Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI  ĐỌC I : 1V 17,10-16

            Ngày ấy, 10 ngôn sứ Ê-li-a liền đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: "Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống."11 Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: "Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa! "12 Bà trả lời: "Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết."13 Ông Ê-li-a nói với bà: "Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà.14 Vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này: "Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày ĐỨC CHÚA đổ mưa xuống trên mặt đất."

15 Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày.16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời ĐỨC CHÚA đã dùng ông Ê-li-a mà phán.

ĐÁP CA : Tv 145

Đ. 1b Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !

6b Chúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, 7a xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn.

7b Cha giải phóng những ai tù tội,8 Cha mở mắt cho kẻ mù lòa.Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính.

9 Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.10 Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,Xi-on hỡi,Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

BÀI  ĐỌC II : Dt 9,24-28

            24 Thưa anh em, 24 Đức Ki-tô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.25 Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh.26 Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.27 Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.28 Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : Mt 5,3

            Hall-Hall : Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Hall.

TIN MỪNG : Mc 12,38-44

                38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn."

                41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

           

BÀI GIẢNG

 SỐNG ĐẠO LÀ ĐỜI HIẾN TẾ

            Đọc Tin Mừng của tác giả Marcô, các đối thủ của Đức Giêsu xuất hiện lần cuối cùng bằng câu hỏi : “Điều răn nào trọng nhất ?” (x Mc 12,28) Và Đức Giêsu đã khoá họng chúng qua câu hỏi : “Ông Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa, bởi đâu Ngài lại là con của ông ?” Dân chúng thích thú nghe lời Đức Giêsu giảng dạy, và Ngài còn nhắc nhở dân hãy coi chừng lối sống đạo giả hình của các ký lục (x Mc 12,38-40: Tin Mừng). Sau cảnh này, Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ của Ngài : Hãy nhìn suy về một bà góa chỉ bỏ có hai trinh (tiền kẽm) vào thùng tiền Nhà Thờ lại được Ngài khen bà đã bỏ nhiều hơn mọi người khác (x Mc 12,41-44: Tin Mừng). Chắc chắn là Ngài muốn ám chỉ đến cuộc Tử nạn của Ngài – bị các đối thủ giết sau câu hỏi về Điều răn trọng nhất do chúng đặt ra – vì hình ảnh người đàn bà góa nghèo khổ chỉ có hai trinh đã dâng hết vào đền thờ mà trở nên giá trị hơn mọi người khác ! Bà góa đó phải là Đức Maria đã hiến dâng cuộc đời mình và Người Con yêu dấu của Mẹ qua Hy tế thập giá.

            Hy tế tuyệt hảo ấy đã thay thế cho mọi kiểu dâng hiến trong Do Thái giáo chỉ dâng của cải vật chất, chỉ nhằm hình thức khoe khoang,và phải dâng đi dâng lại nhiều lần, không sinh hiệu qủa cứu độ cho ai ! Trái lại, Đức Giêsu chỉ dâng một lần qua Khổ Nạn của Ngài là đủ cất tội lỗi của dân (x Dt 9,24-28 : Bài đọc II).

            Khi thiết lập Hy tế mới này, Đức Giêsu đã truyền cho Hội Thánh phải tiếp tục để nhớ đến Ngài (x Lc 22,19). Bởi đó, qua Phụng vụ Chúa nhật này, Hội Thánh dạy các tín hữu nối dài và mở rộng Hy tế độc nhất của Ngài qua các thời đại, bằng cách sống đạo cụ thể :

  1. Hành động theo Lời Chúa.
  2. Làm lành với tất cả tấm lòng quảng đại, chỉ cần Chúa biết là đủ.
  3. Của lễ tiến dâng là tấm lòng tan nát giày vò vì tội lỗi, và tin tưởng chỉ nhờ Hy tế của Đức Giêsu mà tội biến thành ơn.

&&&

1/ MỌI HÀNH ĐỘNG PHẢI DỰA TRÊN LỜI CHÚA.

Bà góa Sarepta lúc đầu từ chối ngôn sứ Êlya, không cho ông bánh là hợp tình hợp lý, vì bổn phận của người mẹ nuôi con phải vượt trên bổn phận chia sẻ cho người khác, nhất là trong lúc hoàn cảnh túng bấn chỉ còn một chén bột dành cho hai mẹ con. Nhưng khi ông Êlya nói với bà : “Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này : "Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất" (x    1V 17, 7-16 : Bài đọc I).

Rõ ràng hành động của đức tin là làm theo Lời Chúa, dù xem ra vô lý và có khi còn độc ác như lần Thiên Chúa bảo ông Abraham hiến tế con trai duy nhất của mình! (x St 22)

2/ LÀM LÀNH VỚI LÒNG QUẢNG ĐẠI, CHỈ CẦN CHÚA BIẾT LÀ ĐỦ.

Hình ảnh bà góa trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai trinh, với số tiền này vào thời bấy giờ chỉ bằng 1/8 khẩu phần của người nghèo ! Nhưng đó là tất cả tấm lòng cùng với chính sự sống của bà ! Giá trị như thế có ai thấy mà khen, ngoại trừ Thiên Chúa (x 1Sm 16,7). Do đó Ngài đã khen bà trước mặt các môn đệ : "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân" (Mc 12,43-44 :Tin Mừng). Điều này chứng tỏ : “Thiên Chúa muốn tình yêu, chứ không chuộng lễ vật” (Hs 6,6). Cũng chính vì thế mà thánh Tông Đồ nhắc nhở các tín hữu : “Có hớn hở mà dâng Thiên Chúa mới chuộng” (x 2Cr 9,6-7) Nhất là khi ta quảng đại với tha nhân, Thiên Chúa mới quảng đại với ta : “Ngài lấy đấu hảo hạng đã dằn đã lắc mà đổ tràn vào vạt áo cho ta” (x  Mt 10,42).

3/ CỦA LỄ TA DÂNG LÀ TẤM LÒNG TAN NÁT GIẦY VÒ VÌ TỘI LỖI.

            Kẻ nghèo khó và cô thế cô thân trước mặt Chúa chính là tội nhân! Thiên Chúa biểu lộ tính toàn năng và nhân ái của Ngài là lúc Ngài đón nhận lấy con người có tâm hồm sám hối vì tội lỗi đến xin Ngài thương xót ! Đó là lý do Đức Giêsu khen người thu thuế đến Nhà Thờ, chỉ dám đứng xa xa, cúi mình đấm ngực ăn năn xin Thiên Chúa thương xót, hơn hẳn người Biệt phái với thái độ hiên ngang khoe với Chúa về các công đức mình đã làm và khinh dể kẻ khác! Chúa kết luận : người khiêm tốn nhận tội mình khi ra về được giải án tuyên công (x Lc 18,9-14).

            Vì lý do đó mà sáng thứ sáu nào trong Giờ Kinh Nhật Tụng, Hội Thánh cũng dạy tín hữu cầu nguyện : “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê. Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on, thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại. Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền, lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế. Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa” (Tv 50/51,18-21).

Quả thật dâng lên Chúa thân xác và linh hồn giày vò vì tội lỗi, thì nghèo khó hơn bà góa dâng hai trinh vào đền thờ !

Vậy người Kitô hữu nào đến Nhà Thờ với tâm hồn như trên thì họ khác nào chiếc sáo khoét rỗng để Thần Khí sự sống của Thiên Chúa thổi vào làm vang lên âm thanh du dương tán tụng Thiên Chúa, khác hẳn lối sống đạo của Biệt phái và ký lục, chỉ là ống sáo đặc ruột !

Thật ra lối sống Đạo kệch cỡm của các đầu mục Do Thái xưa bị Đức Giêsu kết án vì họ ham danh lợi, chiếm chỗ nhất trong hội đường và tiệc tùng (x Mc 12,38-39), thì nay không còn tái diễn trong đời sống Hội Thánh. Nhưng lối sống đạo giả hình để nuốt chửng tài sản của bà góa vẫn còn thịnh hành, và không biết xấu hổ. Cụ thể ta hãy đọc lại lịch sử Hội Thánh vào thế kỷ 16 :

Tháng 10 năm 1517, theo lời mời của Đức cha Albert Brandenburg, cha J. Tetzel (1465-1519) dòng Đa Minh mở tuần giảng Ân xá tại Juterbog gần Wittenberg, nơi Linh mục Luther dạy học. Đức cha Albert là Tổng Giám mục thành Magdeburg, trước đã kiêm nhiệm địa phận Halberstadt, nay lại nhận thêm Giáo tỉnh Mainz. Để tổ chức Tòa Giám mục mới, Đức cha Albert đã xin Tòa Thánh cho giảng Ân xá trong ba địa phận của ngài để quyên tiền. Số tiền thu được một nửa dành cho Tòa Tổng Giám mục, còn một nửa sẽ dâng cúng vào việc kiến thiết Đền Thờ thánh Phêrô ở La Mã. Công việc được trao cho các cha dòng Đa Minh, đứng đầu là cha Tetzel. Lối trình bày của nhà giảng thuyết này đã làm cho nhiều người tưởng Ân xá có thể mua bằng tiền !

(Trích Lịch Sử Hội Thánh Công Giáo tập II, tr 12, của LM Bùi Đức Sinh.)

Dĩ nhiên là còn nhiều nguyên nhân khác khiến phát sinh đạo Tin Lành, nhưng đó cũng là một lối sống Đạo đã làm cớ cho cha Luther chống đối Hội Thánh và đưa đến ly giáo, thì thật là quá đau lòng !

Chúng ta biết nay có nhiều giáo xứ được vị chủ chăn khuyến khích mua bằng Ân Nhân, để khi qua đời họ được đặc ân này, ân sủng nọ, thì cũng chẳng khác gì việc làm của Đức cha Albert như trên.

Có một bà cụ nọ, nghe cha bán Ân Nhân… bà về đòi đứa con gái hai cây vàng đã mượn của mẹ thời gian trước để làm ăn buôn bán nuôi con. Vì mẹ đòi gấp nên chị phải đi vay mượn để đưa mẹ mua bằng Ân Nhân, thời gian sau lãi mẹ đẻ lãi con ngày càng chồng chất suốt 10 năm …! Còn mẹ thì có bằng Ân Nhân khắc tên trên bảng vàng gắn cuối Nhà thờ !?

Liệu bà mẹ đó khi nhắm mắt xuôi tay có dám khoe với Chúa về bằng Ân Nhân đó không? Chắc Chúa sẽ bảo: Ngươi đã được danh đời này, thì mất phúc đời sau (x Mt 6,16t). Nếu bà ta thưa với Chúa : Cha xứ con dạy làm như vậy! … Nếu Chúa bảo : Gọi cha xứ của ngươi ra đây !…

Vì trách nhiệm của Linh mục không những dạy con chiên làm việc xây dựng đời này mà còn xây dựng đời họ được hạnh phúc mai sau nữa !

THUỘC LÒNG.

            Ta muốn tình yêu chứ không cần lễ vật, Ta ưa việc nhận biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu ! (Hs 6,6)

http://phaolomoi.net

Lm Giuse Đinh Quang Thịnh


 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: