Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/6 - 5/7/2012

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/6 - 5/7/2012: Tòa Thánh tố cáo trò hề tấn phong giám mục của cộng sản Trung quốc
VietCatholic Network7/5/2012
PdfEmail cho bạn bèIn RaTăng Cỡ ChữGiảm Cỡ ChữCỡ Chữ Ban Đầu


1. Đức Thánh Cha trao dây Pallium cho 43 vị Tổng Giám Mục chính tòa


Sáng ngày 29 tháng 6, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chủ sự thánh lễ mừng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và trao dây Pallium cho 43 vị Tổng Giám Mục chính tòa, là những vị đã được phong Tổng Giám Mục trong thời gian một năm qua.

Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, biểu tượng cho uy quyền của vị Tổng Giám Mục và cũng là một dấu chỉ sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô.

43 vị Tổng Giám Mục đến từ 27 quốc gia. Trong 43 vị Tổng Giám Mục có hai vị Hồng Y là Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục giáo phận Berlin, thủ đô nước Đức, và Đức Hồng Y Francisco Robles Ortega Tổng Giám Mục giáo phận Guadalajara bên Mêhicô. Xét về quốc tịch, có 7 vị Tổng Giám Mục là người Brazil, trong khi đó Hoa Kỳ, Canada và Philippines, mỗi nước có 4 vị; Italia và Ba Lan mỗi nước có 3 vị; Mêhicô, Ấn độ và Australia, mỗi nước có 2 vị. Đặc biệt có hai vị Tổng Giám Mục người Ghana và Canada cũng xin dây Pallium, nhưng không đến Roma được vì lý do sức khoẻ, và sẽ nhận dây này qua vị Sứ thần Tòa Thánh tại địa phương.

Trong số hơn 9 ngàn người hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô, có phái đoàn của tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức Tổng Giám Mục Emmanuel tại Pháp hướng dẫn, tiếp đến là 40 Hồng Y, lối 50 Giám Mục, và ngoại giao đoàn và chính quyền dân sự.

Nghi thức trao giây Pallium được tổ chức hàng năm vào ngày lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Nghi thức năm nay có hai điểm đặc biệt:

Điểm thứ nhất là tên của các vị Tổng Giám Mục được xướng lên trước khi Đức Thánh Cha tiến lên bàn thờ; và được cử hành ngay đầu buổi lễ, thay vì sau bài giảng như mọi khi, để nhấn mạnh rằng nghi thức này không phải là bí tích và để tránh cho việc cử hành Thánh Lễ bị “gián đoạn” vì một nghi thức khá dài, với khoảng hơn 40 vị Tổng Giám Mục mỗi năm.

Điểm thứ hai là có ca đoàn của Vương Cung Thánh Đường Westminster của Anh giáo ở Luân đôn cùng hát với ca đoàn Sistina của Tòa Thánh.

2. Kinh Truyền tin

Lúc 12 giờ trưa cùng ngày 29 tháng 6, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với hàng ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Hiện diện tại Quảng trường có nhiều đại diện các phong trào và hội đoàn của giáo phận Roma mang các biểu ngữ biểu lộ tình hiệp thông và hỗ trợ sứ vụ của Đức Thánh Cha, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trong bài huấn dụ ngắn, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô không phải chỉ chiếu sáng trên bầu trời Rôma mà thôi, nhưng còn ở trong tâm hồn mọi tín hữu, được giáo huấn và gương lành của hai vị soi sáng, đang tiến bước ở mọi nơi trên thế giới trên con đường đức tin, cậy, mến”.

“Trên con đường cứu độ ấy, cộng đồng Kitô được sự hiện diện của Thánh Linh Thiên Chúa hằng sống nâng đỡ, cảm thấy được khích lệ tiếp tục tiến bước mạnh mẽ và thanh thản trên con đường trung thành với Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng của Chúa cho con người mọi thời đại. Chính trong hành trình thiêng liêng và truyền giáo phong phú ấy có lễ nghi trao dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa mà tôi cử hành sáng nay tại Đền thờ Thánh Phêrô”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng nghi thức hùng hồn này nêu bật sự hiệp thông sâu đậm của cac vị Chủ Chăn với Người Kế vị thánh Phêrô, và mối giây liên hệ sâu xa nối kết chúng ta với truyền thống tông đồ. Đây chính là hai kho tàng thánh thiện, làm nền tảng cho sự hiệp nhất và tính chất Công Giáo của Giáo Hội: một kho tàng quí giá cần tái khám phá và sống thực với tất cả lòng nhiệt thành và dấn thân liên tục”

3. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng Trưởng Bộ giáo lý đức tin

Sáng thứ Hai 2 tháng 7, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Hồng Y William Joseph Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin kiêm chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh Ecclesia Dei (Giáo Hội của Thiên Chúa).

Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm người kế vị là Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller, cho đến nay là Giám Mục giáo phận Regensburg bên Đức. Cùng với việc bổ nhiệm này, Đức Cha Mueller được thăng Tổng Giám Mục, đồng thời ngài cũng sẽ đảm nhận chức vụ chủ tịch của 3 Ủy ban Ecclesia Dei, Kinh Thánh và Thần Học quốc tế.

Đức Tổng Giám Mục Mueller năm nay 65 tuổi, nguyên là giáo sư tín lý và lịch sử tín lý tại Đại học Ludwig Maximilians ở Munich từ năm 1986, trước khi được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Regensburg năm 2000. Đại học Ludwig Maximilians ở Munich là nơi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 từng làm khoa trưởng thần học trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Munich.

Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller là tác giả của hơn 400 tác phẩm triết và thần học, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn “Tín lý Công Giáo. Nghiên cứu và thực hành Thần Học”. Ngài từng là thành viên Ủy ban thần học quốc tế và thành viên Bộ giáo lý đức tin.

Đức Hồng Y Levada người Mỹ, năm nay 76 tuổi, nguyên là Tổng Giám Mục giáo phận Portland, Oregon, rồi làm Tổng Giám Mục San Francisco, trước khi được Đức tân Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm kế vị ngài trong chức vụ Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin hồi tháng 5 năm 2005. 10 tháng sau đó, Đức Tổng Giám Mục Levada được tấn phong Hồng Y.

4. Vụ Vatileaks:

Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba 3 tháng 7, cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết cuộc hỏi cung chính thức người cựu quản gia của Đức Thánh Cha, là ông Paolo Gabriele sẽ chấm dứt trong tuần này.

Ngài cho biết thêm “Trong tuần tới, Thẩm phán điều tra, là ông Piero Bonnet, sẽ quyết định về việc trả tự do cho ông Paolo Grabiele, hoặc quản thúc tại gia, và sau đó là việc xét xử. Tuy nhiên, nếu bị can bị đưa ra tòa xét xử, thì phiên tòa sẽ không diễn ra trước mùa thu năm nay”.

Ông Paolo Grabiele đã bị tạm giam từ ngày 24 tháng 5 tại Vatican vì bị cáo về tội lấy trộm và lưu giữ các tài liệu mật từ Dinh Tông Tòa.

Cha Lombardi nói: “Chính thức mà nói, ông Grabiele vẫn còn là bị can duy nhất trong vụ này, tuy nhiên đã có những người khác được hỏi và cần đợi xem có những người khác bị điều tra hay không. Ủy ban Hồng y điều tra (gồm 3 vị) tiếp tục công việc và cho đến nay các vị đã nghe 28 người. Ủy ban Hồng y dự kiến sẽ tường trình lên Đức Thánh Cha trước cuối tháng 7 này”

Trong những ngày qua, việc công bố các thư lấy cắp cho thấy một chủ ý rõ rệt là nhằm triệt hạ uy tín của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Liên quan đến vấn đề này hôm thứ Tư 4 tháng Bẩy Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến một lá thư của Đức Thánh Cha gởi Đức Hồng Y bày tỏ sự tín nhiệm hoàn toàn của ngài. Bức thư đề ngày thứ Hai 2 tháng 7 viết

“Áp ngày khởi hành đi Castel Gandolfo để lưu lại đây trong mùa hè, tôi muốn bày tỏ với Đức Hồng Y lòng biết ơn sâu xa vì sự gần gũi, cẩn trọng và vì sự cố vấn sáng suốt của Đức Hồng Y đã đặc biệt giúp đỡ tôi trong những tháng gần đây.

Tôi đau buồn nhận thấy có những lời phê bình chỉ trích bất công chống lại Đức Hồng Y, vì thế tôi muốn tái bày tỏ với Đức Hồng Y sự tín nhiệm của tôi, như tôi đã từng bày tỏ với Đức Hồng Y qua thư đề ngày 15 tháng 1 năm 2010, nội dung của thư này vẫn không hề thay đổi.

Trong khi tôi phó thác Sứ vụ của Đức Hồng Y cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng phù trợ các tín hữu Kitô, và của hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, tôi muốn gửi đến Đức Hồng Y, cùng với lời chào huynh đệ của tôi, Phép lành Tòa Thánh, như bảo chứng mọi thiện hảo mong ước.”

5. Đức Tổng Giám Mục Robert Bezak người Slovak bị cách chức

Một diễn biến đáng buồn là trong buổi họp báo sáng thứ Hai 2 tháng 7, cha Federico Lomardi cũng cho biết Đức Thánh Cha đã cách chức Đức Cha Robert Bezak, 52 tuổi, dòng Chúa Cứu Thế, khỏi chức vụ Tổng Giám Mục giáo phận Trnava, thuộc Cộng hòa Slovakia.

Một ngày trước đó, trong thánh lễ Chúa Nhật 1 tháng 7-2012, chính Đức Tổng Giám Mục Bezaks thông báo cho các tín hữu về việc mình bị cách chức bằng cách đọc một văn thư của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh về vấn đề này. Đức Giám Mục Phụ tá Jan Orosch được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám quản giáo phận.

Đức Cha Robert Bezak đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục giáo phận này hồi năm 2009, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Jan Sokol.

Phòng báo chí Tòa Thánh không cung cấp chi tiết gì về lý do vụ cách chức này, nhưng báo chí Slovakia cho biết hồi cuối tháng giêng và đầu tháng hai năm nay, Bộ Giám Mục đã cho thực hiện một cuộc thanh tra tông tòa tại giáo phận Trnava vì có những vấn đề trầm trọng thuộc lãnh vực quản trị và tài chánh, chứ không phải vì đời sống luân lý của vị Giám Mục này.

6. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1 tháng 7.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa Nhật 1 tháng 7, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hoạt động trong ngành y tế hãy biểu lộ lòng từ bi và yêu thương của Chúa cho các bệnh nhân.

Tham dự buổi đọc kinh có hàng ngàn tín hữu hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng gay gắt của mùa hè. 

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 13 thường niên hôm qua, với giai thoại Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành một em bé gái và một phụ nữ bị bệnh băng huyết. Đức Thánh Cha nói:

“Hai câu chuyện chữa lành bệnh này, đối với chúng ta, là một lời mời gọi hãy vượt lên trên quan niệm hoàn toàn theo chiều ngang và duy vật về cuộc sống. Chúng ta xin Chúa giải thoát khỏi bao nhiêu vấn đề, khỏi những khốn khó cụ thể, và đó là điều chính đáng, nhưng điều mà chúng ta phải nài nỉ cầu xin, chính là một niềm tin ngày càng vững chắc hơn bao giờ hết”

Sau khi ban phép lành, như thường lệ, Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Sloveni, Ba Lan và Italia. Ngài không quên gửi đến họ những lời nhắn nhủ thích hợp.

Với các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ thuộc giáo xứ thánh Augustino ở Guadalix. Ngài nói: “Trong Tin mừng hôm nay Ngài hồi sinh cho một bé gái để đáp lại lời cầu xin vững tin của cha cô. Trong phép lạ này chúng ta nhận ra một lời mọi gọi hãy vươn lên trong đức tin”

Đây là buổi đọc kinh truyền tin cuối cùng tại quảng trường Thánh Phêrô trước khi Đức Thánh Cha di chuyển đến dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo từ chiều thứ Ba, 3 tháng 7, và ngài chỉ trở lại Vatican vào cuối tháng 9 tới đây.

7. Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm Lebanon từ 14 đến 16 tháng 9. 

Hôm thứ Ba, Tòa Thánh đã đưa ra lịch trình chuyến tông du của ngài.

Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ Rome vào buổi sáng thứ Sáu ngày 14 tháng 9 và sẽ đến Beirut trong ngày. Ngài sẽ ký Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông.

Cha Federico Lombardi phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết:

"Buổi tối hôm đó, Đức Giáo Hoàng sẽ công bố Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông, và đọc một diễn từ tại Vương Cung Thánh Đường Harissa."

Vào ngày thứ Bảy 15 tháng Chín, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ tổng thống Li Băng là ông Michel Suleiman, và ngay sau đó, ngài sẽ có một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Phủ Tổng Thống. Buổi chiều, ngài sẽ gặp gỡ với các bạn trẻ Li Băng.

Sáng Chúa Nhật 16 tháng Chín, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ cử hành một Thánh Lễ đại trào. Chiều hôm đó, Đức Giáo Hoàng có một cuộc họp Đại kết.

Sau đó, ngài sẽ quay trở lại sân bay Beirut, và trở lại Rome vào khoảng 7 giờ tối cùng ngày.

8. Nếu bạn chỉ được viết trong vòng 50 từ về cuộc hôn nhân của bạn thì bạn sẽ viết những gì? 

Tổ chức Marriage Foundation đang mời mọi người chia sẻ kinh nghiệm của họ trên web. Tất cả mọi thứ từ lý do tại sao bạn kết hôn, đến những thách thức mà bạn đã vượt qua.

Mục tiêu của Tổ chức Marriage Foundation rất đơn giản: để tăng tỷ lệ hôn nhân và làm giảm tỷ lệ ly hôn. Ý tưởng này xuất phát từ Paul Coleridge, một chuyên gia về luật gia đình và là một thẩm phán Tòa án Tối cao, một người rất lo lắng về tỷ lệ ly dị cao trong xã hội Anh, về những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ và những ảnh hưởng lâu dài của tình trạng này trên trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong trang web của mình, www.marriagefoundation.org.uk, Tổ chức Marriage Foundation tuyên bố rằng 70% người phạm tội trẻ đến từ các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ. Nhưng thay vì chỉ tập trung vào những tác động tiêu cực của ly dị, Tổ chức này tập trung vào những mặt tích cực của hôn nhân. Từ sự ổn định về tài chính với thu nhập cao hơn, cho đến một cuộc sống gia đình lành mạnh và hạnh phúc.

9. Âm mưu tấn phong Giám Mục trái phép của nhà nước cộng sản Trung quốc:

Cũng trong cuộc họp báo sáng thứ Tư 4 tháng 7, Tòa Thánh đã cực lực lên án âm mưu tấn phong Giám Mục trái phép của nhà nước cộng sản Trung quốc sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu mùng 6 tháng 7 tại giáo phận Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang.

Thông cáo của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nêu rõ rằng việc tấn phong Giám Mục là một vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo không phải là vấn đề chính trị và phải được Đức Thánh Cha phê chuẩn.

Việc tấn phong Giám Mục trái phép là mưu toan nhằm gây chia rẽ, làm đau thương và gây căng thẳng trong các cộng đoàn Công Giáo tại Trung Hoa.

Đảng cộng sản Trung quốc đã định tấn phong Giám Mục trái phép cho linh mục Nhạc Phúc Sinh (岳福生) vào ngày lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô hôm 29 tháng Sáu vừa qua. Tuy nhiên, vì lý do nào đó đã dời lại vào ngày thứ Sáu 6 tháng 7.

Linh mục Nhạc Phúc Sinh, năm nay 48 tuổi, đã được Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cảnh cáo rằng nếu ông chấp nhận tấn phong Giám Mục trái phép thì sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết. Các Giám Mục Trung Hoa cũng được Tòa Thánh nhắc nhở rằng Giám Mục nào tham gia vào trò hề truyền chức này thì cũng bị vạ tuyệt thông tức khắc.

Thông tấn xã Asia-News cho biết là các tín hữu Công Giáo trong tỉnh Hắc Long Giang đã tổ chức các buổi cầu nguyện cho linh mục Nhạc Phúc Sinh nhận ra sai lầm và những thiệt hại to lớn mà Giáo Hội tại Trung Hoa phải gánh chịu nếu việc tấn phong trái phép diễn ra. 

Tuy nhiên, linh mục Nhạc Phúc Sinh, là một trong ba phó chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước, trong phát biểu với Tân Hoa Xã đã tỏ ra háo hức được tấn phong Giám Mục.

Trong những diễn biến mới nhất ghi nhận vào chiều ngày thứ Tư 4 tháng 7 sau khi Tòa Thánh ra thông báo lên án âm mưu tấn phong trái phép tại tỉnh Hắc Long Giang, Bộ Ngoại Giao Trung quốc đã phản kháng Tòa Thánh nói rằng việc tấn phong Giám Mục là công việc nội bộ của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tân Hoa Xã cũng lên tiếng chế riễu nói rằng vạ tuyệt thông của Tòa Thánh “không có tác dụng” đối với các Giám Mục Trung Hoa.

Trong một diễn biến khác, buổi tối thứ Tư, cha Triệu Hoành Xuân ( 趙宏春) , Giám Quản Tông Tòa giáo phận Cáp Nhĩ Tân đã bị công an Trung quốc bắt. Cha Triệu Hoành Xuân năm nay 39 tuổi đã được Đức Cha Nguỵ Cảnh Nghi (魏景儀) Giám Mục Hầm Trú của giáo phận Tề Tề Cáp Nhĩ (齊齊哈爾)phong chức linh mục vào năm 2004 và là linh mục hầm trú từ đó đến nay. Tháng 11 năm ngoái, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm cha làm Giám Quản Tông Tòa giáo phận Cáp Nhĩ Tân.

10. Tòa thánh đã lên án các cuộc tấn công diễn ra hôm Chúa Nhật 1 tháng Bảy tại hai nhà thờ Công Giáo trong thị trấn Garissa của Kenya. 

Vụ tấn công xảy ra ngay trong Thánh Lễ Chúa Nhật khiến 17 người chết và làm bị thương 50 người khác.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi mô tả các cuộc tấn công là "hèn hạ, khủng khiếp và đáng lo ngại".

Cha Lombardi cũng nói rằng các cuộc tấn công hôm Chủ Nhật của các nhóm khủng bố nhắm vào những nơi thờ phượng đã trở thành "một phương pháp đặc biệt có hiệu quả để phổ biến thù hận và sợ hãi".

Hai cuộc tấn công xảy ra đồng thời tại hai điểm khác nhau trong thành phố Garissa, một thị trấn gần biên giới với Somalia. Cha Lombardi cũng lưu ý "sự cần thiết phải tái khẳng định và bảo vệ tự do tôn giáo của các tín hữu Kitô”. Ngài kịch liệt phản đối hành vi vô trách nhiệm khi reo rắc hận thù giữa các tôn giáo.

Kể từ 2010 một số nước ở châu Phi, đặc biệt là Nigeria và Kenya, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công khủng bố của nhóm Hồi Giáo cực đoan Boko Haram.

11. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Bẩy.

Hàng tháng, Tòa Thánh đều công bố ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng nhằm mục đích để người Công giáo trên khắp thế giới hiệp cùng một ý cầu nguyện thống nhất. Đối với tháng tháng Bảy, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cầu nguyện để
 


Tỷ lệ thất nghiệp đã đạt đến 10% trong lực lượng lao động ở Ý, phản ánh nhiều vấn đề trầm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu hiện nay.

Đức Giáo Hoàng cũng xin cho "các Kitô hữu thiện nguyện viên khắp nơi trên thế giới có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô".

12. Các trường Đại Học của Dòng Tên thúc đẩy các lý tưởng dân chủ

Có hơn 100 trường Đại học do Dòng Tên điều hành trên toàn thế giới. Trường đại học Dòng Tên đầu tiên đã được thành lập tại thành phố Messina của Ý vào năm 1548. Kể từ đó, các trường Đại học do Dòng Tên điều hành đã mở rộng đến 27 quốc gia.

Ban Giám Hiệu từ các trường khác nhau đã tập trung tại Rôma để thảo luận về những khía cạnh liên quan đến Dân chủ, Văn Hoá và đạo Công giáo tại các quốc gia.

Nhiều tham dự viên cho biết một số các trường Đại học Dòng Tên đang phải đối phó với sự kiểm duyệt và các mối đe dọa khác liên quan đến tự do chính trị và tôn giáo.

Michael Schuck cho biết

"Indonesia là một trường hợp điển hình, ít nhất là với đạo Công giáo bởi vì dân số Công Giáo chỉ 3% dân số của Indonesia. Vì chỉ là thiểu số nên quyền tự do dân chủ và dân chủ là rất thiết yếu với chúng ta."

Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, Dòng Tên đã có 28 trường Đại Học. Nhiều trường trong số này cộng tác với các cộng đồng địa phương trong các sinh hoạt từ thiện.

Các trường tại Hoa Kỳ ghi nhận rằng một trong những vấn đề lớn nhất ở Mỹ là con số đông đảo các tù nhân và những khó khăn trong việc đưa các tù nhân trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội.

Giáo sư William O'Neal thuộc Đại học Santa Clara cho biết:

"Chúng tôi có tỷ lệ dân số bị bắt giam lớn nhất trên thế giới. Hơn 2 triệu người hiện đang bị giam giữ và nếu chúng ta chia thành chủng tộc và sắc dân thì 1 trong 10 người Mỹ gốc Châu Phi trong độ tuổi từ 19 đến 25 đang bị giam trong các nhà tù hay trong các trung tâm cải huấn của chúng tôi. "

Các tu sĩ Dòng Tên trong hội nghị đã trình bày công việc của họ sau 3 năm nghiên cứu về dân chủ hóa và văn hóa. Hy vọng của họ là đưa ra được một phản ứng thích hợp của người Công giáo trong những tình huống khác nhau của xã hội liên quan đến những vấn nạn của dân chủ hóa và văn hóa xã hội.

13. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đến nhà nghỉ Castel Gandolfo, một thị trấn nhỏ cách Rôma khoảng 32 km, để bắt đầu kỳ nghỉ hè. 

Trong tháng Bảy, ngài sẽ không có buổi gặp gỡ chung và cũng không có các tiếp kiến riêng nào trừ ra buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hàng tuần.

Ngày 01 Tháng Tám, ngài sẽ tiếp tục lịch trình bình thường của mình, bao gồm buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần.

Trong thực tế, chương trình cho những ngày này của Đức Giáo Hoàng không phải là hoàn toàn trống rỗng. Ngày 11 tháng 7, ngài sẽ tham dự một buổi hòa nhạc dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Barenboim, và sau đó vào ngày 15, ngài sẽ đến thăm thành phố Frascati của Ý.

14. Đức Giáo Hoàng tuyên bố Álvaro del Portillo, người kế vị Thánh Josemaría Escrivá, là bậc 'đáng kính'

Hôm 28 Tháng Sáu Đức Giáo Hoàng đã ký một sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của Alvaro del Portillo. Ngài là người kế đầu tiên của Thánh Josemaría Escrivá, người sáng lập Opus Dei và cũng là cộng sự thân cận nhất của đấng sáng lập Opus Dei.

Đây là bước quan trọng đầu tiên trong tiến trình phong chân phước. Nó có nghĩa là, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ghi nhận rằng "Don Alvaro" đã toả sáng các nhân đức Kitô một cách anh hùng trong cuộc sống của mình.

Alvaro del Portillo sinh ra tại Madrid, Tây Ban Nha vào năm 1914. Thân mẫu ngài là người Mễ Tây Cơ, trong khi thân phụ là người Tây Ban Nha. Ngài đã từng theo học Kỹ thuật Xây dựng trước khi học Triết học và Thần học.

Ngài là một trong những thành viên đầu tiên của Opus Dei và một cộng tác viên chính của Thánh Escrivá. Chính Thánh Escrivá đã khuyến khích Portillo trở thành một linh mục.

Ngài đã tham gia trong việc chuẩn bị Công Đồng Vatican II và trong Công Đồng đó. Ngài cũng từng là thư ký của Ủy ban kỷ luật các Giáo sĩ. Ủy ban này đã ban hành Nghị định Presbyterorum Ordinis liên quan đến vai trò của các linh mục.

Sau cái chết của Thánh Josemaría vào năm 1975, ngài được bầu làm người kế vị đầu tiên của Opus Dei.

Ngài đã lãnh đạo Opus Dei trong 20 năm. Trong thời gian đó, ngài mở rộng sự hiện diện của Opus Dei tại 20 quốc gia mới. Ngài cũng đưa ra các sáng kiến xã hội và giáo dục ở Congo, Nigeria, Philippines, Brazil, Tây Ban Nha và Ý, và thành lập Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma.

Ngài mất ngày 23 tháng Ba năm 1994 ở Rôma, chỉ vài ngày sau khi cử hành sinh nhật thứ 80. 

Quá trình phong chân phước cũng bao gồm việc phân tích những ưu và khuyết điểm trong cuộc sống và đức hạnh của ngài. Cho đến nay, 133 người đã được phỏng vấn. Trong số này, 62 vị thuộc Opus Dei. Trong số các nhân chứng có 19 hồng y, 12 tổng giám mục và giám mục.

15. Quân đội Ý duy trì truyền thống bắn đại bác hàng ngày trên đồi Janiculum tại Rôma

Đồi Janiculum tại Rôma là nơi ta có thể thấy một bức tranh toàn cảnh tốt nhất của thành phố Rôma. Ngọn đồi này cũng là địa điểm của một trong những trận chiến nổi tiếng nhất trong lịch sử La Mã, và cả trong lịch sử cận đại với cuộc chiến năm 1849.

Allesandro Cremona, một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật cho biết khi Cộng hòa La Mã chiếm nước của Đức Giáo Hoàng, quân Pháp đã tấn công để đưa Đức Giáo Hoàng trở lại Rôma.

"Janiculum bị quân đội Pháp pháo kích dữ dội. Vì vậy, nơi này đã bị phá hủy, nhiều người đã chết, và đã có nhiều hành vi anh hùng. "

Quân đội Pháp có thể đã giành được chiến thắng nhưng việc hình thành một nước Ý Đại Lợi độc lập không dừng lại được. Năm 1861, Italia đã trở thành một nước thống nhất kết thúc nước Đức Giáo Hoàng.

Hôm nay ngọn đồi đã được chuyển đổi thành một công viên với một bức tượng lớn tại trung tâm. Đó là tượng của Giuseppe Garibaldi, nhà lãnh đạo của các lực lượng Ý.

Bây giờ, đồi Janiculum là một trong những điểm du lịch thu hút vì hàng ngày vào buổi trưa đám đông khách du lịch có thể xem bắn đại bác vào giữa trưa.

Allesandro Cremona cho biết

"Truyền thống bắn đại bác hàng ngày vào đúng ngọ đã được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9 vào năm 1847. Ngài đã muốn phối hợp, điều chỉnh sao cho đúng vào một thời điểm duy nhất sẽ vang lên âm thanh từ tất cả các chuông của Rôma, mà theo truyền thống sẽ được đánh lên vào buổi trưa."

16. Liên Hoan Phim Công Giáo thế giới lần thứ 3.

Liên hoan phim quốc tế 3 Công giáo đã diễn ra tại Rôma từ ngày thứ 2 đến thứ 5. 

Sáng kiến này đã được đưa ra bởi Liana Marabini, một nhà đạo diễn và cũng là nhà làm phim Ba Lan. 

Hoạt động này được bảo trợ bởi Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và được chủ trì bởi Đức Hồng Y Ravassi.

Trong bối cảnh Giáo Hội đang chuẩn bị cho Năm Đức Tin mà trọng tâm là Tân Phúc Âm Hóa, hội nghị này có một tầm quan trọng đặc biệt.

Liana Marabini Chủ tịch Liên hoan phim Công giáo quốc tế cho biết

"Mục đích của hội nghị là liên kết lại với nhau, để giới thiệu mạnh hơn về không chỉ là các nhà làm phim mà còn các đạo diễn, biên kịch, các tài tử, các nhà sản xuất, phát hành các bộ phim Công giáo. Tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng trong thực tế. "

Bộ phim mà quý vị và anh chị em đang xem là bộ phim “The War of Vandeé” của Hoa Kỳ. Ngoài bộ phim này hai bộ phim khác là “Churchmen” của Pháp và “A Song” của Tây Ban Nha đã thu hút đặc biệt sự chú ý của các tham dự viên.
 
(source: vietcatholic.net) 
 
 
Lên đầu trang