BÀI GIẢNG
VẬT CHẤT CỨU TA HAY THIÊN CHÚA?
Lời Chúa
hôm nay dễ đưa đến ngộ nhận sau, ta cần phải tránh :
-Không phải hễ ai giàu có là bị kết
án.
-Không phải được ăn sung mặc sướng
là mắc tội.
-Đây
cũng không phải là định luật bù trừ : Nếu đời này khổ là tất yếu đời sau sướng
và ngược lại. Vì có khi khổ đời này là dấu khổ muôn đời ; hoặc đời này sung
sướng có khi lại là dấu hạnh phúc đời sau!
-Lời
Chúa hôm nay chưa nhằm kết án kẻ giàu có bởi cách thu vén bất lương. Nhưng giáo
huấn hôm nay nhằm :
* Những kẻ lấy hưởng thụ làm lẽ
sống muôn đời sẽ phải khổ.
* Chúa
chúc phúc cho những người nghèo vì Chúa, họ được giàu lòng Chúa xót thương.
I. NHỮNG KẺ LẤY HƯỞNG THỤ LÀM LẼ
SỐNG MUÔN ĐỜI SẼ PHẢI KHỔ.
Ai chỉ lo hưởng thụ, lấy ý phàm nhân : dựa vào
tiền của làm nơi nương tựa, nó sẽ gây ra tội ác :
- Lấy cái bụng làm chúa.
- Dùng của vô ý thức, gây đau khổ thêm cho người nghèo.
- Chỉ lo đến cái tôi.
- Tìm cách kết án Chúa để chạy tội.
****
1/ Kẻ lấy cái bụng làm chúa.
Đức Giêsu mô tả loại phú hộ này :
“Ngày ngày ăn mặc gấm vóc, yến tiệc linh
đình” (Lc 16,19b
: Tin Mừng). Thánh Phaolô kết án loại người này đã “lấy cái bụng làm chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng phải xấu hổ”
(Pl 3,19).
Kẻ
chỉ cậy dựa vào tiền của để hưởng thụ thì lên mặt khinh dể người nghèo khó.
Thánh Giacôbê lên tiếng cảnh cáo : “Có ngừơi đi vào đoàn hội, tiệc tùng,
vàng bạc châu báu vấn đầy cổ, vòng đeo tai, lắc vàng xếp hàng nơi cổ tay, y
phục bảnh bao,lại có người nghèo cùng đi vào, y phục lem luốc. Người ta chỉ trố
mắt nhìn người giàu mà nói : “Xin mời ngài lên an tọa chỗ danh dự này”, còn
người nghèo, người ta chỉ : “hãy đứng đó, kia”, hay “hãy ngồi dưới bệ chân
người ta, thì anh em đã chẳng tỏ ra
kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” (Gc.2,2-4).
2/ Kẻ dùng tiền của vô ý thức, tăng thêm đau khổ thêm
cho người nghèo.
Anh
Ladarô nghèo khổ vì tam cùng :
- Cùng bần : nghèo của, nghèo tình, không ai cho một viên thuốc, chịu
để lở loét khắp mình, cũng không ai cho một mẩu bánh thừa để ăn cho đỡ đói.
- Cùng khốn : con chó thỉnh thoảng đến liếm ung nhọt trên thân thể anh
: bạn tâm giao của anh chỉ có vài con chó hoang (Lc 16,20.21b : Tin Mừng); con
chó, người Do Thái còn dùng ám chỉ dân ngoại, bị người khác khinh dể (x Mt
15,21-27), như thế anh Ladarô nghèo cảm thấy “người ngoại” còn biết giúp anh
bớt đau do bệnh tật gây nên, trong khi đó người có đạo giàu của như tên phú hộ
lại không thèm ngó ngàng tới anh, bánh thừa vất xuống đất, không vất cho anh.
- Cùng đinh : bị người ta vất bỏ trước cổng nhà giàu, không có thân
nhân đưa về nhà. Anh cảm thấy tủi nhục, xem ra như Thiên Chúa cũng dồn anh vào
tam cùng : “Chốn tử vong Chúa đặt con
vào, quanh con bầy chó đã bao chặt rồi” (Tv 22/21, 16-17).
Ngôn
sứ Amos khiển trách kẻ giàu đối với người nghèo : “Giàu nằm trên giường ngà, y phục bảnh bao, dầu thơm nặc mùi, yến tiệc
đầy cao lương, rượu nồng hảo hạng, ca hát inh ỏi suốt ngày đêm,nhưng chẳng quan
tâm đến đồng loại mình đang đau khổ” (Am 6,4-5 : Bài đọc I). Đức Giêsu mô
tả người nghèo thê thảm hơn : chỉ ước được ăn mẩu bánh từ bàn ông phú hộ vất
xuống. Mẩu bánh đó người giàu dùng để lau chén đĩa, lau tay thay vì dùng khăn !
Làm như vậy để tỏ mình thuộc hạng quý tộc ! Vì thế nỗi thống khổ của người
nghèo nhiều khi không chỉ do thiếu ăn thiếu mặc, mà nỗi khổ của họ còn gia tăng
khi nhìn thấy nhiều người dùng tiền của vô ý thức, làm cho họ thêm tủi nhục.
Thực vậy, có những người nghèo, ta biết y phục của họ may ráp nối từng mảnh,
kiếm ăn bữa đói bữa no, lúc lâm bịnh, cỏ cây hoang dùng làm thuốc, nhà ở chui
rúc như hang chuột, lại sống bên cạnh nhà trọc phú, thấy kẻ giàu rửa tiền vào
những chuyện vô bổ, chỉ nội trong một ngày đi chơi đã tiêu tốn số tiền hơn
lương trả cho một osin còng lưng phục vụ chủ suốt cả năm ; hoặc người nghèo
nhìn thấy người giàu đốt từng bao thuốc đắt tiền, trị giá bằng cả tháng lương
của họ ; có khi người nghèo nhìn thấy khẩu phần con chó của nhà giàu, họ ước
được ăn như con chó ấy mà không được!
Những
kẻ xài tiền của vô ý thức như thế, thánh Giacôbê kết án: “Giờ đây,hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những
tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người.Tài sản của các người đã hư nát, quần
áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ
sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các
người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này” (Gc 5,1-3).
Cha
Ive nói : “Phần lớn nỗi đau khổ của người nghèo là họ nhìn thấy người giàu vô ý
thức xài tiền phung phí”.
Kẻ
dùng tiền vô ý thức đã tự đào vực thẳm rộng lớn ngăn cách giữa giàu và nghèo,
người giàu vào lúc lâm nguy mới kêu cầu
thần thánh cứu giúp, cụ thể như tên phú hộ khi bị dìm sâu trong Hỏa Ngục, hắn
xin tổ phụ Abraham sai Ladarô nghèo khổ đang ở trên Thiên Đàng, nhỏ cho hắn một
giọt nước để làm dịu lưỡi, vì lửa Hỏa Ngục quá nóng, nhưng bị tổ phụ Abraham
khước từ : “Con ơi, hãy nhớ lại suốt đời
của con, con đã nhận phần phước của con rồi ; còn Ladarô suốt đời chịu toàn
những bất hạnh. Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khổ.
Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã
có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không thể được,
mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16,25-26 : Tin
Mừng).
3/ Kẻ chỉ lo đến cái tôi.
Tên
phú hộ lúc sống chỉ biết làm vui thỏa cái TÔI trong yến tiệc linh đình … Chính
vì cái TÔI to phình nên bị lăn chìm sâu dưới đáy Hỏa Ngục, trong lò lửa ác
nghiệt hắn vẫn không thương xót ai, lửa không làm teo cái TÔI của hắn, mà dường
như còn phình to hơn, như lời hắn kêu van: “Lạy cha Abraham, xin thương xót
TÔI, và sai Ladarô nhúng một chút nước vào đầu ngón tay mà nhỏ trúng lưỡi TÔI,
vì TÔI đang quằn quại trong ngọn lửa này” (Lc.16, 24 : Tin Mừng).
Trong
Hỏa Ngục thiếu gì người khổ quanh hắn, thế mà hắn chỉ xin MỘT giọt nước trúng
tọa độ lưỡi TÔI mà thôi ! Sao hắn không xin mấy thùng nước tạt xuống khắp Hỏa Ngục, ít là mỗi người cũng được một chút nước làm dịu mát !? Hắn xin một giọt
nước không ai cho, hắn lại xin : “Tổ phụ
Abraham sai Ladarô về răn dạy năm anh em TÔI, để chúng đừng bắt chước sống như
TÔI, sẽ phải khổ” (Lc 16,27-28 : Tin Mừng). Như thế hắn vẫn dừng lại cái
TÔI nơi năm anh em, sao hắn không xin Ladarô về báo tin cho tất cả mọi người
giàu trên thế gian biết dùng tiền của ? Cái TÔI nó là bản năng con người xuất
hiện ngay khi còn trong bụng mẹ. Điều này đã được minh chứng trong truyện bà
Rêbêca (x St 25,19-27), và truyện bà Thamar (x St.38,27-30). Cả hai bà này đều
mang thai đôi, hai đứa trong bụng đánh nhau đòi tranh ra trước, vì làm anh được
hưởng 2/3 gia tài của cha mẹ (x Dnl 21,17). Các bà quá đau vì chúng đánh nhau
trong bụng, nên đã dặn cô đỡ : “Cháu nào ra trước, xin cô lấy chỉ đỏ buộc
vào tay cháu, kẻo hai đứa sinh cùng khuôn, rất khó phân biệt đứa nào là anh,
đứa nào là em”. Một đứa nghe thế được
liền thò tay ra khỏi cửa mình mẹ, để
được buộc chỉ đỏ, đứa kia tức khí đạp cho đối phương một phát, vì bị đạp đau, nó thụt tay vào, cậu
kia chui vọt ra !
Bởi
thế, vua thánh Đavid nói : ‘Từ trong thai mẫu, tôi đã là kẻ bất chính, ngày
mới sinh, tôi đã mắc tội rồi” (Tv.51/50,7).
Có đôi vợ chồng kia bất hòa với nhau
đòi chia gia tài. Chồng nghĩ rằng mọi đồ dùng trong nhà do đều tiền mình làm ra
mua sắm, nên chắc anh phải được phần nhiều hơn. Trong khi đó vợ lại nghĩ của
chồng công vợ, mình không cần kiệm gìn giữ thì nhà chẳng có gì, cho nên mình
phải được chia nhiều hơn chồng. Do đó, chị nói với chồng :
-
Đồ gì trong nhà là CÁI, thuộc phái nữ, đó là của
tôi. Và bắt đầu đếm : cái tủ, cái giường, cái tivi, cái xe, cái nhà…
Chồng nghe thế, thì trong nhà này chẳng còn
đồ gì là của anh, anh vội đứng lên xông tới chụp con dao dùng chặt cây, và quát
:
-
Mẹ mày, đây là ĐỰC rựa !
4/ Kẻ giàu tìm cách kết án Chúa để chạy tội.
Tên
phú hộ xin tổ phụ Abraham cho Ladarô hiện về răn dạy năm anh em hắn, không phải
vì hắn có lòng thương muốn cứu anh em, nhưng đó chính là mánh lới hắn muốn tìm
cách chạy tội, nếu tổ phụ Abraham nhận lời đề nghị này của hắn, chắc chắn hắn
có cớ quy tội cho Chúa : Tôi nay bị khổ dưới Hỏa Ngục là do lỗi của Chúa đã
không cho người chết hiện về báo cho tôi, Ngài đã không làm mọi cách để giáo
dục người ta. Tôi đây là nạn nhân!? Thực tế thì Chúa đã cho anh Ladarô, em của
Matta và Maria thuộc gia đình giàu có sống lại, để với trải nghiệm dùng tiền
của người giàu mới biết mà dạy người khác (x Ga11). Nhưng người ta lại muốn
giết Ladarô giàu có, chứ nào có ai muốn nghe người giàu sống lại dạy đâu (x Ga
12,10).
Mặt
khác, nếu tổ phụ Abraham nhận lời phú hộ cho Ladarô nghèo khó sống lại về răn
đời, thì người nghèo làm sao có kinh nghiệm dùng của để dạy người giàu? Và nếu
chỉ nghe lời người chết về dạy, thì Chúa tự hạ giá lời các ngôn sứ thấp hơn lời
kẻ chết sống lại sao? Do đó tổ phụ Abraham đã trả lời cho tên phú hộ : “Chúng
đã có Môsê và các ngôn sứ, chúng phải nghe các ngài” (Lc 16,29 : Tin Mừng). Vậy xưa tên
phú hộ xin cho Ladarô nghèo sống lại để dạy người còn sống biết dùng tiền của,
làm sao sánh bằng hôm nay ta đi dâng Lễ, được gặp chính Con Thiên Chúa Phục
Sinh từ Trời đến dạy (x Dt 1,2), nhưng liệu ta có nghe không ?
Vì thế
thánh Phaolô cảnh giác chúng ta : “Nếu
chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không còn hy lễ nào
đền tội được nữa, mà chỉ còn phải sợ hãi đợi chờ cuộc phán xét và ngọn lửa nóng
bừng thiêu huỷ các đối tượng của Thiên Chúa. Ai khinh thường luật Môsê, theo lời
chứng của hai hay ba người, thì sẽ bị xử tử thẳng tay. Phương chi kẻ đã chà đạp
Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao Ước đã thánh hiến mình và nhục mạ Thần
Khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem, kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn
biết mấy! (Dt.10, 26-29).
II. NGƯỜI ĐẶT NIỀM TIN NƯƠNG TỰA
NƠI CHÚA SẼ ĐƯỢC SỐNG HẠNH PHÚC.
Đức
Giêsu chúc phúc cho người nghèo đặt niềm tin nơi Thiên Chúa vì chỉ mong Nước
Trời làm gia nghiệp (x Mt 5,3). Họ nghèo vật chất nhưng lại giàu Lời Chúa, giàu
lòng nhân ái, đó mới thực là nghèo giống Chúa Giêsu (x 2Cr 8,9).Vì thế ngôn sứ
Giêrêmia nói : “Phúc thay kẻ đặt niềm tin
vào Đức Chúa , và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ
sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ
xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng
ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17,7-8). Rõ ràng ngôn sứ mô tả người đặt niềm tin
nương tựa nơi Chúa là người đang thực hành lời kinh : “Ai vui thú với Lề Luật Chúa, nhẩm đi nhắc lại suốt đêm ngày, người ấy
tựa cây trồng bên suối nước…” (Tv 1,2-3). Nhờ vậy mà được :
- Chúa thương
chúc phúc.
- Hưởng Tín
Điều Các Thánh Cùng Thông Công.
***
1/ Người nghèo được Chúa thương chúc phúc.
Thực
vậy, Chúa Giêsu không nói gì về công đức của anh Ladarô, vì chính Chúa đặt tên
cho người nghèo khổ này là Ladarô có nghĩa là “người được Chúa thương xót”.
Như
vậy lý do chính người ta được cứu độ là do lòng thương xót của Chúa, đó mới gọi
là ơn, nếu do việc ta làm thì đó là công. Bởi vậy ơn cứu độ được gọi là ơn
nhưng không. Đúng với lời kinh ta đọc : “Ca
tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi” (Tv 146/145,1b : Đáp ca).
2/ Được hưởng Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công.
Đức Giêsu có ý lấy tên Ladarô đặt
cho anh nghèo khổ này, chắc chắn Ngài muốn cho mọi người phải nhớ đến anh
Ladarô em của hai chị Matta và Maria, đã chết thối bốn ngày được Ngài cho sống
lại (x Ga 11), là để thưởng công cho chị Maria chỉ để tâm nghe Lời Đức Giêsu,
và chị Matta mải miết dọn tiệc thiết đãi Đức Giêsu bồi dưỡng nghị lực để đi
phục vụ (x Lc 10,38-42). Mà chính Đức Giêsu tự nhận mình sống tinh thần ngôn sứ
Êlya và ngôn sứ Êlysê (x Lc 4,25-27), thì Ngài không thể thua hai ông này :
- Ngôn sứ Êlya cho con bà góa
Sarepta sống lại, vì bà góa nghèo khó này chỉ có một chiếc bánh đã nhường cho
ngôn sứ Êlya ăn (x 1V 17,7t).
- Ngôn sứ Êlysê cho con bà lớn thành
Shunem sống lại, vì bà vẫn giúp ông có nơi trú ngụ (x 2 V 4,18-37).
- Kìa ông Giakêu lấy nửa gia tài
chia sẻ liền được Đức Giêsu tuyên bố: “Cả
nhà ông được cứu độ” (x Lc 19,9), huống chi cả hai chị Matta và Maria,
người thì để tâm nghe Lời Chúa, người thì lo dọn bàn ăn mời Đức Giêsu dùng, mà
Ngài lại không cứu em họ khỏi chết hay sao ?
Bởi đó, ơn cứu độ ta được trước
nhất là do lòng thương xót của Chúa, thứ đến ta được hưởng nhờ Tín Điều Các
Thánh Cùng Thông Công.
Qua
dụ ngôn phú hộ và Ladarô trên đây đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia : “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng
người, ai dò thấu được?Ta là Đức Chúa,Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm
can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm” (Gr
17,9-10).
Do
đó Hội Thánh mượn lời thánh Phaolô nói với Timôthê để khuyên chúng ta : “Hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức,
giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. Anh hãy thi đấu
trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì
sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng
cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng. Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống
cho mọi loài, và trước mặt Đức Kitô Giêsu là Đấng đã làm chứng trước toà tổng
trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh: hãy
tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho
đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện. Đấng sẽ cho Đức Kitô tỏ hiện
vào đúng thời đúng buổi,là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các
chúa. Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử,ngự trong ánh sáng siêu phàm,
Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy
quyền đến muôn đời” (1Tm
6,11-16 : Bài đọc II).
Sau
khi chúng ta tìm hiểu dụ ngôn phú hộ và Ladarô, điều cần chú ý hơn cả là :
người giàu có về của cải mà không biết chia sẻ, chỉ ăn sướng mặc sang, lo cho
bản thân, tội ấy còn nhẹ hơn loại “người nghèo của lại nghèo cả Chúa”, loại
người này chẳng bao giờ đi tìm của nuôi linh hồn, dồn hết thì giờ vào việc tìm
kiếm của cải vật chất để lo hưởng thụ, làm ít ăn nhiều, có tiền là tiêu phung
phí vào việc ăn chơi vô bổ, chẳng bao giờ giúp ai được điều gì, thấy người giàu
hơn mình thì bất mãn và trách Chúa bất công : đã cho kẻ vô đạo giàu hơn kẻ có
đạo như mình ! Loại nghèo này luôn mơ ước làm giàu, nhưng đời này vẫn nghèo vẫn
khổ, chắc chắn đời sau khổ hơn nữa ! Xuống Hỏa ngục còn bị tên phú hộ giàu của
ngồi trên đầu !
Ông
Alfred Adler nói : “Kẻ nào không quan tâm
tới người khác, chẳng những nó gặp nhiều khó khăn trong đời, mà còn là kẻ gây
tai họa cho xã hội”.
THUỘC LÒNG.
Chúng ta đã không mang gì vào trần gian,thì cũng
chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn
những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn
ngu xuẩn độc hại (1Tm
6,7-9).
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH