng ưu đãi mục tử nào chu toàn sứ mệnh tư tế và ngôn sứ. Ngài nói : “Thức ăn ngon Ta đãi hàng tư tế” (Gr 31,14). Đó là quyền được hưởng vì sứ mệnh. Tuy nhiên có những trường hợp để khỏi gây cớ vấp phạm, hãy bắt chước ông Phaolô “đem Tin Mừng biếu không, khiến đừng có bận tâm quyền được hưởng nhờ Tin Mừng” (1Cr 9,18).
Tóm lại, đời sống Tông Đồ phải bắt chước sống nghèo như Đức Giêsu. Thánh Phaolô nói : “Làm sao anh em trở nên giàu có như Đức Kitô, mà vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó, để nhờ sự nghèo khó của Ngài mà chúng ta được trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Làm cho người anh em được giàu không phải chỉ là giàu của cải vật chất, mà giàu Thiên Chúa, giàu ơn Ngài. Vì sứ mệnh chính của Hội Thánh là làm cho người người trên trái đất nhận biết Chúa, vì “Chúa đã mạc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân” (Tv 98/97,2b : ĐC), chứ không phải chỉ nhắm đưa của cải vật chất. Thế nên ông Phêrô đã nói với anh què ngồi ở cửa Đền Thờ ngửa tay xin tiền : “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,1-6). Bởi thế, cuối đời phục vụ của Tông Đồ Phaolô, ông nói với các tín hữu : “Tôi xin phó thác anh em cho Chúa và cho Lời ân sủng. Lời có sức ban cho anh em phần cơ nghiệp” (Cv 20,32).
10/ Đi phục vụ ở đâu là do Bề trên chỉ định, cho nên “hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi” (Mt 10,11b).
Có nghĩa là không lân la kiếm chác, đừng đứng núi nọ trông núi kia cao. Việc Tông Đồ chỉ có giá trị khi đến đúng nơi làm đúng việc Bề trên đã chỉ định. Thánh Phaolô nói : “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng !” (Rm 10,14-15).
Chính vì vậy mà cả đến thánh Phaolô, dù ông đã được trực tiếp học Giáo Lý với Chúa ở Ả Rập ba năm, sau đó ông phải về hiệp thông với các thủ lãnh là các ông Phêrô, và Giacôbê làm giám mục Giêrusalem. Ông Phaolô nói : “Tôi lên Giêrusalem tham kiến ông Phêrô rồi lưu lại với ông ấy 15 ngày, tôi cũng gặp cả ông Giacôbê, tôi gặp các vị đó nhân một mạc khải, và tôi đã trình bày cho họ về Tin Mừng tôi rao giảng, kẻo mình xưa nay đã từng bôn ba mà lại ra vô ích” (x Gl 1,18-19 ; Gl 2,2).
11/ Loan báo Tin Mừng luôn phát sinh sự bình an.
Đức Giêsu nói : “Nếu nhà nào xứng đáng thì bình an các ngươi chúc sẽ đến trên nhà ấy, nhược bằng nhà ấy không xứng đáng, thì bình an các ngươi chúc, sẽ trở về với các ngươi” (Mt 10,13: Tin Mừng). Đây là điều lợi nhất, vì việc loan báo Tin Mừng không bao giờ vô ích, đó là nguyên lý phát sinh sự bình an, “chính Chúa là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14).
Bởi thế, sau mỗi Thánh Lễ, Chủ tế hay Phó tế cất tiếng nói : “Lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, có nghĩa là ra đi để loan báo Tin Mừng, làm cho Lời Chúa trong Thánh Lễ được lan rộng tới nhiều tâm hồn mà ta gặp gỡ trên đường đời, có thế mới đáng được lãnh nhận phúc bình an của Chúa trong Thánh Lễ.
Vậy “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19a.20b : THTM).
THUỘC LÒNG
Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng!” (Rm 10,14-15).
CỐ LM GIUSE ĐINH QUANG THỊNH