BÀI GIẢNG
A. GIẢI THÍCH
1/ Giờ lao động của người Do Thái quy
định thế nào ?
Người Do Thái lao động mỗi ngày 12
giờ :
- Giờ thứ I : 6 giờ sáng, bắt đầu đi làm.
- Giờ thứ 12 : 18
giờ, nghỉ việc và lãnh lương.
2/ Có năm loại thợ làm vào những giờ
khác nhau nghĩa là sao ?
-
Loại thợ giờ thứ I : 6 giờ sáng, làm 12 giờ trong ngày.
-
Loại thợ giờ thứ 3 : 9 giờ sáng, làm 9 giờ trong ngày.
-
Loại thợ giờ thứ 6 : 12 giờ trưa, làm 6 giờ trong ngày.
-
Loại thợ giờ thứ 9 : 15 giờ, làm 3 giờ trong ngày.
-
Loại thợ giờ thứ 11: 17 giờ, làm 1 giờ trong ngày.
Những thợ vào làm vườn nho cho ông
chủ sớm muộn khác nhau, diễn tả người lãnh Bí tích Thánh Tẩy để được sống trong
Hội Thánh : Trẻ con có (giờ I) ; vị thành niên có (giờ III) ; thanh niên có
(giờ VI) ; trưởng thành có (giờ IX) ; già nua có (giờ XI).
3/ Tiền công nhật một đồng có quá ít
không ?
Đó là tiền công nhật, theo luật Do
Thái đã quy định, đủ nuôi sống gia đình trong một ngày.
4/ Hình ảnh năm nhóm thợ làm những giờ
khác nhau trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, có nghĩa gì ?
Thánh Irênê, thánh Grégorio
(590-604), và ông Origène cho rằng đây là năm chặng trong lịch sử Thiên Chúa
cứu độ khởi đi từ Adam (giờ I), rồi đến ông Noe (giờ III), kế tiếp là ông
Abraham (giờ VI), tiếp đến là ông Môsê (giờ IX), và cuối cùng Đức Giêsu (giờ
XI).
Ông chủ trao cho năm nhóm thợ tiền
lương đồng đều mỗi người một đồng, chính là Đức Giêsu ban ơn cứu độ đồng đều
cho tất cả mọi người Công Giáo, tân tòng cũng như đạo gốc, không ai cảm thấy
mình bị thiệt thòi, không ai được kể công với Chúa, vì ơn cứu độ là ơn nhưng
không. Bởi đó họ phải luôn biết tạ ơn Chúa, vì được làm con Chúa và hằng ngày
còn được nuôi dưỡng bằng ơn thánh (một đồng), mà ta được đón nhận hằng ngày
trong Thánh Lễ. Thánh Phaolô là mẫu người trong việc này, nên ông cất lời
khuyên các tín hữu : “Chính bởi ân huệ mà
anh em được cứu độ, vì anh em cũng như tôi xưa kia chúng ta làm theo xu hướng
xác thịt ! Nhưng Đức Kitô thương xót ta, Ngài đã cho ta được hồi sinh, như vậy,
không phải do công anh em, mà là do ơn Chúa ban, không phải do tự việc làm để
đừng có ai vênh vang tự đắc” (Ep 2,1-9).
B. GIÁO HUẤN
SỐNG TRONG HỘI
THÁNH, NẾM PHÚC THIÊN ĐÀNG
Dụ ngôn thợ làm vườn nho nếu xét về
mặt xã hội, không ông chủ nào đối xử với các thợ như thế. Đành rằng ông chủ trả
lương cho thợ không sai hợp đồng, không bất công. Nhưng làm như vậy là chủ tỏ ra thiếu khôn ngoan, gây cớ cho
người ta ghen tỵ nhau, hoặc làm cho thợ hiểu lầm chủ thương người này mà ghét
người kia. Thợ mà biết tâm tình chủ như thế, chắc gì lần sau chủ có thể mượn
được thợ vừa ý! Nhưng Đức Giêsu kể dụ ngôn này nhằm diễn tả mầu nhiệm Nước
Thiên Chúa, vì “đường lối của Thiên Chúa
khác với đường lối của loài người, vì ý nghĩ của Thiên Chúa khác với suy nghĩ
của loài người” (Is 55, 6-9 : Bài đọc I). Qua dụ ngôn này Chúa muốn ta phải
ý thức mình vừa là thợ, vừa là chủ trong đời sống Hội Thánh :
I. TA LÀ THỢ LÀM VƯỜN NHO : SỐNG TRONG HỘI
THÁNH THÌ PHẢI TÍCH CỰC PHỤC VỤ ĐỒNG LOẠI, MÀ VẪN CẢM NGHIỆM MÌNH ĐƯỢC HẠNH PHÚC
NHƯ SỐNG TRÊN THIÊN ĐÀNG.
1-
Được làm vườn nho của Chúa (gia nhập Hội Thánh) là một ơn lớn lao, để tỏ lòng
biết ơn Chúa, ta phải tích cực phục vụ đồng loại.
Ta hãy bắt chước đời sống của thánh
Phaolô, ông là Tông Đồ sinh non đẻ muộn (tu muộn), thuộc loại thợ làm vườn nho
vào giờ thứ năm (làm giờ thứ 11). Ông Phaolô có thể phàn nàn: “Lạy Chúa, sao
Ngài không gọi con sớm cùng với các bạn con (Nhóm Mười Hai), để con khỏi bị
nhiều người nghi ngờ khi con hoạt động cho Tin Mừng (x Cv 9,26), để con khỏi ân
hận là tên vũ phu (x Cv 26,11), để con khỏi mặc cảm là “đứa ranh con, là người mạt nhất trong các Tông Đồ, và cũng không đáng
gọi là Tông Đồ nữa” (1Cr 15,8-9). Dù ông Phaolô nói với mọi người như thế,
nhưng không phải là phàn nàn với Chúa, vì ông đã cảm nghiệm được lòng Chúa xót
thương, nên ông rất biết ơn Chúa, qua lời ông nói : “Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu những kẻ tội lỗi, trong số
đó tôi là người thứ nhất, qua tôi, Đức Giêsu Kitô đã bày tỏ phác sơ qua tất cả
sự đại lượng của Ngài, Ngài đặt tôi làm gương cho những ai tin vào Ngài”
(1Tm 1,15-16). Nhờ tình yêu của Đức Giêsu Kitô thúc bách (x 2Cr 5,14), nên ông
tích cực trong sứ mệnh Tông Đồ, đem lại kết quả “không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng” (2Cr 11,5). Như thế ông
Phaolô đã diễn tả người thợ làm vườn nho muộn nhất, vì người này không hề phàn
nàn, trách móc chủ điều gì, dù suốt ngày anh ngẩn ngơ ngoài đầu đường xó chợ,
không ai thuê mướn, cả gia đình anh suýt chết đói vì thất nghiệp! (x Mt 20, 3-7
: Tin Mừng).
Nhìn vào đời sống Hội Thánh, nhiều
người Đạo gốc, Đạo dòng, là các thợ vào làm vườn nho sớm, lẽ ra không được thua
kém tinh thần phục vụ mẫu mực của ông Phaolô, để ai cũng phải nói : “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đối với
Chúa Kitô” (1Cr 11,1), và “anh em hãy
làm thay tôi” (2Cr 12,11). Nếu người Công Giáo nào cũng sống như ông
Phaolô, thì cũng có quyền nói : “Giờ đây,
tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn
phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người
là Hội Thánh.” (Cl 1,24)
2-
Được làm việc Tông Đồ của Chúa là hạnh phúc như sống trên Thiên Đàng.
Thánh Tông Đồ nói : “Sống là Đức Kitô, chết là mối lợi!” (Pl
1,21 : Bài đọc II). Mối lợi khi chết là “lên
Thiên Đàng được nghe Lời khôn tả” (2 Cr 12,4). Nhưng “nếu sống trong xác phàm là hoạt động có hiệu quả trong việc rao giảng
Tin Mừng, thì tôi không biết phải chọn gì. Tôi bị giằng co đôi ngả : tôi ước
mong thoát ly và được ở cùng Đức Ki-tô, thì thật là điều tối hảo gấp bội, nhưng
lưu trú trong xác phàm lại khẩn thiết hơn vì anh em, và tôi biết rằng tôi sẽ
lưu lại và ở bên mà giúp anh em hết thảy tiến tới và được vui mừng của lòng tin”
(Pl 1,22-25 : Bài đọc II).
Như thế Tông Đồ Phaolô khác hẳn với
những người thợ làm vườn nho cho ông chủ từ sáng sớm đã lên tiếng than thân và
trách chủ : “Tôi phải vác nặng cả ngày
trường với nắng nôi thiêu đốt, vậy mà ông lại kể tôi ngang hàng với người làm
có một giờ” (Mt 20,12 : Tin Mừng).
Vậy khi là người làm công lo việc
Tông Đồ trong Hội Thánh,ta không nên ghen tỵ với nhiều người sống Đạo xem ra
không đạo đức bằng mình, mà lại gặp nhiều may mắn, để rồi oán trách Thiên Chúa
không thương, như những người thợ làm vườn nho từ sáng sớm đã trách chủ. Do đó
thánh Gioan Tẩy Giả đã nhắc : “Chớ đòi gì
quá mức ấn định, đừng xách nhiễu, đừng vu khống cho ai, hãy bằng lòng với lương
bổng của mình” (Lc 3,13-14). Thánh Phaolô cũng tiếp lời khuyên : “Làm việc gì hãy tận tâm như thể làm cho
Chúa, chứ không phải làm cho người đời” (Cl 3,23).
Được làm người Công Giáo mà không
biết ơn Chúa lại bất mãn vì “bị” lãnh Bí tích Thánh Tẩy sớm, chỉ muốn về già mới
xin Rửa Tội, để được giống như người thợ làm vườn nho trễ. Sống Đạo mà bất mãn
về danh Công Giáo thì cũng là loại bạn phản bội như Giuđa
(x Mt 26,50), hay như người bạn bất lịch sự không
mặc áo cưới mà dám vào dự tiệc (x Mt 22,11), hoặc như người thợ vào làm vườn
nho sớm oán trách chủ không công bằng so với thợ làm trễ, khiến chủ phải lên
tiếng : “Này bạn, bạn ghen tỵ làm gì? Há tôi không được quyền làm như tôi muốn
về của cải tôi hay sao : hay mắt bạn lườm
nguýt vì tôi nhân lành” (Mt 20, 13t : Tin Mừng).
Một người có máu ghen tỵ và một
người có lòng tham lam, cả hai đều được dẫn đến trước mặt vua, vua bảo : “Để làm vừa lòng các ngươi, ai muốn xin gì
trẫm cũng cho, nhưng ai xin sau thì được gấp đôi người trước”. Lời này làm
cho hai tên ghen tỵ và tham lam đều phải câm miệng, vì tên tham không muốn xin
trước, đợi tên ghen xin trước để mình được vua ban gấp đôi! Còn tên ghen cũng
chờ tên tham xin trước, vì nó sợ tên tham được gấp đôi! Vua đợi một lúc lâu,
không ai lên tiếng, cuối cùng vua ra lệnh cho tên ghen phải xin trước, hắn nghĩ
: Mình phải xin gì trước để trả thù tên tham, cuối cùng hắn xin vua : “Xin vua chặt
một cánh tay của tôi”,với thâm ý là vua sẽ chặt hai cánh tay của tên
tham! Tên ghen đó là Satan, kẻ tham là Giuđa phản Thầy, thuộc dòng giống Adam,
Eva
II. SỐNG TRONG HỘI THÁNH TA CÒN PHẢI Ý THỨC QUYỀN LÀM CHỦ CỦA MÌNH, VÀ
THI HÀNH QUYỀN NÀY NHƯ MỤC TỬ GIÊSU.
1/ Sống Đức Tin.
Mọi dân, mọi nước trên khắp mặt đất
này chỉ có Chúa Giêsu là Mục Tử nhân hậu (x Ga 10), Ngài là Đấng Cứu Độ duy
nhất (x Cv 4,12). Ai tin để được kết hợp với Ngài, thì được sống hạnh phúc dồi
dào muôn đời (x Ga 10,10). Chính vì vậy mà trong Tin Mừng Gioan, ông không viết
danh sách các môn đệ Đức Giêsu chọn làm mục tử dân Ngài. Vì ông chỉ muốn mọi
người chiêm ngắm Vị Mục Tử tuyệt vời là Chúa Giêsu, để chăm sóc người anh em
theo mẫu Thầy Giêsu. Muốn được thế, ta phải cầu xin với Mục Tử Giêsu: “Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng
con lắng nghe Lời của Con Chúa” (Cv 16,14b : Tung Hô Tin Mừng). Và nhờ có
tâm hồn lắng nghe Lời Chúa, rồi đem thực hành, thì ta mới “tỏa ra hương thơm giữa những người được cứu độ và những kẻ bị hư đi”
(2Cr 2,15). Đó là sức thu phục đồng loại về cho Chúa Giêsu. Vì “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người”
(Tv 145/144,18a : Đáp ca).
2/
Sống có nhân bản.
Ta phải bắt chước ông chủ vườn nho :
chủ trả lương cho thợ không căn cứ vào năng xuất lao động, mà căn cứ vào hoàn
cảnh sống của họ, vì nếu ông trả theo đức công bằng là 1/12 phần một đồng của
người đến sớm, thì gia đình người này không thể sống được. Ông chủ vườn nho đã
thực hành lời dạy của ông Tôbya : “Hãy
trả lương cân xứng cho người giúp con và thêm chút gì vào tiền công của họ”
(Tb 12,1). Đừng lợi dụng người thất nghiệp mà bóc lột sức lao động người ta,
lại trả lương chết đói, thế mà còn tự hào rằng : Nếu tôi không mượn nó, cháo nó
không có mà húp!
Hãy nhớ của cải ta
có là do Chúa ban, ta chỉ là người quản lý. Đức Giêsu đã khen “người
quản lý khôn ngoan trung trực, bất cứ lúc nào chủ đến cũng thấy nó đang phân
phát phần lương thực cho gia nhân đúng lúc phải thời” (Mt 24,45-47).
Mục đích chia sẻ phải hướng lòng người anh em về việc nhận biết Thiên Chúa. Giá
trị chia sẻ ở điểm này, đó mới là Đức Ái Kitô giáo. Vì thế, hết những ai không
chia Đức Tin, không chia lòng Mến, để làm cho người anh em thuộc về Chúa Kitô,
thì họ chẳng hơn gì những người Do Thái tự hào thờ Chúa theo Luật Môsê, để rồi
đóng cửa Trời không muốn cho ai vào (x Mt 23,13), thì cho dù dưới mắt người đời
hay dưới mắt những người Do Thái cố thủ Luật Môsê cho đó là người cao cả, người
đứng đầu lãnh đạo cộng đoàn, thì trong Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu sẽ truất phế
loại người này và đặt những người tin theo Ngài, cụ thể như các môn đệ Ngài
chọn lên lãnh đạo dân theo đường lối phục vụ của Mục Tử Giêsu. Đúng như Đức
Giêsu nói : “Nhiều kẻ đầu hết sẽ nên cuối
hết, và có những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết” (Mt 20,16a : Tin Mừng).
Cũng thế nhiều người thấp cổ bé
miệng trong xã hội như phu quét rác,nhưng họ làm là làm cho Chúa chứ không phải
cho người đời (x Cl 3,23), với ý hướng bất cứ làm việc gì cũng để tôn vinh
Thiên Chúa (x 1Cr 10,31), thì trong Nước Thiên Chúa họ vẫn là người cao cả, hơn
hàng giáo sĩ chỉ dùng quyền bính thống trị, làm cho nhiều người xa lánh, thì
chẳng những thua phu quét rác mà còn bị phạt nặng nề hơn! Vì “kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng
phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được
giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” (Lc 12,48).
Đức Giám mục địa phận Phú Cường Giuse
Nguyễn Tấn Tước, nói chuyện với tôi : Lần kia tôi mời một bác sĩ đến nói chuyện
với Chủng sinh, vị bác sĩ ấy ân cần khuyên : “Các thầy ráng học cho giỏi và giữ kỷ luật, tôi mong tất cả các thầy
tiến tới chức Linh mục. Nhưng khi làm Linh mục, thì tôi lại muốn các thầy sống
tinh thần thời còn là Chủng sinh”. Tôi rất đắc tâm nhận xét này và làm tôi
thêm thắc mắc, hỏi : “Thưa Đức cha, từ
Linh mục trở thành Giám mục thì sao? Và
từ Giám mục lại nhận mũ Hồng y thì phải cư xử với người dưới thế nào?” Ngài
trả lời : “Tôi đâu phải Hồng y”.
THUỘC LÒNG
Đối với tôi sống là Đức Kitô, chết là mối lợi ! (Pl 1,21)
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH