BÀI GIẢNG
SỐNG YÊU NHƯ TRẺ THƠ
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu sinh
ngày 2 tháng giêng năm 1873, con của đôi vợ chồng muốn đi tu nhưng không thành,
nên cả cha mẹ của Têrêsa đều ước mơ sinh con và giáo dục chúng mong hiến dâng con
phục vụ Hội Thánh. Lần kia Têrêsa được người cha chỉ lên trời và nói : “Con
nhìn ngắm trăng sao thấy thế nào ? Têrêsa thưa : “Đẹp quá cha ơi”, nhưng người
cha nói : “Các ngôi sao kết thành chữ T, tên con đã được ghi ở trên trời”. Câu
nói ấy làm cho Têrêsa rất phấn khởi, hằng ngày luôn cầu nguyện xin Chúa đừng
xóa tên Têsêsa đã được kết bằng những ngôi sao trên trời. Trong cuốn Tự Thuật, Têrêsa
viết : “Em đọc Kinh Thánh, tình cờ bắt
gặp chương 12 và 13 thư thứ nhất gởi tín hữu Corintho… Khi đọc chương trước, em
thấy rằng không phải ai cũng có thể làm Tông Đồ, ngôn sứ hay thầy dạy. Em cũng
thấy rằng Hội Thánh gồm nhiều phần tử khác nhau, và mắt không thể vừa là mắt,
vừa là tay được ! Em tiếp tục đọc câu sau đây làm em nhẹ nhõm tâm hồn : “Anh em
hãy tha thiết kiếm tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em
con đường trổi vượt hơn cả”. Và thánh Phaolô giải thích rằng mọi ơn hoàn hảo
nhất chẳng là gì cả nếu không có tình yêu,và Đức Ái là con đường tuyệt hảo,
chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa,cuối cùng em được bình an thư thái.
Khi
suy nghĩ về Thân Thể Mầu Nhiệm của Hội Thánh, em chẳng thấy mình thuộc loại chi
thể nào trong các loại thánh Phaolô mô tả, hay đúng ra em muốn thấy mình có mặt
trong mọi loại chi thể đó. Đức Ái đã cho em chìa khóa để tìm ra ơn gọi của em.
Em hiểu rằng nếu Hội Thánh có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn
Hội Thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng
Hội Thánh có một trái tim và trái tim đó bùng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ
có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội Thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt
ngúm thì các Tông Đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị Tử Đạo sẽ chẳng
chịu đổ máu mình ra. Em hiểu rằng tình yêu bao trùm mọi ơn gọi, và tình yêu là
tất cả, nó bao trùm mọi nơi mọi thời. Tắt một lời : tình yêu tồn tại mãi mãi.
Bấy
giờ vào lúc tình yêu dạt dào ngây ngất,em đã reo lên : “Ôi Giêsu,Tình Yêu của
con, ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con chính là Tình Yêu”.
Lên 15
tuổi,Têrêsa muốn dâng mình trong Dòng Kín, nhưng với tuổi ấy, Luật Dòng không
cho phép nhận em, Têrêsa được theo cha mẹ đích thân đến xin Đức Giáo hoàng cho
em được đặc cách vào Dòng Kín. Hôm ấy, ĐGH mỉm cười và nói với Têrêsa : “Con
còn nhỏ quá”. Và ngài lấy hộp kẹo đưa trước mặt Têrêsa và nói : “Con ăn kẹo đủ
rồi, thích bao nhiêu thì bốc lấy”. Têrêsa suy nghĩ một lát giơ vạt áo rồi thưa
: “Xin ĐGH bốc giúp con, vì tay con nhỏ
quá!” ĐGH nhận ngay ra tuổi em còn nhỏ, nhưng suy nghĩ rất khôn ngoan, do đó
ngài chấp nhận cho Têrêsa được vào tu trong Dòng Kín.
Sống trong
Dòng,Têrêsa hằng tâm niệm Lời Chúa nói: “Thầy
bảo thật anh em : nếu anh em không hoán cải nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được
vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như trẻ nhỏ, người ấy là người lớn nhất
trong Nước Trời” (Mt 18,3-4 : Tin Mừng).
I. Phải hoán cải trở nên trẻ nhỏ : Có nghĩa là
phải được tái sinh trong Chúa Giêsu
Thực vậy, ai không được sinh lại bởi Chúa Giêsu, dù người ấy
có địa cao, thì trước mặt Chúa họ cũng chỉ là một sinh vật (x 1Cr 15,45), chẳng
khác loài thú đều phải chết (x Gv 3,18-19). Mà ý định ngàn đời của Thiên Chúa
là “con người phải nên giống hình ảnh
Thiên Chúa” (x St 1,26). Không phải giống Thiên Chúa vô hình mà là giống
Con Thiên Chúa làm người : Đức Giêsu Kitô. Do đó ta phải được tái sinh qua Bí
tích Thánh Tẩy để được đồng hóa với Đức Giêsu (Gl 2,20).
Đó là lý do Đức Giêsu nói về ơn tái
sinh với ông Nicôđêmô : “Quả thật, quả
thật, tôi bảo ông : ai không bởi Trên sinh ra, thì không thể thấy được Nước
Thiên Chúa”, làm ông thắc mắc : không lẽ người đã già có thể chui vào lòng
mẹ lại sinh ra làm con nít ? Thì Đức Giêsu lại nhấn mạnh : “Ai không sinh bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước
Thiên Chúa” (Ga 3,3-5).
Một
khi ta đã được tái sinh làm con Thiên Chúa, ta được đồng hóa với Chúa Giêsu (x
Gl 2,20), cùng một xương thịt với Ngài (x Dt 2,11), cùng một sự sống của Ba
Ngôi Thiên Chúa(x Ga 6,57), và cùng quyền năng như Thiên Chúa (x Ga 14,12).
Người như thế chắc chắn được Chúa Giêsu khen : “Họ là kẻ nhỏ trong Nước Trời còn
cao trọng hơn ông Gioan Bt, mặc dù ông
Gioan là người cao cả nhất trong những người do người nữ sinh ra”
(x Mt 11,11).
Xét
về mặt tình cảm trong gia đình,ai nhỏ nhất,người ấy làm vua. Bởi lẽ cả gia đình
phải quan tâm chăm sóc, trìu mến đứa con sơ sinh. Cũng chính vì vậy mà trong
ngày Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, báo hiệu ý muốn của Thiên Chúa là
loài người phải được sinh lại bởi nước và Thần Khí. Ngày ấy, tiếng Chúa Cha
phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta,Ta hài
lòng về Người” (Mt 3,17). Tiếng ấy,Chúa Cha muốn nói về những người được
tái sinh trong Con yêu dấu của Ngài.
Vậy ai
được tái sinh làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha thì cũng được Hội
Thánh là Mẹ ôm vào lòng: “Được thỏa thích
nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ ; được bồng ẵm bên
hông, nâng niu trên đầu gối, khiến thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh”
(Is 66, 10-14c : Bài đọc).
II. Sống tinh thần trẻ thơ. Cụ thể phải là :
- Vâng phục cha mẹ.
- Sống không có ác tâm.
- Không đòi ai quan tâm
tôn mình lên.
- Luôn sống vươn tới sự
trưởng thành.
- Sống lệ thuộc vào đấng
sinh thành.
- Sống bằng tình yêu.
&&&
1/ Vâng phục cha mẹ. Trẻ nào không vâng phục cha mẹ, không thể thành công làm lớn trong xã hội
được, vì “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Đức
Giêsu muốn kẻ đã thuộc về Ngài phải đi con đường khiêm nhu, hạ mình phục vụ
theo ý Cha trên trời, dù phải chết nhục nhã đau khổ, như thế để học biết thế
nào là Con vâng phục Cha, nhưng cuối cùng được Chúa Cha tôn vinh Con,đến nỗi
trên trời dưới đất ai nghe danh Con, mọi đầu gối phải sụp lạy bái quỳ (x Pl
2,6-11).
2/ Không có ác tâm : Thánh Phaolô nói :
“Có ác thì như con nít thôi” (1Cr
14,20). Thực vậy, trẻ con chơi với nhau thế nào cũng có lúc bất hòa,chúng mếu
máo khóc lóc chạy đi mách ông bà cha mẹ, nhưng lát sau chúng lại vui đùa với
nhau bình thường, đó là “cái ác” của trẻ thơ ; khác hẳn người trưởng thành, bề
ngoài xem ra thân thương,hòa thuận, nhưng trong lòng tìm mưu kế hại nhau.
3/ Không
đòi ai quan tâm tôn mình lên. Cụ thể
: trong bữa tiệc, những người có chức vị thì được tôn trọng mời lên chỗ danh
dự, còn đàn bà con nít thì không đáng kể
(x Mt 14,21). Vậy ta phải sống khiêm tốn hạ mình sát đất như trẻ thơ bò đi, thì
không còn khoảng cách nào để phải sợ té!
4/ Luôn
sống vươn tới sự trưởng thành. Thánh Phaolô nói : “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ
con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người
lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1Cr 13,11). Bởi vì ai cũng
biết con nít nói trước hiểu sau, lớn lên mới suy nghĩ ; còn người trưởng thành
thì phải nghĩ trước, hiểu rồi mới nói. Vậy ta phải chăm học hỏi giáo lý, Kinh
Thánh, vì “khởi điểm đạt tới Đức Khôn
Ngoan là thật lòng ham muốn học hỏi” (Kn 6,17).
5/ Sống lệ thuộc vào đấng sinh thành.
Thánh Phaolô muốn các Kitô hữu phải sống lệ thuộc vào Thiên Chúa,như trẻ thơ
trong gia đình phải lệ thuộc vào cha mẹ : chúng muốn gì phải được phép của cha
mẹ, mặc dù mọi vật trong gia đình cha mẹ mua sắm là dành cho con cái (x Gl
4,1-3). Vậy bất cứ làm việc gì, ta phải cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn.
6/ Sống bằng tình yêu. Trẻ thơ không
bao giờ bận tâm lo ăn gì, uống gì, mặc gì? Cũng chẳng sợ kẻ thù nào, nếu nó
được nép mình trong tay cha mẹ. Thiên Chúa muốn con cái Ngài sống tinh thần đó,
như Lời Kinh Thánh nói: “Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,việc diệu
kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao
thanh bình.Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào
CHÚA, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131/130,1-3).
Bảy điểm trong Kinh Thánh nói về giá trị trẻ thơ như
trên,những người nhận biết mình đã được phúc làm con Thiên Chúa,phải cùng với
Chúa Giêsu cất tiếng tạ ơn : “Lạy Cha là
Chúa Tể trời đất,Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời
cho những người bé mọn” (Mt 11,25 : Tung Hô Tin Mừng).
Thực vậy,Têrêsa luôn áp dụng
tình yêu vào mọi sinh hoạt trong cuộc sống: Lần kia, Têrêsa cùng với các chị em
trong Dòng làm vệ sinh nhà, một chị vô ý làm bể chiếc bình quý. Vừa lúc ấy mẹ
Bề Trên đi qua, thấy vậy, liền mắng xối xả vào Têrêsa vì cho là cô bé chưa đủ
thận trọng trong việc làm. Têrêsa định lên tiếng bào chữa, thanh minh không
phải mình, nhưng chị nghĩ ngay phải sống tình yêu : im lặng là tốt, vì nếu nói
ra chị kia vừa bị mắng, mẹ Bề Trên lại thêm những lời gay gắt hơn và nhất là sẽ
còn hối hận khi biết mình đã mắng lầm Têrêsa.
Têrêsa được Chúa gọi về ngày 30 tháng 9 năm 1897,hưởng
dương 24 tuổi. Như thế Têrêsa chỉ sống trong Dòng mới được 9 năm, mà được Hội
Thánh tôn phong làm Thánh Tiến sĩ, chỉ vì chị muốn thể hiện sống yêu để chi phối
tất cả các chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Mà thực, không có tình
yêu thì không thể làm mục tử chăm sóc đoàn chiên Chúa trao được. Bởi đó, trước
khi Đức Giêsu trao quyền lãnh đạo Hội Thánh cho ông Phêrô, Ngài chỉ đòi ông tới
ba lần: “Con có yêu Thầy không?” (Ga
21,15t). Vì “thế giới sẽ thuộc về tay ai
biết yêu mến” (thánh Gioan Maria Vianey).
Vậy đối với người nhờ hoán cải nên trẻ thơ và hạ mình
sống bằng tình yêu, mới cất lời cầu : “Hồn
con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi” (Tv 131/130 :
Đáp ca).
Trong một thị kiến tôi thấy: Một đoàn người đứng trước
cửa Trời, ai cũng mong được vào trước, nhưng những kẻ thấp cổ bé miệng thì
không dám dành với những người có chức quyền. Khi Thánh Phêrô mở cửa Trời, Chúa
từ trong Cung Điện bước ra, Ngài gặp một vị mặc áo cẩm bào, đội mũ cà cuống,
cầm gậy rồng đứng trước, Chúa hỏi :
- Ngươi là ai?
- Dạ, thưa con là Giáo hoàng.
- Đứng ra một bên, đợi đã.
Người khác tiến đến, mặc áo
vét-tông, thắt cà-vạt, Chúa hỏi :
- Ngươi là ai?
- Dạ con là Tổng thống.
- Đứng bên cạnh chờ.
………….
Một cụ già lụ khụ chống gậy
đến, Chúa hỏi :
- Ngươi là ai ?
- Dạ, con là con nít ạ.
- Vô, vô con, lẹ lên !
THUỘC LÒNG
Tình yêu Đức Kitô
thúc bách tôi ! (2Cr 5,14)
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH