Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Dnl 30,15-20

            15 Ông Mô-sê nói với dân rằng : “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.16 Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu.17 Nhưng nếu anh (em) trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng,18 thì hôm nay tôi báo cho anh (em) biết: chắc chắn anh (em) sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh (em) sắp sang qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu.19 Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống,20 nghĩa là hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Đức Chúa đã thề với cha ông anh (em), là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài."

ĐÁP CA : Tv 1

Đ.        Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.  (Tv 39,5a)

1 Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,chẳng bước vào đường quân tội lỗi,không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,2 nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

3 Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,cành lá chẳng khi nào tàn tạ.Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

4 Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. 6 Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : Mt 4,17

            Chúa nói : Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.

TIN MỪNG : Lc 9,22-25

            22 Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ  rằng : "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

           23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

BÀI GIẢNG
VÌ TIN MỪNG PHỤC VỤ ĐẾN MẤT MẠNG

            Thần chết đến lấy mạng Đức Giêsu không phải là do quy luật mạnh thắng yếu thua. Đức Giêsu đã ba lần tiết lộ cho các môn đệ biết trước về sự chết của Ngài, là tự hiến mạng để tỏ tình yêu tuyệt hảo muốn cứu loài người thoát tay tử thần vì tội họ phạm :

Lần I : Ngài phải chết do hàng Niên trưởng, Thượng tế, và Ký lục (x Lc 9,22-25: Tin Mừng).

Lần II : Ngài bị nộp vào tay người đời (x Lc 9,44-45).

Lần III: Ngài bị nộp cho dân ngoại, bị nhạo báng đánh đòn rồi treo trên khổ giá (x Lc 18,31-33).

Đức Giêsu đã cho mọi người biết trước như thế nhằm dạy chúng ta :

1/ NGÀI HOÀN TOÀN TÙNG PHỤC CHÚA CHA, ĐẾN NỖI BẰNG LÒNG CHẾT, BỊ SỈ NHỤC TRÊN THẬP GIÁ, để trở nên Hiến Lễ Mới thay cho lễ tế chiên cừu bò lừa của người Do Thái vẫn dâng, như thánh Phaolô nói : “Hy sinh cùng lễ vật, Người chẳng màng, nhưng Người đã nắn tạo nên thân xác cho con, các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người chẳng đoái. Bấy giờ con nói : Này con đến – trong Cuốn Sách đã viết về con – để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa. Như thế Chúa đã bỏ điều trước mà thiết lập điều sau. Chính trong ý muốn ấy mà ta đã được tác thánh, nhờ việc Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng mình Ngài duy chỉ có một lần” (Dt 10,4-10).

Đồng thời, Đức Giêsu mời gọi hết thảy các dân tộc, ai muốn được Ngài chia phần chiến thắng Phục Sinh, thì hãy đi chung đường với Ngài (x 1Ga 2,6), như Ngài đã kêu gọi : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-24 : Tin Mừng). Khi Đức Giêsu vác Thánh Giá chính là lúc Ngài dâng Lễ, nên ta phải hiểu Lời Ngài dạy : “Ai muốn theo tôi, thì hãy vác thập giá của mình hằng ngày mà theo”, nghĩa là hằng ngày ta phải đấu tranh với mọi nghịch cảnh, để có giờ cùng hiệp dâng Thánh Lễ với  Ngài. Có thế mới cứu được mạng sống mình, và như vậy khi đi dự Lễ mà ta càng phải trả giá khổ cực nhiều, thì càng bày tỏ lòng mến cao, để được Chúa ban nhiều ơn hơn. Đấy mới thực là ý nghĩa và giá trị Chúa dạy ta phải vác thập giá của mình mà theo Ngài mỗi ngày, chứ Ngài không nhắm dạy ta : Phải chịu khó làm việc bổn phận mới thu tích được nhiều tiền của ! Nếu ta tự ý mình cần cù làm việc để đạt thành công trong xã hội, kết quả việc ấy trước sau sẽ ra tro bụi, không góp gì cho sự sống đời đời trong thế giới Phục Sinh (x Cv 5,38), và như vậy ta chẳng hơn gì người anh em vô thần duy vật, họ vẫn dạy nhau : “Tất cả cho sản xuất để được giàu mạnh”, vì cho rằng “lao động là vinh quang”. Nhưng Đức Giêsu nói: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25 : Tin Mừng). Còn người Công Giáo dựa trên Đức Tin xác tín rằng : để mọi việc mình làm góp vào sự sống hạnh phúc dồi dào cho mình trong thời cánh chung, thì ai cũng phải được kết hợp nên một với Chúa Giêsu, để nhờ Ngài, với Ngài, trong Ngài, mọi việc ta làm mới tôn vinh Thiên Chúa và lưu lại cho ta hơn báu vật thu tích vào kho tàng của ta trên Quê Trời (x Rm 11,36 ; Cv 5,39).

2/ ĐỨC GIÊSU MUỐN BIỂU LỘ TÌNH YÊU CAO CẢ NHẤT CỦA NGÀI DÀNH RIÊNG CHO LOÀI NGƯỜI là phục vụ nó, nhưng lại bị nó giết, dầu vậy Ngài vẫn muốn che chở cứu nó. Tác giả thư Do Thái cho biết : “Không phải Thiên thần được Chúa bao bọc, nhưng Ngài bao bọc dòng giống Abraham” (Dt 2,16). Thực vậy, Đức Giêsu nói với các kẻ Ngài chọn từ dòng giống Abraham: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đúng thế, “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5, 8-11).

            Sự cố được nhắc lại sau đây, minh họa một phần nào tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa dành cho loài người :

            Những căn hộ sống gần đường rày xe lửa rất nguy hiểm, vì trẻ em hay ra đường ray lật đá bắt dế! Do đó nhà nào có trẻ nhỏ đều phải làm hàng rào chắn trước cửa.

            Lần kia, người mẹ đang loay hoay nấu cơm, bà nghe có tiếng còi xe lửa rít lên, bà giật mình nhìn ra cổng, thấy cổng đã mở toang, như linh tính có chuyện chẳng lành, bà vội vàng chạy ra, thì ôi thôi bà thấy đứa con trai đang đứng giữa đường ray khóc, tiếng còi xe lửa rít lên mỗi lúc một gần hơn… bà hốt hoảng lao mình xô đứa con bắn ra khỏi đường ray, không may bà vấp ngã, thế là đoàn tàu chạy ngang qua cán bà làm ba khúc !!

            Bà mẹ này mất mạng vì con, không phải bà biết làm như thế là mình sẽ chết ; thua xa Chúa Giêsu biết trước Ngài sẽ mất mạng để cứu những kẻ phản bội Ngài thoát tay tử thần và cho nó sống dồi dào như Thiên Chúa (x Rm 8,32 ; Ga 6,57 ; Ga 10,10). Chúa dùng miệng ngôn sứ Isaia nói : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).

3/ ĐỨC GIÊSU BIỂU LỘ NGÀI LÀ THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG, vì trong loài người không ai có thể biến dữ ra lành, biến tội ra ơn, biến chết ra sống, ngoại trừ Thiên Chúa.

            Thập giá là dấu chỉ của sự ác, người Roma dùng để lên án tử đối với những bị can phạm tội bất trị. Nhưng nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ngài đã dùng thập giá làm phương thế cứu nhân loại, nên thập giá trở thành dấu yêu thương, mà cả loài người bất kỳ ai tin hay không tin Giêsu là Chúa, cũng đều lấy dấu thập (+) để diễn tả lòng nhân ái. Cụ thể người ta lấy dấu + chỉ nơi có bệnh viện, hoặc xe cứu thương.

            Vậy qua dấu thập giá, ai cũng phải xác tín rằng: Chỉ duy Chúa Giêsu biến dấu dữ ra dấu lành, dấu hình phạt ra dấu ban ơn. Từ đó, ta đi đến kết luận : Thiên Chúa không làm ra Hỏa ngục để phạt ai. Sở dĩ hình khổ xảy đến cho con người là do họ lạm dụng quyền tự do Chúa ban,  không biết cộng tác với ơn Chúa để chọn sự sống vinh quang muôn đời (x Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 17). Thực vậy, ông Môsê đã nói với dân : “Hôm nay tôi đưa cho anh em chọn : hoặc là được sống hạnh phúc, hoặc là phải chết khốn nạn : Nếu anh em yêu mến và tuân giữ Lề Luật Chúa, thì anh em được sống và thêm con cháu đông đúc, vì Thiên Chúa chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp chiếm hữu. Nhưng nếu anh em trở mặt, không vâng nghe Lời Chúa, bỏ Thiên Chúa mà thờ các thần khác, thì anh em sẽ bị diệt vong” (x Dnl 30,15-20 : Bài đọc).

            Chân lý này, Đức Giêsu cũng đã quảng diễn qua nhiều hình ảnh mà các tác giả Tân Ước ghi lại:

            - Hỏa ngục xảy đến giống như người ngu xây nhà mà không theo hướng dẫn của kỹ sư, lại xây trên cát, thì công trình ấy khi giông tố, nước lũ ập đến, nó đổ sập, chôn sống mọi người trong nhà (x Mt 7,24-27), mà không thể quy lỗi cho Thiên Chúa đã gây nên tai họa đó.

            - Như cành lìa khỏi thân cây thì tự khô héo (x Ga 15,6), dù thân cây (Chúa Giêsu – Ga 15,1) vẫn tiết ra nhựa (Chúa ban ơn) để nuôi cành (người tách khỏi Giêsu), cành vẫn chết !

            - Vào ngày cánh chung, những người được Chúa cứu độ diễn tả qua hình ảnh cô dâu được đưa vào tiệc cưới. Nhưng nếu cô dâu không có áo cưới, là kẻ “khỏa thân”, thì cũng giống như người được Chúa cho vào Thiên Đàng mà không “mặc công đức của các Thánh” (x Kh 19,7-8). Cô dâu mà “khỏa thân” chắc chắn chàng rể không thể nhân danh tình yêu dẫn cô vào trình diện trước khách dự tiệc. Chỉ có cách chàng đưa cô vào ẩn mình một nơi kín. Người dự tiệc thì cho là chàng nhốt cô dâu, nhưng thâm tâm chàng phải làm thế là vì yêu nàng! Bởi thế, khi ta không được vào Thiên Đàng thì ta vẫn cảm thấy Chúa thương ta hơn, mà lại không được ở với Ngài, thì xót xa cho thân phận mình biết mấy!

            Vậy “anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17: Tung Hô Tin Mừng). Người sống trong Nước Trời là người kiên trì sống Đức Ái trong Hội Thánh Công Giáo (x HCHT số 14), họ là “người đặt tin tưởng nơi Chúa” (Tv 40,39,5a: Đáp ca), họ “chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với Lề Luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1,1).

THUỘC LÒNG

-   Ai không đếm xỉa đến việc nhận biết Thiên Chúa, Thiên Chúa phó mặc cho trí não ngông cuồng của nó làm điều bất xứng ! (Rm 1,28)

-   Hứng theo xác thịt thì chết, còn hứng theo Thần Khí là sống và bình an (Rm 8,6).

-   Ai có Chúa Giêsu thì sống, kẻ không có Chúa Giêsu là chết ! (1 Ga 5,12).

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: