BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Cv 4,1-12
1 Khi ông
Phê-rô và ông Gio-an còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền
Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến.2 Họ bực tức vì các ông
giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giê-su mà loan báo kẻ chết sẽ sống
lại.3 Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã
về chiều.4 Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin
theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn.
5 Hôm sau,
các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem.6
Có cả thượng tế Kha-nan, các ông Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê và mọi người
trong dòng họ thượng tế.7 Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng
và tra hỏi: "Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?
"8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ:
"Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục,9 hôm nay
chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về
cách thức người ấy đã được cứu chữa.10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn
dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét,
Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ
cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý
vị.11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá
ấy lại trở nên đá tảng góc tường.12 Ngoài Người ra, không ai đem lại
ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho
nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ."
ĐÁP CA : Tv
117
Đ. Tảng
đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. (c 22)
1 Hãy tạ
ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 2
Ít-ra-en hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 4
Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng:muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
22 Tảng đá
thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 23 Đó chính là
công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. 24 Đây
là ngày Chúa đã làm ra,nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
25 Lạy
Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa, xin thương giúp thành công.26
Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Từ nhà
Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em. 27a Đức Chúa là Thượng Đế,
Người giãi sáng trên ta.
BÀI GIẢNG
TIN
THEO CHÚA PHẢI HIỆP NHẤT VỚI CHỦ CHĂN
Ai nói tôi tin theo Chúa Giêsu, thì phải hiệp nhất với
Đức Giáo hoàng, người kế vị thánh Phêrô, ngài là dấu chỉ của sự hiệp nhất trong
Hội Thánh Công Giáo, vì Đức Giáo hoàng là dấu chỉ Chúa Giêsu đang ở cùng Hội
Thánh mỗi ngày cho đến tận thế. Sự hiệp nhất này phải thể hiện bằng việc làm
bởi Đức Tin :
- Vâng lời, tin
tưởng, yêu mến, cộng tác với thủ lãnh Hội Thánh.
- Cùng hiệp dâng
Thánh Lễ.
- Cùng chung đường
phục vụ với Chúa Giêsu.
I. VÂNG LỜI, TIN TƯỞNG, YÊU MẾN, CỘNG TÁC VỚI THỦ LÃNH
HỘI THÁNH.
Ông Phêrô nói với các anh em trong Nhóm Mười Một: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông liền đáp :
“Chúng tôi cùng đi với anh” (x Ga
21,3).
Thực ra trong số 11 môn đệ còn lại, chỉ có bốn ông làm
nghề đánh cá, thế mà tất cả mọi người trong Nhóm đều đáp lại lời mời gọi của thủ
lãnh Phêrô, dù đêm ấy họ ra đi không bắt được con cá nào, bụng đói nên chèo
thuyền về, chẳng ai phàn nàn trách ông Phêrô. Đây là hình ảnh đẹp diễn tả người
Công Giáo phải hiệp nhất với thủ lãnh Hội Thánh làm việc Tông Đồ, dù chưa đạt
kết quả, nhưng không phàn nàn và chẳng trách cứ ai!
Bởi đó, những ai xưng mình là người thuộc về Chúa Kitô
mà không hiệp thông với thủ lãnh Hội Thánh do Chúa Giêsu chọn, thì công việc
người ấy có làm vì Chúa, cũng chỉ là nhân bản, không diễn tả vinh quang Thiên
Chúa, không sinh ơn cứu độ cho ai, trừ khi không bởi lỗi họ, vì không được ai
dạy cho biết về Hội Thánh (x HCPV số 16).
II. CÙNG HIỆP DÂNG THÁNH LỄ.
Các môn đệ khi đã chèo thuyền vào bờ, thấy Đức Giêsu
đã nướng cá sẵn cho các ông dùng. Cá nướng trên than là dấu chỉ Hy Tế của Chúa
Giêsu. Ngài bảo các ông : “Đem ít cá mới
bắt được tới đây”, thì không phải cả 11 ông xuống thuyền kéo lưới cá lên,
mà chỉ có ông Phêrô (x Ga 21,9-13 : Tin Mừng). Đây là hình ảnh những người Công
Giáo cùng với chủ chăn làm việc Tông Đồ, kết quả được góp chung với thủ lãnh
Hội Thánh, dâng về cho Chúa Giêsu, góp nên một của lễ.
Sở dĩ Chúa Giêsu bảo các môn đệ : “Anh em hãy quăng lưới bên phải thuyền mà bắt
cá”,và các ông đã bắt được mẻ cá lạ lùng,nhiều chưa từng thấy (x Ga
21,6:Tin Mừng).
“Thả lưới bên phải thuyền” là ứng
nghiệm lời ngôn sứ Êzêkiel báo trước về ngày Thiên Chúa ra tay cứu độ loài
người : “Nước từ dưới bên phải Đền Thờ
chảy xuống phía nam bàn thờ, nước chảy tới đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở
đó,có rất nhiều cá đủ loại như cá biển.Trên hai bờ suối sẽ mọc lên mọi giống
cây ăn trái, lá không bao giờ héo tàn, trái không bao giờ hết, trái để ăn, lá
để làm thuốc” (x Ed 47,1-12).
Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra chính là tim Chúa
Giêsu bị đâm thủng, nước và máu dốc ra hết, khơi nguồn các Bí tích (x Ga
2,21;19,34). Để tất cả những ai đã lãnh nhận Bí tích Khai Tâm phát xuất từ suối
đền thờ Thân Thể Chúa Giêsu, thì được trở nên cùng một nguồn gốc, cùng một
xương thịt, cùng một sự sống với Chúa Giêsu (x Dt 2,11.14 ; Ga 6,57). Nhất là mỗi
khi ta hiệp dâng Thánh Lễ, lại được đón nhận hai hiệu quả: Lời Chúa cũng là Di
Chúc (x Dt 9,16) và Bánh Hằng Sống là Chúa Giêsu Phục Sinh (x Ga 6,22t). Nhờ hai
hiệu quả này làm cho ta trở thành người quyền năng:
1- Khi ta
nghe và thực hành Lời Chúa.
Thực vậy, mẻ cá lạ lùng các môn đệ bắt được theo Tin
Mừng Luca ghi lại lời ông Phêrô thưa cùng Đức Giêsu : “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới”
(Lc 5,5). Và Tin Mừng Gioan ghi lại : “Lưới
các ông tóm được 153 con”. Theo ý kiến của thánh Giêrônimô, số cá này là
toàn thể các loại cá dưới biển lọt vào lưới các môn đệ. Đây là dấu chỉ Hội
Thánh vâng Lệnh Chúa Giêsu đi loan báo Tin Mừng khắp thế giới, sẽ thâu họp thêm
môn đệ về cho Chúa Giêsu (x Mt 28,19-20). Quả thật, người Công Giáo khi thực
hành Lời Chúa, họ đạt thành công hơn lòng mơ ước. Đúng như Lời Kinh Thánh nói :
“Ai vui thú với Lề Luật Chúa, nhẩm đi
nhắc lại suốt đêm ngày, người ấy làm gì cũng thành công” (Tv 1,2-3), vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh
sáng chỉ đường con đi” (Tv 119/118,105). Bởi thế, Chúa nói qua miệng ngôn
sứ Isaia : “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh
lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính
của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái
ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số ; tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt,
chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta” (Is 48,18-19). Chính vì thế thánh
Phaolô nhắc nhở môn đệ của mình: “Tất cả
những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc
giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.
Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ
để làm mọi việc lành” (2Tm 3,16-17).
2- Khi ta
được rước Lễ.
Quả thật, hai ông Phêrô và Gioan, khi đã được Chúa
Giêsu Phục Sinh ở cùng, các ông trở thành dụng cụ của Chúa Giêsu, để Ngài bày
tỏ quyền năng của Ngài. Thực vậy, nhờ danh Chúa Giêsu mà ông Phêrô đã làm cho
anh què từ thuở mới sinh được lành mạnh tức khắc. Phép lạ này khiến mọi người
trong dòng họ thượng tế lôi hai ông Phêrô và Gioan ra hội đồng mà xét xử. Họ
hỏi hai ông : “Nhờ quyền năng nào hay
nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?” Bấy giờ ông Phêrô được đầy Thánh Thần
liền nói : “Thưa quý vị thủ lãnh trong
dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã
làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất
cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị
đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành
mạnh ra đứng trước mặt quý vị.Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại
bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá
tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời
này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ
vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,5-12 : Bài đọc).
Vậy nhờ tham dự Thánh Lễ, ta được Hội Thánh ghi tạc
Lời Chúa vào tấm linh hồn và thân xác (x 2Cr 3,3), và lại được rước Lễ (x Mt
26,26-27), Chúa giúp ta làm việc thành công hơn mẻ cá 153 con mà các môn đệ bắt được,
và hơn ông Phêrô chữa lành cho anh què, bởi vì Chúa Giêsu đã hứa : “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì
người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn
hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12). Quả thật, khi ta thực
hành Lời Chúa và hiệp thông Thánh Thể là ta tiếp nối công việc của Chúa Giêsu,
ta đưa rất nhiều người về Thiên Đàng, trong khi Đức Giêsu cả cuộc đời Ngài vất
vả phục vụ theo Lệnh Cha, mà mãi đến cuối đời Ngài mới đưa một anh trộm lành về
Thiên Đàng với Ngài (x Lc 23,43). Vì vậy Đức Giêsu nói : “Nếu anh em ở lại trong Thầy (rước
Lễ) và Lời Thầy ở lại trong anh em (nghe và đem ra thực hành), thì muốn
gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15,7).
III. CÙNG CHUNG ĐƯỜNG PHỤC VỤ VỚI CHÚA GIÊSU.
Thánh Gioan nói: “Ai
nói mình ở lại trong Chúa, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1Ga
2,6). Có chung đường phục vụ loan báo Tin Mừng với Chúa Giêsu mới đạt được kết
quả. Nhìn lại kết quả hai lần ông Phêrô đạt được do việc mục vụ ông làm :
- Lần I : Ông
Phêrô làm cho 3.000 người tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, và ông đã ban Thánh Tẩy
cho họ (x Cv 2,41).
- Lần II : Ông Phêrô ban Thánh Tẩy cho 5.000 người đàn
ông không kể đàn bà con nít, để họ thuộc về Chúa Giêsu Phục Sinh (x Cv 4,4 :
Bài đọc).
Tại sao lần II ông Phêrô
thành công hơn lần I ?
Thưa chỉ vì lần I ông Phêrô giảng Lời mà ông chưa bị
ai đe giết, còn lần II vì phục vụ Tin Mừng mà ông bị tù, bị xét xử, người ta
đòi lấy mạng ông ! (x Cv 4,3.5-6 : Bài đọc). Vì thế ông Tertuliano nói: “ Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống phát
sinh các Kitô hữu”.
Do đó việc Tông Đồ của ta đạt thành công nhiều hay ít,
không chỉ do lệ thuộc vào việc loan báo Lời Chúa và dẫn dắt đồng loại đến kết
hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh, mà còn lệ thuộc vào sự khó nhọc nhiều hay ít của
ta trong công việc Tông Đồ. Vì
thế thánh Phaolô nói : “Ngoài Chúa Giêsu
Kitô chịu đóng đinh, tôi không muốn biết điều gì khác” (1Cr 2,2). Kìa các
môn đệ bị đánh đón và cấm không được nói đến “nhân danh Giêsu”, sau đó được thả
về “lòng các ông vẫn tràn ngập hân hoan,
vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu” (x Cv 5,40-41), nên
ông Phaolô nói : “Tôi vui mừng được chịu
đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin
mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”
(Cl 1,24), để vinh quang của Chúa Cha được thêm nhiều người nhận biết như Đức
Giêsu đã nói với các môn đệ: “Điều làm
Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của
Thầy” (Ga 15,8).
Ai thực hành ba điểm giáo lý trên, dù có phải đau khổ,
cũng chỉ là “thêm mắm thêm muối”, hoặc “cho thêm phần long trọng” vào công việc
của Thiên Chúa. Bởi lẽ nếu chỉ dựa vào sức con người mà không nhờ,với, trong
Chúa Giêsu (x Rm 11,36), thì việc ấy cũng chỉ như con trâu kéo cày, chẳng có
giá trị làm cho con người được cứu độ. Còn nếu hoạt động của con người được
Chúa Giêsu làm Chủ, mới có giá trị vĩnh cửu không có sức mạnh nào cướp mất. Kẻ
nào cướp phá sẽ vô ích và còn mang tội chống Thiên Chúa (x Cv 5,38-39). Do đó cần
phải xác tín rằng : Tất cả thành quả việc Tông Đồ ta đạt được đem lại ơn cứu
độ, đều bởi Chúa Giêsu đã tự hiến mạng sống mình và đã sống lại hiển vinh, đúng
như lời Kinh Thánh nói : “Tảng đá thợ xây
nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118/117,22 : Đáp ca).
Thế nên ta hãy “tạ
ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời
Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118/117,1). Vì yêu thương mà Chúa muốn ta
cộng tác với Ngài cho thắm tình cha con. Như người cha nói với con : “Hôm nay con đi làm vườn nho cho cha nhé”
(Mt 21,28b)
Họa sĩ lừng danh thế giới Leonado Da Vinci khi về già,
khả năng cũng đi theo với tuổi tác, ông không còn linh hoạt như lúc còn trẻ, vẽ
một bức tranh cả ngày cũng chưa đi tới đâu. Vì mệt mỏi, ông thiếp ngủ lúc nào
không biết. Sáng hôm sau, khi thức dậy, ông thấy bức tranh đã hoàn tất tuyệt
vời ! Ông hỏi ra thì mới biết chính con trai ông đã vẽ trong lúc ông ngủ. Ông
sung sướng ôm lấy con và hôn lấy hôn để !
Vậy nếu Chúa Giêsu không sống lại, cũng không có Thánh
Lễ, ai theo Ngài như thế là “kẻ khốn nạn nhất trên đời” (x 1Cr
15,19). Nhưng nhờ được nghe Lời Chúa và rước Lễ, ta được hưởng trọn hiệu quả
mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ngày Chúa Giêsu sống lại là ngày
thứ nhất trong tuần, lặp lại cuộc sáng tạo thuở ban đầu : Ngày thứ nhất trong
tuần Sáng Thế, chỉ một Lời Chúa phán ra, muôn vật trong vũ trụ vô cùng tốt đẹp
tức khắc xuất hiện (x St 1). Nhưng ngày Chúa Giêsu sống lại, Ngài mới làm hoàn
hảo công trình sáng tạo thuở ban đầu. Vì “đây
là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118/117,24 : Tung
Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
Đức Giêsu
nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và
trở thành môn đệ của Thầy.” (Ga 15,8).
Tôi vui mừng
được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu,
tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội
Thánh. (Cl 1,24).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH