BÀI GIẢNG
KHÔNG ĐỔ
MÁU KHÔNG CÓ ƠN CỨU ĐỘ
(Dt 9,22)
Không
phải cứ đổ máu là chắc chắn được vinh quang. Kìa Giuđa Iscariot vì hắn là môn
đệ của Đức Giêsu nên mới được kẻ ác tín nhiệm trao cho 30$ để chỉ điểm cho
chúng bắt Thầy. Sau khi bán Thầy với số tiền trên hắn không cảm thấy vui, trái
lại lương tâm bị cắn rứt, nhưng hắn lại không biết sám hối, không trông cậy vào
lòng nhân từ của Thầy, nên đi tự tử, nhào xuống vỡ bụng lòi ruột ra (x Cv
1,18).
Muốn
được hạnh phúc trong địa vị làm thủ lãnh, Đức Giêsu dạy : "Ai muốn làm thủ lãnh, thì phải trở nên kẻ
rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9,35 : Tin Mừng). Cụ thể
phải đi chung đường phục vụ với Thầy Giêsu, như Ngài đã nói :
-“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết
chết Ngài” (Mc 9,31a : Tin Mừng). Tức
là phục vụ theo ý Cha trên trời dù phải mất mạng!
-“Ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31b : Tin Mừng), nghĩa là qua đau khổ mới tiến
vào sự sống vinh quang muôn đời.
Như vậy, muốn làm lớn như Thầy Giêsu, thì phải thấy :
*Bóng thập
giá phía trước.
*Đặt quyền
lợi của tha nhân trên quyền lợi mình.
*Sống tinh
thần trẻ thơ.
I. THẤY BÓNG THẬP GIÁ Ở PHÍA TRƯỚC.
Cái
chết đau thương của Đức Giêsu không phải là một sự cố bất ngờ, như một tai nạn
nghề nghiệp, cũng không phải là một sự thất bại, và càng không phải tự tạo ra
đau khổ để đùa giỡn với tử thần. Nhưng Đức Giêsu ý thức đón nhận đau khổ, vì :
1- Ngài cho
phép sự dữ xảy ra, để chính Ngài học
biết thế nào là vâng phục ý Cha trên trời, hầu đáp cứu những ai bị thử thách (x
Dt 2,18). Bởi thế Đức Giêsu được Chúa Cha hãnh diện giới thiệu với mọi người :
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng
về Người. Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người !” (Mt 17,5b). Đúng là “lửa thử vàng, lò hạ nhục thử người Chúa yêu”
(Hc 2,5 : Bài đọc năm lẻ).
2- Cả Ba Ngôi
Thiên Chúa là Đấng toàn năng có quyền biến dữ ra lành, chết ra sống, đau khổ trở thành niềm vui, do đó ai
gặp đau khổ vì Chúa thì được Ngài dạy : “Hãy
tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng
và trông cậy vào Người. Hãy nhìn lại các thế hệ ban đầu mà xem: nào có ai tin
vào Đức Chúa mà bị hổ thẹn bao giờ? Hay có ai bền tâm kính sợ Người mà bị bỏ
rơi?Hoặc có ai kêu cầu Người mà bị Người khinh dể? Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ
và hay thương xót: Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân”
(Hc 2, 6.10-11 : Bài đọc năm lẻ). Vì chính Đức Giêsu cũng phải trải qua đau khổ
mới đi vào vinh quang của Ngài (x Lc 24,26).
3- Để biểu lộ
tình yêu trọn hảo : “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu
của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thực vậy,
Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8), Ngài đã biểu lộ tình yêu cao cả bằng việc
hiến ban Con Một cho thế gian (x Rm 8,32).
II. ĐẶT QUYỀN LỢI CỦA THA NHÂN TRÊN QUYỀN LỢI MÌNH.
Những
khổ hình trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chỉ sau ba ngày là biến thành chiến
thắng vinh quang Phục Sinh, vì Ngài đã đánh gục mọi ác thần, tử thần không kịp
lẩn trốn (x Mc 9,31). Nhưng điều làm cho Đức Giêsu vẫn còn đau khổ, tủi nhục là
khi các môn đệ được Thầy cho biết trước : “Con
Người sẽ bị nộp vào tay người đời và họ sẽ giết Ngài” (Mc 9,31a : Tin
Mừng). Nghe thế lẽ ra các ông phải động viên nhau như ông Tôma nói: “Cả chúng ta nữa hãy đi dù có phải chết với
Thầy” mới phải (Ga 11,16). Nhưng trong Nhóm các ông lại tranh nhau “ai làm lớn” (x Mc 9,34 : Tin Mừng). Bởi
lẽ trong thâm tâm các ông lúc nào cũng tin chắc rằng Thầy sẽ thắng đế quốc
Roma, khi ấy các ông sẽ được chia quyền (x Cv 1,6). Có quyền trong tay, thì
muốn gì trên đời cũng có.
Đức
Giêsu càng đau khổ hơn nữa, vì cả ba lần Ngài loan báo cuộc Khổ Nạn, thì các
môn đệ đều lộ ra ý muốn được mọi người hầu hạ. Phục vụ mà lại muốn tránh né đau
khổ cho đó là khôn, được Chúa thương. Nên ông Phêrô đã khuyên Thầy chớ liều
mạng cho kẻ ác, liền bị Thầy mắng là “Satan
lui lại đằng sau, vì tư tưởng của anh là tư tưởng của loài người” (lần I –
Mc 8,31-33) ; thế mà lần II các ông lại được Thầy loan báo cuộc Khổ Nạn, các
ông vẫn tranh nhau quyền chức (lần II – Mc 9,30-37) ; Đức Giêsu còn loan báo
cuộc Khổ Nạn của Ngài lần III là phải chết bởi tay các Thượng tế và Kinh sư,
thì hai ông Giacôbê và Gioan muốn thủ lợi cá nhân, nên đã nhờ mẹ đến năn nỉ
riêng với Thầy, xin dành địa vị nhất nhì cho hai anh em (lần III – Mc 10,
32-40).
Tội
tham ô quyền bính này đã di căn đến nhiều chủ chăn trong Hội Thánh, vẫn còn nối
dài và mở rộng xem ra phát triển theo thời gian, gia tăng đến tận thế, khiến
Đức Giêsu đau lòng mà thốt lên : “Không biết ngày tôi trở lại có còn gặp được
niềm tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18,8). Trừ những ai biết mở rộng
tấm lòng đón nhận Lời Chúa cách dồi dào để được nhiều ơn Chúa Thánh Thần cảm
hóa (x Ga 6,63), như ông Giacôbê, người đứng đầu cuộc tranh cãi địa vị, lên
tiếng khuyên các tín hữu : “Bởi đâu có
chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những
khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy,
anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng
được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là
vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để
lãng phí trong việc hưởng lạc. Ai yêu thế gian là ghét Thiên Chúa. Thiên Chúa
chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”(x Gc 4, 1-6 : Bài
đọc năm chẵn).
Ai
thực hành được lời giáo huấn của Tông Đồ Giacôbê, mới an ủi Chúa, không làm vô
hiệu hóa công cuộc Cứu Chuộc loài người mà Đức Giêsu đã mất mạng thực hiện, để
người ấy nói được như thánh Phaolô : “Ước
chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa. Nhờ thập giá Người,
thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian”
(Gl 6,14 : Tung Hô Tin Mừng).
III. SỐNG TINH THẦN TRẺ THƠ.
Đức
Giêsu dạy : “Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Kế đó,
Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh
Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón
Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9,35-37 : Tin Mừng).
1- Trở nên tôi tớ mọi người.
Ta hãy nhìn Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, Ngài đã tự hạ mình rửa chân cho
các Tông Đồ, rồi Ngài nói : “Nếu Thầy là
Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho
nhau” (Ga 13,14). Hạ mình phục vụ mọi người theo ý Cha trên trời không phải
là đánh mất phẩm giá của mình, nhưng là phương cách để được cất nhắc lên cao,
giống Thầy Giêsu : “Ngài vốn dĩ là Thiên
Chúa, nhưng đã tự hủy mình ra không, đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã vâng
phục Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Cuối cùng được Chúa
Cha siêu tôn, Danh Ngài vượt trên mọi danh hiệu, hầu khi nghe Danh Thánh Giêsu,
mọi loài trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ phải quỳ gối bài thờ” (Pl
2,6-11).
2- Tiếp nhận trẻ nhỏ vì danh Chúa.
Mạc Khải đã diễn tả về tinh thần trẻ thơ rất dễ thương :
a- “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel
ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131/130,2b-3). Thực vậy, trẻ thơ
lớn lên nhờ lệ thuộc vào tình thương của cha mẹ ấp ủ, quan trọng hơn lương thực
cha mẹ nuôi em. Bởi thế một em bé nuôi trong Nhà Trẻ không thể phát triển đầy
đủ bằng một em được chăm sóc dưới bàn tay cha mẹ. Tinh thần trẻ thơ từ thuở ban
đầu đừng ai làm mất, để khỏi bị Chúa phàn nàn : “Ta trách ngươi điều này : ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy
hãy nhớ lại xem bởi lý do nào mà ra sa đọa, hãy hối cải và làm những việc ngươi
đã làm thuở ban đầu ” (Kh 2,4-5). Lòng mến thuở ban đầu phải là tình yêu
của trẻ con hoàn toàn gắn bó và lệ thuộc vào cha mẹ nó ; tương tự thuở còn nhỏ,
ta rất thích theo cha mẹ đến Nhà Thờ để dự Lễ và học giáo lý, tiếc rằng khi
lớn, ta đã bỏ mất lòng mến ấy.
Vua
Napoléon, một vị vua oai hùng nhất nước Pháp, vì ông luôn bách chiến bách thắng
trước mọi quân thù. Có lần người ta hỏi vua : “Trong đời ngài, lúc nào ngài cảm thấy hạnh phúc nhất?” Vua đáp ngay
: “Hạnh phúc nhất trong đời trẫm không
bao giờ quên là ngày được Rước Lễ Lần Đầu”.
Ước
gì mọi người Công Giáo đều giữ lòng mến thuở ban đầu trong ngày Rước Lễ Lần Đầu
như vua Napoléon, nên không bao giờ bỏ rước Lễ.
b- Trẻ nhỏ muốn gì phải hỏi ý kiến cha mẹ (x Gl 4,1-2),
thì khi ta muốn gì, nói gì, làm gì càng cần phải cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn.
c- Đàn bà trẻ con thường không được quan tâm trong các
bữa tiệc, chỉ có các đấng (x Mt 14,21). Thì ta đừng lên mặt tỏ uy tranh quyền,
vì “Thiên Chúa chống lại kẻ tự tôn, nhưng
ban ơn cho người tự hạ” (Gc 4,6.10 : Bài đọc năm chẵn).
d- Có tức giận ai thì như con nít thôi (x 1Cr 14,20). Trẻ
con chơi với nhau thế nào cũng có bất
hòa, chúng tìm đến ông bà, cha mẹ để xin bênh đỡ, rồi chỉ một lát sau chúng lại
vui vẻ chơi với nhau. Thánh Giacôbê nói : “Anh
em hãy phục tùng phục Thiên Chúa, hãy chống lại ma quỷ ; chúng sẽ chạy xa anh
em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em” (Gc 4, 7: Bài đọc năm chẵn).
e- Bản năng trẻ nhỏ là luôn muốn thăng tiến về cả thân
xác lẫn tinh thần. Thánh Phaolô nói : “Khi
tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ
như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là
trẻ con” (1Cr 13,11). Nghĩa là trẻ con nói trước hiểu sau ; nhưng người lớn
thì phải ngược lại, suy nghĩ, hiểu biết rồi mới nói, để thoát ra sự khờ dại của
tuổi thơ.
Vậy ai tự hạ mình phục vụ như Đức Giêsu trong tinh
thần trẻ thơ là “trút nhẹ gánh lo vào tay
Chúa, Người sẽ đỡ đần cho” (Tv 55/54,23 : ĐC năm chẵn), và “ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ
ra tay” (Tv 37/36,5 : ĐC năm lẻ), người ấy mới sống phục vụ tin yêu để nói
được như thánh Gioan Maria Vianey : “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến”,
và như thế mới thực sự là người cao cả vì đã sống như Thầy Giêsu, Đấng làm Vua
trên các vua.
Một người mơ thấy rằng : Trong ngày cánh chung, Chúa
Giêsu đứng trước cửa Trời đón người công chính vào Thiên Đàng,lúc ấy ai cũng
muốn vào trước, nhưng không ai dám tranh với những vị có chức quyền. Lúc ấy một
vị đội mũ cà cuống, tay cầm gậy rồng, mặc áo vua tiến đến trước mặt Chúa,
Chúa hỏi
- Ngươi là ai?
- Dạ con là Giáo hoàng.
- Giáo hoàng ư? Đứng ra
bên cạnh tính sau.
Một người khác mặc veston, đi giày tây, oai phong lẫm
liệt đến trình diện. Chúa hỏi
- Ngươi là ai?
- Dạ, con là Tổng thống
Mỹ ạ.
- Tổng thống Mỹ à, đứng
sang bên, chờ xét.
……
Cuối cùng một cụ già khòm lưng chống gậy đến trình
diện. Chúa hỏi
- Ngươi là ai?
- Dạ, thưa là con nít ạ.
- Con nít à, vô con vô
con, lẹ lên!
THUỘC LÒNG
Có cái nhục đưa đến tội lỗi ; có cái nhục
là vinh quang và ân sủng (Hc 4,21).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH