BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC :
1Cr 5, 1-8
1 Thưa
anh em, đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ
dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!
2 Thế mà
anh em lại còn kiêu ngạo! Lẽ ra anh em đã phải than khóc và loại trừ kẻ làm
điều ấy ra khỏi cộng đoàn của anh em!3 Phần tôi, tuy vắng mặt về
thân xác, nhưng về tinh thần vẫn có mặt, tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể
tôi có mặt tại chỗ.4 Trong một buổi họp của anh em, ở đó có tôi hiện
diện bằng tinh thần, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và với quyền
năng của Người,5 chúng ta phải nộp con người đó cho Xa-tan, để phần
xác nó bị huỷ diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa. 6
Lý do khiến anh em vênh vang chẳng đẹp đẽ gì! Anh em không biết rằng chỉ một
chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao?7 Anh em hãy loại
bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô
đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.8 Vì thế, chúng
ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là
lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.
ĐÁP CA : Tv
5
Đ. Lạy
Chúa, xin lấy đức công chính của Ngài mà hướng dẫn con. (c 9a)
5 Ngài
không phải là một vị thần ưa điều ác,ác nhân đâu được ở với Ngài, 6a
trước nhan Ngài, đứa kiêu căng làm sao đứng vững!
6b Ngài
ghét những kẻ làm điều ác,7 diệt trừ bọn điêu ngoa, kinh tởm lũ giết
người,gớm ghê phường giảo quyệt.
12 Còn
những người trú ẩn bên Chúa, ước chi họ đều được hỷ hoan và reo vui mãi tới
muôn đời. Chúa bảo vệ những người mến yêu Danh Thánh,nhờ Ngài, họ phấn khởi
mừng vui.
BÀI GIẢNG
SỐNG NHỜ HY TẾ CỦA CHÚA GIÊSU
Có
một điều xem ra Đức Giêsu mâu thuẫn với lời nói và việc làm : Ngài đã khẳng
định : “Dù một chấm một phết trong Luật
Môsê cũng không được bỏ qua” (x Mt 5,18b). Thế mà chính Ngài lại làm việc
trong ngày sabat nhằm hủy bỏ Luật này? Ta biết rằng các tác giả Tin Mừng ghi
lại bảy lần Đức Giêsu vi phạm ngày Sabat :
- Ngài lên tiếng giảng trong hội đường, ra lệnh cho quỷ
xuất khỏi một người (x Lc 4,31).
- Ngài chữa lành cho một người có tay khô bại (x Lc 6,6
: Tin Mừng).
- Ngài chữa lành cho một phụ nữ bị còng lưng 18 năm (x
Lc 13,10).
- Ngài chữa lành cho một người mắc bệnh thủy thũng (x
Lc 14,1).
- Ngài chữa lành cho người bất toại nằm bên hồ ao Cừu
(x Ga 5,1).
- Ngài hóa bánh cá ra nhiều nuôi dân đông vô chừng kể
(x Ga 6,4).
- Ngài chữa lành cho một người mù từ thuở mới sinh (x
Ga 9,16).
Thế mà được
mọi người dân ca tụng : “Mọi việc Đức
Giêsu làm đều tốt đẹp” (Mc
7,37).
Nhưng vì bảy lần Đức Giêsu làm việc vi phạm ngày
Sabat nên bị giết, thì chính nhờ sự chết và phục sinh của Ngài mới làm hoàn hảo công trình
tuần Sáng tạo thuở khai sinh lập địa (x St 1). Vì cuộc Sáng tạo thuở ban đầu,
ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ, điều ấy chỉ có ý tiên báo vào thời Tân Ước, Đức
Giêsu bị giết vào ngày thứ sáu vì đã vi phạm luật ngày thứ bảy, và được an táng
trong mộ vào ngày thứ bảy, sau ba ngày Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, hoàn tất
Hy Tế mới để thay thế Phụng Vụ Do Thái cử hành vào ngày thứ bảy ; rồi Đức Giêsu
trao cho Hội Thánh tiếp tục cử hành cho đến ngày cánh chung (x 1Cr 11,23-25).
Ai đến tham dự Hy Tế của Chúa Giêsu, thì được Chúa Giêsu Thánh Thể tiếp tục tái
tạo người đó bằng Lời và Thịt Máu Ngài, để làm hoàn hảo cuộc Sáng tạo thuở ban
đầu.
Thực
vậy, ba lý do và ý nghĩa nghỉ việc ngày thứ bảy của ông Môsê quy định cho dân
để tạ ơn Thiên Chúa qua Phụng Vụ Do Thái giáo, nay được hoàn hảo vào ngày thứ
nhất trong tuần, ngày thứ tám tức là ngày Chúa nhật :
1/ MỪNG CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG CỦA THIÊN CHÚA
Ông Môsê truyền cho dân phải nghỉ
việc ngày thứ bảy để mừng công trình
Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ tốt đẹp trong sáu ngày, rồi ban tặng hết cho
loài người, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi (x Xh 20,8-11).
Nhưng
ngày Chúa nhật, Chúa Giêsu Phục Sinh tái tạo loài người khởi đi từ Bí tích
Thánh Tẩy, vì loài người đã ra hư hỏng do tội Adam, Eva, và được nuôi sống bằng
Bí tích Thánh Thể - bằng chính xương thịt Con Một Thiên Chúa – để ta được trở
nên dưỡng tử của Thiên Chúa,
được
thông dự cùng một sự sống Phục Sinh của Chúa Giêsu (x Ga 6,57 ; Ga
15,1), đến như được đồng hóa với Ngài (x Gl 2,20). Bởi
vì “ai ở trong Đức Giêsu Kitô, người
ấy là tạo thành mới, con người cũ đã qua đi, và này con người mới đã được thành
sự” (2Cr 5,17) Nếu không ta chỉ như một sinh vật (x
1Cr 15,45), chẳng hơn gì con thú (x Gv 3,18-19).
2/ MỪNG ĐƯỢC CHÚA CỨU THOÁT KHỎI NÔ LỆ.
Ông Môsê lại truyền cho dân phải nghỉ ngày thứ bảy vì
Chúa đã cứu dân thoát cảnh nô lệ Ai Cập,
nhờ Chúa bảo ông Môsê dùng gậy đập xuống Biển Đỏ, nước rẽ ra cho dân đi qua an
toàn, để rồi cũng nước ấy chôn sống bọn Ai Cập dưới lòng biển (x Dnl 5,12-15).
Niềm
vui trên đây không thể sánh bằng nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh cứu chúng ta thoát nô
lệ satan, thoát tội lỗi, đánh gục thần chết, nhờ nước Thánh Tẩy và Máu Chúa
Giêsu Phục Sinh trong Phụng Vụ Ngài thiết lập vào ngày thứ nhất trong tuần.
Đúng như Lời Đức Giêsu đã nói : “Chúa Con có cho các ngươi tự do, thì các ngươi
mới đích thực là tự do” (Ga 8,36).
3/ MỪNG ĐƯỢC CHÚA BAN LỜI HẰNG SỐNG.
Sau cùng ông Môsê truyền cho dân phải nghỉ ngày thứ
bảy để ngợi khen Chúa,vì vào ngày thứ bảy Ngài
đã gọi ông lên núi Sinai trao cho
ông Lời Chúa được ghi trên hai bia đá để truyền lại cho dân (x Xh 24,16-18
; 35,2). Nhờ hai bia đá ấy, dân Chúa toàn thắng mọi kẻ thù,được bình an trên
đường tiến về miền đất Hứa.
Nhưng
Lời Chúa ông Môsê nhận từ núi Sinai, chỉ ban riêng cho dân Do Thái, ai thi hành
vẫn còn giam người ấy trong tội, vì Kinh Thánh giá trị như một quản giáo dẫn ta
đến kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh, mới được cứu độ (x Gl 3,22.24). Nhất
là vào ngày lễ Ngũ Tuần Lời Chúa không chỉ ban cho Do Thái mà còn
cho cả loài người (x Cv 2). Lời ấy đã có từ nguyên thủy, và Lời ở nơi
Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa, đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng
ta. Từ nguồn sung mãn của Người, hết thảy chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn
khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ơn sủng và sự
thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có”
(x Ga 1,1-17). Mỗi khi ta dự Thánh Lễ, Hội Thánh dùng quyền năng Chúa Thánh
Thần ghi Lời trên hai tấm bia linh hồn và thân xác của người tín hữu (x 2 Cr
3,3). Chân lý này đã được ngôn sứ Giêrêmia tiên báo : “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày
đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta
sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.Chúng sẽ không còn phải
dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA",
vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác
cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.Ít-ra-en sẽ tồn tại mãi” (Gr 31,33-34).
Bởi thế, Đức Giêsu nói : “Con Người là Chúa ngày thứ bảy” (Lc 6, 5 : Tin Mừng), có nghĩa là
Ngài làm hoàn hảo Phụng Vụ Do Thái giáo và chuyển đổi ý nghĩa, giá trị Phụng Vụ
này từ ngày thứ bảy sang ngày Chúa nhật Phục Sinh, mục đích chính là làm cho
người ta thoát tay tử thần, cho nên ai tham dự Phụng Vụ của Chúa Giê-su thì dù
có chết cách nào đều được Chúa cho sống lại hạnh phúc dồi dào (x Ga 6, 54 ; Ga
10,10). Để làm chứng chân lý này, Đức Giêsu đã chữa cho người có tay khô bại
vào ngày thứ bảy. Hình ảnh tay khô bại là biểu tượng sự chết của con người, như
ngôn sứ Êzekiel đã báo trước về sự Phục Sinh mà Đức Giêsu thực hiện cho loài
người : “Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa
là Chúa Thượng phán thế này với các xương ấy: Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào
các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến
thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào
trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết
chính Ta là ĐỨC CHÚA.” (Ed 37, 4-6).
Do đó phép lạ Đức Giêsu chữa lành cho người có tay khô
bại, Ngài nói với anh : “Hãy đứng ra giữa
đây, và hãy giăng tay ra” (Lc 6,8.10). Lời quyền năng chữa lành anh có tay
khô bại, đã làm cho những kẻ chứng kiến uất ức, giận điên lên, và bàn mưu tính
kế với nhau, để tố cáo Đức Giêsu đã vi phạm luật ngày Sabat, phải diệt ngay! (x
Lc 6,7.11 : Tin Mừng). Quả thật vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chúng làm chứng
giam tố cáo Ngài và gây áp lực với chánh án Philatô phải ra lệnh giết Ngài.
Được lệnh giết chúng lặp Lời Đức Giêsu đã nói khi chữa lành cho anh có tay khô
bại : “Bây giờ, đến lượt mày hỡi Giêsu, hãy đứng ra giữa đây, để bọn tao xử tử
mày, vậy mày hãy giăng tay ra để bọn
tao đóng đinh!” Chính lúc đó Ngài mới thực sự làm cho hết những ai tin vào
Ngài thể hiện qua việc lãnh Bí tích Thánh Tẩy để được tham dự vào Hy Tế Thập
Giá của Ngài, thì dù có chết cách nào cũng được sống lại vinh hiển cả hồn lẫn
xác, và ngày cánh chung mới thấy rằng : Đức Giêsu thế nào thì những kẻ đã được
sống lại với Ngài cũng được vinh hiển như vậy (x 1Ga 3,2). Đúng là “nhờ Thiên Chúa,tôi được cứu độ và vinh quang”
(Tv 62/61,8a : ĐC năm lẻ). Như thánh Tông Đồ được Chúa Giêsu ở cùng giúp ông thi
hành sứ mệnh ngôn sứ trong hân hoan cả lúc gặp gian khổ, ông nói : “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em.
Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho
đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Đó là tôi rao giảng Lời của
Người cho trọn vẹn. Người đã muốn cho mọi người được biết mầu nhiệm này phong
phú và vinh hiển biết bao giữa các dân ngoại : Đó là chính Đức Kitô đang ở giữa
anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1, 24-2,1-3 : Bài đọc năm lẻ). Vì thế Đức Giêsu
đã xác định : “Chiên của tôi thì nghe
tiếng tôi, tôi biết chúng, và chúng theo tôi” (Ga 10,27 : Tung Hô Tin
Mừng). Đã nghe tiếng Chúa và đi theo Ngài, thì thân xác chúng ta không còn hiến cho các đam
mê xác thịt. Tiếc rằng một số tín hữu trong giáo đoàn Côrintho đã chìm đắm
trong dâm ô, khiến cho ông Phaolô phải lên tiếng cảnh cáo : “Lẽ ra anh em phải than khóc và loại trừ khỏi
điều ấy ra khỏi cộng đoàn của anh em! Phải nộp con người đó cho satan, để phần
xác nó bị hủy diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa. Anh em
không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho một khối bột dậy lên sao? Anh
em hãy loại bỏ men cũ (dâm dật) để trở thành bột mới,vì anh em là bánh không
men (dùng trong Thánh Lễ). Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm Chiên Lễ Vượt
Qua của chúng ta.Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác,
nhưng hãy lấy bánh không men, lòng tinh tuyền và chân thật mà ăn mừng Đại Lễ”
(1 Cr 5,1-8 : Bài đọc năm chẵn). Thế nên ta hãy cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin lấy đức công chính của Ngài mà hướng dẫn con” (Tv
5,9a : ĐC năm chẵn).
Mỗi ngày trong giờ kinh Sáng
ta vẫn thường nhắc lại Lời Chúa phán : “Hãy
vào đây (dự Lễ) ta cúi mình phủ phục, quỳ trước Thánh Nhan Chúa là Đấng dựng
nên ta, bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là
đoàn chiên tay Người dẫn dắt, để được vào chốn yên nghỉ của Người” (Tv
95/94,6.11b).
Vậy sự nghỉ ngơi của Chúa là
làm việc cả ngày thứ bảy, để sinh ơn cứu độ cho chúng ta. Thế thì Điều Răn I
Hội Thánh dạy người Công Giáo “phải nghỉ
việc vào ngày Chúa nhật và lễ Trọng”, để có thêm thời giờ chuẩn bị dự Lễ cách
tích cực với lòng yêu mến, rắp tâm nghe Lời Chúa, dọn tâm hồn rước Lễ, là cách
được nghỉ ngơi trong Chúa Giêsu,và được Ngài bổ sức, như cái máy chạy cần phải
tiếp dầu mỡ, giúp ta làm việc Tông Đồ tích cực hơn đưa ơn Chúa đến với người
anh em, nhằm quy tụ thêm nhiều người về
nghỉ ngơi trong Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó mới là người giữ Luật vì yêu Chúa, mến
đồng loại, chứ không phải vào ngày lễ nghỉ có giờ phung phí vào việc vô bổ, lắm
lúc gây tai họa không chỉ có mình mà còn cho đồng loại, như chơi cờ bạc, xem
phim thiếu lành mạnh, tổ chức ăn nhậu đến say xỉn!
THUỘC LÒNG
Đức Giêsu nói : “Tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống
cách dồi dào” (Ga 10,10)
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH