Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Báo chí thế tục nói về chuyến thăm Brazil của Đức Phanxicô Vũ Văn An7/24/2013

Simon Romero của New York Times ngày 22 tháng 7, gọi chuyến đi Ba Tây của Đức Phanxicô là chuyến đi khiêm tốn. Thực vậy, ngài đã “cẩn trọng dẫm chân và bằng một phong thái khổ tu trên một đất nước mà các cuộc biểu tình chống chính phủ mới đây đã làm lung lay giai cấp cầm quyền chính trị đầy ưu đãi” vì bị tố cáo là bất tài và lạm dụng quyền thế. 

Vị Giáo Hoàng 76 tuổi người Á Căn Đình này, trong một diễn văn ngắn hoàn toàn bằng tiếng Bồ Đào Nha với các chủ nhà, trong đó có Tổng Thống Dilma Rousseff và Sérgio Cabral, thống đốc Rio de Janeiro, nói rằng: “Xin cho tôi được gõ nhẹ vào chiếc cửa này. Tôi mạn phép được vào trong và sống tuần lễ này với qúy vị”. 

Trong diễn văn đầu tiên tại đây, Đức Phanxicô để ngoài tai vấn đề biểu tình tại Ba Tây, để chỉ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phúc âm hóa tuổi trẻ. Chuyến đi kéo dài một tuần lễ này được tổ chức quanh Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một đại hội quốc tế của tuổi trẻ Công Giáo, nhưng nó cũng cho thấy tầm quan trọng của Ba Tây và của cả Châu Mỹ La Tinh đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung. 

Dù Ba Tây vẫn còn nhiều người Công Giáo hơn bất cứ quốc gia nào khác, ước chừng 123 triệu người, nhưng chủ nghĩa duy tục mỗi ngày mỗi gia tăng và các Giáo Hội Thệ Phản phát triển nhanh chóng đang thách thức nhiều thế kỷ chiếm ưu thế của Công Giáo tại đất nước lớn nhất Châu Mỹ La Tinh này. Chỉ có 65 phần trăm người Ba Tây tự nhận mình là Công Giáo, trong khi vào năm 1970, họ chiếm tới 92 phần trăm dân số. 

Làm ngạc nhiên một số người tại đây không quen với việc ngài tránh né những dây nhợ chằng chịt của quyền bính, Đức Phanxicô đã từ phi trường quốc tế tiến vào trung tâm Rio bằng một đoàn xe khiêm tốn, ngồi trong chiếc Fiat chật chội với cửa sổ mở toang. Dân chúng vây quanh chiếc xe, dơ tay về phía ngài trong khi chụp hình ngài bằng điện thoại di động. 

Với một số người tới Rio để được gần Đức Giáo Hoàng, sự thân cận và không mầu mè một lần nữa đã nói lên tấm gương sáng của vị giáo hoàng Dòng Tên từng xa lánh những chiếc giầy đỏ, những trang phục rườm rà và những căn phòng lộng lẫy. 

Emmnuel Soltero, 40 tuổi, người sản xuất một chương trình truyền hình cho trẻ em ở Puero Rico, phát biểu: “Dân chúng cần thấy một vị giáo hoàng khiêm tốn và không thuộc thế gian”. Ông tới đây với vợ và hai con trai để gặp Đức Giáo Hoàng tại Rio, nơi họ ngụ tại một trường công lập cùng với nhiều người Công Giáo khác tại Jardim América, một khu phố lao động gần các khu ổ chuột. 

Vị giáo hoàng mỉm cười

Nicole Winfield của Associated Press, ngày 23 tháng 7, cho rằng chuyến đi này đem lại nhiều hy vọng. Cô viết rằng “trở lại lục địa nhà lần đầu tiên kể từ ngày trở thành giáo hoàng, Đức Phanxicô mỉm cười rất tươi khi hàng ngàn người ùa tới xe của ngài vào hôm Thứ Hai sau khi bị nghẽn phía đàng sau các xe búyt và xe taxi vì tài xế đi lầm vào một đại lộ chính của trung tâm Rio. Đối với các viên chức an ninh, đó quả là cơn ác mộng, nhưng rõ ràng đó là cả một sảng khoái và là một cơ hội nữa để được gần vị giáo hoàng này”. 

Công chúng càng dễ dàng được gần chiếc xe chở Đức Phanxicô hơn khi không hề có những rào cản phân cách họ với đoàn xe của ngài. Người ta cũng không nhận ra hoạt động của các cảnh sát viên thường phục trong dịp này. 

Đức Phanxicô không những thanh thản mà còn muốn được gần dân hơn nữa. Ngài tự kéo cửa sổ xe xuống, vẫy tay về phía công chúng và chạm tới tay bất cứ ai vươn tới bên trong. Ngài còn ôm hôn một bé thơ do một phụ nữ trao cho ngài. 

Phát ngôn viên Federico Lombardi của ngài cho hay: “thư ký của ngài hoảng sợ, nhưng Đức Giáo Hoàng thì rất vui”. Ngài ở đây một tuần để tăng cường lòng đạo của tín hữu khắp nơi. Nhiệm vụ này mỗi ngày mỗi thách thức hơn, vì người Công Giáo càng ngày càng thích xa đàn, kể cả ở những pháo đài chắc chắn như Ba Tây. Tuy nhiên, Winfield cho rằng nhiệm vụ đó xem ra khá dễ dàng với Đức Phanxicô ngay trên đường từ phi trường tới địa điểm chào đón chính thức đầu tiên. Dân chúng hai bên đường say sưa la hò trong khi ngài vẫy tay và mỉm cười với họ. Nhiều người đứng sững khi thấy Đức Giáo Hoàng, nhiều người sụt sùi lớn tiếng. 

Vừa sụt sùi, cụ Idaclea Rangel, 73 tuổi, vừa nói khi đoàn xe của Đức Giáo Hoàng chạy qua: “tôi không thể tới Rôma, nhưng ngài tới đây để làm đất nước tôi tốt hơn... và để thâm hậu hóa đức tin của chúng tôi”.

Dù rất bình dân và nổi tiếng trong bốn tháng làm giáo hoàng vừa qua, nhưng theo Winfield, “sự nhiệt tình mà công chúng thường dùng để hoan hô Đức Phanxicô tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô chẳng là chi so với cuộc chào đón ồn ào náo nhiệt tại Rio”.

Đứng bên ngoài dinh Guanabara nơi Đức Giáo Hoàng được chính thức chào đón, Alicia Velazquez, một giáo sư nghệ thuật 55 tuổi đến từ Buenos Aires, chờ được nhìn ngắm người mà bà biết rõ khi ngài còn là tổng giám mục ở quê nhà. Bà tâm sự “thật diệu kỳ khi ngài được bầu, chúng tôi không tài nào tin được.Chúng tôi khóc và ôm lấy nhau. Tôi đích thân muốn thấy liệu ngài có còn là người đơn giản và khiêm nhường như chúng tôi từng biết hay không. Tôi tin rằng ngài vẫn như trước”. 

Đức Phanxicô biểu lộ lòng khiêm nhường ấy khi ngỏ lời với tổng thống Dilma Rousseff rằng ngài hiểu: muốn biết người Ba Tây, phải đi qua tâm hồn họ. “Do đó, xin cho tôi được gõ nhẹ vào chiếc cửa này... Tôi không có bạc cũng không có vàng, nhưng tôi đem theo của qúy giá nhất từng tiếp nhận được là Chúa Giêsu Kitô”. 

Đức Phanxicô tới giữa lúc Ba Tây căng thẳng vì những cuộc biểu tình bạo động diễn ra trong tháng qua, chống lại vật giá đắt đỏ, nạn tham nhũng, thiếu hiệu năng, chi tiêu quá đáng cho Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2014 và Thế Vận Hội năm 2016. Các cuộc biểu tình này tiếp tục diễn ra sau khi ngài tới. Cảnh sát và các người biểu tình đụng độ nhau ngay bên ngoài dinh chính phủ. 

Chính phủ chi khoảng 52 triệu cho cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng, nhưng xem ra ngài không phải là mục tiêu của cuộc biểu tình. Christopher Creidel, một sinh viên nghệ thuật 22 tuổi và là người quê ở Rio tham dự cuộc biểu tình này cho biết “Chúng tôi không có điều chi chống lại Đức Giáo Hoàng hết. Không ai ở đây chống lại ngài. Cuộc biểu tình này nhằm chống các chính khách của chúng tôi”. 

Trong khi ấy, phù hợp với chính sách quan tâm tới người nghèo của triều giáo hoàng này, Đức Phanxicô dự tính sẽ đi thăm một khu ổ chuột của Rio, gặp gỡ các thiếu niên phạm pháp. Alex Augusto, một chủng sinh 22 tuổi, mặc áo thung mầu xanh rực rỡ của Đại Hội, cho hay: thầy và 5 người bạn cùng từ São Paulo tới đây để “minh chứng rằng trái với niềm tin bình dân, Giáo Hội không phải chỉ gồm những người già, nó đầy người trẻ. Chúng tôi muốn cho thấy bộ mặt thực sự của Giáo Hội”. 

Người trẻ cấp tiến

Chỉ riêng Vincent Bevins của tờ Los Angeles Times, ngày 23 tháng 7, kéo chuông báo động: Tại Ba Tây, Đức Phanxicô có thể chạm trán với các người trẻ Công Giáo cấp tiến, là những người có quan điểm khác với hàng giáo phẩm trong các vấn đề như nữ giới làm linh mục, đồng tính luyến ái và phá thai. 

Theo cuộc thăm dò công bố hôm Chúa Nhật 21 tháng 7 của Viện Ý Kiến Và Thống Kê Công Cộng Ba Tây, đến 82 phần trăm người Công Giáo Ba Tây tuổi từ 16 tới 29 tin rằng họ phải được sử dụng thuốc viên “sáng hôm sau” để ngăn cản việc có thai, 72 phần trăm ủng hộ việc chấm dứt đòi hỏi linh mục phải độc thân, 62 phần trăm tin rằng phụ nữ nên được thụ phong. 

Phần đông người trẻ trả lời cho biết họ chống lại việc kết tội phá thai (62%) và 56% nói rằng họ chấp nhận “sự phối hiệp giữa những người đồng tính”. Loại hôn nhân này thực ra đã được hợp pháp hóa tại Ba Tây vào năm nay. 

Cuộc thăm dò này được thực hiện với 4,004 người rải rác khắp Ba Tây trong hai tháng Tư và Năm. Nó có biên tế sai lầm cộng trừ 2%. Victoria Carvalho, 19 tuổi, ngay sau khi được thấy Đức Phanxicô, đã nói rằng “kết hôn là một quyền mà người đồng tính nên được hưởng và ta không nên tước mất của họ, bất kể ta nghĩ thế nào”. Cô bảo cô dự Thánh Lễ thường xuyên nhưng không đồng ý với mọi giáo huấn của Giáo Hội, như việc ngăn cấm sử dụng áo mưa ngừa thai chẳng hạn. “Chúng tôi từng thấy nhiều người chạy qua các tôn giáo khác, như đạo Candomble (chịu ảnh hưởng Phi Châu) chẳng hạn, vì họ cởi mở hơn đối với thế kỷ 21”. 

Không thấy cô đề cập tới Giáo Hội Công Giáo “vườn nhà” của Ba Tây tức Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền Ba Tây (Brazilian Catholic Apostolic Church), một Giáo Hội được thiết lập năm 1945 bởi Dom Carlos Duarte Costa, một cựu giám mục Công Giáo của giáo phận Botucatu, hiện có tới 58 giáo phận với 7 triệu tín đồ tại 17 quốc gia khác nhau . Giáo Hội này vốn chấp nhận ly dị, ngừa thai, hôn nhân đồng tính; không chấp nhận quyền vô ngộ của giáo hoàng và luật độc thân của giáo sĩ. 

Chính vì khuynh hướng lỏng lẻo trên, người hành hương Rio được phân phối nhiều tài liệu nhằm củng cố giáo lý Công Giáo. Về đồng tính luyến ái chẳng hạn, tài liệu cho hay: “đứa trẻ cần cả cha lẫn mẹ để trưởng thành” và “cơ thể ta có dối trá với ta không? Chấp nhận lý thuyết đó là muốn xã hội ta dựa vào một ảo tưởng”. 
Nhưng, Leonardo Boff, một cựu linh mục Công Giáo và từng là một trong các thần học gia hàng đầu của Thần Học Giải Phóng, dù rất hoan nghinh chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, vẫn cho rằng Ba Tây mà Đức Phanxicô sẽ thấy trong những ngày tới sẽ không phải là Ba Tây của Công Giáo chính thống. “Người Ba Tây rất tôn giáo. Họ thấy Thiên Chúa trong mọi sự. Thiên Chúa không phải là một đối tượng của đức tin, mà của cảm nghiệm... Nhưng điều đó không có nghĩa họ là người của học lý trong cách sống đạo của mình. Đại đa số không theo tín lý Công Giáo vì họ không hiểu nó bao nhiêu. Người Ba Tây là Công Giáo theo văn hóa, chứ không phải Công Giáo chính thống”.
Lên đầu trang