BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
7 Thưa anh em, khi còn sống kiếp
phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài
xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có
lòng tôn kính.8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều
đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã
tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai
tùng phục Người.
ĐÁP CA: Tv 30
Đ. Lạy Chúa, xin lấy tình thương mà cứu độ con. (c
17b)
2 Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin
đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con,3a
ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.
3bc Xin Ngài nên như núi đá cho con
trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. 4 Núi đá và thành luỹ bảo vệ
con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.
5 Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra
khỏi, vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài. 6 Trong tay Ngài, con xin
phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín.
15 Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi
Ngài, lạy Chúa, dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con.
16 Số phận con ở trong tay ngài. Xin giải thoát con khỏi tay địch
thủ, khỏi người bách hại con.
20 Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng
nhân hậu, Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài, và thi thố trước mặt phàm nhân cho ai
tìm đến Ngài nương náu.
BÀI GIẢNG
MARIA ĐỒNG
CÔNG CỨU CHUỘC
Thân xác Đức Giê-su được Đức
Ma-ri-a ban tặng, Ngài đã bị giết chết, nhưng chỉ sau ba ngày Ngài sống lại
toàn thắng sự dữ, đánh gục thần chết. Nhưng khi Ngài đến với các môn đệ lại
thấy thân thể Ngài còn mang thương tích (x Ga 20,27). Đó là dấu chỉ những người
được Chúa cứu độ là các chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Ngài còn phải đổ máu.
Thánh Phao-lô nhận ra vết tử thương ấy là lời mời gọi các Ki-tô hữu phải chấp
nhận gian khổ khi phục vụ Tin Mừng để bù vào những gì còn thiếu sót trong cuộc
Tử Nạn của Đức Giê-su vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh (x Cl 1,24). Đức Ma-ri-a, Mẹ
Thiên Chúa cũng là Mẹ Hội Thánh đứng đầu trong việc cộng tác này. Bởi vì Mẹ
phải trả giá tiếng Xin Vâng trong ngày Truyền Tin không chỉ trên môi miệng, mà
thể hiện trong suốt cuộc đời của Mẹ đi trong u tối của niềm tin, gặp đầy chông
gai đau khổ. Hội Thánh quen gọi là Bảy Sự Đau Đớn của Đức Ma-ri-a. Con số bảy ở
đây không phải là con số toán học, nhưng là số biểu tượng về sự phong phú bất
tận và hoàn hảo. Truyền thống trong Hội Thánh thường nhìn nhận Bảy Sự Đau Đớn
của Đức Ma-ri-a đó là :
1/ Ông Giuse định tâm
bỏ Đức Ma-ri-a.
Sau ngày Truyền Tin, ông Giu-se
chồng Đức Ma-ri-a biết bạn mình có thai làm ông hoảng sợ. Sợ vì biết bạn mình
công chính mà lại tố cáo nơi pháp luật? Bạn mình mang thai Con Thiên Chúa mà
lại không được trao phó cho ông sứ mệnh làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, làm sao ông
dám nhận ? Bởi đó sự lo âu của ông Giu-se cũng chính là sự đau khổ nơi Đức
Ma-ri-a (x Mt 1,19).
2/ Ngày Mẹ sinh Con
không nơi nương nhờ.
Vì theo lệnh của hoàng đế Augusto,
ông Giu-se và Đức Ma-ri-a phải trở về Bethlem khai hộ khẩu, thời điểm này Đức
Ma-ri-a đến ngày lâm bồn, cả hai ông bà đi tìm nơi sinh Con Thiên Chúa, nhưng
vào thành gõ cửa xin ngụ nhờ, đều bị chối từ “không có chỗ cho ông bà” (Lc 2,7).
3/ Con Đức Ma-ri-a bị
vua Hê-rô-đê lùng giết.
Đức Ma-ri-a vừa mới sinh Con, thì
nghe một hung tin từ thiên thần đến báo mộng “phải đưa Con trẻ trốn qua Ai Cập,
nếu không nhanh chân sẽ bị Hê-rô-đê giết Hài Nhi”. Thế là hai ông bà
trong đêm khuya vắng lặng ầm thầm bồng Con chạy trốn! (x Mt 2,13t)
4/ Lưỡi gươm thiêng
đâm vào tim Đức Ma-ri-a.
Ngày Đức Ma-ri-a dâng Con vào Đền
Thờ, Mẹ đã nghe ông Si-mê-on nói tiên tri: “Trẻ
này làm cho nhiều người chỗi dậy, đồng thời nhiều kẻ bị bổ nhào, và một lưỡi
gươm sẽ đâm vào lòng Bà” (Lc 2,34-35). Đức Ma-ri-a nghe lời ấy, ba mươi ba
năm suy đi nghĩ lại thấy đau đớn trong
lòng. Quả thật ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lời ông Si-mê-on tiên báo đã ứng nghiệm:
Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn Con đã chết, thế mà tên lính Roma không buông
tha, chúng dùng gươm ngoáy nát tim Con, lúc ấy Đức Giê-su không biết đau vì đã
chết, nhưng lòng Mẹ vô cùng tan nát ! (x Ga 19,33-37).
5/ Đức Ma-ri-a lạc mất
Con!
Đức Giê-su theo cha mẹ lên Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem, sau buổi lễ Ngài trốn cha mẹ ở lại để sinh hoạt giáo lý với các
bậc tấn sĩ. Cha mẹ Ngài ba ngày vất vả lo
lắng đi tìm Con, dò hỏi khắp nơi nhưng không thấy, cuối cùng hai ông bà trở lại
Đền Thờ mới tìm thấy Con. Đức Ma-ri-a trách nhẹ Con: “Tại sao Con ở đây làm cho cha mẹ phải đau khổ đi tìm”. Đức Giê-su
không xin lỗi lại thản nhiên thưa rằng: “Tại
sao cha mẹ lại tìm Con, cha mẹ không biết rằng Con hằng ở trong Nhà Cha Con sao?”
Câu nói ấy làm Đức Ma-ri-a suy đi nghĩ lại trong lòng (x Lc 2,41t).
6/ Thiên Chúa tráo đổi
Con thật của Mẹ.
Xưa kia hai phụ nữ nằm chung giường với con của mình, một bà đã
đè chết con rồi tráo đứa chết cho bà bên cạnh! Khi bà kia thức dậy biết xác đứa
bé không phải là con mình, thế là hai bà cãi nhau, dành đứa sống là con mình!
Vua Sa-lô-môn phân xử cho hai bà, ông nói: “Mỗi
bà cầm một chân em bé, ta chẻ đôi mỗi bà một nửa”, người mẹ thương con, nên
nhường con cho bà kia. Vua Sa-lô-môn thấy vậy liền lên tiếng xác nhận: “Bà
nhường em bé đích thực là mẹ nó” (x 1 V 3, 16-28).
Trong ngày Truyền Tin, Thiên Chúa hứa ban cho Đức Ma-ri-a
sinh Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32), thế mà ba mươi ba năm sau, ở đồi Sọ, Đức
Giê-su lại nói “Gioan mới là con Bà”
(x Ga 19,25-27: Tin Mừng). Như vậy vua Sa-lô-môn đã phân xử công bằng, không để
chuyện tráo đổi con xảy ra. Thế mà Thiên Chúa lại tráo đổi “Con Đấng Tối Cao”
là Con thật của Mẹ để nhận lại một phàm nhân yếu đuối là Gioan !?
7/ Vì tham tiền loài
người tiếp tục chôn Con Mẹ đã Phục Sinh.
Lý do Con Đức Ma-ri-a bị nộp cho
kẻ ác chỉ vì Giu-đa người môn đệ của Đức Giê-su tham 30 đồng bạc (x Mt 26,15).
Nhưng chỉ ba ngày sau, Con Mẹ từ cõi chết sống lại là nguyên nhân làm cho mọi
người thoát tay tử thần, để được sống dồi dào hạnh phúc như Thiên Chúa. Thế mà
dân Chúa chọn lại nghe các chú lính tham tiền, đã nhận đút lót của các vị kỳ
mục Do Thái nên phao tin đồn nhảm: “Chúng
tôi có nhiệm vụ canh gác mộ ông Giê-su, khi chúng tôi ngủ, môn đệ của ông đến
trộm xác đưa đi mất!” (x Mt 28,11-15). Như thế là họ làm vô hiệu hóa công
ơn cứu chuộc của cả hai Mẹ-Con!
Sở dĩ Đức Ma-ri-a đã cộng tác với
Con, chia sẻ nỗi đau khổ trong sứ mệnh cứu đời, là vì cả đến Giê-su Con Mẹ, “dầu là Con Thiên Chúa, Ngài cũng phải trải
qua đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục. Và một khi thành toàn, Ngài nên
nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5,8-9:
Bài đọc).
Suốt cuộc đời nghiệt ngã của Đức
Ma-ri-a chịu bao nỗi đau khổ, xem ra Thiên Chúa đã nói dối Mẹ, vì trong ngày Truyền Tin, Mẹ được nghe Chúa
hứa ban phúc lành :
-
Bà
đầy ân sủng (x Lc 1,28).
-
Con
Bà là Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32)
-
Bà
là người có phúc hơn mọi người phụ nữ (x Lc 1,42).
Vì thế, Đức Ma-ri-a cất tiếng ngợi
khen Chúa: “Muôn đời khen tôi có phúc”
(x Lc 1,48b).
Thế mà trong ngày Thứ Sáu Tuần
Thánh, những ơn phúc trên trở thành “thung lũng đầy nước mắt” (kinh Lạy Nữ
Vương). Nhưng đã không quật ngã được Đức Ma-ri-a. Mẹ vẫn ĐỨNG dưới chân Thập
Giá như một dũng tướng đứng chỉ huy mặt trận giữa thiện-ác, Mẹ đã lèo lái con
thuyền Giáo Hội lúc gặp phong ba bão tố kinh hoàng nhất. Xưa kia, Chúa dạy ông
Noe rất chi tiết về việc đóng tầu, thế mà phần quan trọng nhất của tầu là bánh
lái, thì không thấy Chúa bảo làm (x St 6-8). Bởi vì tầu Noe đó chính là Hội
Thánh, bánh lái sau này Chúa mới lắp vào con tầu, đó là Đức Ma-ri-a !
Vậy lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con
được bú sữa Đức Tin của Mẹ, chúng con đang gặp thử thách gian nan, vì Mẹ là
Đấng Đồng Công Cứu Chuộc với Con Mẹ là Đấng “lấy tình thương mà cứu độ chúng con” (Tv 31/30,17b: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài cũng phải
trải qua đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục. Vàmột khi thành toàn, Ngài nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho tất
cả những ai vâng phục Người (Dt 5,8-9)