Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Ngày 14 tháng 9-LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)





BÀI ĐỌC : Ds 21, 4b-9
4b Trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn.5 Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng: "Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này."
6 Bấy giờ ĐỨC CHÚA cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết.7 Dân đến nói với ông Mô-sê: "Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân.8 ĐỨC CHÚA liền nói với ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống."9 Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.
ĐÁP CA : Tv 77
Đ.        Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm. (x c 7b)
1 Dân tôi hỡi, này nghe tôi dạy bảo, lắng tai đón nhận lời lẽ miệng tôi. 2 Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ, công bố điều huyền bí thuở xa xưa.
34 Khi Chúa giết họ, họ mới đi tìm Chúa, mới trở lại và mau mắn kiếm Người, 35 mới nhớ rằng: Thiên Chúa là núi đá họ ẩn thân, Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ.
36 Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người;37 còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó, chẳng trung thành giữ giao ước của Người.
38 Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí.
BÀI ĐỌC : Pl 2, 6-11
6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ,muôn vật phải bái quỳ;11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG :
Hall-Hall : Muôn lạy Chúa Ki-tô, chúng con tôn thờ và chúc tụng Chúa, đã dùng cây thập giá mà cứu chuộc trần gian. Hall.
TIN MỪNG : Ga 3, 13-17
13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
 
BÀI GIẢNG
CÂY THẬP GIÁ LÀ CÂY SỰ SỐNG
 
A. LỊCH SỬ LỄ KÍNH THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU
Chúng ta biết 300 năm đầu, Giáo Hội Mẹ Roma bị đế quốc  Roma trù dập, nhất là triều đại  vua Nê-rô, những tín hữu thời ấy sinh hoạt tôn giáo trong các hang toại đạo, là nghĩa trang ngầm dưới đất, họ lợi dụng Luật Roma không cho phép ai động đến nơi có mồ mả. Tuy nhiên nếu bị phát hiện ai là người Công Giáo thì phải chịu những hình khổ kinh hoàng : người thì quăng cho thú dữ ăn thịt, kẻ khác bị treo trên cây gỗ và đốt lửa dưới chân… Suốt 300 năm, các tín hữu thời sơ khai ở Roma không thể xây Nhà Thờ được.
Năm 312, tướng Constantino đưa bốn vạn quân đánh chiếm thành Roma, quân đội Roma đông gấp ba lần cùng với những chiến hào và nhiều vũ khí tối tân, tướng  Constantino khó mà thắng được. Khi Constantino đưa quân bao vây thành Roma, ông cầu nguyện với Chúa rằng : “Lạy Chúa, tuy tôi là người ngoại đạo, tôi xin Chúa cho tôi dấu chỉ có thắng được Roma hay không? Nếu tôi đánh chiếm được thành này, tôi sẽ không bao giờ quên ơn Chúa”. Vừa dứt lời cầu nguyện, ông nhìn lên trời thấy lá cờ Thập Giá bay phất phới với hàng chữ “cứ dấu này ngươi chiến thắng”. Constantino hết sức vui mừng, ông ra lệnh cho binh lính phải khắc trên cán gươm hai chữ PX, đây là chữ tắt của tiếng Hy Lạp, có nghĩa là Chúa Ki-tô. Sau đó tướng Constantino ra lệnh tấn công, thế là quân đội ông mạnh như vũ bão ào ạt tràn vào thành, quân Roma không kịp trở tay, chính họ dùng gươm giết lẫn nhau, vì họ muốn chống lại vị chỉ huy của họ !
Sau chiến thắng đó, vua Constantino ra lệnh cho toàn đế quốc Roma phải tôn trọng đạo Công Giáo, và ông ký hiệp ước ở Osti bảo đảm quyền tự do sinh hoạt của người Công Giáo. Ông dâng cung điện của ông để làm Đền Thờ đầu tiên của Giáo Hội Roma. Đó là Đền Thờ Laterano, trong Phụng Vụ Hội Thánh hằng năm vẫn dành riêng ngày 09 tháng 11 để kính nhớ việc cung hiến Đền Thờ này. Từ đó, vua Constantino ra lệnh cho toàn đế quốc Roma cho phép người Công Giáo được tự do xây Đền Thờ.
Năm 326, bà Hêlêna, mẹ của vua Constantino cũng vì nhớ ơn Chúa ủng hộ cho con bà thành công, bà đã cho người đi tìm Thánh Giá Chúa và người ta đào bời đồi Golgotha, gặp một nơi có ba cây thập giá nằm gần nhau, người ta đoán đây là nơi Chúa Giê-su bị đóng đinh với hai tên trộm. Nhưng không biết đâu là Thập Giá của Chúa Giê-su. Lúc ấy, người ta đưa đến những người tàn tật, què quặt, đui mù, sờ vào ba cây thập giá, riêng chỉ có một cây bệnh nhân nào đụng đến đều được lành mạnh. Đó là dấu chỉ người ta xác định là Thập Giá Chúa Giê-su. Bà Hêlêna chia Thập Giá thành hai phần, một nửa để ở Giê-ru-sa-lem, một nửa lưu lại Roma cho vua Constantino.
Năm 628, vua Ba-Tư là Coroet chiếm thành Giê-ru-sa-lem và cướp phần Thập Giá đưa về Ba Tư. Sau này vua Heralius chiếm được thành Giê-ru-sa-lem, ông đòi Coroet phải trả lại phần Thập Giá đã cướp đi từ Giê-ru-sa-lem.
Thứ Sáu Tuần Thánh năm ấy, vua Heralius cho tổ chức rước phần Thập Giá mà ông mới chiếm lại được đưa lên đồi Golgotha để cử hành lễ Mở Khăn. Chính vua mặc áo cẩm bào vác Thập Giá. Trong đoàn rước đó có Giám mục Dacaria chủ sự. Đoàn rước đi được một quãng đường, thì tự nhiên vua Heralius ngã xuống, nhiều người đến nâng vua dậy để tiếp tục cuộc rước, nhưng vua không thể chỗi dậy được. Lúc đó Giám mục Dacaria lên tiếng nói : “Vua không thể chỗi dậy vác Thập Giá được, vì vua không giống Chúa Giê-su ! Chúa Giê-su xưa kia bị lột trần như tên nô lệ vai vác thập giá, còn vua thì mặc áo lộng lẫy, nên không thích hợp để vác Thập Giá của Chúa”. Vua nghe thế, ông liền cởi áo cẩm bào và thay áo thường dân, lúc đó vua mới đứng dậy tiếp tục vác Thập Giá lên đồi Sọ!
 
B. GIÁO HUẤN
Dựa vào lịch sử trên đây cũng như dựa vào các Bài đọc trong Phụng Vụ của Thánh Lễ này, cho ta những điểm giáo lý để thực hành.
1/ Phải trở nên kẻ thấp hèn trong nhân loại mới được cộng tác với Chúa Giê-su để cứu người.Thực vậy khi vua Heralius còn mặc áo cẩm bào, là người cao cả nhất trong cuộc rước, thì vua không thể vác Thập Giá của Chúa được. Nhưng khi vua mặc áo thường dân, giống như ông Simon thành Kyrênê là một nông dân, mới vác đỡ Thập Giá cho Đức Giê-su (x Lc 23, 26t). Bởi vì Chúa Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài đã không giằng lấy chức đồng hàng cùng Thiên Chúa, Ngài đã tự hủy mình ra không, đem thân đội lốt người phàm, Ngài mới thi hành chương trình cứu độ loài người do Chúa Cha thiết định,để rồi Ngài trở nên nguyên nhân cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Ngài, và từ đó mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ngài là Đức Chúa (x Pl 2,6-11 : Bài đọc II).
2/ Lễ Kính Thánh Giá Chúa Giê-su không phải là mừng cây gỗ đã treo Chúa Giê-su lên mà bà Hê-lê-na đã tìm được, nhưng đó chỉ là dấu chỉ Chúa dùng để cứu dân Ngài suốt ba trăm năm bị đế quốc Roma trù dập. Và như vậy, xem ra cái chết nhục nhã của Chúa Giê-su và sự sống lại vinh hiển của Ngài chưa thắng được bạo lực Roma, nên nhiều tín hữu thời ấy đã đón nhận lấy đau khổ vì đạo Chúa trong suốt 300 năm. Đó là họ cộng tác với Chúa Giê-su chịu đau khổ “để bù vào những gì còn thiếu trong cuộc Tử Nạn của Ngài, vì Hội Thánh là Thân Mình Ngài” (x Cl 1,24).
3/ Chúa dùng bàn tay người ngoại giáo là vua Constantino để giải phóng cho người Công Giáo, để làm mẫu cho những người Công Giáo xây Đền Thờ tôn kính Chúa. Sự chiến thắng của vua Constantino hoàn toàn dựa vào sức mạnh và tình thương của Chúa. Bởi vậy “Chúa là Cờ Trận” của ông (x Xh 17,15).
Ta biết nước Hoa Kỳ trong biến cố Tháp Đôi bị bọn khủng bố đánh sập vào ngày 11 tháng 09 năm 2001, chính phủ Mỹ không kích động dân phải tìm cách trả thù, nhưng họ đã động viên mọi người thắp nến cầu nguyện cùng Thiên Chúa, họ bị nạn vào ngày 11, họ không chọn ngày 12 hay ngày 13, nhưng đã chọn ngày 14 tháng 09, ngày Lễ Kính Chiến Thắng Thánh Giá Chúa Giê-su để hợp với Phụng Vụ Công Giáo trên thế giới cùng xin Chúa biến dữ ra lành. Hành động Đức Tin của nước Mỹ đã chứng minh rằng họ chọn Chúa lãnh đạo dân tộc. Bởi đó cho đến nay, nước Mỹ vẫn là nước đang lãnh đạo thế giới. Họ thật xứng đáng với Lời Kinh Thánh  : “Phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể” (Tv 144/143,15). Cũng chính vì vậy mà trên đồng tiền của Mỹ, từ đồng lớn đến đồng nhỏ luôn có hàng chữ “In God We Trust” (Chúng tôi tín thác vào Thiên Chúa).
4/ Chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn năng biến dữ ra lành. Bởi vì cội nguồn của thập giá là dấu dữ, người Roma dùng để hành quyết các tử tội. Nhưng hôm nay dấu thánh giá (dấu thập +), cả nhân loại lại dùng làm dấu biểu lộ lòng thương xót cứu giúp người đau khổ, vì thế trên cổng bệnh viện và các xe cứu thương đều có dấu này. Vậy dấu dữ đã biến thành dấu lành chỉ vì Con Thiên Chúa toàn năng,đầy tình thương đã nằm trên đó để hiến mạng sống cho nhân loại.
5/ Qua Cây Thập Giá ta nhìn thấy Cây Sự Sống. Như lời thánh Gioan nói : “Khoảng giữa công trường và hai bên doành nước có Cây Sự Sống, đơm quả mười hai lần, tháng nào sinh quả nấy, lá cây dùng để chữa lành các dân ngoại. Phúc cho những ai đã giặt áo mình trong Máu Con Chiên, chúng sẽ được quyền trên Cây Sự Sống, và được ngang qua cổng mà vào thành. Và ai bỏ bớt Lời trong Sách Thánh, Thiên Chúa sẽ bớt phần kẻ ấy hưởng nơi Cây Sự Sống” (Kh 22,2.14.19).
6/ Đức Giê-su bị đóng đinh và sống lại trên đồi Sọ, truyền thuyết cho rằng sọ ấy là đầu của Adam đã chết vì bất phục tùng ý Chúa. Nay Adam cuối cùng là Chúa Giê-su hoàn toàn tuân phục ý Chúa Cha, nên dù trên đồi Sọ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có ba cây thập giá, nhưng mang ý nghĩa khác nhau :
-          Cây Thập Giá của Đấng vô tội sinh trái Sự Sống cho muôn người tin vào Ngài là Chúa đến hưởng dùng.
-          Cây thập giá của tên trộm lành, nhờ hắn biết sám hối và trông cậy vào lòng thương xót của Chúa Giê-su, thì cây thập giá ấy đã trở thành phương tiện đưa hắn là người đầu tiên trong nhân loại vào Thiên Đàng (x Lc 23,43).
-          Cây thập giá của tên trộm dữ, vì hắn không sám hối tội cũng không trông cậy vào Chúa Giê-su, nên cây thập giá ấy đã trở thành dấu án phạt làm cho hắn mất phúc đời đời (x Lc 23,39).
7/ Con đường thập giá Đức Giê-su đi là con đường duy nhất đưa đến vinh quang. Như Ngài đã nói : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuốngNhư ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,13-15 : Tin Mừng).
Lời này Đức Giê-su cho ta thấy đạo Chúa khác với mọi tôn giáo khác, vì nguồn gốc đạo Công Giáo phát xuất từ Trời đến nâng mọi vật trên trái đất lên Trời, tức là làm cho vạn vật trên mặt đất này, đặc biệt là con người được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Các tôn giáo khác, nếu có giá trị cũng chỉ là những sáng kiến cố gắng của con người để nâng đồng loại vươn lên, lên cao hay thấp tùy theo giá trị của tôn giáo đó phù hợp nhiều hay ít với những chân lý của Lời Chúa :
 
 
 
 
Đức Giê-su nhắc lại truyện dân Do Thái phản bội Chúa, bị rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn chết 23.000 người trong nội trong một ngày (x 1Cr 10,8). Dân kêu cầu ông Mô-sê, và Chúa bảo ông đúc rắn đồng trên lên cán cờ, ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì thoát chết (x Ds 21,4-9 : Bài đọc I và Ga 3,14 : Tin Mừng), là Đức Giê-su muốn khẳng định : Ai chết vì tội lỗi,  hãy nhìn lên Ngài trên Thập Giá, thì được sống ! Nhìn Chúa Giê-su trên Thập Giá, cụ thể chính là lúc ta đi hiệp dâng Thánh Lễ, là hiện tại hóa cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su, ta sẽ được hưởng nhờ Quả Phúc Cây Thập Giá, bởi vì nhờ Cây Thập Giá ban Quả Phúc Trường Sinh, và Chúa nuôi dưỡng ta nơi bàn tiệc Thánh Thể (Lời Nguyện Mở Đầu và Kết Thúc Thánh Lễ). đúng với Lời Kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ hôm nay Hội Thánh dâng lời tạ ơn Chúa : Cha đã dùng Cây Thập Giá để ban ơn cứu độ cho loài người. thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ Cây Thập Giá lại được sống muôn đời ; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm, nay thảm bại vì Cây Thập Giá của Đức Ki-tô, Chúa chúng con .
Vậy “anh em đừng quên lãng những việc Thiên Chúa làm” (Tv 78/77, 7b : Đáp ca).
THUỘC LÒNG
-          Thiên Chúa là cờ trận của tôi ! (Xh 17,15)
-          Tôi không muốn biết gì ngoài Đức Ki-tô Giê-su bị đóng đinh thập giá. Phần tôi, ước gì tôi đừng có vênh vang nơi một điều gì trừ phi là nơi thập giá của Chúa chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, nhờ đó thế gian đã bị đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian (1Cr 2,2 ; Gl 6,14).
 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: