BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Tb 3,1-11a.16-17
1 Hôm đó, lòng
tràn ngập ưu phiền ; ông Tôbit rên la kêu khóc và bắt đầu thở than cầu nguyện :
2 “Lạy Chúa,
Ngài là Đấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực, tất cả đường lối
Ngài đều là từ bi và chân thật ; chính Ngài xét xử thế gian. 3
Và giờ đây, lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, xin đoái nhìn và chớ phạt
con vì những tội con đã phạm và những điều ngu muội của con cũng như của cha
ông con. Các ngài đã đắc tội trước Thánh Nhan 4 và
bất tuân mệnh lệnh của Ngài. Ngài đã để chúng con bị cướp phá, phải tù đày và
chết chóc, nên trò cười, đề tài châm biếm và bia nhục mạ cho mọi dân tộc, nơi
chúng con đã bị Ngài phân tán.5 Vâng, các phán
quyết của Ngài thì nhiều và chân thật ; Ngài đối xử như thế với con vì tội lỗi
con, bởi chúng con đã không thi hành mệnh lệnh Ngài và đã chẳng sống theo chân
lý trước nhan Ngài. 6 Và nay, xin Ngài đối xử
với con theo sở thích của Ngài, xin truyền rút sinh khí ra khỏi con, để con
biến khỏi mặt đất và trở thành bụi đất. Quả thật, đối với con, chết còn hơn
sống, vì con đã nghe những lời nhục mạ dối gian khiến con phải buồn phiền quá
đỗi. Lạy Chúa, xin truyền lệnh cho con được giải thoát khỏi số kiếp gian khổ
này. Xin để con ra đi vào cõi đời đời.
Lạy Chúa, xin đừng ngoảnh mặt không nhìn con. Quả
thật, đối với con, thà chết còn hơn là suốt đời phải nhìn thấy bao nhiêu gian
khổ, và phải nghe những lời nhục mạ”.
7 Cũng trong
ngày hôm ấy, ở Éc-ba-tan xứ Mê-đi, cô Xa-ra, con gái ông Ra-gu-ên, đã nghe một
trong những người tớ gái của cha cô nói lời nhục mạ. 8 Số
là cô đã được gả cho bảy người chồng, nhưng trước khi ăn ở với cô, người nào
cũng bị ác quỷ Át-mô-đai-ô giết chết. Người tớ gái nói : “Chính cô là kẻ sát
phu ! Coi đó, cô đã có bảy đời chồng mà chẳng được mang tên ông nào ! 9 Tại sao chỉ vì mấy người chồng của cô đã chết mà
cô lại đánh đập chúng tôi ? Thôi, đi với mấy ông ấy cho rồi, và đừng bao giờ
chúng tôi thấy cô có con cái gì hết !” 10 Vậy
ngày hôm ấy, lòng cô Xa-ra ưu phiền và cô kêu khóc. Rồi lên lầu trên ở nhà cha
cô, cô định thắt cổ tự tử. Nhưng nghĩ lại, cô tự nhủ : “Sẽ không bao giờ người
ta nhục mạ được cha tôi và nói với người : ‘Ông chỉ có một cô con gái yêu quý,
thế mà vì bạc phận, cô đã thắt cổ tự tử !’ Như vậy, tôi sẽ làm cho tuổi già của
cha tôi phải buồn phiền đi xuống âm phủ. Nên tốt hơn là tôi đừng thắt cổ tự tử,
mà phải cầu xin Chúa cho tôi chết đi, để đời tôi không còn phải nghe những lời
nhục mạ nữa.” 11 Ngay lúc ấy, cô dang hai tay
về phía cửa sổ, cầu nguyện.
16 Ngay lúc
ấy, lời cầu xin của hai người là Tô-bít và Xa-ra đã được đoái nghe trước nhan
vinh hiển của Thiên Chúa. 17a Và thiên sứ
Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai.
ĐÁP CA : Tv 24
Đ. Lạy
Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa. (c 1b)
2 Lạy Thiên
Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài đừng để con tủi nhục, đừng để
quân thù đắc chí nhạo cười con. 3 Chẳng ai
trông cậy Chúa, mà lại phải nhục nhằn tủi hổ, chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.
4 Lạy Chúa,
đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. 5ab Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và
bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
6 Lạy Chúa,
nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. 7c Xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
8 Chúa là
Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, 9 dẫn
kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,dạy cho biết đường lối của Người.
BÀI GIẢNG
VẤN ĐỀ KẺ
CHẾT SỐNG LẠI
Dựa
vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự sống
lại :
- Lý do nhóm Sađốc không tin có sự sống lại khác với
Biệt phái lại tin.
- Chứng lý về sự sống lại.
- Sống lại đáp ứng khát vọng người công chính.
- Việc phải làm để được sống lại vinh hiển.
I. LÝ DO NHÓM SAĐỐC KHÔNG TIN CÓ SỰ SỐNG LẠI KHÁC VỚI
BIỆT PHÁI LẠI TIN
Nhóm
Sađốc không tin có sống lại, không tin có Thiên thần hay ma quỷ, còn Biệt phái
thì lại tin tất cả các điều ấy (x Cv 23,8).
1/ Lý do nhóm Sađốc không tin có sống lại.
Vì nhóm này chỉ nhận Ngũ Thư của ông Môsê (Sáng thế, Xuất hành, Lêvi,
Dân số, Đệ Nhị luật). Những sách này có trước thời lưu đày Babylon, nhóm Sađốc tin là Thiên Chúa đã dùng ông Môsê mạc khải cho
họ biết về số phận loài người sau cuộc sống trần thế. Trong Ngũ Thư không nói
rõ về sự sống lại ; mặt khác, trải nghiệm đời sống con người về mặt tình cảm
lứa đôi, nó như cái vòng luẩn quẩn : chưa ở với nhau thì tưởng người yêu như
thần như tiên, nhưng khi đã thành vợ thành chồng, người ta lại cảm thấy mất tự
do, nhiều phiền toái, nhiều bổn phận nặng nề, nhiều lúc phải thốt lên : Không
ngờ! Nên dễ đưa đến đổ vỡ!
Thế
thì cả bảy anh em ruột lần lượt đều là chồng của một người phụ nữ, nếu có sống
lại, không lẽ bảy ông lại tranh một bà, thì chắc chắn gây chiến tranh lớn! Sống
lại mà ẩu đả nhau, thì chẳng ai mong! Do đó nhóm Sađốc không tin có sự sống lại
(x Mc 12,20-23 : Tin Mừng).
2/ Lý do những người Biệt phái lại tin có sống
lại.
Biệt
phái lại nhận toàn bộ Kinh Thánh gồm 45 cuốn, nếu tách cuốn Ai-ca ra khỏi
Giêrêmia thì lại là 46 cuốn. Như vậy ngoài Ngũ Thư, những cuốn sách còn lại
xuất hiện muộn sau thời lưu đày, thì nói rất rõ về sự sống lại, đặc biệt như
sách Tôbya, Macabê, Daniel.
II. CHỨNG LÝ VỀ SỰ SỐNG LẠI.
Vì
nhóm Sađốc chỉ tin có Ngũ Kinh, nên Đức Giêsu đã trích đoạn Xuất hành trong bộ
Ngũ Thư, nói về bụi gai bốc lửa khi Thiên Chúa gọi và truyền lệnh cho ông Môsê
về Ai Cập lãnh đạo dân Do Thái dẫn về miền đất Chúa hứa chảy sữa và mật, được
tự do thờ phượng Chúa không còn phải sống kiếp nô lệ (x Xh 3).
Thiên
Chúa là Đấng Toàn Năng, là Tình Yêu, Ngài nhìn thấy “gai góc mọc lên” (sự dữ
xảy ra) vây hãm dòng giống Adam, Eva sau khi phạm tội (x St 3,18). Nên Chúa đã
hứa ban Đấng Cứu Thế để giải phóng họ thoát khỏi “bụi gai”. Như Chúa hứa : “Miêu duệ người nữ đạp nát đầu rắn Satan”
(St 3,15). Thế nên khi ông Môsê nhìn thấy lửa bốc cháy trong bụi gai, mà gai
không bị thiêu rụi. Lửa là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa (x Dt 12,29).
Như vậy, Chúa đang hiện diện giữa sự dữ, Ngài không diệt kẻ ác, nhưng biến dữ
ra lành, tội ra ơn, chết ra sống cho những kẻ biết sám hối xin Chúa dủ lòng
thương xót, để thuộc về Ngài. Để thực hiện chân lý này, Đức Giêsu đã hiến mạng
sống mình trên thập giá vì yêu loài người, đầu Ngài đội vòng gai (lửa ở giữa
gai), nhưng lửa tình yêu của Ngài không thiêu rụi vòng gai ấy (không diệt kẻ có
tội). Chân lý này đã được Thiên Chúa hé mở cho ông Môsê biết qua hình ảnh lửa
bốc cháy giữa bụi gai (x Xh 3). Quả thật, lúc Con Thiên Chúa ở giữa bụi gai
trên thập giá, Ngài đã biến tội lỗi của anh trộm lành thành ơn cứu độ, và ngay
lúc anh còn đang sống, thì Ngài đã đưa anh vào Thiên Đàng : “Hôm nay ngươi vào Thiên Đàng với Ta” (Lc
23,43). Anh trộm lành này được vào Nước Thiên Chúa là người đang sống, chứ
không phải Chúa đưa một xác chết vào Thiên Đàng. Vì Đức Giêsu đã khẳng định : “Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết mà
là Chúa của người sống” (Mc 12, 27: Tin Mừng).
Để
minh chứng Đức Giêsu có quyền sống lại và làm cho kẻ chết được sống lại, ngay
từ lúc Ngài còn trên dương thế, đã ba lần Ngài cho người chết sống lại :
- Con gái ông Giairô vừa tắt thở, Đức Giêsu cầm lấy tay
em và cho em chỗi dậy (x Mc 5,21t).
- Con trai bà góa thành Naim đã chết một ngày, người ta
đang khiêng cậu đi an táng, Đức Giêsu động vào quan tài và truyền: “Hỡi thanh niên,Ta truyền cho ngươi chỗi
dậy”, tức khắc anh được sống lại và Ngài trao anh cho người mẹ (x Lc
7,11t).
- Anh Lazaro đã chết thối bốn ngày, Đức Giêsu cũng lên
tiếng : “Lazaro hãy bước ra khỏi mộ”
(x Ga 11).
Những trường hợp Đức Giêsu đã cho người chết sống lại
như trên, minh chứng : Bất cứ ai chết bao lâu Ngài cũng có quyền cho sống lại,
thì Ngài còn dư quyền thắng tử thần. Vì thế đã ba lần Đức Giêsu báo cho các môn
đệ : “Thầy sẽ bị người ta giết chết,
nhưng sau ba ngày Thầy sẽ sống lại” (x Mt 16,21t ; 17,22t ; 20, 17t). Nên
khi đứng trước mộ Ladarô, Đức Giêsu tuyên bố : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, sẽ không bao
giờ phải chết” (Ga 11,25a.26a : Tung Hô Tin Mừng).
III.
SỐNG LẠI ĐÁP ỨNG KHÁT VỌNG NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Thánh
Phaolô nói : “Nếu chúng ta theo Đức Kitô
chỉ đặt hy vọng ở đời này mà thôi, thì ta là kẻ khốn nạn nhất trên đời”
(1Cr 15,19). Kìa ông Tôbya có lòng thương người, nhất là thương đồng đạo của
mình, nhiều lần ông đã trái lệnh vua lượm xác những kẻ bị giết âm thầm đem đi
chôn. Có lần vì mệt quá ông nằm vật ra đầu hè ngủ bị con chim phóng uế làm mù
mắt, vợ ông cho đó là dấu Chúa phạt, khiến ông phải rên lên : “Xin Chúa để cho con biến khỏi mặt đất trở
thành cát bụi, đối với con chết còn hơn là sống” ; Còn bà Sara cũng vì
trung thành với Luật Môsê, bà phải liên tiếp làm vợ sáu người em chồng, nhưng
chẳng ông nào sau ngày cưới mà còn sống. Thế nên bà bị đứa tớ gái kết án là
“sát phu”, “chồng của bà bị quỷ At-mô-đai-ô giết chết”. Quá đau khổ bà định tự
tử, nhưng sợ mang tiếng cho gia tộc, bà phải cắn răng chịu đựng! (x Tb 3,1-11a
; 16-17a : Bài đọc năm lẻ). Bởi vì,ai sống theo lời Chúa dạy xem ra gặp họa hơn
gặp may.Ông Tôbya và bà Sara là một bằng chứng;Cả đến Đức Giêsu Kitô suốt đời
Ngài chỉ lo làm việc lành cứu giúp mọi người,thế mà không ai khổ bằng Ngài, nếu
Ngài không chiến thắng tử thần thì Ngài là kẻ thất bại và bất hạnh nhất trong
nhân loại.Nhưng ai đặt niềm hy vọng vào sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa Kitô,
qua việc kết hợp nên một với Ngài,để cùng với Ngài,nhờ Ngài,trong Ngài, phục vụ
trong gian khổ,thì đó là một ân sủng Chúa ban (x 1Pr 3,20). Bởi vì,vào ngày
cánh chung người ta sẽ được lãnh nhận hoặc lành hoặc dữ tùy theo việc họ làm
khi còn trong thân xác (x 2Cr 5,10). Mà khi làm lành hay làm ác, thì không phải
chỉ có linh hồn làm, mà cả hồn xác. Không lẽ, Chúa chỉ ân thưởng cho linh hồn
khi sống lành, hoặc linh hồn lãnh án phạt nếu sống ác! Thưởng hay phạt là cho
một con người toàn diện cả xác hồn mới hợp lý, mới đáp ứng khát vọng của mọi
người. Thế nên hằng ngày ta phải cầu nguyện: “Lạy Chúa con, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa” (Tv 25/24,1b: ĐC năm
lẻ).
IV. VIỆC PHẢI LÀM ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI VINH HIỂN.
Như
Đức Giêsu đã nói : “Người ta từ cõi chết
sống lại họ giống như Thiên thần” (Mc 12,25 : Tin Mừng). Mà “hết thảy họ đã là Thiên thần đều được Chúa
sai đi phục vụ giúp đáp phần rỗi những người sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ”
(Dt 1,14). Như thế, Mạc Khải đã xác định cho mọi người : Muốn được sống lại
vinh hiển để giống các Thiên thần, thì phải phục vụ nhằm đưa người anh em về
cho Chúa. Nhưng không phải việc phục vụ nào cũng làm cho đồng loại được ơn cứu
độ, ngoại trừ để Chúa Thánh Thần làm Chủ cuộc đời, như thánh Tông Đồ nói với
Giám mục Timôthê : “Tôi nhắc anh phải
khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay
trên anh.Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta
trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình
thương, và biết tự chủ.Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta,
cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên
Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. Chính Đức Kitô đã
tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử”
(2Tm 1,6-8.10b : Bài đọc năm chẵn).
Dĩ
nhiên không phải lúc nào cũng loan báo Tin Mừng bằng miệng lưỡi, mà còn phải
loan báo bằng việc diễn tả Đức Tin, Đức Mến Chúa Yêu Người, như thánh Phaolô
dạy : “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc
gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).
Vậy
để bảo đảm sẽ được sống lại vinh quang muôn đời, thì hằng ngày hãy cầu nguyện
bằng việc hiệp dâng Thánh Lễ, nhìn lên Chúa Giêsu mà thưa : “Lạy Chúa, con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa”
(Tv 123/122,1a : ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Anh em hãy đi đứng sao cho xứng với ơn
thiên triệu Thiên Chúa đã kêu gọi anh em để trở thành người tù của Thiên Chúa
(Ep 4,1).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH