Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

BÀI ĐỌC : Gióp 9,1-12.14-16

            1 Bấy giờ ông Gióp lên tiếng nói:2 Quả thật, tôi biết rõ thế này: Trước nhan Thiên Chúa, phàm nhân cho mình là công chính thế nào được? 3 Nếu ai thích tranh luận với Người, thì ngàn lần Người cũng không đáp lại một.4 Có ai lòng trí khôn ngoan, sức lực dũng mãnh, đương đầu với Người mà vẫn còn nguyên vẹn?5 Người chuyển núi dời non mà chúng không hay, Người lật nhào chúng trong cơn thịnh nộ, 6 Người làm rung chuyển móng nền cõi đất và cột trụ của nó phải lung lay. 7 Người ra lệnh là mặt trời không mọc, Người niêm ấn lên các vì sao. 8 Duy mình Người trải rộng các tầng trời, đạp lên trên ba đào biển cả.9 Người làm ra Hùng tinh, Lạp Hộ, chòm Sao Mão và tinh tú Phương Nam. 10 Người làm nên những điều vĩ đại khôn dò và những điều kỳ diệu không đếm xuể. 11 Này, Người có đi qua tôi, tôi cũng chẳng thấy,Người có lướt tới, tôi cũng chẳng nhận ra. 12 Này Người bắt đi, ai giành lại được? Ai dám hỏi Người: "Ngài làm gì thế? " 14 Chẳng lẽ tôi lại tranh cãi, hay tìm lý để chống đối Người sao?15 Cho dù tôi có lý, tôi cũng không tranh cãi,nhưng sẽ xin Đấng xét xử tôi thương xót. 16 Tôi có kêu cầu và Người đáp lại,tôi cũng chẳng tin là Người nghe tiếng tôi.

ĐÁP CA : Tv 87

Đ.        Lạy Chúa, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài. (c 3a)

10 Lạy CHÚA, suốt cả ngày con kêu lên Chúa và giơ tay hướng thẳng về Ngài. 11 Chúa đâu làm phép lạ cho người đã mạng vong, âm hồn đâu trỗi dậy ca tụng Chúa bao giờ?

12 Trong mồ mả, ai nói về tình thương của Chúa? Cõi âm ty, ai kể lại lòng thành tín của Ngài? 13 Những kỳ công Chúa, nơi tối tăm ai rõ? Đức công chính Ngài, chốn quên lãng ai hay?

14 Phần con đây, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA, mới tinh sương đã chờ chực nguyện xin. 15 Lạy CHÚA, thân con đây, Chúa nỡ nào ruồng rẫy,ẩn mặt đi mà chẳng đoái hoài.

BÀI TIN MỪNG
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

TUNG HÔ TIN MỪNG : x Pl 3, 8-9

            Hall-Hall : Tôi chấp nhận mất hết, và coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô, được kết hợp với Người. Hall.

TIN MỪNG : Lc 9, 57-62

            57 Một hôm, đang khi Đức Giê-su đi đường cùng với các môn đệ, thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo."58 Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." 59 Đức Giê-su nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! " Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã."60 Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ  chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." 61 Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."62 Đức Giê-su bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."

 

BÀI GIẢNG
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

RAO GIẢNG TIN MỪNG LÀ CÁCH BÁO HIẾU CHA MẸ TỐT NHẤT

            Thánh Phaolô xác tín cho chúng ta : “Tin trong lòng thì được công chính, tuyên xưng ngoài miệng mới được cứu độ” (Rm 10,10).

Thế nào là tuyên xưng ngoài miệng?

            Giáo huấn hôm nay qua các Bài đọc dạy chúng ta phải ý thức sống bốn điểm này :

-   Theo Đức Giêsu là chấp nhận cuộc sống nghèo, nghèo đến mất mạng.

-   Việc rao giảng Lời Chúa thiết thực và quan trọng hơn bất cứ việc nào, kể cả việc an táng cha mẹ.

-   Phải dứt khoát và mau mắn lên đường theo Chúa Giêsu, nối dài và mở rộng sứ mệnh của Ngài.

-   Việc rao giảng Lời mới là tái thiết Đền Thờ Thiên Chúa.

 

1/ THEO ĐỨC GIÊSU LÀ CHẤP NHẬN CUỘC SỐNG NGHÈO, NGHÈO ĐẾN MẤT MẠNG.

            Một hôm, đang khi Đức Giêsu đi đường cùng với các môn đệ, thì có kẻ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang,  chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9,57-58 : Tin Mừng).

- Tại sao có người quảng đại xin theo Chúa Giêsu bất cứ Ngài đi đâu ? Vì họ tưởng Đức Giêsu đi lên Giêrusalem đánh đuổi đế quốc Roma đang thống trị Do Thái, chính Ngài mới là Vua, bởi lẽ họ hiểu các ngôn sứ loan báo về Đấng Mê-si-a là một vua trần thế, thuộc dòng dõi vua David, như Chúa đã hứa với nhà David : “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi chỗi dậy một người kế vị vương quyền ngươi, vững bền mãi mãi” (2Sm 7,12 ; Ed 37,24-25). Bởi thế họ mơ rằng trung thành theo Đức Giêsu, có phải khổ chăng nữa, cũng là “nằm gai nếm mật”, vì chắc chắn sẽ được Ngài chia sẻ quyền bính. Chính các môn đệ Đức Giêsu, dù đã được Ngài giáo dục ba năm, vậy mà khi Ngài sống lại và đến với họ, họ hỏi ngay : “Thưa Thầy, có phải đến lúc Thầy khôi phục vương quyền Israel không?” (Cv 1,6).

            - Chồn có hang : Ông Hêrôđê có địa sở, vì chính Đức Giêsu đã gọi Hêrôđê là con chồn, con cáo (x Lc 13,31).

            - Chim có tổ : Đế quốc Roma có các nước chư hầu. Vì Roma lấy chim phượng hoàng làm biểu tượng sự oai hùng, cao cả trổi vượt hơn các dân tộc.

- Con Người không có nơi ngả đầu : Đức Giêsu khi bị treo trên thập giá, không có nơi ngả đầu : “Ngài gục đầu tắt thở”  (Mt 27,46).

Như thế theo Đức Giêsu không phải để được chia sẻ quyền bính, tìm kiếm lợi lộc trần thế, mà theo để nên giống Ngài trên thập giá.

2/ VIỆC RAO GIẢNG LỜI CHÚA THIẾT THỰC VÀ QUAN TRỌNG HƠN BẤT CỨ VIỆC NÀO KỂ CẢ VIỆC AN TÁNG CHA MẸ.

             Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! " Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã."Đức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” (Lc 9,59-60 : Tin Mừng)

            Người Do Thái chết ngày nào chôn ngày đó, nên anh chỉ xin hoãn một ngày, sau khi đã an táng bố, anh sẽ lên đường đi theo Thầy Giêsu, nhưng Ngài không cho phép anh một giây phút khoan giãn nào, vì lý do : Ai không theo Đức Giêsu, không nghe Lời Ngài, kẻ đó đang ở trong cõi chết (x Ga 5,24-25). Nhất là phải xác tín rằng : “Ai có Chúa Giêsu thì sống, kẻ không có Chúa Giêsu là chết” (1Ga 5,12). Chính những người này sẽ thay anh để chôn cất bố của anh. Nhưng  rao giảng Tin Mừng là cấp cứu người đang nguy tử được thoát chết. Việc này quan trọng đến thế thì không ai tình nguyện làm, do đó Đức Giêsu nói : “Hãy để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng, còn ngươi hãy cứ đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc 9,60 : Tin Mừng).

Người đời dạy : “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Có nghĩa là người ta phải ưu tiên cách đặc biệt lo cho người qua đời, đối với con cái, đây là lúc biểu lộ lòng hiếu thảo với cha mẹ cao nhất. Nhưng Đức Giêsu lại không cho phép trì hoãn theo Ngài để về an táng cha mẹ dù chỉ mất có một ngày, như thế Ngài muốn xác định rằng : Việc loan báo Tin Mừng là cách báo hiếu cha mẹ cao cả hơn tất cả mọi hành động hiếu thảo nào khác.

Ví dụ : Trong gia đình có hai con trai, con cả ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, khi cha mẹ qua đời thì lo mai táng chu đáo ; trái lại, người con thứ đi tu làm Linh mục, lại hết lòng rao giảng Tin Mừng một cách xuất sắc, không ở nhà lo chăm sóc cha mẹ như anh cả, thì chắc chắn cha mẹ chẳng những không oán trách con thứ, mà còn hãnh diện về một người con đi tu đắc đạo, giúp ích cho nhiều người, làm vinh hiển Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng đã sống như thế, dù Ngài biết một mình Mẹ thắt lưng buộc bụng nuôi dưỡng Ngài suốt 18 năm, kể từ khi ông Giuse qua đời, mà Đức Giêsu không làm ra tiền của để giúp Mẹ, lại bỏ Mẹ say sưa đi giảng Tin Mừng, làm cho một người phụ nữ thèm thuồng, nên bà cất tiếng nói : “Phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang ông, vú nào đã cho ông bú!” (Lc 11,27). Mẹ Maria nghe lời ấy chắc chắn rất hãnh diện và hài lòng về con mình.

Do đó ta phải hiểu lời thánh Phaolô dạy : “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì nó đã chối bỏ Đức Tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1Tm 5,8). Chăm sóc người trong gia đình phải đặc biệt ưu tiên giáo dục, nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và tích cực đi loan báo Tin Mừng.

3/ PHẢI DỨT KHOÁT VÀ MAU MẮN LÊN ĐƯỜNG THEO CHÚA GIÊSU NỐI DÀI VÀ MỞ RỘNG SỨ MỆNH CỦA NGÀI.

            Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."Đức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,61-62 : Tin Mừng).

            Đức Giêsu nhắc đến hình ảnh này là Ngài muốn nói thời Cựu Ước chưa có ơn cứu độ, vậy mà ngôn sứ Êlya gọi Êlysa theo kế nghiệp ông, thế là ông Êlysa đã mau mắn bỏ nghề, những con bò ông dùng trong việc cày bừa, ông giết hết để làm tiệc đãi khách, cày thì ông chẻ ra làm củi, sau đó ông theo Êlya tiếp nối sứ mệnh ngôn sứ Chúa trao (x 1 V.19,19-21). Thế thì thời Tân Ước, Đức Giê-su trổi vượt hơn ngôn sứ Êlya, vì Ngài đến thực hiện ơn cứu độ cho loài người, nên những kẻ theo Ngài còn phải tích cực và dứt khoát bỏ mọi sự mà theo. Sự chọn lựa này còn hơn môn đệ Êlysa theo thầy Êlya.

Như thế Đức Giêsu muốn khẳng định rằng : Việc loan báo Tin Mừng là hành động cấp cứu người thoát nạn. Ví dụ : Một người con đang cầu nguyện cho cha đang cơn hấp hối, ngay lúc ấy lại nhìn thấy một em bé đang chơi giỡn ngoài sân bị rớt xuống giếng, thì chắc chắn người kia phải để cha nằm đó vội vàng chạy đi cứu em bé thoát tử thần ! Việc cứu thân xác con người mà còn cần thiết như vậy, huống chi việc loan báo Tin Mừng cứu người ta cả hồn lẫn xác, thì càng cần phải mau mắn hơn biết mấy ! Chính vì thế, mà thánh Phaolô nói với các tín hữu : “Ngày hôm nay, trước mặt anh em, tôi cam đoan rằng tôi hoàn toàn trong sạch về máu mọi người. Vì tôi đã không e ngại mà giấu giếm đi để không loan báo cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa  (Cv 20,26-27 : Bản dịch NTT).

4/ VIỆC RAO GIẢNG LỜI MỚI THỰC LÀ TÁI THIẾT ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA.

Xưa ông Nêhêmia được chọn làm quan chước tửu cho vua Ác-tắc-sát-ta (Artaxerxes), ông rất buồn rầu, vua hỏi ông : “Sao mặt khanh buồn rầu thế?” Ông đáp : “Thần không buồn sao được khi mà Thành Đô, nơi tổ tiên của thần an nghỉ, đã ra hoang tàn, và cửa thành bị thiêu hủy”. Vua hỏi : “Vậy khanh muốn gì?” Ông đáp : “Tôi cầu xin Thiên Chúa các tầng trời, nếu đẹp lòng đức vua, và nếu bề tôi của ngài là người vừa ý ngài, thì xin cử thần đi Giuđa, đến thành có phần mộ của tổ tiên thần để xây dựng lại”. Lúc ấy có hoàng hậu ngồi bên vua, vua hỏi : “Khanh đi bao lâu? Bao giờ mới trở lại?” Ông thưa : “Nếu vua bằng lòng cử tôi đi và tôi xin hẹn với vua một kỳ hạn : xin vua hãy hạ lệnh cấp chiếu thư cho thần đem tới các trưởng vùng bên kia sông Êuphơrat, để họ cho phép thần đi ngang qua đó đến tận Giuđa. Cũng xin một chiếu thư cho ông Axat quản đốc ngự lâm để ông cấp gỗ cho thần làm khung cửa đồn lũy ở sát Đền Thờ, làm tường thành và làm nhà cho thần đến ở”. Vua liền ban cho Nêhêmia được như thế, vì bàn tay nhân lành của Thiên Chúa che chở” (Nkm 2,1-8 : Bài đọc năm lẻ).

Mà thực dân Do Thái trong thời lưu đày, họ không còn đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện, vì bị vua Nabukonosor đã ra lệnh phá hủy. Nên lòng họ se nỗi buồn mà than : “Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm” (Tv 137/136,5a.6a : ĐC năm lẻ).

Nhưng Chúa ưa chuộng việc rao giảng Tin Mừng. Vì đó mới thực là xây dựng nhà tâm hồn con người cho Thiên Chúa ngự (x 1 Cr 3,16). Cho nên những ai muốn theo Đức Giêsu thì phải mau mắn dứt khoát, không trì hoãn, phải đoạn tuyệt với những công việc chỉ lo cho thân xác con người, mà thẳng tiến lên đường đi loan báo Tin Mừng, chứ không ngó lui đằng sau (x Lc 9,62 : Tin Mừng). Muốn thế ta phải nói được như thánh Phaolô :  Tôi chịu thua lỗ về hết mọi sự trước mối lợi tuyệt vời là được học biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Tôi coi tất cả như phân bón để được kết hợp với Người” (Pl 3,8: Tung Hô Tin Mừng), thì mới có khả năng đem Tin Mừng đến cho những người đang đắm chìm trong tội lỗi, tâm hồn họ luôn bất an, họ cảm thấy giữa họ với Thiên Chúa như thù địch, nên có kêu cầu thì Chúa chẳng đoái nghe, mặc dù Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài muốn vũ trụ sao thì nên vậy (x G 9,1-12.14-16 : Bài đọc năm chẵn). Vì thế nếu những kẻ tội lỗi được nghe Tin Mừng, hy vọng là họ sẽ cất lời cầu : “Lạy Chúa, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài”(Tv 88/87,3a : ĐC năm chẵn).

Trong thần thoại Hy Lạp có kể truyện về thần Ôrơphê bị đày xuống trần, được các thần tặng cho cây đàn bảy dây. Tiếng đàn làm nước ngừng chảy, đá vỡ ra, thú dữ biến thành chiên…

Ôrơphê cưới được cô vợ rất xinh đẹp tên là Ôriđisê, ngày kia nàng bị rắn cắn chết, hồn nàng xuống âm phủ! Ôrơphê thương nhớ vợ nên đem đàn xuống âm phủ  gảy để đưa hồn vợ về. Các thần căn dặn Ôrơphê : Phải đi sau nàng mà gảy đàn, và các thần cũng dặn dò nàng : Khi nghe tiếng đàn thì cứ đi thẳng đừng ngó lui đằng sau. Nhưng đi được một đoạn, nàng ngó lại xem chồng có theo nàng về không, thế là hồn nàng bị chết muôn đời! Ôrơphê mãi mãi mất vợ!

Thánh Clémenté đã áp dụng truyện này vào việc Tông Đồ :

-  Ôrơphê là Chúa Giêsu.

-  Đàn bảy dây : Bầu đàn là Lời Chúa, bảy dây là bảy Bí tích sẽ biến tội ra ơn, dữ ra lành, chết ra sống.

-  Ôriđisê  bị rắn cắn : con người bị quỷ làm hại

-  Chàng đem đàn đến cứu vợ, nhưng vì nàng không nghe lời căn dặn đã quay lại, nên chàng mất vợ : Chúa Giêsu ban Lời và lập Bí tích để cứu ta, nhưng ta không dứt khoát theo Chúa. Chúa khóc vì ta bị diệt (x Ga 11,35 ; Lc 19,41).

THUỘC LÒNG.

            Thánh Phaolô xác quyết : “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, tôi tự ý làm việc  đó thì tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi!” (1Cr 9, 16-17).

http://phaolomoi.net

LM GIUSE ĐINH QUANG THỊNH


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: