Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC : 1 Cr 11,17-26.33

            17 Thưa anh em, nhân lúc đưa ra các chỉ thị này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại.18 Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng.19 Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn.20 Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.21 Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say.22 Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!

23 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

            33 Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau.

ĐÁP CA : Tv 39

Đ.        Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến. (x 1Cr 11,26b)

7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,8a con liền thưa: "Này con xin đến!

8b Trong sách có lời chép về con 9 rằng: con thích làm theo thánh ý,và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."

10 Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.

17 Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài! Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ luôn nói rằng: "Đức Chúa vĩ đại thay! "

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : Ga 3,16

            Hall-Hall : Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. Hall.

TIN MỪNG : Lc 7, 1-10

            1 Một hôm, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um.2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.

            4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: "Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho.5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta." 6 Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: "Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm."9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: "Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế."10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

BÀI GIẢNG

SỐNG BỞI ĐỨC TIN, TỒN TẠI NHỜ ĐỨC ÁI

            Giáo huấn Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 9 nói : “Chúa không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết”, nghĩa là phải được liên kết với Chúa Giêsu và đồng loại.

I. PHẢI ĐƯỢC LIÊN KẾT VỚI CHÚA GIÊSU BẰNG ĐỨC TIN, nhất là tin vào Lời Chúa cứu sống con người. Đan cử như Đức Tin của vị sĩ quan Roma, ông có tên đầy tớ lâm bệnh nguy tử, ông không dám trực tiếp đến xin Đức Giêsu cứu đầy tớ ông, mà ông sai phái ít niên trưởng Do Thái đến trình bày. Sở dĩ ông không dám trực tiếp gặp Đức Giêsu vì Luật Môsê không cho phép người Do Thái đến nhà dân ngoại. Đức Giêsu nghe được, Ngài sẵn sàng đến nhà ông, tức là Ngài chấp nhận phiền hà khi phục vụ. Vị sĩ quan biết Đức Giêsu tiến về nhà mình, ông liền sai bạn hữu đến thưa với Ngài : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm.” (Lc 7, 6-8 : Tin Mừng).

            Như thế ông sĩ quan đã nhận ra chỉ có Lời Đức Giêsu đem sự sống cho mọi người, mà không thể tìm được nơi những người quyền cao chức cả trong xã hội, ông cho biết lời của ông có uy quyền sai bảo mọi người làm theo ý ông, dù ông chỉ là sĩ quan rốt bét trong triều đình, và cứ như vậy nếu lần lên lời nói của vị sĩ quan cao cấp khác, nhất là tới hoàng đế Roma, thì lời của những người trần thế có đầy uy quyền cũng không sánh bằng Lời Đức Giêsu, vì chỉ có Lời Đức Giêsu phát sinh sự sống cho những người tin.

            Đức Tin của ông sĩ quan làm cho Đức Giêsu hết sức ngạc nhiên và Ngài lên tiếng khen : "Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế." (Lc 7,9 : Tin Mừng). Vị sĩ quan đã bộc lộ Đức Tin như thế, nên ông Phêrô cũng bắt chước thưa với Đức Giêsu :“Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con theo ai, Thầy có những Lời đem đến sự sống đời đời” (Ga 6,60-68),khi ông thấy cả rừng người, có cả một số môn đệ Đức Giêsu đã bỏ Ngài mà đi, vì không chấp nhận Lời Ngài nói “ăn Thịt và uống Máu Ta” sẽ được sống muôn đời (x Ga 6,60-68).

            Nhờ Đức Tin của ông sĩ quan mà đầy tớ ông được thoát tay tử thần, khi những kẻ được sai đến gặp Đức Giêsu trở về nhà, thì thấy đầy tớ đã an lành mạnh khỏe (Lc 7,10 : Tin Mừng). Đúng là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,16 : Tung Hô Tin Mừng).

            Vậy nhờ Đức Tin vào Lời Chúa của người lãnh đạo cứu sống những kẻ thuộc về mình. Do đó thánh Phaolô viết thư cho Giám mục Timôthêu môn đệ ông : “Tôi khuyên ai nấy hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết Chân Lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. chính tôi được Chúa đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ, làm thầy dạy các dân ngoại Đức Tin và Chân Lý. Tôi muốn rằng những người đàn ông hãy cầu nguyện bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời với tâm hồn thánh thiện, không giận  hờn, không xung khắc” (1Tm 2,1-8 : Bài đọc năm lẻ). Trong thư này ông Phaolô lưu ý những người đàn ông phải giơ tay cầu nguyện, vì họ là những người được Chúa đặt làm thủ lãnh trong gia đình hay ngoài xã hội, và đó cũng là lý do ông nhắc đến phải cầu nguyện cho các vua chúa và những người cầm quyền, để họ hoàn tất sứ mệnh lãnh đạo mà cất lời ngợi khen Thiên Chúa : “Chúc tụng Chúa, vì Người nghe tiếng tôi khẩn nguyện” (Tv 28/27,6 : ĐC năm lẻ).

II. PHẢI LIÊN KẾT VỚI MỌI NGƯỜI BẰNG ĐỨC ÁI NHƯ ÔNG SĨ QUAN NGOẠI GIÁO ROMA. Đặc biệt ông này tỏ lòng thương kẻ hạ cấp nhất trong xã hội, và những người thấp cổ bé miệng. Cụ thể :

            1/ Ông thương người nô lệ trong nhà. Xã hội thời ấy, nô lệ không được pháp luật nhìn nhận phẩm giá, người ta coi nô lệ chỉ như một dụng cụ để làm việc, có khi người ta quý con vật hơn nô lệ. Thế mà vị ông sĩ quan ngoại giáo này lại lo tìm Lời Đức Giêsu cứu tên nô lệ, như lo cho chính con mình hoặc cứu sống chính bản thân (x Lc 7,2: Tin Mừng).

            2/ Ông thương dân bị trị. Dân Do Thái vào thời ấy đang bị đế quốc Roma thống trị, Roma còn muốn dân Do Thái phải tôn thờ hoàng đế của họ hơn tôn thờ Thiên Chúa của Israel. Thế mà ông sĩ quan này đã hao tốn tiền của và liều mạng dám xây hội đường cho dân bị trị có nơi sinh hoạt tôn giáo. Những người Do Thái cảm nghiệm được lòng thương của vị sĩ quan ngoại giáo này, nên họ đến động viên Đức Giêsu cứu giúp tên đầy tớ của ông, họ nói : “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta” (Lc 7,4b-5 : Tin Mừng).

            Nhìn vào cách chăm sóc đồng loại của vị sĩ quan Roma, ta thấy ông đã dạy mọi người phải có Đức Tin và Đức Ái, vì :

- Người công chính sống bởi Đức Tin (Rm 1,17).

- Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Đức Ái tồn tại muôn thuở (1 Cr 13,13).

Nhưng nhìn vào cách sống Đạo của giáo đoàn Côrinthô, ông Phaolô thấy thua xa vị sĩ quan ngoại giáo trong Tin Mừng hôm nay, nên ông viết thư trách :

Thưa anh em, nhân lúc đưa ra các chỉ thị này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau. Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của?

 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Do đó thánh Phaolô khuyên các tín hữu trước khi đi dâng Lễ, hãy dùng bữa ở nhà trước, và Khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau” (1Cr 11, 17-26.33 : Bài đọc năm chẵn).

Đó là “anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới khi Chúa lại đến” (1Cr 11,26b : ĐC năm chẵn).

Loan truyền việc Chúa chịu chết” chính là hiệp dâng Thánh Lễ, rồi đi phục vụ, thì phải đặt quyền sống của người anh em trên quyền sống của mình, giống Chúa Giêsu đối với nhân loại. Nếu tất cả những người Công Giáo sống được như thế thì thế giới này không còn ai ở ngoài Hội Thánh Công Giáo.

THUỘC LÒNG

            Người ta được lành mạnh không phải nhờ cỏ nọ hay thuốc kia, nhưng nhờ Lời Chúa chữa họ khỏi mọi tật nguyền (Kn 16,12).

http://phaolomoi.net

LM GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: