BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Xh 20, 1 - 17
1 Thiên
Chúa phán tất cả những lời sau đây :
2 “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai
Cập, khỏi cảnh nô lệ.
3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật
gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất,
để mà thờ.
5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta,
ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ
ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. 6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh
của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.7 Ngươi
không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC
CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. 9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi
công việc của ngươi. 10 Còn ngày thứ bảy là
ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm
công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và
ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11 Vì
trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong
đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày
sa-bát và coi đó là ngày thánh.
12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu
trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.13
Ngươi không được giết người. 14 Ngươi
không được ngoại tình. 15 Ngươi không được trộm
cắp. 16 Ngươi không được làm chứng gian hại
người. 17 Ngươi không được ham muốn nhà người
ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất
cứ vật gì của người ta.”
ĐÁP CA : Tv 18 B
Đ. Lạy Chúa, Chúa mới có những Lời đem lại sự sống
đời đời. (Ga 6,68c)
8 Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho
tâm hồn.Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
9 Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan
hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
10 Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến
muôn đời. Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh.
11 Thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
BÀI GIẢNG
A. GIẢI THÍCH
1- Mười Điều Răn Chúa trao
cho ông Môsê là bao trùm toàn thể đời sống
tôn giáo và luân lý. Từ Điều Răn IV đến Điều Răn X, Luật về con người, đây là nền
tảng của tất cả Luật pháp các nước trên thế giới.
2- Tại sao Mười Điều Răn ta đọc không giống các bản văn trong Kinh
Thánh?
Có hai nguồn văn
ghi Mười Điều Luật :
- Nguồn văn
Êlôhit ghi trong sách Xh 20,1-17.
- Nguồn văn
Đệ Nhị Luật ghi trong sách Dnl 5,1-33.
Thánh Augustin lấy bản văn từ nguồn Đệ Nhị Luật, ngài sắp xếp lại
cho dễ nhớ. Hội Thánh Công Giáo và ông Luther dùng Bản này.
3- Tại sao Luật Chúa cấm đúc
ảnh tượng mà người Công Giáo vẫn làm ảnh tượng để tôn kính?
Anh em Tin Lành
phản đối người Công Giáo về việc này, vì dựa vào Lời Đức Giêsu nói : “Tôi đến không hủy bỏ Lề Luật hay các tiên
tri, tôi đến không phải để bãi bỏ mà để làm trọn” (Mt 5,17). Nhưng Hội Thánh
Công Giáo lại cho phép dùng làm ảnh tượng để tôn kính vì những lý do sau :
a/ Vì người Do
Thái tôn thờ Thiên Chúa, Đấng vô hình, do đó người Do Thái vẫn chế nhạo việc
tôn thờ các ngẫu tượng của chư dân : “Tượng
thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng,
không nhìn không nói, có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ
không mó, có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng.”
(Tv 115/113B,4-7). Vì thế tác giả sách Khôn ngoan chương 13 trách dân ngoại : Tại
sao lại tôn thờ mặt trời, vì cho đó là thần, mà không tôn thờ Đấng dựng nên mặt
trời còn sáng láng hơn nó…!
Bởi thế Đền Thờ của
người Do Thái chỉ đặt hai bia đá ghi Mười Điều Răn, khác với đền thờ các tôn
giáo khác la liệt các ngẫu tượng.
b/ Dù Luật đã cấm
không được đúc ảnh tượng, nhưng khi dân Do Thái bị rắn cắn, họ nhờ ông
Môsê xin Chúa cứu, Chúa bảo ông Môsê đúc con rắn đồng treo lên cây cột,
ai bị rắn mà nhìn lên rắn đó thì được thoát chết! (x Ds 21,4-9). Đức Giêsu đã
xác nhận con rắn đó là hình ảnh chính Ngài khi bị treo trên thập giá, để chuộc
tội loài người (x Ga 3,14). Tại sao nhìn lên con rắn đồng còn được Chúa ban ơn
mà lại chống đối nhìn tượng Đức Giêsu trên thập giá?
c/ Ngôn sứ Isaia
vào đền thờ Giêrusalem thấy hai tượng sứ thần Sêraphim chầu hầu bên Hòm Bia (x
Is 6,2).
d/ Luật cấm dùng ảnh
tượng thuộc về Luật Phụng Vụ Do Thái giáo, mà Phụng Vụ Do Thái giáo đã được
thay thế Phụng Vụ của Chúa Giêsu thiết lập (x thư Do Thái).
e/ Hội Thánh cho
phép dùng ảnh tượng không phải là Thiên Chúa mà chỉ là biểu tượng để diễn tả Đức
Tin khi không nói đủ, hoặc không viết đủ. Bởi thế ảnh tượng nào càng diễn tả được
nhiều điểm Giáo Lý, thì ảnh tượng đó càng đạt ý muốn của Hội Thánh.
B. GIÁO HUẤN
LỜI CHÚA
HOÁN CẢI TÂM HỒN NGƯỜI NGHE
Hội Thánh Chúa
Kitô thiết lập được ví như mùa bội thu (x Mt 13,23). Một chủ ruộng muốn có mùa
bội thu, ông phải lựa hạt giống tốt để gieo vào mảnh đất tốt.
Trong mùa gặt Nước Trời, Đức Giêsu là Chủ ruộng gieo giống tốt là Lời Thiên Chúa (x Lc 8,11), Ngài cũng muốn chọn những mảnh đất
tâm hồn tốt (x Mt 13,8), nên đã cầu nguyện suốt đêm với Chúa Cha xin ơn soi
sáng, và Ngài đã chọn được 12 người (x Lc 6,12t ; Mt 13,8 : Tin Mừng).
Thế nhưng, suốt ba năm Đức Giêsu gieo Lời vào lòng Nhóm Mười Hai,
họ lại lộ ra tâm tư tồi tệ hơn vệ đường, sỏi đá, bụi gai. Muốn thấy rõ điều
này, ta cứ dựa vào Lời Đức Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn người gieo giống (x Mt
13,18-23 : Tin Mừng).
· Các ông là vệ đường, vì nghe Lời
Chúa mà không hiểu! Chính Đức Giêsu đã trách các môn đệ không hiểu ý nghĩa việc
Ngài hóa bánh nuôi dân (x Mt 16,9) ; cũng chẳng hiểu gì về dụ ngôn gieo giống
thì làm sao hiểu các ví dụ khác được !(x Mc 4,13).
· Các ông là sỏi đá, dù đã được
Thầy ban Lời, thế mà khi cấm cách bắt bớ xảy đến vì Lời, các ông đều vấp ngã !
(x Mt 13,20-21 : Tin Mừng). Điển hình : Thủ lãnh Phêrô đã chối Thầy (x Mt
26,72) ; và khi các ông thấy Thầy bị bắt thì trốn hết (x Mt 26,56).
· Các ông là bụi gai, dù đã từng được nghe Thầy Giêsu giáo dục, mà vẫn
mê sự đời ! Bả phú quý làm chết nghẹt Lời và ra vô hiệu (x Mt 13,22 : Tin Mừng).
Cụ thể các ông tranh nhau địa vị trong Nước Chúa (x Mt 20,20t).
Một chủ ruộng dù có hạt giống tốt
đến đâu mà gieo vào môi trường xấu : vệ đường, sỏi đá, bụi gai, thì chắc chắn
là uổng công! Thế mà Lời Chúa là hạt giống tốt được gieo vào tâm hồn Nhóm Mười
Hai, các ông còn tồi tệ hơn những hạt gieo trên vệ đường, trên đá hay vào bụi
gai. Nhưng sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, 11 ông, trừ Giuđa, trở
thành “Giống Tốt” (x Mt 13,38), đồng
thời cũng là “Đất Tốt” làm cho Lời
Chúa sinh nhiều hoa trái, thu hoạch vào kho tàng Nước Thiên Chúa (x Mt 13,23 :
Tin Mừng).
Các môn đệ của Đức Giêsu đã làm vinh hiển Ngài như thế, vì ba lý
do :
1/ Mười Một ông đã được dự
tiệc Thánh Thể (x Mc 14,22-25), trong khi đó Giuđa bỏ dự tiệc, hắn băng
mình vào xã hội đen để kiếm 30 đồng bạc (x Ga 13,30).
2/ Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Nhóm Mười Một được Ngài trao ban Thánh Thần (x Ga
20,21), nhờ đó các ông được Thánh Thần ghi tạc Lời Chúa vào tấm bia lòng bia thịt
(x 2 Cr 3,3), hơn xưa Chúa đã ghi Mười Điều trên hai bia đá trao cho ông Môsê để
truyền lại cho dân (x Xh 20,1-17 : Bài đọc năm lẻ). Tên Giuđa không được ơn
này, vì y đã tự vẫn nhào đầu xuống vỡ bụng lòi ruột ra (x Cv 1,16-20).
Thực vậy, chỉ những ai có tâm nghe Lời Chúa, người ấy mới được biến
đổi từ con người tồi tệ dần dần trở nên người hoàn hảo hơn. Chính Đức Hồng y
Yves Congar, nhà Thần học, đã đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo các
bản văn của Công Đồng Vat.II đã cho một nhận xét : “Nếu một giáo xứ suốt 30 năm chỉ được nghe giảng Lời Chúa mà không cử
hành Thánh Lễ, thì đời sống Đức Tin và lòng Mến của họ vẫn trổi vượt hơn một
giáo xứ suốt 30 năm chỉ cử hành Thánh Lễ mà không được nghe giảng”.
3/ Nhóm Mười Một đã nhận lệnh Thầy Giêsu lên đường rao giảng Lời,
dù “trong các ông có kẻ còn hoài nghi” (Mt 28,17). Còn hoài
nghi về Đức Tin là “đức tin lép” (hạt giống xấu), nhưng qua trải nghiệm đi giảng Lời, các ông
nghiệm ra rằng : Chính vì phải đi giảng Lời, mới chú tâm dọn bài cẩn thận, cố gắng
thực hành điều đã xác tín, mới hân hoan loan báo cho mọi người, và thấy được hiệu
quả của việc rao giảng là chính người giảng lại được bồi thêm Đức Tin : Hạt giống
đức tin lép trở thành hạt giống mẩy.
Thực vậy, thánh Tông Đồ đã đến Thessalônica gieo Lời và sau đó ông
viết thư cám ơn họ : “Vì anh em có lòng
tin, nên khi nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian
truân chúng tôi phải chịu. Phải, chúng tôi sống
được đến giờ này là nhờ anh em đứng vững trong Chúa” (1Tx 3,7-8).
Vậy ai kiên nhẫn theo Chúa Giêsu đến cùng, thể hiện hằng ngày hiệp
dâng Thánh Lễ, thì được chính Chúa Giêsu gieo Lời vào lòng (x Dt 1,1-2), lại được
kết hợp với Ngài (rước Lễ), để được Ngài đồng công cộng tác biến mọi sự nên tốt
đẹp (x Rm 8,28), làm cho hạt giống Lời đã được gieo vào lòng sinh kết quả : hạt
được 100, hạt được 60, hạt được 30! (x Mt 13,23 : Tin Mừng). Điều này có nghĩa
là “hạt giống tốt là con cái Nước Trời”
(x Mt 13,38) là người Công Giáo chính danh, làm vinh hiển Chúa nhiều hay ít
cũng còn tùy thuộc vào ơn Chúa ban riêng cho mỗi người, và mỗi người còn phải nỗ
lực làm cho ơn Chúa sinh lời, như ông chủ trao cho các đầy tớ : người thứ nhất
được năm nén vàng, sinh lời thêm năm, người thứ hai được hai nén, sinh lời thêm
hai. Mỗi người tùy theo tài lực của mình. Tiếc rằng người thứ ba lãnh một nén lại
đem chôn giấu của chủ, khi chủ hỏi đến, hắn ta đã lếu láo kết án chủ là người
hà khắc! Anh đó chính là “bạn” Giuđa phản Thầy! (x Mt 25,14t ; 26,50).
Còn người Công Giáo qua dụ ngôn gieo giống phải xác tín rằng : Dù
ta còn tồi tệ, nhưng cứ dự Thánh Lễ, thì
- Được
Thánh Thần ghi tạc Lời vào tâm hồn (x 2 Cr 3,3), chính là đón nhận được Thánh Thần (x Ga 6,63), để thưa với Chúa về
niềm xác tín của mình : “Lạy Chúa, Chúa mới
có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68c : ĐC năm lẻ).
- Đón nhận
Chúa Giêsu Phục Sinh (Rước Lễ), vì ai ở trong Chúa Giêsu thì không còn bị lên
án (x Rm 8,1). Thậm chí nếu có tội, cũng được nên công chính trong Chúa Giêsu
(x Rm 8,10). Vì thế Bí tích Thánh Thể là trung tâm ơn tha tội, và ngăn ngừa ta
phạm tội trọng (x GLHT số 1416).
- Được bồi
dưỡng Đức Tin để sau Thánh Lễ ra về đi loan báo Tin Mừng cho đồng loại.
Vì những ơn huệ trên, kẻ nào bỏ dự Lễ là nán lại trong tội, Chúa
phải dùng miệng lưỡi ngôn sứ Giêrêmia kêu gọi : “Hỡi lũ con phản bội, hãy trở về đi, vì Ta là Chủ các ngươi. Ta sẽ cho
các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta – hạt giống tốt của Nước Trời – chúng sẽ
khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi. Người ta sẽ không còn nói đến Hòm Bia
của Đức Chúa nữa – vì Lời đã được Thánh Thần ghi vào lòng người đến dự Thánh Lễ
- Giêrusalem (Hội Thánh Chúa Kitô) sẽ được gọi là ngai tòa của Đức Chúa, và mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy
tụ tại Giêrusalem – để tham dự Thánh Lễ – chúng sẽ không còn sống buông thả
theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa” (Gr 3,14-17 : Bài đọc năm chẵn).
Có đến tham dự Thánh Lễ, ta mới được “Chúa
canh giữ chúng ta, như mục tử canh giữ đoàn chiên” (Gr 31,10d : ĐC năm chẵn).
Quả thật “hạnh phúc thay người thành tâm
thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả” (Lc 8,15 : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Lời Chúa là Thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc
lừa,rời xa những lý luận ngu dốt và ghê tởm những chuyện bất công (Kn 1,5).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH